Nong xương, ghép xương, nâng xoang là gì?

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ Răng - Hàm - Mặt - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.

Nếu mất răng quá lâu, viêm nha chu hay chấn thương... dẫn đến tiêu xương, kích thước của xương hàm hạn chế, sóng hàm mỏng khiến cho việc cấy ghép implant không thành công thì bạn cần phải tiến hành nong xương, ghép xương hay nâng xoang trước khi tiến hành đặt implant.

1. Phương pháp nong xương

Nong xương là một kỹ thuật làm rộng sống hàm theo chiều ngang. Kỹ thuật này chỉ thực hiện trong trường hợp chiều ngang sống hàm thiếu <2mm, trường hợp thiếu nhiều, co thắt dẹt thì không nên thực hiện.

Mục đích nong xương là để tăng thể tích xương tại vị trí cấy implant, đem lại kết quả hoàn hảo nhất.

2. Phương pháp ghép xương

2.1. Ghép xương là gì?

Trường hợp muốn cấy implant thì phải đủ xương, tuy nhiên nếu xương hàm không đủ thể tích thì phải dùng chính xương tự thân của bạn hoặc xương bột nhân tạo, kết hợp với màng sinh học hoặc kỹ thuật PRF giúp tăng thể tích sống hàm để cấy ghép implant, đó gọi là ghép xương.

Trong quá trình thực hiện ghép xương, bạn sẽ không cảm thấy đau do có thuốc tê tại chỗ. Tuy nhiên, khi hết thuốc tê bạn có thể bị sưng, đau. Quá trình ghép xương thường diễn ra 10 – 15 phút cho một đơn vị răng implant.


Ghép xương trong cấy ghép răng implant
Ghép xương trong cấy ghép răng implant

2.2. Các phương pháp ghép xương

  • Nong xương – chẻ xương: Nong, chẻ xương áp dụng cho những trường hợp xương đủ chiều cao nhưng hẹp chiều rộng. Khi thực hiện phương pháp này, cần cắt phần đỉnh sống hàm nhọn, để lại phần xương có chiều rộng 4 – 5 mm.
  • Ghép xương nhân tạo: Mức độ tạo xương khi ghép xương ở phương pháp này là 1mm cho mỗi tháng. Xương nhân tạo sẽ được đặt vào vùng xương hàm bị tiêu và phủ lên trên bằng 1 loại màng để cố định lớp xương bên dưới.
  • Ghép xương tự thân: Phương pháp này sử dụng khi vùng mất xương quá lớn, xương tự thân chính là xương lấy từ chính trên cơ thể bệnh nhân, ở những vùng an toàn.

3. Phương pháp nâng xoang

3.1. Nâng xoang là gì?

Nâng xoang là quá trình ghép xương chuẩn bị cho việc đặt implant. Nâng xoang trong trường hợp cấy ghép cho vùng răng hàm trên, đặc biệt là các răng số 6,7. Việc nâng đáy xoang hàm lên với mục đích tăng chiều cao xương lên phía trên. Nếu không nâng xoang để cấy implant sẽ không đủ chiều cao để vít implant đủ chiều dài tối thiểu trong chịu lực ăn nhai.


Hình ảnh nâng xoang kín
Hình ảnh nâng xoang kín

3.2. Các phương pháp nâng xoang

  • Nâng xoang hở: Phương pháp này gọi là kỹ thuật nâng xoang qua cửa sổ mặt bên, chỉ định nâng xoang hở trong trường hợp thiếu xương nhiều, chiều cao xương còn lại dưới 3mm, đáy xoang gồ ghề, xơ dính, có vách ngăn hoặc dịch trong xoang, viêm xoang... Để thực hiện nâng xoang hở, bác sĩ sẽ lật vạt lợi, bóc rộng vạt lợi và tiếp cận thành trước xoang hàm, rồi mở một lỗ đường kính khoảng 10mm và tiến hành bóc màng xoang qua cửa sổ này để nâng đáy xoang lên. Kỹ thuật này dễ thao tác và dễ kiểm soát đáy xoang, tuy nhiên mức độ xâm lấn rộng nên thường sưng đau nhiều sau khi thực hiện.
  • Nâng xoang kín: Đây là kỹ thuật nâng xoang qua vị trí đặt implant. Phương pháp này áp dụng trong những trường hợp chiều cao xương còn lại từ 4 – 8 mm. Đáy xoang hàm thuận lợi. Để thực hiện nâng xoang kín, sau khi khoan lỗ sẽ bóc tách màng xoang ra khỏi đáy xoang, sau đó cho xương nhân tạo qua lỗ này và đặt chân răng implant. Kỹ thuật nâng xoang kín là phương pháp ít xâm lấn nên hạn chế sưng đau.

Vì vậy, nong xương, ghép xương hay nâng xoang là các phương pháp giúp cho việc tiến hành cấy ghép implant trong trường hợp mất răng quá lâu, viêm nha chu hay chấn thương... dẫn đến tiêu xương, kích thước của xương hàm hạn chế, sóng hàm mỏng.

Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec với hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế hiện đại cùng đội ngũ chuyên gia, bác sĩ nhiều năm kinh nghiệm trong khám điều trị bệnh, người bệnh hoàn toàn có thể yên tâm thăm khám và điều trị răng hàm mặt Bệnh viện.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe