Nước tiểu ở người khỏe mạnh có mùi khai nhẹ nhàng. Tuy nhiên, vì một nguyên nhân nào đó mà nước tiểu trở nên đậm màu và có mùi hôi, đặc biệt là của phụ nữ. Đó có thể là do mùi của thức ăn, cũng có thể là dấu hiệu của bệnh lý.
1. Nguyên nhân nước tiểu có mùi hôi ở nữ giới
1.1 Nguyên nhân sinh lý
1.1.1 Uống ít nước
Ở nữ giới, nguyên nhân khiến nước tiểu có mùi hôi có thể do không uống nhiều nước. Nước tiểu càng cô đặc thì mùi càng nặng do lượng amoniac tích tụ nhiều hơn bình thường. Mùi hôi thường đi kèm với nước tiểu sẫm màu.
1.1.2 Phụ nữ có thai
Nước tiểu có mùi hôi ở nữ giới thường gặp trong quá trình mang thai, khi cơ thể phụ nữ tăng tiết hormon hCG. Hiện tượng này chủ yếu xảy ra ở giai đoạn đầu của thai kỳ. Phụ nữ mang thai cũng nên chú ý cung cấp đủ nước cho cơ thể, tránh tình trạng mất nước, cũng là nguyên nhân gây khiến nước tiểu có mùi.
1.1.3 Uống nhiều cà phê
Các chất phụ gia và các hoạt chất lợi tiểu có trong cà phê khiến nước tiểu có mùi hôi sau khi tiêu thụ nó. Tác dụng lợi tiểu khiến nước thoát ra nhiều, góp phần làm tăng nồng độ amoniac có trong nước tiểu. Còn sản phẩm phụ gia có mùi khi được thải ra qua đường nước tiểu cũng gây mùi. Đây không phải là vấn đề bệnh lý nên nước tiểu chỉ có mùi hôi tạm thời. Sau khi thải hết cà phê, nước tiểu sẽ trở lại bình thường với mùi dễ chịu hơn.
1.1.4 Tỏi, hành và măng tây
Sau khi ăn với hàm lượng lớn các thực phẩm như là tỏi, hành và măng tây thì khả năng cao nước tiểu có mùi hôi. Điều này được giải thích là do cơ thể của những người này thiếu một loại enzyme có tác dụng phá vỡ các hợp chất trong măng tây.
1.2 Nguyên nhân bệnh lý
1.2.1 Nhiễm trùng đường tiết niệu
Nhiễm trùng đường tiết niệu là nguyên nhân phổ biến khiến nước tiểu có mùi ở nữ giới, trong đó chủ yếu là viêm bàng quang, viêm niệu đạo, viêm bể thận.
1.2.2 Nhiễm trùng nấm men
Nấm men phát triển quá mức trong âm đạo và âm hộ có khả năng gây nước tiểu có mùi ở nữ giới. Nấm tiếp xúc với nước tiểu làm phản ứng hóa học xảy ra tạo nên mùi hôi. Phụ nữ cần đi thăm khám để điều trị kịp thời nếu nghi ngờ nhiễm nấm ký sinh.
1.2.3 Dấu hiệu bệnh tiểu đường
Những người chưa mắc bệnh tiểu đường nhưng nước tiểu có mùi ngọt thì cần đi khám để kiểm tra ngay. Cả hai loại bệnh là tiểu đường tuýp 1 và tuýp 2 đều khiến nước tiểu có mùi ngọt.
1.2.4 Vitamin
Nhiều loại vitamin và sản phẩm chức năng uống vào cơ thể, sau khi thải qua đường nước tiểu sẽ có mùi hôi, đặc biệt là vitamin B6. Ngoài ra, nhóm vitamin B còn làm nước tiểu chuyển thành màu vàng.
1.2.5 Bệnh lây truyền qua đường tình dục (STI)
Các bệnh lây truyền qua đường tình dục gây đi tiểu đau và tiết dịch có mùi. Đến khi để phát mùi hôi thì cũng là lúc bệnh tình trở nên nặng hơn nhiều. Do đó, phụ nữ nghi ngờ mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục có mùi hôi trong nước tiểu thì cần đi khám để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
1.2.6 Sỏi thận
Sỏi thận có thể gây đau đớn với các triệu chứng nước tiểu đục, mùi hôi, thậm chí có cả máu khi đi tiểu.
1.2.7 Tác dụng phụ của thuốc
Một số loại thuốc, đặc biệt là thuốc điều trị tiểu đường, có khả năng làm thay đổi độ pH trong nước tiểu và ảnh hưởng đến các chất chuyển hóa, trực tiếp gây ra mùi hôi trong nước tiểu.
1.2.8 Lỗ rò bàng quang
Lỗ rò bàng quang thường kết nối với ruột hoặc âm đạo, có khả năng làm thay đổi mùi nước tiểu. Vi khuẩn từ các cơ quan khác vào bàng quang thường gây ra nhiễm trùng đường tiết niệu, làm nước tiểu có mùi như phân hoặc có chứa khí.
1.2.9 Thủng bàng quang
Thủng bàng quang thường xảy ra trong các trường hợp chấn thương do tai nạn hay phẫu thuật. Khi đó, vi khuẩn từ ruột sẽ xâm nhập và phát triển tại bàng quang gây ra nhiễm trùng đường tiết niệu, làm cho nước tiểu có mùi.
1.2.10 Bệnh gan
Trong bệnh lý về gan, triệu chứng nước tiểu nặng mùi cũng có thể gặp. Bên cạnh đó, bệnh nhân còn có biểu hiện buồn nôn, nôn, đau bụng, vàng da, yếu cơ, phù, sụt cân. Khi có các triệu chứng trên, bạn cần đi khám sức khỏe để kiểm tra và điều trị kịp thời nếu mắc bệnh.
1.2.11 Rối loạn chuyển hóa
Các rối loạn chuyển hóa hiếm khi tác động đến mùi nước tiểu. Một số bệnh tiêu biểu như bệnh siro niệu - thiếu hụt các enzyme cần thiết để phá vỡ một số axit amin, gây ra hiện tượng nước tiểu có mùi ngọt; Phenylketone niệu - một gen khiếm khuyết ngăn chặn sự phân hủy của axit amin phenylalanine, gây ra hơi thở và nước tiểu có mùi mốc, cùng một số triệu chứng khác như co giật, phát ban.
2. Chẩn đoán bệnh lý liên quan đến nước tiểu có mùi
Các bệnh lý có triệu chứng liên quan đến nước tiểu có mùi hôi thường được chỉ định các xét nghiệm sau:
- Tổng phân tích nước tiểu: Nhằm xác định được các chỉ số bình thường/bất thường trong nước tiểu, xác định tình trạng nước tiểu tổng quát của người bệnh.
- Nội soi bàng quang.
- Siêu âm hoặc chụp X-quang: Được chỉ định để chẩn đoán trong trường hợp một người có sự bất thường về mùi nước tiểu, mùi nặng quá 12 giờ hoặc xét nghiệm tổng phân tích nước tiểu ghi nhận bất thường, bác sĩ cũng có thể cho siêu âm hoặc chụp X-quang để chẩn đoán.
3. Giảm mùi nước tiểu bằng cách nào?
Khi nước tiểu có mùi do yếu tố sinh lý, bạn nên giảm mùi bằng cách uống đủ nước mỗi ngày, từ 2 - 2,5 lít/ngày. Biện pháp này giúp cơ thể bài tiết chất độc và chất cặn bã tốt hơn, hạn chế nguy cơ lưu lại cặn khoáng tạo sỏi.
Đối với các trường hợp nước tiểu có mùi hôi do bệnh lý, bạn cần đến các bệnh viện để được chẩn đoán sàng lọc. Bạn nên đi khám nếu sau 24 giờ, nước tiểu vẫn có mùi nhưng không liên quan đến các nguyên nhân từ thức ăn, thuốc uống hay phẩm màu thực phẩm. Đặc biệt là trong các trường hợp kèm theo các dấu hiệu sốt, đau bụng, nước tiểu lẫn máu, tiểu không tự chủ, v.v.
Ngoài ra, để hệ tiết niệu hoạt động tốt lâu dài, tránh nguy cơ tái phát hiện tượng có mùi hôi trong nước tiểu, nữ giới cần thực hiện những điều sau:
- Duy trì đi tiểu từ 5 - 7 lần mỗi ngày
- Đi tiểu đêm 1 lần mỗi đêm
- Ngồi tư thế thoải mái nhất trong khi tiểu
- Để nước tiểu chảy ra tự nhiên, không dùng sức để đẩy nước tiểu ra ngoài
- Chỉ đi tiểu khi thực sự muốn tiểu vì tiểu gượng ép sẽ làm giảm sức chịu đựng của bàng quang.