Bài viết được viết bởi ThS, BS. Bùi Chí Nam, Khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City
Nội soi mật tụy ngược dòng là thủ thuật an toàn, can thiệp tối thiểu giúp chẩn đoán và điều trị một số bệnh lý đường mật, đường tụy. Vậy quy trình thực hiện kỹ thuật này thế nào, có gây ra biến chứng không?
1. ERCP là gì?
Nội soi mật tụy ngược dòng – viết tắt tiếng Anh ERCP (Endoscopic Retrograde Cholangio - Pancreatography) là kỹ thuật dùng máy nội soi nhìn bên (máy nội soi cửa sổ bên) nội soi bằng đường miệng qua dạ dày xuống tá tràng đoạn hai tới chỗ đổ dịch mật, dịch tụy vào ruột (núm Papilla) để lên đường mật, đường tụy để chẩn đoán và điều trị một số bệnh lý đường mật, đường tụy như sỏi ống mật chủ, gắp giun chui ống mật, đặt stent dẫn lưu trong trường hợp tắc mật do khối u vv..
2. ERCP có những ứng dụng gì?
2.1 ERCP chẩn đoán
- Chụp đường mật, tụy: Chẩn đoán bệnh lý đường mật, tụy như chít hẹp đường mật, tụy, sỏi mật vv.. sinh thiết bằng kìm hoặc bàn chải bệnh phẩm chẩn đoán ung thư đường mật, tụy.
- Nội soi đường mật (Spy Glass DS): Là nội soi quan sát trực tiếp đường mật, chẩn đoán bệnh: Chẩn đoán, sinh thiết lấy mẫu bệnh phẩm chẩn đoán xác định U đường mật, sỏi mật vv..
2.2 ERCP điều trị
- Nong, cắt cơ Oddi (Sphincterotomy): Điều trị bệnh lý chít hẹp hoặc mất chức năng cơ Oddi (sphincter of Oddi dysfunction);
- Tán, lấy sỏi ống mật chủ;
- Lấy giun chui ống mật;
- Viêm tụy cấp do kẹt sỏi Oddi;
- Tắc mật có giãn ống mật chủ, ống tụy mà không rõ nguyên nhân;
- U đầu tụy, u đường mật (chỉ định tương đối);
- Điều trị rò mật sau phẫu thuật;
- Dẫn lưu nang giả tụy;
- Đặt stent dẫn lưu đường mật tụy chống tắc mật, tụy.
3. ERCP được thực hiện như thế nào?
- ERCP được thực hiện bởi bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa hoặc bác sĩ phẫu thuật, người được đào tạo chuyên khoa về kỹ thuật này. Dây soi là một ống dài, mềm, đầu có gắn đèn và camera. Bệnh nhân được tiền mê hoặc gây mê toàn thân nên trong quá trình thực hiện thủ thuật bệnh nhân sẽ không cảm giác khó chịu hay đau, bệnh nhân sẽ được bác sĩ chuyên khoa gây mê khám và tư vấn trước thủ thuật. Kỹ thuật này được thực hiện tại phòng thủ thuật có đầy đủ các thiết bị máy móc cần thiết như: Máy nội soi cửa sổ bên, máy theo dõi chức năng sống, máy thở và máy X-quang C –ARM vv...
- Bệnh nhân nằm nghiêng trái hoặc nằm sấp trên bàn thủ thuật, ống soi được được đưa vào miệng, đi qua thực quản, dạ dày, rồi đến nơi ống mật đổ vào tá tràng (nhú Papilla). Một ống thông bằng nhựa (Cathete) được luồn vào trong ống soi để đi đến đầu ống rồi sau đó đưa vào nhú tá tràng lên đường mật. Tiếp theo, bác sĩ sẽ bơm chất cản quang vào ống dẫn mật và tiến hành chụp X-quang để hiện rõ đường mật, đường tụy và các bệnh lý như sỏi đường mật, chít hẹp đường mật do u vv... Bằng cách khảo sát ống dẫn mật tụy theo cách này, các hình ảnh tắc nghẽn, sỏi mật, khối u, hoặc các bất thường của ống dẫn đều có thể được phát hiện.
- Nếu phát hiện bất thường, bác sĩ có thể thực hiện các kỹ thuật để can thiệp điều trị hoặc cải thiện tình trạng. Ví dụ, nếu phát hiện có sỏi, bác sĩ có thể nong hoặc cắt cơ Oddi bằng dao điện sau đó tán và lấy sỏi ra khỏi ống mật chủ hoặc có thể đặt stent dẫn lưu mật để chống tắc mật, cải thiện nhiễm trùng đường mật vv...
4. Bệnh nhân cần chuẩn bị gì để thực hiện ERCP?
- Trước can thiệp ERCP bệnh nhân phải được nhịn ăn trước 6 -8 tiếng hoặc lâu hơn để đảm bảo dạ dày không còn thức ăn, tránh dịch và thức ăn trào ngược vào phổi trong quá trình thực hiện ERCP.
- Phần lớn các thuốc có thể uống trước khi tiến hành ERCP. Một số thuốc cần được điều chỉnh trước khi nội soi ví dụ thuốc điều trị tiểu đường, các thuốc chống đông hoặc chống kết tập tiểu cầu cần được cân nhắc theo các yếu tố nguy cơ chảy máu khi làm thủ thuật hoặc gây tắc mạch khi ngưng thuốc. Nhìn chung aspirin và các thuốc giảm đau chống viêm có thể dùng an toàn khi tiến hành can thiệp ERCP. Kháng sinh dự phòng là cần thiết, nên cho trước khi tiến hành can thiệp ERCP 2h.
- Các xét nghiệm trước khi tiến hành làm ERCP:
+ Chụp X-quang phổi, siêu âm bụng, điện tim, nội soi dạ dày, chụp cộng hưởng từ (MRI) đường mật.
+ Các xét nghiệm được khuyến cáo làm trước thủ thuật nội soi: Xét nghiệm Beta HCG phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ.
+ Xét nghiệm đông máu cơ bản, CTM, HIV, Glucose, ALT, AST, Bilirubin, Amylase, Creatinin, điện giải đồ.
- Khám với bác sĩ gây mê đánh giá tất cả các yếu tố liên quan đến gây mê.
Giải thích: Trước khi tiến hành thủ thuật bác sĩ ra chỉ định ERCP/ BS thực hiện thủ thuật phải giải thích đầy đủ cho bệnh nhân và người nhà bệnh nhân về cách thức tiến hành thủ thuật, lợi ích của thủ thuật, nguy cơ tai biến có thể có, những biện pháp thay thế ( nếu có), hạn chế của thủ thuật và cách thức chuẩn bị . Giấy cam kết đồng ý nội soi cần được bệnh nhân hoặc gia đình bệnh nhân ký xác nhận sau khi được giải thích.
5. ERCP có an toàn không? Biến chứng và phát hiện biến chứng như thế nào?
ERCP là một thủ thuật khá an toàn và can thiệp tối thiểu, tuy nhiên cũng có thể gặp các biến chứng như sau:
- Chảy máu tá tràng, đường mật: Có thể xảy ra, đặc biệt là khi cắt cơ vòng Oddi. Chảy máu thường không đáng kể và sẽ tự khỏi. Nếu tình trạng này xảy ra trong thủ thuật thì có thể được điều trị bằng các kỹ thuật nội soi, như kẹp clip cầm máu, tiêm epinephrine (thuốc co mạch), hoặc sử dụng dao đốt điện. Rất hiếm chảy máu nghiêm trọng cần phải can thiệp phẫu thuật. Nếu chảy máu sau can thiệp dấu hiệu thường gặp là mệt mỏi, hoa mắt chóng mặt da xanh niêm mạc nhợt, mạch nhanh, huyết áp tụt, nôn ra máu hoặc đại tiện phân đen.
- Viêm tụy cấp xảy ra trong vòng 24 đến 48 giờ sau can thiệp ERCP. Dấu hiệu nhận biết là tình trạng bụng chướng, đau bụng dữ dội thượng vị lệch trái. Phần lớn trường hợp viêm tụy sau khi thực hiện ERCP là nhẹ, hiếm khi nó có thể trở nên nghiêm trọng, đe dọa đến tính mạng.
- Thủng tá tràng, hoặc đường mật: Đây là biến chứng hiếm gặp, nếu thủng nhỏ không có tình trạng viêm phúc mạc thì có thể điều trị qua nội soi như khâu lỗ thủng bằng kẹp Clip, điều trị nội khoa: nhịn ăn, kháng sinh, theo dõi chặt chẽ, một số ít có thể trở nên nghiêm trọng và thậm chí cần phẫu thuật. Dấu hiệu sớm nhận biết là đau bụng dữ dội sau ngay sau can thiệp, có thể sờ thấy khí lép bép dưới da, có thể có khó thở nếu có tràn khí nhiều hoặc tràn khí trung thất.
- Nhiễm trùng đường mật (viêm đường mật, viêm túi mật) có thể xảy ra, đặc biệt là khi ống mật không được dẫn lưu tốt, chưa được cải thiện tắc mật hoặc trên một bệnh nhân đang sẵn có tình trạng nhiễm trùng. Triệu chứng thường gặp sốt cao rét run, đau bụng, người mệt mỏi ớn lạnh chán ăn, tiểu sẫm màu vv..
- Hít sặc có thể xảy ra khi thức ăn từ dạ dày trào ngược và bị hít vào đường thở, gây khó thở hoặc viêm phổi. Các bệnh nhân đã nhịn ăn uống trong vài giờ trước thủ thuật sẽ giảm thiểu nguy cơ này.
- Tỷ lệ chung các biến chứng từ 5-7% các ca làm ERCP, tỷ lệ tử vong chỉ chiếm 0,3%.
6. Thời gian nằm viện, những lưu ý khi xuất viện về nhà?
Sau can thiệp ERCP người bệnh phải nằm theo dõi và điều trị tại viện thông thường là 2 đến 3 ngày nếu không có biến chứng thì có thể xuất viện.
Khi về nhà nếu thấy các dấu hiệu sau thì cần liên lạc với bác sĩ điều trị ngay:
- Sốt hoặc ớn lạnh, khó thở, đau ngực;
- Đau bụng, chướng bụng nhiều làm cứng và đau khi sờ chạm;
- Nôn ói;
- Khó nuốt;
- Cảm giác ‘lạo xạo’ dưới da;
- Chảy máu (phân có lẫn máu tươi, nâu sẫm hay đen, hoặc nôn ra máu).
Nếu không có diễn biến bất thường, người bệnh nên tái khám theo hướng dẫn của bác sĩ để thảo luận và theo dõi bệnh.
Để đảm bảo an toàn, bạn nên thực hiện kỹ thuật này tại các bệnh viện uy tín, chất lượng.
Nguồn tham khảo:
- ASGE Standards of Practice Committee, Chandrasekhara V, Khashab MA, et al. Adverse events associated with ERCP. Gastrointest Endosc 2017; 85:32.
- Andrea Tringali, MD, PhD; Silvano Loperfido, MD; Guido Costamagna, MD, et al. Endoscopic retrograde cholangiopancreatography: Indications, patient preparation, and complications. Uptodate - Last updated: Apr 02, 2020.