Bài viết được viết bởi Tiến sĩ Hoàng Quốc Chính - Trung tâm Công nghệ cao Vinmec
Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư vú là bất kể thứ gì làm tăng khả năng mắc bệnh ung thư vú của một người. Tuy nhiên, có yếu tố nguy cơ không có nghĩa là người đó chắc chắn sẽ bị bệnh ung thư. Yếu tố nguy cơ bao gồm những yếu tố có thể thay đổi và những yếu tố không thể thay đổi. Bài viết này cung cấp những thông tin khái quát về các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư vú mà chúng ta không thể thay đổi.
1. Là con gái
Đây là yếu tố nguy cơ chính của bệnh ung thư vú vì tỷ lệ bị ung thư vú ở nữ cao hơn hàng trăm lần so với nam giới.
2. Lão hóa
Khi tuổi càng cao thì nguy cơ mắc bệnh ung thư vú càng tăng. Đa số bệnh nhân ung thư vú được phát hiện ở tuổi 55 trở đi.
Trắc nghiệm: Những lầm tưởng và sự thật về ung thư vú
Ung thư vú có tỷ lệ tử vong cao nhất ở nữ giới khiến họ rất lo sợ bản thân mắc phải căn bệnh này. Tuy nhiên, không ít chị em có những hiểu biết thái quá về ung thư vú. Thử sức cùng bài trắc nghiệm sau sẽ giúp bạn loại bỏ được những nghi ngờ không đúng về căn bệnh này.
Bài dịch từ: webmd.com
3. Sinh ra trong một gia đình có bệnh sử ung thư vú
Khoảng 15% bệnh nhân ung thư vú có tiền sử gia đình mắc bệnh ung thư vú. Nguy cơ mắc bệnh ung thư vú của một người có mẹ, chị, hoặc con gái cao hơn hai lần so với người không có bệnh sử gia đình. Nguy cơ này sẽ cao gấp 3 lần nếu trong gia đình có hai người bị ung thư vú. Nguy cơ của phụ nữ mà trong gia đình có bố, anh, hoặc em trai cũng cao hơn mức quần thể.
4. Bệnh nhân ung thư vú
Bệnh nhân bị ung thư ở một bên vú cũng có nguy cơ bị ung thư vú ở bên còn lại hoặc ở phần khác của cùng một bên vú cũng cao hơn so với quần thể.
5. Chủng tộc
Phụ nữ châu Á, gốc Tây Ban Nha, và da đỏ có nguy cơ mắc ung thư vú thấp hơn người Mỹ da trắng, và gốc phi.
6. Chiều cao
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng phụ nữ có chiều cao hơn chiều cao trung bình thường có nguy cơ bị ung thư vú cao hơn người có chiều cao thấp hơn chiều cao trung bình.
7. Mật độ mô
Phụ nữ có mật độ mô tuyến và mô sợi dày đặc hơn mật độ trung bình có nguy cơ mắc ung thư vú cao hơn khoảng hai lần so với người có mật độ thấp.
8. U lành
Phụ nữ được chẩn đoán có u lành ở tuyến vú cũng có nguy cơ mắc ung thư vú cao hơn quần thể.
9. Chu kỳ kinh nguyệt sớm
Phụ nữ bắt đầu chu kỳ kinh nguyệt trước 12 tuổi cũng tăng nguy cơ bị ung thư vú.
10. Kết thúc chu kỳ kinh muộn
Phụ nữ kết thúc chu kỳ kinh ở tuổi 55 trở đi cũng có nguy cơ bị ung thư vú cao.
11. Đột biến di truyền
Đột biến di truyền trên những gen làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư vú. Khoảng 10% bệnh nhân ung thư vú được cho là có nguyên nhân từ di truyền, nghĩa là bệnh ung thư vú của những bệnh nhân này được gây ra bởi đột biến di truyền mà bệnh nhân được thừa hưởng từ bố, mẹ, hoặc trong quá trình hình thành hợp tử.
- Đột biến trên gen BRCA1 và BRCA2 là nguyên nhân gây ra bệnh ung thư vú di truyền phổ biến nhất. Chức năng bình thường của hai gen này là sửa chữa những sai hỏng khi DNA bị tổn thương. Đột biến trên hai gen này làm mất hoặc giảm chức năng sửa chữa DNA của chúng, dẫn đến việc tích tụ sai hỏng trong tế bào. Khi tế bào chứa một lượng DNA sai hỏng đủ lớn thì chúng có thể bị biến đổi thành các tế bào ung thư. Trung bình, một người được sinh ra với một bản sao bị lỗi của gen BRCA1 hoặc BRCA2 có nguy cơ mắc bệnh ung thư vú cao hơn người bình thường từ 5-7 lần (tính cho đến khi họ 80 tuổi). Khi càng có nhiều người trong gia định bị ung thư vú thì tỷ lệ này càng tăng. Phụ nữ mang đột biến di truyền trên gen BRCA1 hoặc BRCA2 thường bị ung thư vú ở tuổi trẻ hơn tuổi trung bình của bệnh nhân ung thư vú, thường bị cả hai bên vú, và có nguy cơ bị mắc ung thư buồng trứng và một vài loại ung thư khác. Nam giới mang đột biến di truyền cũng có nguy cơ cao bị ung thư vú, ung thư tuyến tiền liệt và một vài loại ung thư khác.
- Đột biến trên những gen khác như là ATM, TP53, CHEK2, PTEN, CDH1, STK11, và PALB2 cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư vú. Tuy nhiên, mức độ làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư vú di truyền của các gen này không cao bằng gen BRCA1 và BRCA2. Bên cạnh những gen này, đột biến trên một số gen khác cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư vú di truyền, nhưng vì chúng chỉ xuất hiện ở một số lượng nhỏ bệnh nhân ung thư di truyền, nên không được đề cập ở đây.
- Xét nghiệm gen và tư vấn di truyền: Xét nghiệm gen là phương pháp duy nhất để xác định bệnh ung thư vú của một người có phải là di truyền hay không. Hiệp hội phẫu thuật vú quốc gia (Hoa Kỳ) khuyến cáo tất cả bệnh nhân ung thư vú và người nhà của bệnh nhân có kết quả xét nghiệm dương tính nên thực hiện xét nghiệm gen. Đối với bệnh nhân, xét nghiệm gen sẽ hữu ích trong việc lựa chọn liệu pháp điều trị đích phù hợp, và việc lên kế hoạch sàng lọc phát hiện sớm các bệnh ung thư khác. Đối với người nhà bệnh nhân có kết quả xét nghiệm dương tính, xét nghiệm gen sẽ giúp lên kế hoạch theo dõi phát hiện sớm, và thực hiện các biện pháp làm giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư. Đối với cộng đồng, xét nghiệm gen sẽ làm giảm gánh nặng kinh tế và xã hội do bệnh ung thư vú gây ra.
Hiện nay, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec hiện có Gói tầm soát ung thư vú giúp đánh giá nguy cơ mắc bệnh ung thư vú di truyền, ngay cả khi chưa có triệu chứng rõ ràng.
Gói tầm soát ung thư vú tại Vinmec dành cho các đối tượng:
- Khách hàng nữ, trên 40 tuổi.
- Khách hàng có nhu cầu có thể sàng lọc bệnh lý về ung thư vú
- Khách hàng có nguy cơ cao mắc các bệnh về ung thư – đặc biệt là khách hàng tiền sử gia đình có bệnh lý ung thư vú.
- Phụ nữ trong độ tuổi sinh sản, tiền mãn kinh và mãn kinh.
- Phụ nữ đang có triệu chứng nghi ngờ ung thư vú như : đau ở vú, có cục u ở vú, vv
Nếu có nhu cầu, Quý khách hàng vui lòng liên hệ các bệnh viện Vinmec trên toàn quốc.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: cancer.org