Nữ 25 tuổi loạn kinh điều trị như thế nào?

Hỏi

Chào bác sĩ,

Em năm nay 25 tuổi. 4 tháng nay, em bị loạn kinh. Kỳ kinh bình thường của em là 30 ngày, có tháng em kinh sớm 22 ngày, có tháng lên 39 ngày. Trong thời gian đó em có uống vitamin tổng hợp và Acid folic để chuẩn bị mang thai. Tháng vừa rồi em có uống thuốc lá để điều hoà kinh nguyệt. Tháng này, ngày thứ 21 em đã đến kỳ, kèm theo đau bụng (các lần trước em không bị đau) và máu đỏ tươi, không kèm theo dịch. Vậy bác sĩ cho em hỏi nữ 25 tuổi loạn kinh điều trị như thế nào? Em cảm ơn bác sĩ.

Hiền (1996)

Trả lời

Được giải đáp bởi Bác sĩ chuyên khoa I Tô Thị Thanh Hương - Khoa Sản, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.

Chào bạn,

Với câu hỏi “Nữ 25 tuổi loạn kinh điều trị như thế nào?”, bác sĩ xin giải đáp như sau:

Hiện tại, kinh nguyệt của bạn không đều và vòng kinh có khi ngắn, có khi dài. Dựa vào độ dài của chu kỳ kinh nguyệt, phụ nữ gặp phải tình trạng vòng kinh không phóng noãn thường có độ dài chu kỳ ngắn hơn so với bình thường. Số ngày dạo động chỉ từ 23 - 25 ngày, vì không có sự phóng noãn dẫn đến quá trình tạo thành và hoạt động của hoàng thể cũng không diễn ra, vậy nên về mặt nội tiết thì chu kỳ kinh sẽ bị rút ngắn lại.

Về nguyên nhân gây rối loạn phóng noãn có thể do bất thường hệ thống nội tiết vùng dưới đồi tuyến yên, bất thường việc điều hòa ngược. Ngoài việc chịu sự chi phối của hormon GnRH thì FSH và LH chịu sự tác động ngược của hormon Estrogen. Estrogen liên quan tới điều hòa ngược âm tính và điều hòa ngược dương tính đối với 2 hormon này. Bất thường tại buồng trứng như mắc bệnh buồng trứng đa nang, u buồng trứng, sau phẫu thuật bóc tách buồng trứng.

Chính những điều này làm cho tính chất máu kinh nguyệt của bạn có thể khác nhau, vòng kinh có rụng trứng và vòng kinh không có rụng trứng. Bạn có thể thấy máu có màu đỏ tươi hơn màu đỏ sáng hơn nếu bạn có dòng chảy kinh nguyệt nhẹ và thường xuyên. Máu màu đỏ cũng phổ biến ở những ngày đầu tiên của chu kỳ kinh nguyệt. Tuy nhiên, máu màu đỏ tươi chảy ra từ âm đạo ngoài chu kỳ kinh nguyệt có thể là dấu hiệu của tình trạng mất cân bằng nội tiết, rụng trứng hoặc là dấu hiệu mang thai. Ngoài ra, máu dạng đốm hoặc bất thường giữa các chu kỳ kinh nguyệt có thể là dấu hiệu của các bệnh lây lan qua đường tình dục, chẳng hạn như chlamydia hoặc lậu. Ngoài ra, sự tăng trưởng bên trong niêm mạc tử cung như u xơ hoặc polyp cũng có thể gây chảy máu âm đạo màu đỏ sáng với số lượng lớn bất thường. Hiếm khi, chảy máu màu đỏ tươi âm đạo là dấu hiệu của ung thư cổ tử cung. Tuy nhiên, bạn nên đến bệnh viện để được chẩn đoán nếu xuất hiện các dấu hiệu khác như:

  • Rong kinh
  • Máu kinh ra nhiều hơn bình thường
  • Xuất huyết âm đạo sau khi quan hệ tình dục
  • Dịch tiết âm đạo có mùi hôi
  • Đau ở lưng dưới, xương chậu hoặc chân
  • Mất cảm giác ngon miệng
  • Giảm cân không rõ lý do

Máu màu tối (đỏ sẫm hoặc nâu) là dấu hiệu máu cũ, có thể xuất hiện vào đầu hoặc cuối chu kỳ kinh nguyệt. Điều này có nghĩa là máu được tích trữ lâu bên trong tử cung, các tế bào máu có thời gian để phá vỡ, bắt đầu đông lại bên trong ống âm đạo hoặc tiếp xúc với không khí và gây đổi màu. Máu màu đỏ sẫm và màu nâu được xem là màu máu kinh nguyệt bình thường. Màu máu này thường phổ biến vào buổi sáng và có thể bị vón cục hoặc xuất hiện như một cục máu đông.

Nếu bạn còn thắc mắc về nữ 25 tuổi loạn kinh, bạn có thể đến bệnh viện thuộc Hệ thống Y tế Vinmec để kiểm tra và tư vấn thêm. Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến Vinmec. Chúc bạn có thật nhiều sức khỏe.

Trân trọng!

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe