Nước gừng: Lợi ích và rủi ro

Có nguồn gốc từ Đông Nam Á, gừng dần trở thành một loại gia vị phổ biến trong thực phẩm và y học trên khắp thế giới. Cây gừng rất giàu các chất tự nhiên có thể tăng cường sức khỏe và thể trạng của bạn. Nước gừng, còn được gọi là trà gừng, là một cách chế biến khác để phát huy những lợi ích của gừng.

1. Uống nước gừng có tốt không?

Cũng như rất nhiều loại thuốc thảo dược khác, cần có thêm nhiều nghiên cứu để hiểu rõ hơn và chứng minh công dụng của gừngnước gừng. Có rất nhiều giai thoại về việc sử dụng nước gừng không thể đảm bảo cho sức khỏe hoặc tính hiệu quả. Tuy nhiên, có một số lợi ích tiềm năng được ủng hộ bởi một số các nghiên cứu hạn chế.

Tác dụng chống viêm

Viêm là một trong những chức năng tự bảo tồn tự nhiên của cơ thể. Vi trùng, hóa chất và chế độ ăn uống nghèo nàn có thể gây ra quá nhiều viêm nhiễm và gây hại cho cơ thể của bạn. Viêm đã trở thành một phản ứng rất phổ biến đối với rất nhiều người. Có thể cần thay đổi chế độ ăn uống và lối sống để chống lại tình trạng viêm mãn tính.

Tiêu thụ gừng có thể giúp ngăn ngừa và chữa lành chứng viêm. Một nghiên cứu cho thấy rằng gừng có thể làm giảm các phản ứng dị ứng, trong đó chứng viêm có thể đóng một vai trò nào đó.

Một nghiên cứu nhỏ khác cũng cho thấy những người bổ sung gừng hàng ngày ít bị đau cơ hơn sau khi tập luyện. Đau cơ cũng có thể là hậu quả của phản ứng viêm.

Bổ sung chất chống oxy hóa

Các đặc tính chống oxy hóa của gừng có thể giúp ngăn ngừa nhiều bệnh lý khác nhau:

  • Bệnh tim mạch
  • Bệnh thoái hóa thần kinh, chẳng hạn như Parkinson, Alzheimer và Huntington’s
  • Ung thư
  • Các triệu chứng của lão hóa

Chất chống oxy hóa chống lại các chất gây ra stress oxy hóa và làm hỏng tế bào của bạn (ROS). Cơ thể bạn tạo ra ROS một cách tự nhiên, nhưng một số thói quen trong sinh hoạt, lối sống, chẳng hạn như uống một lượng lớn rượu, hút thuốc lá hoặc trải qua căng thẳng mãn tính có thể khiến bạn tạo ra quá nhiều ROS. Tiêu thụ thực phẩm và đồ uống có chất chống oxy hóa, như nước gừng, có thể giúp ngăn ngừa và chống lại các tác dụng phụ tiêu cực của ROS.

Một nghiên cứu cho thấy rằng gừng có thể ngăn ngừa hoặc làm chậm quá trình suy thận. Gừng cũng có thể làm chậm sự phát triển của các khối u và một nghiên cứu đã tìm thấy bằng chứng cho thấy gừng có thể giúp kiểm soát một số loại ung thư.

Chống buồn nôn và hỗ trợ hệ tiêu hóa

Nhiều khu vực trên thế giới thường xuyên dùng gừng để giúp giảm chứng khó tiêu, nôn và buồn nôn. Tuy nhiên, các nghiên cứu hiện nay không có kết luận về mức độ hiệu quả của tác dụng này.


Uống nước gừng có thể hỗ trợ hệ tiêu hóa hoạt động tốt hơn
Uống nước gừng có thể hỗ trợ hệ tiêu hóa hoạt động tốt hơn

Cân bằng lượng đường trong máu

Một nghiên cứu cho thấy rằng gừng cải thiện lượng đường trong máu lúc đói ở những người mắc bệnh đái tháo đường. Những phát hiện này cho hứa hẹn rằng gừng có thể giúp điều trị những biến chứng về sức khỏe do bệnh đái tháo đường gây ra sau một khoảng thời gian dài.

