Giun xoắn (Trichinella spiralis) là loại ký sinh thuộc ngành giun tròn ký sinh ở ruột non của người và gây ra bệnh. Nguyên nhân bị giun xoắn có thể do ăn phải thịt lợn hoặc thịt chuột có kén giun xoắn chưa được nấu chín.
1. Các giai đoạn phát triển của giun xoắn
Người bệnh ăn phải thịt có chứa kén ấu trùng giun xoắn chưa nấu chín sẽ đưa kén vào dạ dày. Tại đây ấu trùng sẽ thoát ra khỏi kén và di chuyển tới ruột non trong 1-2 giờ. Tiếp đó 24 giờ, ấu trùng phát triển thành giun trưởng thành và xâm nhập ký sinh trong niêm mạc ruột non.
Sau 4-5 ngày giun cái có thể đẻ ấu trùng từ 500-1000 con trong thời gian 4-6 tuần. Ấu trùng sẽ xâm nhập hệ tuần hoàn đến tim trái và tới các tổ chức cơ vân, cơ hoành,... ký sinh và tạo kén. Sau 10-15 ngày các kén có ấu trùng này sẽ có khả năng lây nhiễm. Khoảng vài tuần thì ấu trùng giun xoắn từ máu vào cư trú tại cơ vân (tạo kén) và sau 6-9 tháng kén dần bị vôi hóa. Kén giun xoắn trong cơ thể người có thể tồn tại đến vài năm thậm chí 20-30 năm mà vẫn có khả năng lây nhiễm
2. Làm thế nào để chẩn đoán bệnh giun xoắn?
Bệnh giun xoắn được chẩn đoán xác định dựa vào cả triệu chứng lâm sàng và cận lâm sàng. Các biểu hiện lâm sàng có thể có gồm:
- Phù mi mắt: Đây là dấu hiệu sớm và đặc trưng của bệnh, phù đôi khi cả đầu hoặc lan xuống cổ và chi trên, có thể kèm xuất huyết dưới giác mạc, võng mạc
- Đau cơ: Xuất hiện khi hít thở sâu, ho, nhai nuốt hoặc đại tiện. Đau cả mặt và cổ, đau khi vận động và cả khi ăn, nói dẫn đến co cứng cơ và hạn chế vận động
- Sốt nhẹ tăng dần sau 2-3 ngày, thân nhiệt có thể lên tới 39-40°C
- Tiêu chảy, khát nước, đổ nhiều mồ hôi
- Cảm giác ớn lạnh, mệt mỏi kiệt sức
- Biến chứng về tim mạch và thần kinh: Các trường hợp bệnh nặng có thể dẫn tới tử vong do suy cơ tim ở tuần đầu hoặc tuần thứ 2. Ở tuần thứ 3-4 có thể có biến chứng viêm phổi, viêm cơ, viêm não gây tử vong
Các triệu chứng cận lâm sàng có thể có gồm:
- Tăng bạch cầu ái toan ngay những ngày đầu, cao nhất vào tuần thứ 3 của bệnh và kéo dài 2-4 tháng sau khi khỏi, thể nặng có thể tăng tới 50-60%
- Phát hiện kháng thể kháng giun xoắn nhờ vào ELISA dương tính
- Soi phân thấy giun xoắn trưởng thành hoặc ấu trùng giun xoắn trong giai đoạn đầu
- Sinh thiết cơ vận động thấy những nang ấu trùng giun xoắn ở giai đoạn toàn phát
3. Điều trị bệnh giun xoắn
Hiện nay vẫn chưa có thuốc đặc trị giun xoắn mà vẫn phải sử dụng đến các thuốc cổ điển cho nhóm giun tròn nói chung, đặc biệt là với các ấu trùng thành kén nằm trong cơ. Cách điều trị chủ yếu vấn là giảm triệu chứng và ngăn ngừa biến chứng. Một số thuốc điều trị cụ thể như sau:
- Praziquantel 10mg/kg có thể kết hợp corticoid để giảm phản ứng dị ứng
- Albendazole 15mg/kg
- Thiabendazole 25 mg/kg (tác dụng phụ có thể gây chậm tiêu, chóng mặt và đau thượng vị, buồn nôn. Không sử dụng cho phụ nữ có thai hoặc cho con bú)
Ngoài ra, còn cần điều trị nâng đỡ cho bệnh nhân như bù nước, cân bằng điện giải, hạ sốt, giảm đau và nghỉ ngơi tại giường.
Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec với hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế hiện đại cùng đội ngũ chuyên gia, bác sĩ nhiều năm kinh nghiệm trong khám điều trị bệnh, người bệnh hoàn toàn có thể yên tâm thăm khám và điều trị tại Bệnh viện.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
XEM THÊM