Viêm thực quản tăng bạch cầu ái toan là một dạng bệnh mãn tính, xảy ra qua trung gian hệ miễn dịch bởi các chất gây dị ứng thực phẩm. Tình trạng này được biểu hiện bằng một số triệu chứng rối loạn chức năng của thực quản. Không chỉ vậy, viêm thực quản cũng có biểu hiện chiếm ưu thế bởi các tế bào bạch cầu ái toan. Vậy, cụ thể là như thế nào?
Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của bác sĩ Bác sĩ Mai Viễn Phương - Khoa Khám bệnh & Nội khoa, tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.
1. Viêm thực quản là gì? Viêm thực quản tăng bạch cầu ái toan là gì?
Viêm thực quản là tình trạng lớp niêm mạc ở thực quản bị tổn thương, gây sưng và đau. Người mắc bệnh thường có các triệu chứng như khó nuốt, đau khi nuốt, cảm giác vướng trong cổ họng hoặc đau ngực. Tình trạng này có thể kéo dài và trở thành mãn tính nếu không được chẩn đoán cũng như điều trị kịp thời.
Viêm thực quản tăng bạch cầu ái toan hay viêm thực quản ái toan (EoE) là tình trạng viêm xảy ra tại thực quản. Khi mắc bệnh, bạch cầu ái toan tích tụ ở lớp niêm mạc bên trong thực quản, giải phóng các chất gây viêm vào mô xung quanh và dẫn đến tình trạng viêm mãn tính.
Sự tích tụ bạch cầu ái toan thường xảy ra do phản ứng với các tác nhân gây dị ứng từ thực phẩm hoặc môi trường. Nếu không được điều trị, tình trạng viêm có thể dẫn đến hình thành mô sẹo, làm hẹp thực quản và gây khó khăn trong việc nuốt.
Căn bệnh này ảnh hưởng tới trẻ em và người lớn ở mọi lứa tuổi trên toàn cầu. Bệnh ảnh hưởng tới cả nam lẫn nữ, nhưng nam giới có tỷ lệ mắc bệnh cao hơn.

2. Dấu hiệu viêm thực quản tăng bạch cầu ái toan
Khó nuốt là triệu chứng viêm thực quản ái toan phổ biến nhất, xuất hiện ở 60% đến 100% người bệnh. Cùng với đó, khoảng 25% số bệnh nhân xảy ra hiện tượng trào ngược thức ăn. Một số dấu hiệu đi kèm của bệnh bao gồm ợ chua, đau bụng trên và đau ngực.
Ở một số trường hợp, các cơn bùng phát có thể xuất hiện. Điều này có nghĩa là các triệu chứng bất ngờ xuất hiện rồi sau đó biến mất ở bất kỳ thời điểm nào. Không chỉ vậy, bệnh nhân có thể đã mắc căn bệnh này trong một thời gian dài trước khi được chẩn đoán.

3. Những phương pháp chẩn đoán bệnh viêm thực quản tăng bạch cầu ái toan
Khoảng 50-60% bệnh nhân viêm thực quản ái toan (EoE) có tiền sử mắc các bệnh dị ứng như hen suyễn, viêm da dị ứng hoặc viêm mũi. Ngoài ra, nếu trong gia đình có người mắc EoE hoặc gặp vấn đề về khó nuốt, nguy cơ mắc bệnh sẽ cao hơn.
3.1 Dấu hiệu trên hình ảnh nội soi
Khi nội soi thực quản, bác sĩ đánh giá các dấu hiệu của viêm thực quản ái toan (EoE) dựa trên hệ thống điểm EREFS, bao gồm các đặc điểm:
- Tiết dịch (dịch trắng hoặc mủ trên niêm mạc).
- Vòng niêm mạc (vùng thực quản có hình dạng giống vòng nhẫn).
- Phù nề (niêm mạc sưng lên).
- Rãnh dọc (đường rãnh trên niêm mạc thực quản).
- Hẹp thực quản (làm lòng thực quản bị thu nhỏ).
Tuy nhiên, các đặc điểm này không đặc hiệu cho viêm thực quản tăng bạch cầu ái toan và trong 5-10% trường hợp, thực quản có thể trông bình thường trên nội soi. Vì vậy, sinh thiết thực quản là cần thiết để chẩn đoán chính xác.
Tiêu chuẩn chẩn đoán viêm thực quản tăng bạch cầu ái toan:
- Sinh thiết phải cho thấy ít nhất 15 tế bào bạch cầu ái toan trên một quan trường phóng đại cao.
- Các dấu hiệu mô học khác có thể hỗ trợ bao gồm: vi hấp thu bạch cầu ái toan, tăng sản nhú ở vùng đáy, giãn các khoảng gian bào và xơ hóa ở lớp đệm thực quản.
Một bệnh nhân có triệu chứng rối loạn chức năng thực quản kết hợp với sinh thiết cho thấy, ít nhất 15 bạch cầu ái toan trên quang trường sẽ được nghi ngờ mắc viêm thực quản tăng bạch cầu ái toan. Tuy nhiên, chẩn đoán chỉ được xác nhận khi các nguyên nhân khác đã được loại trừ như:
- Viêm dạ dày ruột tăng bạch cầu ái toan.
- Bệnh Crohn.
- Bệnh mô liên kết.
- Viêm mạch.

