Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ nội trú Nguyễn Thị Tâm Lý - Bác sĩ lâm sàng - Trung tâm Hỗ trợ sinh sản - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.
Nội soi buồng tử cung là một trong những kỹ thuật hiện đại trong việc chẩn đoán và điều trị các bệnh phụ khoa nói riêng và chăm sóc sức khỏe phụ nữ nói chung. Đây là một thủ thuật xâm lấn, cho hình ảnh rõ nét bên trong niêm mạc tử cung, giúp các bác sĩ có cơ sở chính xác để nhận định bệnh cũng như kết hợp các thủ thuật khác để trị bệnh.
1. Chỉ định, chống chỉ định nội soi buồng tử cung chẩn đoán
Nội soi thăm dò buồng tử cung là một phương pháp sử dụng các dụng cụ hỗ trợ (một ống có gắn camera nhỏ còn gọi là ống nội soi tử cung) để quan sát cấu trúc bên trong của tử cung. Ống nội soi sẽ được đưa vào qua âm đạo và truyền tín hiệu hình ảnh về một màn hình quan sát. Những dụng cụ khác sẽ được sử dụng kết hợp với ống nội soi để xử lý các tổn thương.
Trong các trường hợp sau, người bệnh được chỉ định nội soi buồng tử cung để chẩn đoán chính xác hơn cũng như có điều trị cần thiết:
- Xuất huyết tử cung bất thường không giải thích được
- Ra máu sau mãn kinh
- Vô sinh
- Thất bại làm tổ
- Kết hợp nội soi buồng tử cung can thiệp trong điều trị dính buồng tử cung, polyp buồng tử cung, dị dạng buồng tử cung...
Chống chỉ định nội soi buồng tử cung chẩn đoán trong trường hợp mang thai, viêm nhiễm phụ khoa chưa điều trị ổn định.
2. Chuẩn bị thực hiện nội soi buồng tử cung chẩn đoán
Bác sĩ sản phụ khoa là người trực tiếp thực hiện các bước nội soi buồng tử cung với sự chuẩn bị cụ thể từ phương tiện, dụng cụ, người bệnh...
Các bước thực hiện nội soi buồng tử cung chẩn đoán:
- Sát khuẩn vùng sinh dục
- Thông tiểu và lưu ống thông
- Đặt van âm đạo hay mỏ vịt
- Cặp cổ tử cung bằng kẹp Pozzi
- Đưa ống soi chẩn đoán vào buồng tử cung quan sát và đánh giá ống cổ tử cung, buồng tử cung, niêm mạc tử cung và 2 lỗ vòi trứng.
Người bệnh sau nội soi thăm dò buồng tử cung cần được theo dõi cẩn thận sau khi soi buồng tử cung. Bác sĩ cần theo dõi toàn thân, mạch, huyết áp, ra máu âm đạo trong vài giờ sau khi khi thực hiện thủ thuật. Trong trường hợp có biến chứng, người bệnh cần được xử trí kịp thời và hiệu quả.
Một số trường hợp biến chứng khi soi buồng tử cung chẩn đoán có thể xảy ra gồm:
- Thủng tử cung: Bác sĩ cần ngừng làm thủ thuật, tiến hành soi ổ bụng để đánh giá tổn thương thủng tử cung, xử trí linh hoạt theo tình trạng tổn thương
- Biến chứng liên quan đến quá tải tuần hoàn do dịch làm căng buồng tử cung đi vào mạch máu. Để tránh tai biến này, không nên phẫu thuật quá lâu (trên 30 phút), phải kiểm soát lượng dịch vào và ra, sử dụng máy bơm hút liên tục chuyên dụng
- Nhiễm khuẩn: Người bệnh cần phải sử dụng kháng sinh dự phòng để hạn chế biến chứng này
Để hạn chế tối đa nguy cơ biến chứng khi soi buồng tử cung chẩn đoán, người bệnh cần được thăm khám kỹ trước khi thực hiện. Bên cạnh đó cần thực hiện thủ thuật ở các cơ sở y tế uy tín, hiện đại, đảm bảo an toàn.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.