Trẻ sơ sinh dễ gặp suy hô hấp cấp những ngày đầu sau sinh

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Phan Thị Cẩm Vân - Bác sĩ Sơ sinh - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng. Bác đã có kinh nghiệm 07 năm làm Bác sĩ nội trú và Bác sĩ điều trị Nhi - Sơ sinh tại Bệnh viện Trung Ương Huế và Bệnh viện Đại học Y Dược Huế. Đặc biệt, bác có thế mạnh về chăm sóc và điều trị trẻ sơ sinh, hồi sức sơ sinh, hô hấp, tiêu hóa, bệnh lý truyền nhiễm.

Suy hô hấp cấp ở trẻ sơ sinh là một tình trạng bệnh tương đối nguy hiểm, thậm chí có thể dẫn đến tử vong. Chính vì vậy các bậc cha mẹ nên biết về hội chứng này để có cách chăm sóc cho con một cách hoàn hảo nhất, tránh được những nguy hiểm không mong muốn có thể xảy ra.

1. Suy hô hấp cấp ở trẻ sơ sinh là gì?

Suy hô hấp cấp là sự rối loạn khả năng trao đổi khí giữa phế nang và mao mạch dẫn đến giảm O2, tăng CO2 và giảm PH máu động mạch. Suy hô hấp cấp là hội chứng rất thường gặp trong thời kỳ sơ sinh nhất là vào những ngày đầu sau sinh. Đây là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trong giai đoạn sơ sinh nhất là đối với trẻ sinh non.

Suy hô hấp cấp có thể xảy ra ngay sau khi sinh hoặc sau vài giờ, cũng có thể là vài ngày, suy hô hấp sẽ làm thiếu oxy cho nhu cầu của các cơ quan đặc biệt là tim, não làm ứ đọng CO2 gây toan hô hấp.

2. Nguyên nhân gây suy hô hấp ở trẻ những ngày đầu sau sinh

2.1.Nguyên nhân tại phổi

  • Bệnh màng trong

Đây là một hội chứng hoặc do thiếu số lượng và sự trưởng thành của tế bào phổi ( tế bào sản xuất ra Surfactant) hoặc do stress như ngạt, giảm thể tích tuần hoàn, toan máu, hạ thân nhiệt, hạ đường máu, mẹ dùng thuốc an thần, xuất huyết ở mẹ gây cản trở sản xuất chất surfactant của tế bào phổi.

  • Hội chứng hít nước ối, phân su

Hít phân su, nước ối hay xảy ra ở trẻ đủ tháng hoặc trẻ già tháng ( chiếm 5% dịch ối nhuốm phân su) bị ngạt do suy thai hay thiếu máu rau thai nên xuất hiện động tác thở đầu tiên trước khi được sinh ra, gây tắc đường thở bởi phân su, nước ối. Nguyên nhân gặp ở những trường hợp sinh khó, chuyển dạ kéo dài, rối loạn cơn co tử cung.

  • Viêm phổi

Tác nhân có thể là vi khuẩn ( liên cầu, khuẩn E. Coli, Listeria...) hoặc do virus, do lây nhiễm trước, trong hoặc sau sinh. Viêm phổi do liên cầu nhóm B có thể lầm với bệnh màng trong. Có tiền sử vỡ ối sớm ( tần suất nhiễm trùng tăng cùng với thời gian vỡ ối) hoặc người mẹ bị sốt.


Trẻ sơ sinh dễ gặp suy hô hấp cấp những ngày đầu sau sinh
Trẻ sơ sinh dễ gặp suy hô hấp cấp những ngày đầu sau sinh

2.2. Nguyên nhân ngoài phổi

Các bệnh tim bẩm sinh

  • Khoảng 1% trẻ sinh sống.
  • Những bệnh tim bẩm sinh có tím: chuyển gốc mạch máu lớn, tĩnh mạch phổi trở về bất thường, tứ chứng Fallot, hẹp động mạch phổi, teo van ba lá...
  • Những bệnh tim có suy tim: giảm sản tim trái, hẹp động mạch chủ, nhịp nhanh trên thất...

Các dị tật bẩm sinh khác

  • Thoát vị cơ hoành: với 80% xảy ra ở bên trái, biểu hiện ngay lúc mới sinh đó là suy hô hấp nặng kèm ngực gồ lên, bụng lõm và nghe tiếng tim rõ bên phải.
  • Teo thực quản kèm lỗ dò khí - thực quản: Khoảng 1/3000 trẻ sinh sống. Có biểu hiện bằng dấu đùn chất xuất tiết ở miệng, trẻ tím tái và vật vã từng lúc.
  • Hẹp lỗ mũi sau: trẻ hồng khi khóc, tím khi ngủ và đặc biệt là tím khó thở khi trẻ bú.

Các bệnh lý thần kinh

  • Xuất huyết não, màng não, thiếu oxy não, phù não, viêm màng não mủ...đều có thể gây ức chế và rối loạn hô hấp.
  • Ngoài suy hô hấp trẻ có những biểu hiện bất thường về thần kinh như có giật, thóp phồng, tăng trương cơ lực...

Các bệnh lý chuyển hóa

  • Tăng, hạ đường máu; tăng, hạ các chất điện giải; hạ thân nhiệt...có thể là nguyên nhân tiên phát hoặc thứ phát của suy hô hấp.

3. Triệu chứng suy hô hấp ở trẻ

  • Rối loạn nhịp thở: trẻ thở nông, nhanh, không đều, nhịp thở >60 lần/phút.
  • Da tím hoặc tái, xảy ra ở toàn thân hoặc quanh môi và tứ chi.
  • Khó thở, co kéo lồng ngực và các cơ liên sườn, lõm xương ức. Di động của ngực và bụng không nhịp nhàng theo nhịp thở. Cánh mũi phập phồng, có tiếng rên khi thở ra.

Lúc này, cơ thể trẻ đang thiếu dưỡng khí, nếu không được cấp cứu kịp thời và đúng cách, trẻ rất dễ tử vong. Trong lúc chuẩn bị đưa trẻ đi bệnh viện, gia đình cần thực hiện ngay một số việc dưới đây:

  • Làm thông đường thở, nhất là đối với trẻ suy thở do sặc sữa hoặc sặc đờm dãi.
  • Dùng ngón tay quấn khăn xô hoặc gạc lau sạch miệng và họng cho trẻ.
  • Nhanh chóng hút mũi cho trẻ, phải làm nhanh và nhẹ nhàng, tránh làm tổn thương niêm mạc miệng của trẻ.
  • Nới rộng áo quần, tã để trẻ dễ thở.
  • Ủ ấm cho trẻ bằng chăn, túi nước ấm.
  • Bế trẻ ở tư thế đầu cao, hơi ngửa cổ để trẻ dễ thở. Trên đường di chuyển, nếu trẻ không thở thì phải búng nhẹ ở gót chân hoặc xoa nhẹ vùng ngực để kích thích trẻ thở.

Triệu chứng suy hô hấp ở trẻ
Triệu chứng suy hô hấp ở trẻ

4. Phòng tránh suy hô hấp ở trẻ

Vì suy hô hấp cấp thường xảy ra ở trẻ sinh non nên khi mang thai bà bầu cần chú ý thăm khám định kỳ theo đúng lịch, duy trì chế độ dinh dưỡng nâng cao thể trạng, biết cách phòng ngừa sinh non và trẻ ngạt trong buồng tử cung. Nếu người mẹ có các bệnh lý mãn tính cũng nên điều trị sớm trước khi sinh, với các cơ sở y tế cần phát hiện sớm các nguy cơ của trẻ để can thiệp kịp thời.

Suy hô hấp là một bệnh lý nguy hiểm, nếu không được phát hiện sớm và can thiệp kịp thời có thể làm trẻ tử vong do thiếu oxy và suy hô hấp.

Sự thiếu hụt surfactant tiên phát ở trẻ đẻ non gây nên hội chứng suy hô hấp ở trẻ sinh non. Kỹ thuật bơm Surfactant điều trị suy hô hấp hiện đang được thực hiện tại bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang từ tháng 4/2019.

Kỹ thuật bơm Surfactant sẽ khó thực hiện được nếu như tiêu chuẩn chăm sóc chung không đạt chất lượng cao. Vinmec đã đáp ứng điều kiện tiêu chuẩn khắt khe để áp dụng Liệu pháp Surfactant trong điều trị suy hô hấp ở trẻ sơ sinh, bao gồm đầy đủ các phương tiện hỗ trợ và đội ngũ bác sĩ thực hiện thành thạo trong các kỹ thuật: Đặt nội khí quản, sử dụng máy thở, xử lý tình huống cấp cứu hô hấp tuần hoàn, xử trí các ca bệnh nhi bị tràn khí màng phổi.

Với đội ngũ bác sĩ giàu kinh nghiệm chuyên môn đến từ khoa Nhi tại Vinmec Nha Trang:

Nếu nhận thấy trẻ có những dấu hiệu bị suy hô hấp, nên dùng surfactant để điều trị sớm. Lợi ích lâm sàng của liệu pháp này đó là: cải thiện thông khí phổi, tăng cường oxy hóa máu, giảm tần suất dò khí ( biến chứng tràn khí màng phổi, ứ khí phế nang...), giảm tỷ lệ tử vong và bệnh tật cho trẻ, giảm tỷ lệ tàn tật nghiêm trọng.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số 02583900168 hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe