Nhuộm gram nước tiểu trong chẩn đoán nhiễm trùng tiểu

Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Thạc sĩ, Bác sĩ Trần Thị Vượng - Bác sĩ Xét nghiệm vi sinh - Khoa Xét nghiệm - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.

Nhiễm khuẩn tiết niệu là bệnh rất thường gặp ở người lớn và cả trẻ em. Nhuộm gram nước tiểu là xét nghiệm cận lâm sàng có nhiều ý nghĩa, giúp bác sĩ đánh giá mức độ nhiễm khuẩn, định hướng vi khuẩn gây bệnh từ đó tìm ra phương pháp điều trị hiệu quả hơn.

1. Nhiễm khuẩn tiết niệu là gì?

Nhiễm khuẩn tiết niệu là bệnh rất phổ biến, có thể gặp ở mọi đối tượng từ người cao tuổi đến trẻ em, thậm chí trẻ sơ sinh. Bệnh xảy ra khi vi khuẩn xâm nhập gây tình trạng viêm nhiễm ở hệ thống tiết niệu. Dựa vào vị trí giải phẫu, có thể chia ra là nhiễm khuẩn đường tiểu dưới và nhiễm khuẩn đường tiểu trên. Nhiễm khuẩn đường tiểu dưới tương ứng với bàng quang, niệu đạo, tuyến tiền liệt; nhiễm khuẩn đường tiểu trên liên quan đến niệu quản, đài bể thận.

Các vi khuẩn gây nhiễm khuẩn tiết niệu thường gặp là E.coli, Klebsiella, Proteus, Enterococcus, S.saprophyticus, ... Vi khuẩn xâm nhập vào hệ thống niệu đạo theo ba cách là từ dưới lên, theo đường máu và hệ thống bạch huyết. Tỷ lệ nhiễm trùng tiết niệu ở phụ nữ cao hơn nam giới do phụ nữ có niệu đạo ngắn và gần trực tràng, vi khuẩn dễ xâm nhập hơn.


E.coli gây nhiễm khuẩn tiết niệu
E.coli gây nhiễm khuẩn tiết niệu

2. Triệu chứng của nhiễm khuẩn tiết niệu

Các triệu chứng của nhiễm khuẩn tiết niệu có thể khác nhau giữa các đối tượng mắc bệnh.

2.1 Đối với người lớn

Ở người lớn, các dấu hiệu thường là:

  • Nhiễm khuẩn tiết niệu dưới: Tiểu khó, tiểu buốt, tiểu rắt, tiểu về đêm, đau tức trên xương mu, có thể có tiểu máu, có thể có sốt hoặc không.
  • Nhiễm khuẩn tiết niệu trên: Bệnh nhân đau vùng hố sườn lưng, sốt cao, mệt mỏi, buồn nôn, thể trạng suy sụp nhanh.

2.2 Đối với người cao tuổi

Đối với người cao tuổi, khi nhiễm khuẩn tiết niệu có thể không có triệu chứng đường tiểu điển hình, mà có thể biểu hiện bằng thay đổi tính tình, thói quen ăn uống, triệu chứng rối loạn đường tiêu hóa.

2.3 Đối với trẻ em

Nhiễm khuẩn đường tiết niệu ở trẻ em còn nhỏ, có thể gặp các triệu chứng như sốt, khóc ré lên khi đi tiểu, khó chịu, lờ chờ, ăn kém, chậm tăng cân. Một số hiếm trường hợp trẻ có thể bị tiểu máu và vàng da.

Do sự đa dạng về triệu chứng, nên để chẩn đoán chính xác bệnh nhiễm khuẩn tiết niệu, ngoài thăm khám lâm sàng, bác sĩ sẽ chỉ định bệnh nhân thực hiện một số xét nghiệm như: Phân tích nước tiểu, nhuộm gram nước tiểu, nuôi cấy vi khuẩn,... Nhuộm gram nước tiểu là phương pháp được thực hiện khá phổ biến, giúp phân loại vi khuẩn dựa vào hình thể, cách sắp xếp và tính chất bắt màu của vi sinh vật.


Hình ảnh nhuộm gram nước tiểu
Hình ảnh nhuộm gram nước tiểu

3. Kỹ thuật nhuộm gram nước tiểu trong chẩn đoán nhiễm trùng tiểu

3.2. Kỹ thuật nhuộm gram nước tiểu

Kỹ thuật viên sẽ lắc kỹ ống đựng nước tiểu, sau đó dùng pipet lấy 10μl nước tiểu phết lên lam kính, không dàn tiêu bản.Tiêu bản sẽ được để khô tự nhiên hoặc làm khô ở 60oC. Tiến hành nhuộm tiêu bản bằng dung dịch tím Gel titan, dung dịch Lugol, tẩy màu bằng cồn 90o sau đó nhuộm tiếp bằng dung dịch đỏ fuchsin (có thể thay thế bằng dung dịch safranin). Sau mỗi bước nhuộm, tẩy, tiêu bản được rửa dưới vòi nước chảy nhẹ.

Do sự khác nhau về thành phần, cấu trúc vách tế bào, các vi khuẩn sẽ bắt màu khác nhau khi nhuộm gram. Do thành phần tế bào có nhiều acid teichoic, lớp peptidoglycan dày không bị tẩy màu bằng cồn, nên khi nhuộm vi khuẩn gram dương sẽ giữ nguyên được màu tím như ban đầu. Trong khi đó, vi khuẩn gram âm có lớp màng tế bào dễ bị phá hủy bởi cồn khi tẩy màu nên vi khuẩn sẽ mất màu tím và chuyển sang màu đỏ của thuốc nhuộm fuchsin.

Tiêu bản sau khi nhuộm sẽ được làm khô và soi dưới kính hiển vi. Kỹ thuật viên xét nghiệm sẽ đếm số lượng và mô tả các loại tế bào vi khuẩn dựa vào quan sát hình thể, kích thước, tính chất bắt màu gram âm (bắt màu đỏ), gram dương (bắt màu tím),...

Kết quả nhuộm gram nước tiểu được đánh giá dựa trên bảng sau:

Nhuộm gram nước tiểu trong chẩn đoán nhiễm trùng tiểu

Sau khi quan sát dưới kính hiển vi trong ít nhất 10 vi trường, kỹ thuật viên xét nghiệm sẽ ghi chép kết quả vào phiếu trả lời kết quả và gửi đến các khoa điều trị.

Kết quả xét nghiệm nhuộm gram nước tiểu sẽ giúp bác sĩ đánh giá được mức độ nhiễm khuẩn, định hướng loại vi khuẩn nào gây nhiễm khuẩn tiết niệu, từ đó có phương án điều trị hiệu quả hơn cho bệnh nhân.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe