Phá thai ảnh hưởng đến cảm xúc của bạn như thế nào?

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa II Lại Thị Nguyệt Hằng - Khoa sản phụ khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long.

Hiện nay, tình trạng phá thai ngày càng diễn ra phổ biến. Đây là hình thức đình chỉ thai cho những trường hợp mang thai ngoài ý muốn, thai bị dị tật, sức khỏe của thai phụ không đảm bảo....

1. Phá thai là gì?

Phá thai là một hình thức để kết thúc một thai kỳ. Có hai phương pháp chính:

  • Phá thai tại phòng khám là một thủ tục y tế được thực hiện bởi bác sĩ
  • Phá thai bằng thuốc liên quan đến việc uống thuốc theo toa

Quyết định chấm dứt thai kỳ là quyết định cá nhân. Trước khi phá thai, bạn sẽ gặp bác sĩ để thảo luận về các lựa chọn của bạn. Bạn cũng sẽ thực hiện một bài kiểm tra, bao gồm một số xét nghiệm, chẳng hạn như siêu âm cũng như xét nghiệm máu để kiểm tra nhóm máu và xem bạn có bị thiếu máu không.

Bạn cũng sẽ được cung cấp một số tài liệu thông tin để tìm hiểu thêm về thủ tục và các mẫu đăng ký. Một số địa điểm sẽ yêu cầu bạn đến trung tâm chăm sóc sức khỏe hoặc tham gia buổi tư vấn trước khi làm thủ tục tại một cuộc hẹn riêng.

Một số nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sẽ không thực hiện phá thai cho đến khi bạn mang thai 5 hoặc 6 tuần, nhưng nhiều người sẽ làm điều đó ngay khi thử thai có kết quả dương tính.

Lưu ý: Nếu bạn có quan hệ tình dục không an toàn trong vòng năm ngày qua, vẫn còn thời gian để sử dụng các biện pháp tránh thai khẩn cấp để tránh mang thai.


Phá thai là một hình thức để kết thúc một thai kỳ
Phá thai là một hình thức để kết thúc một thai kỳ

2. Phá thai tại phòng khám

Đối với hình thức phá thai tại phòng khám, nhân viên y tế sẽ làm tê cổ tử cung của bạn bằng gây tê tại chỗ. Bạn cũng có thể dùng thuốc an thần để thư giãn và giảm đau. Nếu bạn phá thai trong bệnh viện, có thể được chỉ định gây mê toàn thân, nhưng trường hợp này khá hiếm. Bạn cũng sẽ phải sử dụng thuốc kháng sinh để ngăn ngừa nhiễm trùng.

Phá thai bằng hút chân không là kỹ thuật phá thai tại phòng khám phổ biến nhất và thường được thực hiện trong ba tháng đầu của thai kỳ. Với thủ thuật này, bác sĩ hoặc y tá làm giãn cổ tử cung của bạn bằng cách sử dụng thuốc hoặc thanh giãn. (Điều này có thể được thực hiện một vài giờ hoặc tối đa một ngày trước khi làm thủ thuật.) Sau đó, dùng một ống mỏng được đưa vào qua âm đạo và vào tử cung để nhẹ nhàng hút phôi hoặc thai nhi và mô thai. Thủ thuật này thường mất khoảng năm đến 10 phút, nhưng toàn bộ quá trình có thể kéo dài vài giờ

Nạo phá thai là một hình thức phá thai được thực hiện trong tam cá nguyệt thứ hai của thai kỳ (sau 13 hoặc 14 tuần của thai kỳ), có thể được thực hiện tại phòng khám hoặc bệnh viện. Các bước thực hiện nạo hút tương tự như hút chân không. Tuy nhiên, cổ tử cung của bạn sẽ cần được giãn ra nhiều hơn vì thai nhi lúc này đã lớn hơn. Để làm được điều này có thể bạn sẽ phải dùng đến thuốc hoặc đặt một que giãn trong cổ tử cung để nó mở ra, thường việc này cần được thực hiện trước khi làm thủ thuật một ngày. Bác sĩ sẽ sử dụng các dụng cụ y tế như dụng cụ uốn, kẹp hoặc các dụng cụ khác cũng như hút để loại bỏ mô thai. Quá trình này kéo dài từ ​​10 đến 20 phút.

Sau khi làm thủ thuật phá thai, bạn sẽ dành ít nhất 30 phút trong phòng hồi sức. Bạn cũng sẽ nhận được hướng dẫn về cách chăm sóc bản thân tại nhà và bạn có thể liên hệ nếu bạn có thắc mắc hoặc bất cứ mối quan tâm nào khác.

Vào ngày thực hiện thủ thuật, bạn nên nghỉ ngơi. Thường bạn sẽ bị đau bụng trong một hoặc hai ngày và có thể bị chảy máu âm đạo tới hai tuần. Tuy nhiên, một số trường hợp không có bất cứ triệu chứng nào cả.

Bạn thường có thể trở lại làm việc hoặc đi học và tiếp tục các hoạt động thông thường vào ngày sau khi phá thai, nhưng tránh tập nặng hoặc tập thể dục vất vả trong vài ngày.

Sử dụng biện pháp tránh thai ngay khi bạn tiếp tục quan hệ tình dục sau khi phá thai vì có thể nhanh chóng có thai lại. Tại một số phòng khám, bạn có thể được ngừa thai, bao gồm dụng cụ tử cung (DCTC) hoặc cấy ghép, vào cùng ngày bạn có quy trình phá thai.

3. Phá thai bằng thuốc tránh thai

Phá thai bằng thuốc bao gồm uống thuốc theo toa để đẩy phôi ra khỏi tử cung. Phương pháp này được coi là hiệu quả nhất với tỷ lệ từ 93 đến 98%. Phá thai bằng thuốc tránh thai thường không được khuyến cáo sử dụng sau 10 tuần mang thai (tính từ kỳ kinh nguyệt cuối cùng).

Thuốc phá thai thực chất là bao gồm hai loại thuốc: Mifepristone và misoprostol. Mifepristone ngăn chặn hormone progesterone, mà cơ thể cần cho thai kỳ, và misoprostol mở cổ tử cung và gây ra các cơn co thắt.

Bạn uống thuốc mifepristone trước. Trong vòng 48 giờ tới, bạn uống misoprostol bằng cách đặt thuốc giữa lợi và má. Bạn cũng có thể được kê đơn thuốc kháng sinh để ngăn ngừa nhiễm trùng.

Sau khi uống lượt thuốc thứ hai, bạn sẽ bắt đầu bị đau bụng và chảy máu nhiều. Những triệu chứng này giảm dần khi mô thai đã bị đẩy ra ngoài. Quá trình này thường xảy ra trong vòng 24 giờ, nhưng có thể mất tới vài ngày. Tình trạng chảy máu có thể tiếp tục trong khoảng hai tuần.

Nếu bạn dự định uống những viên thuốc này, hãy chắc chắn rằng bạn đang ở một nơi thoải mái, nơi bạn có thể nghỉ ngơi, lý tưởng nhất là có người hỗ trợ bạn. Bạn có thể dùng thuốc giảm đau như ibuprofen, nhưng tuyệt đối không uống aspirin vì nó có thể khiến bạn chảy máu nhiều hơn.


Phá thai là một hình thức để kết thúc một thai kỳ
Phá thai là một hình thức để kết thúc một thai kỳ

Không nên đặt tampon (hoặc bất cứ thứ gì khác) vào âm đạo của bạn và tránh quan hệ tình dục trong ít nhất một tuần sau đó.

Bạn cũng có thể bị ớn lạnh, sốt hoặc buồn nôn sau khi uống viên thuốc thứ hai, nhưng các biểu hiện này cũng sẽ hết trong vòng 24 giờ. Các nhân viên y tế sẽ hướng dẫn cho bạn bằng văn bản về những việc cần làm và kết quả mà bạn mong đợi trong và sau khi bạn dùng thuốc cũng như số điện thoại để bạn liên lạc nếu bạn cần thêm thông tin hoặc có vấn đề.

Bạn sẽ được cho biết làm thế nào để đảm bảo thuốc làm việc. Điều này có thể liên quan đến việc quay trở lại phòng khám để kiểm tra, xét nghiệm máu hoặc nước tiểu hoặc theo dõi các triệu chứng của bạn.

Bạn thường có thể trở lại làm việc và tiếp tục các hoạt động thông thường của bạn sau khi bạn uống thuốc loại thuốc thứ hai, nhưng tránh tập nặng hoặc tập thể dục trong vài ngày.

Bắt đầu sử dụng biện pháp tránh thai ngay sau khi phá thai vì bạn có thể dễ dàng mang thai trở lại. Một số phòng khám có thể cung cấp cho bạn các biện pháp tránh thai (bao gồm cấy ghép hoặc tiêm) vào cùng ngày bạn dùng mifepristone. Đối với IUD (Dụng Cụ Tránh Thai), bạn cần quay lại phòng khám để đặt nó vào sau khi phá thai xong.

Không bao giờ mua thuốc phá thai qua Internet. Mifepristone và misoprostol cần có toa thuốc và chỉ nên được sử dụng dưới sự giám sát y tế. Nếu bạn đặt thuốc qua trực tuyến, không có cách nào để xác minh rằng chúng an toàn. Ngoài ra, các nhân viên y tế có thể đảm bảo bạn dùng thuốc đúng cách và giúp đỡ nếu bạn có bất kỳ biến chứng nào.

Những loại thuốc này không được khuyến nghị cho những phụ nữ mắc một số bệnh nhất định (như thiếu máu, suy tuyến thượng thận mãn tính hoặc mang thai ngoài tử cung ), những người dùng một số loại thuốc (như thuốc chống đông máu) hoặc đặt vòng tránh thai. Các bác sĩ có thể giúp đánh giá xem phá thai bằng thuốc có phù hợp hơn với bạn hay không.

4. Phá thai ảnh hưởng đến cảm xúc của bạn như thế nào?

Mỗi người phụ nữ sẽ xuất hiện các phản ứng khác nhau, và không có cảm xúc nào là đúng hay sai. Một số phụ nữ cảm thấy nhẹ nhõm sau khi kết thúc một thai kỳ không mong muốn. Những người khác cảm thấy có lỗi hoặc buồn phiền. Nhiều phụ nữ lại có sự kết hợp của các trạng thái cảm xúc.

Bạn có thể sẽ cảm thấy rất đau buồn, tuyệt vọng hoặc cần hỗ trợ về mặt cảm xúc nếu bạn kết thúc mang thai vì lý do sức khỏe (muốn bảo vệ sức khỏe của chính bạn, hoặc vì em bé của bạn có vấn đề về sức khỏe), nếu bạn có tiền sử về các vấn đề sức khỏe tâm thần, hoặc nếu những người gần gũi với bạn không ủng hộ quyết định phá thai của bạn.

Nếu bạn cảm thấy vô cùng buồn bã sau khi phá thai, hãy tìm một người để nói chuyện. Tâm sự với một người bạn hoặc thành viên gia đình, nói chuyện với y tá hoặc bác sĩ của bạn, hoặc gọi tới một đường dây hỗ trợ cho những phụ nữ đã phá thai.


Một số người cảm thấy có lỗi hoặc buồn phiền sau phá thai
Một số người cảm thấy có lỗi hoặc buồn phiền sau phá thai

5. Biến chứng do phá thai

Phá thai là thủ thuật khá an toàn khi được thực hiện (hoặc thuốc theo quy định) bởi nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe được cấp phép. Biến chứng rất hiếm xảy ra và thường dễ điều trị. Một số biến chứng có thể xảy ra, bao gồm:

  • Phá thai thất bại: Quy trình thực hiện sẽ được theo dõi sát, bằng cách hút chân không hoặc dùng thuốc.
  • Nhiễm trùng: Được điều trị bằng kháng sinh.
  • Chảy máu nhiều: Phần lớn dấu hiệu chảy máu sau khi phá thai là bình thường, nhưng một số trường hợp chảy máu nặng có thể cần được truyền máu.
  • Tổn thương cổ tử cung, tử cung hoặc các cơ quan khác: Các dụng cụ được sử dụng trong một số ca phá thai tại phòng khám có thể tạo ra một lỗ nhỏ trên tử cung hoặc làm rách cổ tử cung. Nguy cơ của các biến chứng như vậy là ít hơn 1/ 1.000. Chúng có thể có nhiều khả năng xảy ra hơn nếu bạn mắc một số vấn đề về sức khỏe(chẳng hạn như u xơ tử cung), nếu bạn đã từng thực hiện phẫu thuật trước đó, hoặc nếu bạn tiếp tục mang thai.
  • Phản ứng dị ứng với thuốc: Điều này cần được yêu cầu chăm sóc y tế khẩn cấp.
  • Cục máu đông trong tử cung: Điều này có thể dẫn đến tình trạng đau bụng nghiêm trọng và có thể cần thực hiện thủ thuật hút chân không.

Liên hệ ngay với bác sĩ nếu bạn có bất kỳ triệu chứng nào sau đây sau khi phá thai:

  • Đau bụng hoặc đau lưng dữ dội
  • Chảy máu nhiều
  • Dịch có mùi hôi
  • Sốt
  • Yếu, buồn nôn, nôn và / hoặc tiêu chảy kéo dài hơn 24 giờ sau khi uống misoprostol.

Trước khi phá thai, chị em cũng cần chuẩn bị sức khỏe tốt nhất, có chế độ ăn uống hợp lý, ngủ đủ giấc để có được thể trạng tốt nhất.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: babycenter.com

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe