Bài viết được viết bởi các Bác sĩ Hồi sức cấp cứu, Khoa Hồi sức cấp cứu - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng
Hiện nay, liệu pháp oxy được ứng dụng rộng rãi trong điều trị bệnh suy hô hấp. Tùy vào nguyên nhân gây thiếu oxy, bác sĩ sẽ chỉ định liệu pháp thở oxy như thế nào để phù hợp với tình trạng của người bệnh.
1. Liệu pháp oxy là gì?
Liệu pháp oxy là một phương pháp được ứng dụng trong y học để cung cấp khí thở cho người mắc bệnh lý về hô hấp, đặc biệt là suy hô hấp, bệnh nhân được thở với nồng độ oxy trong không khí là lớn hơn 21%.
Trong điều kiện bình thường, không khí có thành phần gồm oxy (20,95%), carbonic (0,03%) và nitơ (79,02%). Với tỷ lệ này, con người có thể hít thở và sinh sống. Tuy nhiên, một số bệnh nhân gặp phải tình trạng thiếu oxy, làm ảnh hưởng đến sự hoạt động và phát triển của các tế bào và cơ quan trong cơ thể. Do đó, liệu pháp thở oxy được chỉ định để giúp người bệnh duy trì hoạt động sống thông thường.
Các nguyên nhân được cho là gây ra tình trạng thiếu oxy bao gồm:
- Đường hô hấp gặp chướng ngại: do nuốt phải dị vật, bị mắc nghẹn, khối u ở đường hô hấp, dịch tiết đường hô hấp quá nhiều, họng bị sưng phù, một số bệnh lý như bạch hầu, hen suyễn, viêm phế quản, viêm phổi,...
- Lồng ngực bị hạn chế về mặt thể tích: do chấn thương gây gãy các xương sườn, bệnh lý vẹo cột sống, tràn dịch, tràn khí màng phổi,
- Khuếch tán khí trong phổi bị cản trở: do các bệnh như viêm phổi, phù phổi, viêm phế quản, khí phế thũng.
Một số bệnh làm giảm oxy máu do quá trình tuần hoàn vận chuyển oxy bị rối loạn như thiếu máu (về lượng và về chất), bệnh tim bẩm sinh, suy tim.
2. Chỉ định liệu pháp thở oxy cho những trường hợp nào?
Liệu pháp oxy được chỉ định trong các trường hợp sau:
- Người bệnh bị nghi ngờ thiếu oxy trong máu hoặc bị giảm oxy máu với các biểu hiện như khó thở, thở dốc, thở nhanh, bồn chồn, tim đập nhanh hoặc loạn nhịp, huyết áp tăng, thần kinh bị rối loạn, mất định hướng. Nếu bị thiếu oxy máu mức độ nặng, bệnh nhân có thể có biểu hiện tím tái, thở chậm hoặc có khi ngừng thở, huyết áp tụt, rối loạn ý thức.
- Người bệnh bị suy tim, nhồi máu cơ tim cấp.
- Người bệnh bị chấn thương hoặc phẫu thuật, có dấu hiệu nghi ngờ thiếu oxy.
3. Liệu pháp oxy được sử dụng như thế nào?
3.1 Nguyên tắc sử dụng liệu pháp oxy
- Sử dụng đúng liều lượng: Liệu pháp thở oxy cần được sử dụng theo đúng chỉ định với liều lượng thích hợp, cần sử dụng lưu lượng oxy tối thiểu để đạt được hiệu quả mong muốn, tránh sử dụng oxy liều quá cao có thể gây ngộ độc oxy.
- Phòng tránh nhiễm khuẩn: Khi sử dụng liệu pháp oxy thì khả năng nhiễm khuẩn sẽ cao hơn vì vi khuẩn thường phát triển nhanh trong môi trường khí oxy, từ đó dễ dàng xâm nhập vào hệ hô hấp đang bị tổn thương. Để hạn chế và phòng tránh nhiễm khuẩn cho người bệnh cần đảm bảo vô khuẩn dụng cụ sau mỗi lần thở. thay ống thông, làm vệ sinh miệng cho người bệnh
- Phòng tránh khô đường hô hấp: Các bình cung cấp khí oxy là khí khô nên rất dễ làm các tế bào niêm mạc đường hô hấp bị khô. Vì vậy, khí oxy thở vào cần được làm ẩm bằng dung dịch vô khuẩn và lưu ý bổ sung nước đầy đủ cho bình làm ẩm.
- Phòng chống cháy nổ: Khu vực bệnh nhân sử dụng liệu pháp thở oxy cần hạn chế hút thuốc và lửa, bản thân người bệnh cũng không nên hút thuốc và sử dụng đồ dùng có thể phát lửa trong khu vực thở, dùng dây tiếp đất với các thiết bị điện để tránh phát tia lửa điện ở khu vực này để phòng chống cháy nổ.
3.2 Liệu pháp oxy có những phương tiện cung cấp oxy nào?
Bệnh nhân được chỉ định liệu pháp thở oxy có thể được sử dụng oxy thông qua 3 phương tiện cung cấp là ống thông mũi, mặt nạ và lều. Tùy vào tình trạng của mỗi bệnh nhân và nồng độ oxy cần được cung cấp, người bệnh sẽ được dùng phương pháp phù hợp.
- Thở oxy qua ống thông mũi: Thở oxy qua ống thông mũi được áp dụng đối với bệnh nhân bị thiếu oxy nhẹ và còn trong tình trạng tỉnh táo. Ưu điểm của dụng cụ này là người bệnh dễ chấp nhận vì có thể ăn uống hoặc nói chuyện trong khi thở oxy. Tuy nhiên, liệu pháp thở oxy bằng ống thông mũi có những hạn chế như: (1) không đo được chính xác nồng độ oxy hít vào vì phụ thuộc vào kiểu thở và thể tích thở của người bệnh, (2) không đạt được nồng độ oxy tối đa khi thở, (3) lưu lượng khí chỉ giới hạn tối đa khoảng 5 - 6 lít/phút, nếu sử dụng quá liều có thể không làm tăng hiệu quả, ngược lại còn gây nguy cơ tràn khí tràn vào dạ dày làm căng giãn dạ dày, (4) dễ gây bít tắc ống do chất tiết trong đường thở, (5) khó làm ấm khí thở.
- Thở oxy qua mặt nạ: Liệu pháp thở oxy qua mặt nạ thường được dùng trong các trường hợp cấp cứu khẩn cấp, hoặc khi bệnh nhân bị tổn thương hô hấp vùng mũi và hầu. Thở oxy qua mặt nạ là phương tiện cung cấp oxy có nồng độ cao hơn so với ống thông mũi, có thể lên đến 90%. Tuy nhiên, nồng độ oxy thường được chỉ định là không quá 60% để đảm bảo không bị ngộ độc oxy.
- Thở oxy qua lều: Liệu pháp thở oxy qua lều được chỉ định đối với bệnh nhân không đáp ứng với 2 kỹ thuật trên hoặc đối với bệnh nhân là trẻ em. Lưu ý khi sử dụng thở oxy qua lều là cần đảm bảo áp lực không khí dương tính bên trong lều, tránh trường hợp lều bị hở dẫn đến nồng độ oxy bên trong bị giảm. Trong quá trình sử dụng cần thường xuyên theo dõi và điều chỉnh nhiệt độ, độ ẩm, để đảm bảo không tích tụ khí CO2 trong lều, đồng thời, vệ sinh lều sau khi sử dụng.
3.3 Một số hạn chế và biến chứng của liệu pháp oxy
Mặc dù được xem là liệu pháp hiệu quả trong điều trị suy hô hấp, tuy nhiên, liệu pháp oxy có những hạn chế sau:
- Đối với người bệnh bị giảm oxy do suy tuần hoàn hoặc thiếu máu, phương pháp này cho hiệu quả thấp.
- Đối với bệnh nhân được chỉ định thông khí nhân tạo, liệu pháp oxy không được áp dụng thay thế được.
Bên cạnh đó, nếu sử dụng không đúng chỉ định và liều lượng, liệu pháp thở oxy có thể gây ra một số biến chứng như:
- Ngộ độc oxy: Nếu người bệnh thở oxy có nồng độ cao (>60%) và trong thời gian dài sẽ dẫn đến ngộ độc oxy.
- Xẹp phổi: Trong hô hấp, khí nitơ đóng vai trò quan trọng trong việc giữ không cho phế nang bị xẹp khi thở ra. Nếu người bệnh thở oxy nồng độ cao sẽ khiến cho khí nitơ ở trong phế nang bị đẩy ra ngoài, gây xẹp phế nang, dẫn đến xẹp phổi.
- Bệnh võng mạc ở trẻ sinh non: Trẻ sinh non nếu được cho thở oxy nồng độ cao sẽ có nguy cơ cao bị các bệnh võng mạc như bong võng mạc, mù lòa.
- Bội nhiễm vi khuẩn: Khi sử dụng liệu pháp thở oxy, nếu dụng cụ thở, bình làm ẩm hoặc hệ thống khí dung dành cho cho người bệnh không được vệ sinh đúng cách, hoặc không được vô khuẩn, tiệt trùng sẽ tạo điều kiện để vi khuẩn xâm nhập vào đường hô hấp gây bội nhiễm.
Để liệu pháp oxy đem lại hiệu quả cao trong điều trị bệnh suy hô hấp, người bệnh cần sử dụng theo đúng chỉ định về kỹ thuật cũng như liều lượng, để đảm bảo an toàn cho bản thân. Để thực hiện được điều này bệnh nhân nên lựa chọn các bệnh viện có uy tín để thực hiện.
Hiện nay, tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec có sử dụng các liệu pháp thở oxy trong các trường hợp cấp cứu, khẩn cấp để tránh các biến chứng suy hô hấp ảnh hưởng đến sức khỏe của bệnh nhân. Ngoài ra đây cũng là địa chỉ thăm khám, điều trị và phòng ngừa nhiều bệnh lý đem lại kết quả tối ưu nhờ cơ sở vật chất kỹ thuật hiện đại, đội ngũ bác sĩ tận tình, có chuyên môn và hết lòng tâm huyết với nghề.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.