Nội tiết tố ảnh hưởng đến hội chứng ruột kích thích (IBS) đã được nhiều chuyên gia nghiên cứu. Nhiều báo cáo cho thấy rằng, các hormone giới tính như estrogen và progesterone là nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ phụ nữ có nguy cơ mắc IBS cao gấp đôi nam giới. Cùng tìm hiểu kĩ hơn về mối liên hệ giữa chúng trong bài viết sau đây.
Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của các bác sĩ thuộc khoa Tiêu hoá - Gan Mật - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec.
1. Nội tiết tố ảnh hưởng đến hội chứng ruột kích thích như thế nào?
1.1 Nội tiết tố là gì?
Nội tiết tố (hay hormone) là các chất do các tuyến nội tiết sản xuất và đi vào máu, ảnh hưởng đến nhiều bộ phận trong cơ thể như da, cơ bắp, và mô. Các chất này giúp điều chỉnh quá trình trao đổi chất, tăng trưởng, phát triển, tâm trạng, chức năng tình dục và sinh sản của con người. Bên cạnh đó, hormone còn đóng vai trò quan trọng trong điều khiển hoạt động của cơ thể một cách có tổ chức và hợp lý.
Estrogen và progesterone là hai hormone quan trọng trong cơ thể phụ nữ, ảnh hưởng đến chức năng ruột. Độ nhạy cảm của trực tràng tăng lên trong chu kỳ kinh nguyệt nhưng không thay đổi trong các giai đoạn khác. Hormone sinh dục cũng có thể ảnh hưởng đến nhu động ruột vì các tế bào trong ruột có thụ thể cho phép hormone bám vào. Điều này cho thấy hệ thống tiêu hóa được thiết kế để cảm nhận và phản ứng với chúng.
1.2 Nội tiết tố ảnh hưởng hội chứng ruột kích thích như thế nào?
Những vấn đề nội tiết tố ảnh hưởng đến hội chứng ruột kích thích gây ra bao gồm:
1.2.1 Tiêu hóa
Hormone giúp kiểm soát cơ trơn trong ruột, quyết định tốc độ di chuyển của thức ăn qua hệ tiêu hóa. Trong một nghiên cứu cho thấy, động vật mất nhiều thời gian làm rỗng ruột hơn khi có lượng hormone thấp. Hầu hết các nghiên cứu cho thấy estrogen và progesterone ảnh hưởng đến IBS, trong khi hormone nam như testosterone có thể giúp chống lại tình trạng này, giải thích tại sao nam giới ít bị IBS hơn.
1.2.2 Mức độ đau
Hormone ảnh hưởng đến mức độ đau bụng. Vì vậy, ngâm mình thư giãn giúp giảm ngưỡng đau khi estrogen thúc đẩy sản xuất serotonin, một chất hóa học tạo cảm giác dễ chịu trong não. Sự tăng vọt của estrogen có thể giảm đau bụng và chuột rút.
1.2.3 Mức độ viêm
Hormone giới tính có thể làm tăng mức độ viêm khắp cơ thể. Điều này làm cho các triệu chứng IBS trở nên tồi tệ hơn.
2. Nội tiết tố trong kỳ kinh nguyệt ảnh hưởng đến hội chứng ruột kích thích ra sao?
Hormone nội tiết thay đổi liên tục trong chu kỳ kinh nguyệt, ảnh hưởng đến các triệu chứng IBS. Khoảng 40% phụ nữ mắc IBS sẽ thấy triệu chứng nặng hơn trong chu kỳ kinh nguyệt.
Chu kỳ kinh nguyệt kéo dài khoảng 28 ngày và có bốn giai đoạn:
- Kinh nguyệt (ngày 1-5): Nếu không mang thai, niêm mạc tử cung sẽ bong ra trong kỳ kinh nguyệt. Ở giai đoạn này, nồng độ estrogen và progesterone ở mức thấp nhất.
- Nang trứng (ngày 6-14): Estrogen tăng cao khiến thành tử cung dày lên.
- Rụng trứng (ngày 14): Trứng được giải phóng.
- Hoàng thể (ngày 15-28): Progesterone tăng lên để chuẩn bị cho tử cung mang thai. Nếu điều đó không xảy ra, nồng độ estrogen và progesterone sẽ giảm nhanh chóng vào cuối giai đoạn này (ngày 24-28).
Qua đó cho thấy, hội chứng ruột kích thích sẽ trở nên tồi tệ hơn khi nồng độ hormone giảm. Đặc biệt, vào cuối giai đoạn hoàng thể và trong thời kỳ kinh nguyệt - khi nồng độ hormone thấp nhất, các triệu chứng IBS thường xuất hiện thường xuyên và dữ dội hơn.
3. Nội tiết tố ảnh hưởng hội chứng ruột kích thích trong giai đoạn thai kỳ
Một số nghiên cứu cho thấy khi mang thai, mức độ hormone tăng lên có thể giúp mẹ bầu chịu đau tốt hơn, ít bị chuột rút và khó chịu. Tuy nhiên, mẹ bầu có xu hướng bị táo bón thường xuyên hơn.
4. Nội tiết tố ảnh hưởng đến hội chứng ruột kích thích trong thời kỳ mãn kinh
Ở một số phụ nữ, tình trạng IBS sẽ cải thiện sau thời kỳ mãn kinh, khi những thay đổi nội tiết tố dừng lại. Mặt khác, trong một nghiên cứu gần đây, hơn 1/3 phụ nữ mãn kinh thường gặp tình trạng đầy hơi - một triệu chứng của IBS. Do đó, cần có thêm nhiều nghiên cứu về vấn đề này.
5. Thuốc nội tiết tố có gây ảnh hưởng đến hội chứng ruột kích thích không?
Hiện tại, các nhà khoa học chưa tìm thấy sự khác biệt về các triệu chứng IBS giữa những phụ nữ dùng thuốc nội tiết tố và những người không dùng. Cả hai nhóm đều cho thấy lượng hormone giảm trước khi chu kỳ kinh nguyệt bắt đầu.
Bên cạnh đó, một số chuyên gia cho rằng việc duy trì nồng độ hormone ổn định và bỏ qua hoàn toàn các kỳ kinh nguyệt có thể làm giảm các triệu chứng IBS nhưng cần thêm nhiều nghiên cứu để xác nhận điều này.
Tóm lại, sự thay đổi của nội tiết tố ảnh hưởng đáng kể đến chức năng ruột ở phụ nữ. Trong thời kỳ kinh nguyệt, độ nhạy cảm của trực tràng tăng cao nhưng không có sự thay đổi đáng kể này trong các giai đoạn khác của chu kỳ. Tác động của hormone sinh dục lên nhu động ruột thường khó nhận thấy.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.