Niêm mạc tử cung thay đổi thế nào trong suốt chu kỳ kinh nguyệt

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa I Lê Thị Phương - Bác sĩ Sản Phụ Khoa - Khoa Sản Phụ Khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long

Độ dày mỏng của niêm mạc tử cung thay đổi theo độ tuổi và chu kỳ kinh nguyệt dưới tác động của hormone sinh dục nữ. Niêm mạc tử cung mỏng sau khi hành kinh và ở phụ nữ mãn kinh, niêm mạc dày ở phụ nữ mang thai và nửa sau của chu kỳ kinh nguyệt.

1. Nội mạc lòng tử cung là gì?

Nội mạc lòng tử cung hay gọi là lớp niêm mạc tử cung bản chất là một tế bào lót trong lòng tử cung, cấu tạo lớp niêm mạc này gồm có 2 lớp là lớp nội mạc tuyến và lớp đáy:

  • Lớp nội mạc tuyến là lớp thay đổi theo chu kỳ kinh nguyệt.
  • Lớp đáy không thay đổi theo chu kỳ kinh.

Nội mạc tử cung có ý nghĩa quan trọng quyết định sự thụ thai và làm tổ của trứng đã thụ tinh. Lớp nội mạc có tác dụng dinh dưỡng và bảo vệ, giúp thai phát triển tốt nhất. Lớp nội mạc lòng tử cung dày lên ở cuối chu kỳ kinh nguyệt để chuẩn bị cho trứng đã thụ tinh vào làm tổ, nếu có hiện tượng thụ thai lớp niêm mạc này sẽ tăng sinh dày hơn. Nếu không có hiện tượng thụ thai, dưới sự giảm đột ngột của hormone sinh dục nữ lớp nội mạc bong ra và tạo thành kinh nguyệt.


Vị trí lớp nội mạc tử cung
Vị trí lớp nội mạc tử cung

2. Nội mạc lòng tử cung thay đổi như thế nào trong chu kỳ kinh nguyệt?

Nội mạc lòng tử cung thay đổi theo chu kỳ kinh nguyệt dưới tác động của hormon tuyến yên và buồng trứng. Niêm mạc tử cung biến đổi có thể chia theo chu kỳ kinh nguyệt thành 2 giai đoạn là giai đoạn tăng sinh và giai đoạn bài tiết.

  • Giai đoạn tăng sinh

Sau khi hành kinh, niêm mạc tử cung bong và tạo thành kinh nguyệt, lúc này niêm mạc tử cung chỉ còn lại một lớp mỏng dày khoảng từ 3-4mm. Do cuối chu kỳ hàm lượng hormone estrogenprogesterone giảm đột ngột gây ra hiện tượng hành kinh và tạo ra phản ứng điều hòa ngược âm tính lên tuyến yên bài tiết hormon kích thích buồng trứng tăng bài tiết 2 hormon này. Dưới tác động của hormone estrogen các tế bào nội mạc lòng tử cung bắt đầu tăng sinh nhanh chóng. Bề mặt niêm mạc lòng tử cung dày dần lên, mạch máu cũng tăng sinh. Đến cuối giai đoạn tăng sinh độ dày niêm mạc lòng tử cung vào khoảng 7-8mm


Sau khi hành kinh, niêm mạc tử cung bong và tạo thành kinh nguyệt
Sau khi hành kinh, niêm mạc tử cung bong và tạo thành kinh nguyệt

  • Giai đoạn bài tiết

Dưới tác động của hormone niêm mạc tử cung không ngừng tăng sinh ở nửa sau chu kỳ kinh nguyệt, niêm mạc tử cung tăng sinh đến khoảng 8-12mm. Trước ngày hành kinh 2 ngày do lượng hormone tăng đột ngột nên niêm mạc tử cung phát triển mạnh, lúc này độ dày của niêm mạc tử cung có thể dày khoảng 12-16mm.

Sau đó nếu không có hiện tượng thụ thai thì hormone estrogen và progesterone giảm đột ngột, làm cho mạch máu tử cung co thắt lớp niêm mạc tử cung không được dinh dưỡng nên bong ra và hình thành kinh nguyệt. Niêm mạc lòng tử cung tiếp tục tăng sinh theo chu kỳ trên.

3. Những bất thường của nội mạc tử cung

Bình thường niêm mạc lòng tử cung dày khoảng 7-8mm, sau hành kinh là 3-4mm, giữa và cuối chu kỳ kinh nguyệt dày nhất khoảng 8-15mm. Từ các chỉ số bình thường biến đổi theo chu kỳ kinh nguyệt có thể xác định được tình trạng niêm mạc tử cung dày hay niêm mạc tử lòng cung mỏng.

  • Niêm mạc tử cung mỏng hay nội mạc tử cung mỏng

Là khi lớp niêm mạc có độ dày dưới 6mm và không phải trong ngày hành kinh. Khi niêm mạc tử cung mỏng việc thụ thai sẽ trở nên khó khăn do phôi thai không thể bám vào lòng tử cung để làm tổ. Ở một số trường hợp niêm mạc lòng tử cung mỏng, trứng đã thụ tinh vẫn có thể làm tổ và hình thành thai nhi, nhưng do quá mỏng nên lớp niêm mạc không có khả năng cung cấp đủ dưỡng chất để nuôi bào thai phát triển. Nên cũng sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của thai, thai khó phát triển hay có thể dẫn tới sảy thai, thai lưu.

Một số nguyên nhân có thể gây ra nội mạc tử cung mỏng như: Nồng độ estrogen trong cơ thể thấp; Do mắc các bệnh lý liên quan đến tử cung như u, viêm nhiễm...; Nạo thai nhiều lần; Do biến chứng sau các thủ thuật hay phẫu thuật ở tử cung dẫn tới dính niêm mạc tử cung...


Siêu âm niêm mạc tử cung
Siêu âm niêm mạc tử cung

  • Niêm mạc tử cung dày hay nội mạc tử cung dày

Là khi lớp niêm mạc lòng tử cung dày trên 20mm. Với những phụ nữ có tình trạng cường nội mạc tử cung như vậy thì thường xảy ra tình trạng rong kinh, vô kinh thứ phát, rối loạn phóng noãn. Trường hợp này thì khả năng thụ thai khó do niêm mạc dày cản trở tinh trùng gặp trứng.

Nguyên nhân gây ra nội mạc tử cung dày bao gồm: Nguyên nhân chủ yếu do sự mất cân bằng nội tiết tố trong hormone estrogen trong cơ thể tăng hơn so với progesterone dẫn tới tăng sinh niêm mạc tử cung; Mắc bệnh buồng trứng đa nang; Do sử dụng thuốc có chứa estrogen liên tục không kèm progesterone.

Từng thời điểm trong chu kỳ kinh nguyệt thì độ dày mỏng niêm mạc lòng tử cung khác nhau, vì thế khi siêu âm tử cung ở các thời điểm khác nhau sẽ thấy nội mạc tử cung dày mỏng không giống nhau. Tuy nhiên một số trường hợp nội mạc tử cung quá mỏng hay quá dày có ảnh hưởng tới khả năng sinh sản nên đến cơ sở chuyên khoa để được khám và tư vấn.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe