Những yếu tố đánh giá tình trạng suy hô hấp ở trẻ sơ sinh

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Hoàng Thế Nhân - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang.

Suy hô hấp xảy ra nhiều ở những trẻ sinh thiếu tháng, trẻ càng được sinh sớm thì nguy cơ mắc bệnh càng cao. Để đánh giá toàn diện tình trạng bệnh của trẻ cần sự kết hợp các phương pháp từ tìm hiểu tiền sử bệnh, mức độ biểu hiện của bệnh, và các xét nghiệm cận lâm sàng.

1. Suy hô hấp cấp là gì?

Suy hô hấp cấp là tình trạng rối loạn chức năng trao đổi khí ở phổi gây khó khăn trong quá trình trao đổi khí dẫn đến thiếu oxy máu, kèm theo hoặc không kèm theo tăng CO2 máu. Đây là bệnh dễ gặp ở trẻ trong thời kỳ sơ sinh, nhất là trong những ngày đầu sau sinh. Tử vong do suy hô hấp chiếm tỷ lệ cao trong tử vong sơ sinh. Trẻ sinh non dễ bị suy hô hấp hơn trẻ sinh đủ tháng.

2. Các yếu tố đánh giá tình trạng suy hô hấp ở trẻ sơ sinh

2.1 Tiền sử bệnh

Tiền sử sinh sản của mẹ là yếu tố chính liên quan đến tình trạng suy hô hấp của trẻ sơ sinh. Do đó, khai thác tiền sử sẽ giúp đánh giá hiệu quả tình trạng bệnh.

  • Sinh non: Trẻ càng sinh non thì tiên lượng càng khó khăn hơn. Lúc này, trẻ dễ bị suy hô hấp do chưa có đủ thời gian để hoàn thiện các cơ quan trong cơ thể.
    • Hệ thần kinh chưa hoàn thiện
    • Phổi chưa hoàn thiện, thiếu chất surfactant gây ra bệnh viêm màng trong phổi
    • Sức đề kháng cơ thể yếu dễ gây nhiễm trùng (viêm phổi)
  • Sinh ngạt: Làm chức năng tuần hoàn phổi của trẻ bị giảm
  • Sinh mổ: Dịch phế nang được hấp thu chậm gây ra những cơn khó thở thoáng qua
  • Những trường hợp bị vỡ ối sớm, sốt trước khi sinh, dịch ối đục có mùi hôi đều dễ gây viêm phổi cho trẻ sơ sinh
  • Mẹ bị tiểu đường làm ảnh hưởng đến việc tổng hợp surfactant
  • Trẻ đang bị bệnh như cảm lạnh, sốt cao đều làm tăng tiêu thụ oxy

2.2 Khám các cơ quan

Dựa vào các triệu chứng lâm sàng xuất hiện trên cơ thể có thể giúp xác định mức độ bệnh tật của trẻ sơ sinh. Một số các triệu chứng đặc trưng bao gồm:

  • Triệu chứng thở nhanh >= 60 lần/phút, có cơn ngừng thở kéo dài lớn hơn hoặc nhỏ hơn 20 giây kèm theo nhịp tim giảm xuống < 100 lần/phút.
  • Lồng ngực bị rút lõm
  • Phập phồng cánh mũi
  • Có tiếng thở rên
  • Tím tái ở một số cơ quan như đầu ngón tay, chân
  • Đổ mồ hôi khá nhiều

Khám lồng ngực cho trẻ
Khám lồng ngực cho trẻ

2.3 Xét nghiệm cận lâm sàng

Bác sĩ có thể đề nghị người bệnh thực hiện một số xét nghiệm để chẩn đoán chính xác bệnh là do các vấn đề về hô hấp hay là do trẻ bị các bệnh nhiễm trùng. Một số xét nghiệm được sử dụng bao gồm:

  • Chụp X-quang ngực: Hình ảnh X-quang có thể dùng để kiểm tra chức năng phổi
  • Xét nghiệm khí máu: Xét nghiệm khí máu dùng để kiểm tra nồng độ oxy, carbon dioxide trong máu và sự hiện diện của axit dư thừa trong dịch cơ thể
  • Siêu âm tim: Xét nghiệm này có thể được thực hiện để xác định tim mạch của trẻ có hoạt động bình thường hay có dấu hiệu bệnh lý.
  • Phết máu ngoại vi: Xét nghiệm này được thực hiện trong trường hợp nghi ngờ trẻ bị nhiễm trùng huyết

3. Điều trị suy hô hấp ở trẻ sơ sinh

Các triệu chứng của suy hô hấp thường xuất hiện ngay sau khi bé chào đời. Những bé bị suy hô hấp thường được chăm sóc trong phòng chăm sóc đặc biệt. Việc điều trị cần được tiến hành kịp thời để tránh gây ra các biến chứng nguy hiểm do các cơ quan của bé không được cung cấp đủ oxy để hoạt động.