3.2 Các hoạt chất mới xuất hiện trong bệnh viêm thực quản bạch cầu ái toàn
Eotaxin-3 là một chất hóa học mạnh có tác dụng thu hút bạch cầu ái toan đến thực quản. Trong viêm thực quản tăng bạch cầu ái toan (EoE), mức eotaxin-3 trong niêm mạc thực quản tăng hơn 50 lần so với người bình thường.
Cơ chế kích hoạt hệ miễn dịch và sản xuất eotaxin-3:
Khi cơ thể tiếp xúc với các kháng nguyên (như dị nguyên thực phẩm), hệ miễn dịch được kích hoạt. Tế bào trình diện kháng nguyên nhận diện kháng nguyên và kích thích các tế bào T CD4+ chưa trưởng thành biệt hóa thành tế bào Th2.
- Tế bào Th2 tiết ra các cytokine như IL-4, IL-5 và IL-13, là những chất gây viêm đặc trưng của các bệnh dị ứng, bao gồm EoE.
- IL-4 và IL-13 kích thích các tế bào biểu mô thực quản sản xuất eotaxin-3.
- IL-5 thúc đẩy sự di chuyển của bạch cầu ái toan từ tủy xương vào máu và đến các mô.
Eotaxin-3 hoạt động như một tín hiệu thu hút bạch cầu ái toan đến thực quản. Tại đây, bạch cầu ái toan giải phóng các chất gây viêm, dẫn đến tổn thương và viêm mãn tính niêm mạc thực quản.
Cơ chế bệnh sinh:
Ở những người có nền tảng di truyền nhạy cảm, dị nguyên thực phẩm có thể kích hoạt phản ứng Th2, dẫn đến sản xuất cytokine (IL-4, IL-5, IL-13) và tăng eotaxin-3. Quá trình này thu hút và kích hoạt bạch cầu ái toan tại thực quản làm tổn thương biểu mô, hình thành mô sẹo và gây ra các triệu chứng khó chịu như khó nuốt.
Mô hình này giải thích cách viêm thực quản tăng bạch cầu ái toan phát triển và gây bệnh.
4. Điều trị viêm thực quản bạch cầu ái toan
Đây là một căn bệnh mãn tính, do đó bệnh nhân cần điều trị trong thời gian khá dài. Một số phương pháp điều trị bệnh này có thể kể đến như:
- Dùng thuốc: Một số loại thuốc được sử dụng bao gồm thuốc ức chế bơm proton, kháng thể đơn dòng và Steroid.
- Thay đổi chế độ ăn uống: Người bệnh cần xét nghiệm dị ứng và sau khi có kết quả, bệnh nhân cần ngừng sử dụng một vài loại thực phẩm trong vài tuần. Cùng với đó, chế độ ăn nguyên tố có thể được áp dụng thay cho phương pháp ăn uống thông thường.
- Nong thực quản: Nếu bệnh gây ra tình trạng hẹp thực quản, bệnh nhân có thể được chỉ định thực hiện nong thực quản để dễ nuốt hơn.

Vừa rồi là những thông tin mà Vinmec gửi đến bạn đọc về bệnh viêm thực quản ái toan. Hi vọng qua bài viết này, bạn đọc đã có được những thông tin cần thiết cho bản thân mình.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Tài liệu tham khảo
- Liacouras CA, Furuta GT, Hirano I, và cộng sự Eosinophilic esophagitis: updated consensus recommendations for children and adults. J Allergy Clin Immunol. 2011;128:3-20.e6; quiz 21-2.
- Rhonda F. Souza, Eosinophilic Esophagitis: When to Suspect and Why to Treat with Proton Pump Inhibitors, Dispatches from the guild conference, series #19, practicalgastro.