Cholesterol

Một nghiên cứu gần đây cho thấy rằng gừng làm giảm các dấu ấn liên quan đến bệnh tim như hoạt động của arginase, cholesterol LDL ("có hại") và chất béo trung tính ở những con chuột có chế độ ăn nhiều chất béo.

Giảm cân

Nước gừng có thể giúp thúc đẩy việc giảm cân khi kết hợp với chế độ ăn uống lành mạnh và tập thể dục. Một nghiên cứu đã chỉ ra rằng gừng có khả năng ngăn chặn tình trạng béo phì ở những con chuột có chế độ ăn giàu chất béo. Và một nghiên cứu khác cho thấy rằng những người đàn ông uống đồ uống nóng có gừng sau khi ăn sẽ cảm thấy no lâu hơn. Lượng đường trong máu cân bằng cũng có thể ngăn bạn ăn quá nhiều.

Cấp nước

Lợi ích này chủ yếu là do bạn đang ngâm gừng trong nước. Bổ sung đủ nước là rất quan trọng để hỗ trợ mọi khía cạnh của sức khỏe. Nhiều người trong chúng ta chỉ đơn giản là không uống đủ nước mỗi ngày. Bắt đầu ngày mới với một cốc nước gừng hoặc tìm một thời điểm khác để uống mỗi ngày sẽ giúp bạn cung cấp nước cho cơ thể.

2. Uống nước gừng có nóng không?

Bên cạnh những lợi ích về sức khỏe đã được liệt kê, nước gừng vẫn có những rủi ro của riêng nó. Như với bất kỳ loại thảo mộc hoặc chất bổ sung nào, gừng có thể tương tác kém với các loại thuốc khác mà bạn dùng. Các tác dụng phụ từ gừng rất hiếm nhưng có thể bao gồm những điều sau nếu tiêu thụ gừng quá mức:

  • Ợ nóng
  • Đầy hơi
  • Đau bụng
  • Bỏng miệng

Không tiêu thụ quá 4 gam gừng mỗi ngày dưới mọi hình thức.

Những người bị bệnh tim mạch, đái tháo đường và sỏi mật nên nói chuyện với bác sĩ của họ trước khi dùng gừng như một chất bổ sung. Bạn cũng nên nói chuyện với bác sĩ về sự an toàn của việc dùng gừng nếu bạn đang mang thai, cho con bú hoặc sắp phẫu thuật.


Dù có những lợi ích tốt nhưng bạn nên lưu ý không nên uống quá nhiều nước gừng
Dù có những lợi ích tốt nhưng bạn nên lưu ý không nên uống quá nhiều nước gừng

3. Nước gừng có an toàn cho phụ nữ mang thai không?

Các nhà nghiên cứu đã xem xét vai trò của gừng trong việc giúp điều trị chứng buồn nôn và nôn trong thai kỳ. Một nghiên cứu đã lưu ý rằng các bằng chứng ủng hộ hiệu quả của gừng trong việc điều trị chứng buồn nôn khi mang thai, nhưng có thể có những rủi ro về an toàn đối với một số đối tượng khác. Tuy nhiên, một đánh giá có hệ thống về các nghiên cứu không tìm thấy tác dụng phụ nào do việc tiêu thụ gừng ở phụ nữ mang thai.

Nói chuyện với bác sĩ của bạn trước khi dùng bất kỳ chất bổ sung hoặc thảo mộc nào trong thời kỳ mang thai. Trong một số trường hợp, thay đổi chế độ ăn uống và lối sống có thể giúp giảm buồn nôn trong thai kỳ:

  • Ăn các bữa ăn nhỏ
  • Tránh thức ăn nhiều dầu mỡ hoặc cay, vì chúng có thể làm đau dạ dày của bạn
  • Ngủ ít nhất bảy giờ mỗi đêm
  • Uống đủ nước

4. Nước gừng có thể hoạt động như một loại nước giải độc?

Các loại nước giải độc hay nước detox được sử dụng nhằm mục đích từ từ loại bỏ độc tố trong cơ thể bạn theo thời gian. Một số người sử dụng nước gừng pha với nước chanh như một loại nước giải độc. Hiện nay chỉ có bằng chứng giai thoại để hỗ trợ việc sử dụng này.

Vì gừng có thể chống lại vi trùng, bệnh tật, tình trạng viêm nhiễm và các phân tử gây ung thư, nên dùng gừng một ít mỗi ngày có thể hỗ trợ sức khỏe tổng thể của bạn. Gừng là một loại củ tự nhiên, vì vậy uống nước gừng cũng sẽ cung cấp cho bạn các chất dinh dưỡng bổ sung.

5. Cách làm nước gừng

Nên lựa chọn gừng tươi để làm nước gừng. Rất nhiều sản phẩm có chứa gừng hoặc hương gừng nhân tạo, nhưng bạn sẽ nhận được nhiều lợi ích nhất từ ​​nước gừng mà bạn tự làm. Thêm vào đó, nó rất dễ chuẩn bị.

Bạn có thể tìm thấy gừng tươi trong khu bán sản phẩm của cửa hàng tạp hóa.

Để làm nước gừng, bạn sẽ phải nấu gừng trong nước và pha trà. Bạn có thể để nguyên vỏ gừng vì nhiều chất dinh dưỡng nằm ngay bên dưới vỏ.

Bạn có thể dùng nhiều hay ít nước gừng tùy thuộc vào độ đậm nhạt của nước gừng. Tỷ lệ nước với gừng dưới đây tương đương với 1 gam gừng chiết xuất.

  • Rửa sạch phần củ gừng mà bạn sẽ sử dụng.
  • Dùng dao cạo vỏ để bào 1/2 thìa gừng.
  • Đun sôi 4 cốc nước trên bếp.
  • Cho gừng vào khi nước sôi.
  • Bỏ nước gừng ra khỏi bếp và ngâm gừng trong nước 10 phút.
  • Lọc bỏ gừng.
  • Uống nước gừng nóng hoặc lạnh.

Nước gừng rất ngon với một thìa cà phê mật ong hoặc nước cốt chanh, nhưng đừng quá lạm dụng chất tạo ngọt. Nếu bạn nghĩ rằng bạn sẽ uống nước gừng mỗi ngày, bạn có thể làm một mẻ lớn và để sẵn trong tủ lạnh.

Các bác sĩ khuyên bạn nên tiêu thụ tối đa 3–4 gam chiết xuất gừng mỗi ngày. Nếu bạn đang mang thai, không nên tiêu thụ quá 1 gam chiết xuất gừng mỗi ngày. Gừng không được khuyến khích cho trẻ em dưới 2 tuổi.

Tất cả định lượng sau đây đều tương đương với 1 gam gừng:

  • 1/2 thìa cà phê bột gừng
  • 1 thìa cà phê gừng sống
  • 4 cốc nước ngâm với 1/2 thìa gừng xay

Tiêu thụ gừng có thể hỗ trợ sức khỏe của bạn và cũng có thể giúp điều trị nhiều vấn đề sức khỏe. Uống nước gừng cũng là một cách tuyệt vời để giữ cho cơ thể đủ nước, điều này rất quan trọng đối với sức khỏe tổng thể của bạn.

Nói chuyện với bác sĩ của bạn về bất kỳ loại thảo mộc bổ sung nào bạn muốn thử. Và nếu bạn quan tâm đến gừng, hãy bắt đầu bằng cách tự làm nước gừng từ củ gừng tươi.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: healthline.com

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe