Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi BSCK I Nguyễn Thị Phi Yến, Trưởng Đơn nguyên chăm sóc giảm nhẹ, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City
Các loại bệnh ung thư gây ra nhiều đau đớn cả về tinh thần lẫn thể xác của người bệnh, mang lại nhiều phiền toái cho gia đình của bệnh nhân, đặc biệt là những người ung thư giai đoạn cuối. Chính vì vậy cần lưu ý các vấn đề chăm sóc giảm nhẹ cho bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối khi bệnh nhân bước vào giai đoạn đau đớn nhất.
Bệnh ung thư thường gây ra nhiều đau đớn cả về tinh thần lẫn thể xác của người bệnh, mang lại nhiều phiền toái cho gia đình bệnh nhân, đặc biệt khi vào giai đoạn cuối đời.
1. Lưu ý chung: mục đích là chăm sóc làm dịu “ comfort care”
- Duy trì những chăm sóc cơ bản cho người bệnh như tắm, gội, vệ sinh răng miệng, vệ sinh đại tiểu tiện, thay ga, quần áo,... cho bệnh nhân. Nhân viên y tế và người chăm sóc người bệnh cần phải giữ cho cơ thể bệnh nhân và giường bệnh được sạch sẽ.
- Tạo cho bệnh nhân một không gian yên tĩnh, sạch sẽ, trong lành và thoải mái. Đối với những bệnh nhân nằm trên giường trong một thời gian dài thì cần chú ý tăng cường chăm sóc phòng tránh các hoại tử biến chứng, loét do tỳ ép và các bội nhiễm bệnh khác.
- Nếu bệnh nhân tỉnh thì đặt bệnh nhân ở tư thế họ cảm thấy thoải mái nhất như kê gối dưới đầu, dưới khoeo chân hay vai và lúng khi nằm nghiêng
- Phòng của bệnh nhân đảm bảo sạch sẽ, thoáng khí, đủ ánh sáng, tránh để phòng tối làm cho bệnh nhân sợ hãi.
- Thức ăn cho bệnh nhân phải ăn lỏng, mềm, số lượng ít, ăn làm nhiều bữa trong ngày, nếu bệnh nhân không ăn được cho bệnh nhân ăn bằng ống thông dạ dày hoặc truyền dịch tĩnh mạch hoặc ăn theo nhu cầu của người bệnh
- Ðối với những bệnh nhân vẫn còn tỉnh táo, điều dưỡng thường xuyên ở bệnh cạnh an ủi, lắng nghe và chia sẻ những cảm nghĩ của bệnh nhân. Không nói những điều liên quan đến bệnh tật của bệnh nhân để bệnh nhân nghe thấy.
- Cảm thông và đáp ứng những nhu cầu về mặt tình cảm của bệnh nhân, tôn trọng về tôn giáo, tín ngưỡng và những yêu cầu tâm linh tại thời điểm bệnh nhân chết (nếu có thể được).
2. Chăm sóc dinh dưỡng
Chức năng các cơ quan của bệnh nhân bị ung thư giai đoạn cuối thường suy yếu đi, kém ăn cũng như tiêu hoá kém. Lúc này bạn cần chú ý kết hợp các loại thức ăn. Cho bệnh nhân ăn các loại thực phẩm dễ ăn dễ tiêu hoá, không kích thích, nhiệt độ cần vừa phải. tránh các loại thức ăn chiên xào nhiều dầu mỡ. Đối với bệnh nhân hay bị nôn thì cần tuỳ theo tình trạng mà cần báo cáo lại với bác sĩ để cho bệnh nhân uống thuốc chống nôn.
Bên cạnh đó, đối với việc chăm sóc bệnh nhân ung thư gan giai đoạn cuối không nên bổ sung nhiều protein vào cơ thể mà nên ăn những loại có hàm lượng đường tự nhiên cao như chuối để duy trì năng lượng cho người bệnh. Hơn nữa, rau xanh kèm hoa quả cùng với sữa cho người bệnh ung thư là những thực phẩm rất cần thiết.
Bệnh nhân ung thư có kèm theo xơ gan nên chế biến những đồ ăn nhạt để hạn chế được lượng muối vào cơ thể gây hại cho người bệnh.
3. Chăm sóc giảm đau
Ung thư ở giai đoạn cuối thì đau là triệu chứng hay gặp và cũng là điều mà bệnh nhân sợ nhất. Sự đau đớn sẽ ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến sinh hoạt, giấc ngủ và đặc biệt là tâm trạng của bệnh nhân. Ngoài các loại thuốc giảm đau thì y bác sĩ và người nhà cũng cần thường xuyên trò chuyện, động viên bệnh nhân để bệnh nhân nghĩ đến những điều tích cực hoặc thường xuyên đọc báo đọc sách để giúp bệnh nhân phân tán sự chú ý và khuyến khích bệnh nhân tự khống chế cơn đau của mình.
Để giảm đau cần hướng dẫn bệnh nhân nằm tư thế thoải mái để giảm đau.
Khi bị ho khiến đau tăng lên, hướng dẫn bệnh nhân đặt tay ôm ngực khi ho để giảm đau. Tăng cường giấc ngủ, làm giảm lo lắng cho bệnh nhân. Thực hiện thuốc giảm đau theo y lệnh.
Nếu bệnh nhân ho với lượng đờm nhiều, đờm chuyển từ màu trắng, trắng đục sang màu vàng thì cần phải báo cáo với bác sĩ để lấy mẫu đờm và xét nghiệm. Nếu bệnh nhân ho đờm lẫn máu thì báo bác sĩ dùng thuốc cầm máu.
4. Chăm sóc tâm lý
Bệnh nhân khi biết tin mình mắc bệnh căn bệnh hiểm nghèo, nhiều người sẽ rơi vào trạng thái khủng hoảng tuyệt vọng và khiến cho tình trang chung chuyển biến trầm trọng hơn
Một số người chấp nhận sự thật mà vẫn lạc quan được chứng minh sống lâu hơn các trường hợp rơi vào trạng thái lo sợ không dám đối mặt. Vì vậy, tầm ảnh hưởng của những người thân đối với bệnh nhân là hết sức quan trọng. Việc giải tỏa tâm lý cho họ tuy là một việc khá khó khăn và kiên trì qua từng ngày. Người chăm sóc luôn phải an ủi tinh thần mọi lúc mọi nơi. Khuyến khích người bệnh có thể làm những gì họ thích hoặc làm cùng hay giúp đỡ họ mỗi khi họ cần.
Bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối thường có những tâm lý rất bi quan, lo lắng, sợ hãi, tuyệt vọng, nếu không kịp thời giải toả những vấn đề về tâm lý này kịp thời thì có thể dẫn đến người bệnh bị trầm cảm khiến cho việc chăm sóc và điều trị khó khăn hơn.
Nhân viên y tế và người chăm sóc cần thường xuyên thăm hỏi, động viên an ủi bệnh nhân an tâm điều trị. Quan tâm diễn biến tâm lý bệnh nhân để phát hiện bất thường. Giải thích những thắc mắc của người bệnh để người bệnh không lo lắng.
5. Địa chỉ chăm sóc giảm nhẹ cho bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối
Đơn nguyên chăm sóc giảm nhẹ, Khoa Nội ung bướu, Trung tâm ung bướu – Xạ trị, bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times city là một trong những cơ sở tin cậy trong điều trị và chăm sóc giảm nhẹ cho bệnh nhân ung thư. Với đội ngũ các bác sĩ, điều dưỡng viên là chuyên gia có nhiều kinh nghiệm trong điều trị và chăm sóc giảm nhẹ cho bệnh nhân ung thư sẽ giúp cuộc sống bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối trở nên nhẹ nhàng và ý nghĩa hơn.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số 02439743556 hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.