Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ Răng - Hàm - Mặt - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.
Răng số 7 hay gọi là răng hàm lớn có chức năng nghiền thức ăn chính, giữ vai trò quan trọng trong việc ăn nhai. Khi có một vấn đề phát sinh ở răng số 7 thì khả năng nhai hay hệ số nhai của người đó bị giảm đi rất nhiều.
1. Đặc điểm của răng số 7
Răng số 7 có kích thước lớn và cấu tạo phức tạp hơn so với những chiếc răng khác. Cấu tạo mặt rãnh phía trên và bao gồm 3 chân răng cho răng số 7 ở hàm trên, 2 chân răng cho những chiếc còn lại ở hàm dưới. Mỗi răng số 7 thường có 3 ống tuỷ.
Vì có cấu tạo phức tạp cho nên nếu răng số 7 bị tổn thương thì rất khó để phục hồi hơn các răng khác. Răng số 7 cũng là răng vĩnh viễn nên chỉ mọc duy nhất một lần và do giữ vai trò ăn nhai chính. Bên cạnh đó, răng số 7 cũng dễ mắc các bệnh răng miệng như sâu răng, viêm tủy... cho nên cần chăm sóc cẩn thận.
2. Sự liên quan giữa khả năng nhai và răng số 7
Mỗi một răng trên cung hàm đều có những chức năng cắn, xé hay nghiền thức ăn. Trong đó răng số 6 và 7 là hai răng giữ vai trò quan trọng trong việc nghiền nhỏ thức ăn, giúp thức ăn được trộn đều với enzym có trong nước bọt, từ đó giúp thức ăn dễ dàng tiêu hoá hơn khi vào đường tiêu hoá.
Khả năng nhai của một người được đánh giá nhờ hệ số nhai, mỗi răng trong hàm sẽ được đánh giá bằng một hệ số nhai cố định, trong đó răng số 7 có hệ số nhai là 5, hệ số này là hệ số cao nhất khi đánh giá khả năng nhai của mỗi răng. Do đó nếu chẳng may bị mất răng số 7 thì chúng ta sẽ mất 5%x2 là 10% khả năng nhai, do răng số 7 của hàm đối diện cũng bị mất chức năng.
Răng số 7 rất quan trọng vì chúng là răng nhai chính, tuy nhiên do giữ vai trò quan trọng trong việc nhai thức ăn nên răng số 7 thường xuyên phải tiếp xúc với thức ăn, răng dễ bị các mảng bám dẫn tới bệnh lý của răng số 7 nhiều hơn các răng khác.
Bởi vì răng số 7 giữ vai trò cốt lõi trong việc ăn nhai nên chẳng may bị mắc các bệnh lý về răng miệng thì các bác sĩ nha khoa cũng khuyên nên điều trị bảo tồn, trừ khi làm mọi biện phải nhưng không thể điều trị bảo tồn được thì mới có chỉ định nhổ bỏ răng số 7. Nếu chẳng may bị mất răng số 7 vì một nguyên nhân nào đó bạn có nguy cơ đối mặt với một số hậu quả như:
- Giảm đáng kể khả năng ăn nhai, do răng số 7 giữ vai trò nghiền thức ăn chính nên khi bị mất sẽ giảm khả năng nhai của cả hàm.
- Gây xô lệch răng: Khi răng số 7 mất thì răng số 5 và 6 phải đảm nhiệm bù việc ăn nhai, có khoảng trống giữa các răng sẽ làm cho răng dễ bị xô lệch vào vị trí răng bị mất.
- Tạo ra các kẽ hở cho các răng khác cũng xô lệch theo, do đó làm ảnh hưởng tới răng của cả hàm.
- Tiêu xương ổ răng: Do có lực ăn nhai mà xương ổ răng mới phát triển, khi mất răng lực nhai không đồng đều. Xương hàm vị trí răng mất sẽ tiêu đi như một sự đào thải tự nhiên. Từ đó dẫn tới mất nâng đỡ hàm, da bị chảy xệ, lão hoá.
3. Các giải pháp điều trị bệnh răng số 7
3.1 Điều trị bảo tồn
Khi răng số 7 bị một số bệnh lý như mẻ răng, sâu răng, chấn thương... chưa tới mức phải loại bỏ răng thì bác sĩ sẽ chỉ định một số biện pháp nhằm bảo tồn được răng như:
- Trường hợp răng 7 bị sâu hay chấn thương nhẹ, số lượng các mô răng bị mất không quá lớn và chưa ảnh hưởng đến tủy thì thường có chỉ định trám răng.
- Trường hợp răng bị sâu, chấn thương nặng, mất hơn 50% thân răng hoặc ảnh hưởng đến tủy, bác sĩ thường chỉ định bọc răng sứ nhằm bảo tồn răng.
3.2 Điều trị khi bị mất răng số 7
Trường hợp răng số 7 bị chấn thương nghiêm trọng, không thể điều trị bảo tồn được nữa, bắt buộc phải nhổ bỏ răng và tư vấn cho bệnh nhân giải pháp trồng lại phù hợp. Một số biện pháp có thể sử dụng khi bị mất răng số 7 như:
- Hàm giả tháo lắp
Hàm răng giả được làm sao cho giống như hàm răng thật. Với loại hàm tháo lắp này người bệnh có thể dễ dàng tháo lắp khi ăn uống hay vệ sinh răng miệng. Tuy nhiên, hàm tháo lắp thường chỉ áp dụng với những người lớn tuổi, mất nhóm răng liên tiếp hoặc bị mất răng toàn hàm sẽ tạo ra sự vững chắc và cân đối hơn.
Biện pháp này không hẳn tối ưu với răng số 7, do không đảm bảo khả năng nhai tốt mà răng số 7 lại giữ nhiệm vụ ăn nhai chính.
- Cầu răng sứ
Là hình thức sử dụng một cầu nối gồm 3 thân răng sứ kết nối với nhau. Răng giữa sẽ thay thế toàn bộ răng bị mất, 2 mão sứ bên cạnh có nhiệm vụ nâng đỡ trụ cầu răng. Bởi vậy, yêu cầu tối thiểu để làm được cầu răng chắc khỏe chính là 2 răng kế cận răng mất phải còn khỏe mạnh, không mắc bệnh lý răng miệng.
Tuy nhiên biện pháp này cũng ít khi được lựa chọn để khắc phục tình trạng mất răng số 7 do:
- Trường hợp nếu răng số 8 chưa mọc thì răng số 7 sẽ là răng trong cùng, không đảm bảo được răng bên cạnh làm cầu nối.
- Không chỉ vậy mà răng số 6 và răng số 7 đều giữ vai trò ăn nhai chính. Răng số 7 bị mất thì việc ăn nhai dồn trọng tâm vào răng số 6, nếu làm cầu răng phải mài bớt cùi răng số 6 như vậy vừa ảnh hưởng tới sức nhai vừa khiến cho răng bị yếu đi nhanh chóng.
- Trồng răng implant
Đây là hình thức khắc phục răng mất tối ưu nhất ở thời điểm hiện tại. Răng implant nha khoa có cấu trúc tương tự như răng sinh lý, khi trồng răng có thể phục hồi được chức năng ăn nhai gần như bình thường mà ưu điểm là không ảnh hưởng tới các răng khác trong hàm, có thể đứng độc lập và quan trong là có thể hạn chế được tình trạng tiêu xương ổ răng.
Khi áp dụng trồng răng implant thay thế răng số 7 bị mất, phần chân răng sẽ được thay thế bằng trụ implant. Thân răng thay thế bằng mão sứ và chụp lên bên trên. Tuổi thọ của răng tương đối dài có thể từ 15-20 năm hoặc lâu hơn.
Răng số 7 là một trong những răng hàm có chức năng ăn nhai chính của hàm, nhưng vì vậy mà chúng cũng có nguy cơ bị bệnh lý răng miệng nhiều hơn các răng khác. Thường xuyên chăm sóc răng miệng đúng cách và khám răng định kỳ là biện pháp tốt nhất giúp hạn chế được bệnh lý cho răng số 7.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: alisadental.com