Bài viết được viết bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Như Thu Trúc - Bác sĩ Sản phụ khoa - Khoa Sản phụ khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang.
Giai đoạn mang thai rất cần được bổ sung các chất dinh dưỡng. Tuy nhiên, chế độ ăn uống hàng ngày đôi khi không cung cấp được đầy đủ các chất cần thiết, nhất là các loại vi lượng và sinh tố.
1. Vấn đề thiếu máu ở phụ nữ mang thai là gì?
Giống như người bình thường, để xác định có thiếu máu hay không là phải nhờ vào xét nghiệm nồng độ hemoglobin (Hb) trong máu. Phụ nữ có thai được chẩn đoán là thiếu máu khi Hb dưới 11g/dl.
Mặc dù có rất nhiều nguyên nhân gây thiếu máu, ở phụ nữ mang thai, nguyên nhân thiếu máu do thiếu sắt. Đây là hệ quả của tình trạng cơ thể không được cung cấp đủ lượng sắt cần thiết để tạo hemoglobin, một thành phần có bản chất là protein, đảm nhiệm chức năng chủ yếu của hồng cầu.
Phụ nữ trong lứa tuổi sinh sản vốn dĩ là đối tượng có nguy cơ thiếu máu rất cao, khi mang thai, nhu cầu chất sắt còn tăng lên gấp nhiều lần nhằm cung cấp cho bào thai. Lúc này, tình trạng thiếu máu càng bị thúc đẩy nặng nề. Chính vì thế, phụ nữ bị suy dinh dưỡng trước khi mang thai kèm theo chế độ dinh dưỡng nghèo nàn, không được nghỉ ngơi hợp lý sẽ càng gây thiếu máu nhiều hơn.
2. Mối nguy hiểm của thiếu máu đối với thai kỳ như thế nào?
Vai trò của hemoglobin là mang oxy theo dòng máu đi đến cung cấp cho các chuyển hóa tạo năng lượng tại từng tế bào, đặc biệt là các cơ quan quan trọng như não, tim. Vì vậy, ở người bình thường, tình trạng thiếu máu sẽ làm cho cơ thể suy nhược, mệt mỏi, giảm khả năng gắng sức, kém tập trung. Nếu thiếu máu diễn tiến kéo dài sẽ làm tăng nguy cơ suy dinh dưỡng, mắc các bệnh lý tim mạch, dễ nhiễm trùng tái đi tái lại. Tuy nhiên, thiếu máu ở sản phụ sẽ gây ảnh hưởng xấu không chỉ bản thân người mẹ mà còn ở cả thai nhi.
Đối với sản phụ, sảy thai dễ xảy ra trong tam cá nguyệt đầu hay thai lưu hoặc vỡ ối sớm, nhau bong non, sinh non trong tam cá nguyệt cuối. Đồng thời, giai đoạn thai kỳ cũng phải đối diện với nguy cơ cao bị tăng huyết áp thai kỳ, tiền sản giật – sản giật, nhiễm trùng ối, ối vỡ sớm; giai đoạn chuyển dạ dễ bị chuyển dạ kéo dài, băng huyết sau sanh, nhiễm trùng hậu sản. Khi trẻ chào đời, bà mẹ có thể bị thiếu sữa nuôi con, dễ suy kiệt...
Đối với bào thai, tình trạng suy thai trường diễn do suy dinh dưỡng thường gặp. Trẻ sinh ra hay bị nhẹ cân, sinh non tháng, vàng da sau sinh, thời gian điều trị dưỡng nhi kéo dài. Bên cạnh đó, con của những bà mẹ thiếu máu trong thai kỳ sẽ bị tăng nguy cơ mắc các bệnh lý tim mạch cao hơn trẻ khác về sau này.
Chính vì vậy, việc duy trì hemoglobin trong giới hạn sinh lý là rất quan trọng ở dân số bình thường nói chung, các phụ nữ mang thai nói riêng. Đồng thời, thai kỳ có thiếu máu do thiếu sắt sẽ được xem là một thai kỳ nguy cơ cao.
3. Cách điều trị cho phụ nữ mang thai có thiếu máu thiếu sắt như thế nào?
Một chế độ dinh dưỡng đầy đủ luôn là mối quan tâm của các bà bầu nói chung, các phụ nữ mang thai thiếu máu nói riêng. Trong đó, các bác sĩ luôn khuyên rằng sản phụ nên tập trung nhiều vào các nguồn thực phẩm giàu chất sắt.
Đó là các thực phẩm có màu đỏ đậm và xanh đậm, như thịt đỏ (thịt bò, thịt heo, thịt cừu... thịt càng sẫm màu thì càng chứa nhiều chất sắt), cá béo, động vật thân mềm (sò, ốc, trai...), gan, lòng đỏ trứng, đậu đỗ và các loại rau ranh (cải xoong, cải xanh, mồng tơi, tần ô,...). Bên cạnh đó, việc hấp thu chất sắt sẽ trở nên hiệu quả hơn nếu đồng thời ăn thêm các trái cây giàu vitamin C sau bữa ăn, như ổi, cam, quýt, bưởi, dâu, cà chua, kiwi, đu đủ, sơ ri... Nên ăn nguyên trái thay vì ép lấy nước, vì trái cây còn cung cấp lượng lớn chất xơ, giúp đi đại tiện dễ dàng, phòng tránh táo bón.
Tuy nhiên, không phải bà bầu nào cũng có khả năng tiêu thụ hết một bữa ăn như khuyến cáo, do chứng nôn ói khi ốm nghén trong tam cá nguyệt đầu hay tam cá nguyệt cuối dễ bị đầy bụng, ăn mau no do thai lớn, chèn ép vào dạ dày. Lúc này, để kiểm soát tình trạng thiếu máu thiếu sắt nói riêng hay thiếu vi chất dinh dưỡng trong thai kỳ nói chung, ngoài chế độ ăn hàng ngày, các bà bầu cần chủ động bổ sung thêm bằng các viên sinh tố tổng hợp đặc chế riêng cho phụ nữ có thai.
4. Cách sử dụng các loại thuốc bổ sung sắt đúng cách như thế nào?
Ngay từ khi biết mình mang thai, sản phụ nên bắt đầu việc bổ sung sắt mỗi ngày. Việc này cũng cần duy trì đều đặn cho đến khi sau sinh ít nhất một tháng, bởi lẽ trẻ sơ sinh vẫn có nguy cơ thiếu máu thiếu sắt khi nguồn sữa mẹ không được đảm bảo.
Để các loại thuốc bổ sung sắt và vitamin tổng hợp được hấp thu trọn vẹn và giảm thiểu các tác dụng khó chịu, các sản phụ cần biết cách sử dụng đúng. Các chuyên gia đề nghị bà mẹ mang thai nên uống khoảng 27 mg sắt mỗi ngày trong thời gian mang thai. Trên thị trường hiện nay có ba loại thuốc bổ sung sắt là sắt gluconate, sắt fumarat và sắt sulfate. Cả ba loại này đều dùng được do đều chứa hàm lượng sắt nguyên tố thích hợp với một viên một ngày.
Tuy vậy, sắt gluconate và sắt fumarat được ưu tiên chọn lựa hơn vì đây là sắt hữu cơ, dễ hấp thụ hơn sắt sulfate là sắt vô cơ. Mặt khác, ngoài bổ sung sắt, sản phụ nên lựa chọn viên thuốc phối hợp với acid folic nhằm đề phòng các dị tật ống thần kinh ở thai nhi do thiếu acid folic như tật vô sọ, cột sống chẻ đôi...
Chất sắt được hấp thu tốt nhất khi pH dạ dày thấp, đó là khi bụng đói vào buổi sáng sớm mới thức dậy. Đây là thời điểm lý tưởng nhất trong ngày để uống thuốc sắt. Tuy nhiên, một số ít bà bầu dễ bị lợm giọng, buồn nôn, cồn cào đầy bụng khi uống sắt với bụng đói.
Thay vào đó, bác sĩ sẽ khuyên uống sắt cách xa bữa ăn như trước khi đi ngủ; lúc đầu uống cách nhật, sau uống hàng ngày hay uống sắt dùng kèm với các loại thực phẩm, trái cây giàu vitamin C để việc hấp thu chất sắt vẫn được bảo đảm; tránh uống trà, cà phê, nước ngọt có gas, sữa và các sản phẩm từ sữa cùng lúc với uống viên sắt do làm giảm hấp thu sắt.
Bên cạnh đó, các bà bầu cũng cần biết rằng các tác dụng không mong muốn của việc uống sắt như rối loạn tiêu hóa hay táo bón, tiêu chảy sẽ mau chóng thuyên giảm sau vài ngày kiên nhẫn uống thuốc; đồng thời, ăn thêm hoa quả, rau củ để tăng cường chất xơ, dễ dàng đại tiện. Thêm một lưu ý nhỏ là khi uống viên sắt, phân có thể có màu đen nhưng không đáng ngại, ngừng uống sẽ hết.
Ngoài ra, bên cạnh viên uống bổ sung sắt đơn thuần, trên thị trường cũng có đa dạng các loại thuốc giúp cung cấp đầy đủ các vitamin và chất vi lượng cần thiết, kể cả chất sắt, phù hợp theo từng giai đoạn thai kỳ. Đồng thời, bữa ăn cũng cần ưu tiên dùng muối Iot, các loại cá biển nhằm đảm bảo lượng iot cần thiết cho sự phát triển trí não của bào thai; nếu thiếu iot làm con sinh ra bị suy giáp bẩm sinh, chậm phát triển tâm thần – trí tuệ...
Thiếu máu khi mang thai không còn là nỗi lo lắng quá mức với những bữa ăn đầy đủ năng lượng, đa dạng các loại thực phẩm cùng các viên thuốc bổ sung chất sắt, các sinh tố thiết yếu dùng mỗi ngày một viên vô cùng tiện lợi.
Trong quá trình mang thai, nếu có triệu chứng bất thường, bạn nên được thăm khám và tư vấn với bác sĩ chuyên khoa.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.