3.1. Liệu pháp thay thế surfactant

Liệu pháp thay thế surfactant được sử dụng cho trẻ bị thiếu chất hoạt động tạo tính bề mặt. Với phương pháp này, chất surfactant sẽ được đưa vào phổi qua đường nội khí quản của bé. Bé cũng sẽ được đặt máy thở để hỗ trợ hô hấp. Tùy thuộc vào tình trạng bệnh, bác sĩ sẽ quyết định tần suất và thời gian thực hiện phương pháp. Liệu pháp này có hiệu quả nhất khi được thực hiện trong 6 giờ đầu sau sinh.

Kỹ thuật bơm Surfactant sẽ khó thực hiện được nếu tiêu chuẩn chăm sóc chung không đạt chất lượng cao. Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec đã đáp ứng điều kiện tiêu chuẩn khắt khe để áp dụng Liệu pháp bơm Surfactant trong điều trị suy hô hấp ở trẻ sơ sinh, bao gồm đầy đủ các phương tiện hỗ trợ và đội ngũ bác sĩ thực hiện thành thạo các kỹ thuật.

3.2. Liệu pháp oxy

Liệu pháp oxy là phương pháp vận chuyển oxy đến các cơ quan trong cơ thể trẻ. Trường hợp không cung cấp đủ oxy, các cơ quan quan trọng có thể không hoạt động đúng. Do đó, máy thở được sử dụng để kiểm soát oxy của bé.

3.3. Thở CPAP

Thở CPAP qua đường mũi là phương pháp đưa vào đường thở một áp lực dương liên tục. Mục đích là duy trì độ giãn của các phế nang có khuynh hướng xẹp và mở các phế nang bị xẹp. Một mặt nạ nhỏ sẽ được đặt lên mũi của bé khi thực hiện phương pháp này.

Để giảm bớt đau đớn cho trẻ, bác sĩ có thể quyết định sử dụng thêm các loại thuốc giảm đau. Hỏi ý kiến bác sĩ để xác định cách điều trị và thời gian phục hồi cho trẻ.

4. Phòng ngừa suy hô hấp ở trẻ sơ sinh


Nguyên nhân chính của suy hô hấp ở trẻ sơ sinh là sinh non
Nguyên nhân chính của suy hô hấp ở trẻ sơ sinh là sinh non

Nguyên nhân chính của suy hô hấp ở trẻ sơ sinh là sinh non. Do đó, để ngăn ngừa suy hô hấp, cách tốt là duy trì sức khỏe ổn định để sinh con đủ tháng.

Nguy cơ sinh non có thể giảm nếu phụ nữ mang thai thực hiện tốt các biện pháp phòng ngừa cùng với việc duy trì các thói quen lành mạnh như vận động nhẹ nhàng, ăn uống dinh dưỡng trong thời gian mang thai.

Trong trường hợp nếu bạn buộc phải sinh sớm, bác sĩ có thể chỉ định dùng thuốc corticosteroid nhằm giúp phổi của bé phát triển nhanh hơn và tăng khả năng sản xuất chất hoạt động tạo tính bề mặt cho phổi.

Điều trị hội chứng suy hô hấp là một thử thách khó khăn với các bé sơ sinh. Trong thời gian điều trị, bé cần được theo dõi và chăm sóc liên tục. Vì vậy, các bậc phụ huynh nên hỏi ý kiến bác sĩ để có biện pháp chăm sóc tốt giúp bé hồi phục nhanh hơn.

Khoa nhi tại hệ thống Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec là địa chỉ tiếp nhận và thăm khám các bệnh lý mà trẻ sơ sinh cũng như trẻ nhỏ dễ mắc phải: Sốt virus, sốt vi khuẩn, viêm tai giữa, viêm phổi ở trẻ,....Với trang thiết bị hiện đại, không gian vô trùng, giảm thiểu tối đa tác động cũng như nguy cơ lây lan bệnh. Cùng với đó là sự tận tâm từ các bác sĩ giàu kinh nghiệm chuyên môn với các bệnh nhi, giúp việc thăm khám không còn là nỗi trăn trở của các bậc cha mẹ.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe