Ốm nghén thường nặng nhất vào giai đoạn nào?

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi các Bác sĩ Sản phụ khoa - Khoa sản phụ khoa, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng

Ốm nghén là tập hợp của các triệu chứng vô cùng khó chịu do sự thay đổi nội tiết tố sinh lý khi mang thai. Ốm nghén mức độ nặng có thể gây ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ bà bầu.

1. Ốm nghén do mang thai là gì?

Ốm nghén là tổng hợp của các biểu hiện khó chịu xảy ra giai đoạn đầu của thai kỳ. Trong đó, nổi bật nhất là triệu chứng buồn nôn và nôn ói. Có đến khoảng từ 50% đến 90% phụ nữ mang thai phải chịu đựng các cơn buồn nôn và ói mửa mỗi ngày khi trải qua giai đoạn ốm nghén. Tuy nhiên, chỉ có 1% trong số đó thực sự được xem là ốm nghén nặng và cần đến trợ giúp y tế.

Nguyên nhân gây ra ốm nghén trong thai kỳ cho đến nay vẫn chưa thấy có cơ chế nào rõ ràng. Một số giả thiết được đặt ra là do sự thay đổi nội tiết tố sinh lý khi mang thai. Trong đó, khi nồng độ progesterone tăng cao sẽ làm giãn các cơ của hệ tiêu hóa, dẫn đến thức ăn trong dạ dày bị đẩy lên thực quản tạo cảm giác buồn nôn. Chất này còn làm thức ăn trong dạ dày chậm tiêu hóa hơn bình thường, gây chứng khó tiêu. Bên cạnh đó, một số phụ nữ có hệ thần kinh vốn nhạy cảm sẽ có phản xạ rất mạnh với những thay đổi trong cơ thể, nhất là khi mang thai.

Trắc nghiệm: Bạn có hiểu đúng về dấu hiệu mang thai sớm?

Các dấu hiệu mang thai sớm không phải chỉ mỗi trễ kinh mà còn có rất nhiều dấu hiệu khác như xuất huyết âm đạo, ngực căng tức,… Điểm xem bạn biết được bao nhiêu dấu hiệu mang thai sớm thông qua bài trắc nghiệm này nhé!

2. Khi nào bắt đầu bị ốm nghén?

Thời điểm xảy ra dấu hiệu ốm nghén đầu tiên khác nhau ở sản phụ này so với sản phụ khác. Tuy nhiên, hầu hết các phụ nữ bắt đầu cảm thấy khó chịu do thai kì bắt đầu khoảng nửa chừng trong ba tháng đầu tiên, giữa tuần thứ sáu và tuần thứ tám của tuổi thai.

Nói một cách khác, mẹ bầu hoàn toàn không có triệu chứng gì bất thường trước tuần lễ thứ sáu. Và điều này cũng có nghĩa là cơn nôn ói đầu tiên đột ngột vào ngay lúc thức dậy sau những ngày trễ kinh là tin báo hiệu bạn đã mang thai.


Hầu hết các phụ nữ bắt đầu cảm thấy khó chịu do thai kì bắt đầu khoảng nửa chừng trong ba tháng đầu tiên
Hầu hết các phụ nữ bắt đầu cảm thấy khó chịu do thai kì bắt đầu khoảng nửa chừng trong ba tháng đầu tiên

3. Ốm nghén thường nặng nhất vào giai đoạn nào?

Ốm nghén khi mang thai còn có tên gọi là “bệnh buổi sáng” (Morning sickness) do các triệu chứng thường nặng nề vào lúc mới thức dậy. Tuy thế, phần lớn các mẹ bầu đều có thể bị ảnh hưởng tại bất cứ thời điểm nào trong ngày, nhất là khi có sự kích thích về mùi, vị thức ăn hay cả âm thanh, ánh sáng, nơi đông người. Không những thế, mẹ bầu còn gặp phải cảm giác chán ăn, thường xuyên thấy mệt mỏi, thiếu năng lượng, không thể tập trung vào bất cứ điều gì khác hơn ngoài cảm giác buồn nôn, nhức đầu, chóng mặt, rối loạn giấc ngủ...

Đỉnh điểm của các rối loạn này cũng thay đổi trên từng sản phụ nhưng phần lớn là tập trung nhiều quanh tuần lễ thứ chín của thai kì. Một số giả thiết được đặt ra để giải thích cho vấn đề này là do đây là mốc thời gian hình thành trọn vẹn các cơ quan của bào thai. Dưới sự huy động một lượng lớn các nguyên liệu, chất xúc tác, phản ứng chuyển hóa và nồng độ hormone tăng trưởng, những cơn “bùng nổ sinh hóa” khiến cơ thể người mẹ mất căn bằng và hoạt động của các hệ cơ quan từ đó cũng bị xáo động theo.

Bên cạnh đó, cũng cần phải xác định rõ ràng là ốm nghén không phải là “biểu hiệu” tốt hay xấu về tình trạng mang thai và cũng không phản ánh được gì về sự phát triển của em bé cũng như giúp đánh giá điều kiện sức khỏe của mẹ. Tuy nhiên, nếu sản phụ bị mất nước, rối loạn điện giải nặng do nôn ói, sụt cân nghiêm trọng là điều đáng báo động và nên nhập bệnh viện để được can thiệp kịp thời. Trong những trường hợp ốm nghén gây ảnh hưởng đến tính mạng sản phụ, chỉ định đình chỉ thai kỳ có thể được đặt ra.

4. Khi nào ốm nghén kết thúc?


Sau những ngày “thai hành” vất vả, hầu hết các phụ nữ sẽ cảm thấy thuyên giảm vào tuần thứ 16
Sau những ngày “thai hành” vất vả, hầu hết các phụ nữ sẽ cảm thấy thuyên giảm vào tuần thứ 16

Sau những ngày “thai hành” vất vả, hầu hết các phụ nữ sẽ cảm thấy thuyên giảm vào tuần thứ 16. Chỉ một số nhỏ (khoảng 10%) còn bị buồn nôn và nôn kéo dài trong suốt thai kỳ cho đến lúc sinh.

Chính vì vậy, nếu bạn vẫn còn bị ốm nghén liên tục qua thời điểm này, dù nặng hay nhẹ, đừng cố chịu đựng vì sẽ gây ảnh hưởng đến sức khỏe không phải chỉ của riêng bạn mà còn của sự phát triển của thai nhi. Thai dễ bị suy trường diễn do không nhận đủ năng lượng từ mẹ, chậm phát triển thể lực – tâm thần về sau. Thay vào đó, hãy báo cho bác sĩ sản khoa biết để được hỗ trợ y tế.

Ngoài một số loại thuốc được bác sĩ kê toa, các sản phụ nên dùng thêm các loại thảo dược hay mùi vị giúp cơ thể cảm thấy dễ chịu hơn, như mùi sả, kẹo gừng, trà gừng hoặc bổ sung các loại vitamin, khoáng chất, uống đủ nước. Bên cạnh đó, một chế độ nghỉ dưỡng hoàn toàn, tuyệt đối tránh căng thẳng, lo lắng hay không còn phải vướng bận lao động, tư duy sẽ giúp người sản phụ thoải mái và dịu đi cảm giác khó chịu của ốm nghén. Ngoài ra, một số liệu pháp vật lý bên ngoài như châm cứu, bấm huyệt, thôi miên, xoa bóp, thư giãn cơ liên tục... cũng đang từng bước chứng minh tính hiệu quả trong điều trị ốm nghén khi mang thai.

Tóm lại, hiện tượng ốm nghén khá thường gặp ở các phụ nữ mang thai, xảy ra trong ba tháng đầu với đỉnh điểm là tuần thứ chín. Những kiến thức cơ bản về vấn đề này sẽ phần nào giúp các mẹ có cách “ứng phó”, vượt qua tháng ngày “mang nặng, đẻ đau” một cách nhẹ nhàng nhất để đón con chào đời.

Nghén nặng thường xảy ra trong tam cá nguyệt thứ 1, nếu không được can thiệp kịp thời sẽ gây ra ngộ độc thai nghén rất nguy hiểm. Ngoài ra đây cũng là thời điểm nhạy cảm nhất trong suốt thai kỳ, rất dễ sảy thai. Để mẹ và bé được khỏe mạnh, bạn nên khám thai thường xuyên, đặc biệt là khi tình trạng nghén ngày một nặng để bác sĩ có những can thiệp kịp thời.

Ốm nghén thường nặng nhất vào giai đoạn nào?

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe