Co thắt tâm vị là bệnh lý gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới chất lượng sống của bệnh nhân. Để điều trị co thắt tâm vị, bệnh nhân có thể sử dụng thuốc, phẫu thuật hoặc can thiệp nong bóng hơi. Trong đó, phương pháp nong thực quản bằng bóng hơi đang được áp dụng rộng rãi hiện nay.
1. Co thắt tâm vị là gì?
Co thắt tâm vị là tình trạng rối loạn vận động nguyên phát của thực quản, đặc trưng bởi tình trạng cơ thắt dưới thực quản không giãn, giãn cơ không đầy đủ và không có nhu động thực quản. Người trong độ tuổi 30 - 40 thường mắc bệnh co thắt tâm vị và tỷ lệ mắc bệnh ở 2 giới là ngang nhau.
Bệnh co thắt tâm vị thường tiến triển trong thời gian dài với triệu chứng thường gặp là nuốt nghẹn (cả thức ăn lỏng và thức ăn cứng). Các triệu chứng khác của bệnh gồm nôn ọe, đau ngực, trào ngược, sụt cân, sặc thức ăn, viêm phổi hít,...
Co thắt tâm vị có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm như:
- Biến chứng hô hấp: Viêm phổi tái diễn, áp xe phổi,...;
- Viêm thực quản, có thể dẫn tới hẹp thực quản;
- Ung thư thực quản.
2. Chi tiết phương pháp nong bóng hơi điều trị co thắt tâm vị
Để điều trị co thắt tâm vị, bác sĩ có thể chỉ định các phương pháp sau:
2.1 Điều trị nội khoa
- Dùng thuốc ức chế kênh canxi và nitrate: Có hiệu quả ở 10% trường hợp bệnh nhân co thắt tâm vị, chỉ định cho bệnh nhân lớn tuổi, không thể nong bóng hơi hoặc phẫu thuật;
- Bơm độc tố botulinum: Bơm vào lớp cơ vùng thực quản tâm vị qua nội soi thực quản. Phương pháp này đạt hiệu quả ở 30% trường hợp mắc co thắt tâm vị và hiệu quả có thể kéo dài trong khoảng 1 năm;
- Nong thực quản: Nong vùng thực quản tâm vị bằng bóng bơm hơi là phương pháp dùng 1 bóng hơi có đồng hồ đo áp lực để đưa vào lòng thực quản qua máy nội soi rồi tiến hành bơm căng bóng hơi để làm giãn tối đa cơ thắt thực quản dưới, xé rách cơ thắt gây mất tác dụng co thắt nhưng vẫn giữ nguyên lớp niêm mạc. Sau khi nong bóng hơi, thực hiện chụp kiểm tra thực quản bằng thuốc cản quang tan trong nước nhằm xác định chắc chắn không có thủng thực quản. Phương pháp này có tỷ lệ thành công là 70 - 80% nhưng có nguy cơ biến chứng thủng thực quản (tỷ lệ 5%), trào ngược thực quản (25%) và có 50% bệnh nhân cần nong bóng hơi trên 1 lần. Nếu nong bóng hơi thất bại, phẫu thuật sẽ được chỉ định;
2.2 Điều trị phẫu thuật
Cắt cơ thắt thực quản, cắt cơ Heller.
2.3 Mục đích của phương pháp nong bóng hơi
Mục đích của phương pháp nong bóng hơi điều trị co thắt tâm vị là xé rách các thớ cơ lớp cơ vòng của cơ thắt thực quản dưới. Bóng nong thường được sử dụng là Rigiflex Boston, chọn 1 trong 3 loại đường kính 30, 35 và 40mm. Bóng nong 30mm thường được sử dụng cho những bệnh nhân nong lần đầu tiên. Những bệnh nhân tái phát co thắt tâm vị có thể nong với bóng lớn hơn.
2.4 Chỉ định/chống chỉ định
Chỉ định
Bệnh nhân co thắt tâm vị nguyên phát.
Chống chỉ định
- Bệnh nhân co thắt tâm vị thứ phát hoặc chưa loại trừ ung thư;
- Thoát vị hoành đi kèm tình trạng co thắt tâm vị;
- Viêm thực quản do nấm;
- Có bệnh lý nội khoa nặng như suy hô hấp, nhồi máu cơ tim
2.5 Chuẩn bị nong bóng hơi
- Nhân sự thực hiện: Bác sĩ và phụ tá;
- Phương tiện kỹ thuật: Máy nội soi thực quản dạ dày tá tràng, ống nong bóng hơi đường kính ngang 30 - 35mm, dài 10cm; áp lực kế, dây dẫn; màn huỳnh quang theo dõi;
- Bệnh nhân: Được thực hiện xét nghiệm và giải thích về mục đích phẫu thuật, quá trình thực hiện, nguy cơ tai biến; nhịn ăn 24h trước nong (có thể nuôi ăn qua đường tĩnh mạch), nếu dạ dày giãn to, ứ đọng nhiều thức ăn có thể cần đặt ống sonde hút bớt thức ăn ra ngoài;
- Hồ sơ bệnh án: Chuẩn bị đúng theo thủ tục quy định.
2.6 Thực hiện nong bóng hơi
- Bệnh nhân được gây mê tĩnh mạch hoặc gây mê nội khí quản nếu bệnh nặng, có nhiều bệnh phối hợp;
- Vô cảm bằng thuốc tê xịt tê họng;
- Tư thế bệnh nhân: Nằm nghiêng sang trái;
- Thực hiện nội soi đánh giá thực quản - dạ dày;
- Đặt đầu máy soi ở hang vị, qua kênh sinh thiết thực hiện đưa dây dẫn vào lòng dạ dày;
- Rút máy soi và để lại dây dẫn;
- Đưa bóng nong vào vùng thực quản - tâm vị, theo dõi trên màn huỳnh quang, xác định bóng nong nằm đúng vị trí;
- Bơm hơi ít để thấy vùng bị co thắt;
- Bơm hơi cho đến khi vị trí thắt eo của bóng thấy trên màn hình huỳnh quang được xóa hẳn. Áp lực nong bóng hơi là khoảng 5PSI;
- Nội soi đánh giá hiệu quả nong và chụp X-quang bụng phát hiện sớm biến chứng thủng thực quản.
2.7 Theo dõi và chăm sóc sau khi nong bóng hơi
- Cho bệnh nhân sử dụng thuốc kháng sinh đúng theo chỉ định;
- Theo dõi các dấu hiệu như đau ngực, chảy máu, các triệu chứng nghi ngờ thủng thực quản;
- Nếu nghi ngờ thủng thực quản, bệnh nhân được chụp X-quang phổi hoặc chụp cắt lớp vi tính (CT scan) để đánh giá và xử trí kịp thời.
2.8 Những biến chứng có thể xảy ra
- Chảy máu: Gặp ở hầu hết các bệnh nhân nhưng thường chỉ chảy máu ít;
- Đau: Là biến chứng thường gặp;
- Thủng thực quản: Hiếm khi xảy ra, xử trí theo phác đồ chuẩn.
Hiệu quả của phương pháp nong bóng hơi từ 50 - 93%. Hiệu quả nog tốt hơn ở những trường hợp bệnh nhân sử dụng bóng nong có đường kính lớn hơn (tuy nhiên tỷ lệ biến chứng cũng cao hơn). Khi thực hiện phương pháp này, bệnh nhân nên tuân thủ nghiêm ngặt hướng dẫn của bác sĩ để điều trị bệnh hiệu quả, giảm nguy cơ tai biến.