Bài viết được viết bởi ThS.BS Nguyễn Văn Huy - Khoa Hồi sức cấp cứu - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long
Để chẩn đoán xác định tổn thương xương sọ và sọ não các bác sĩ sẽ cho bệnh nhân chụp X-quang sọ và chụp cắt lớp vi tính sọ não để chẩn đoán. Sau khi bị tai nạn, bị sang chấn, nếu bệnh nhân có bất kỳ triệu chứng nào sau đây thì phải đến Khoa cấp cứu ngay lập tức.
III. Các tổn thương sớm xảy ra ngay sau chấn thương sọ não
1.Triệu chứng khi bị xảy ra chấn thương sọ não
- Bất tỉnh hoặc ngủ gà quá mức,
- Nôn ói liên tục,
- Đau đầu hoặc chóng mặt trầm trọng, càng lúc càng nặng hơn và không khỏi,
- Co giật, ngất xỉu hoặc co thắt ở mặt hay tay chân,
- Có hành vi bất thường hoặc lú lẫn,
- Khó thức dậy,
- Tay hoặc chân trở nên yếu ớt,
- Dáng đi bất thường hoặc loạng choạng,
- Nói líu lưỡi,
- Mắt mờ hoặc nhìn một thành hai hình,
- Xuất huyết từ tai hoặc mũi.
Trong hầu hết các trường hợp, nếu bệnh nhân cảm thấy lo ngại về bất kỳ triệu chứng nào, thì thân nhân, hoặc bạn bè của bệnh nhân đừng trì hoãn mà hãy đưa bệnh nhân đến gặp bác sĩ ngay lập tức.
Đặc biệt chú ý với các trường hợp chấn thương sọ não sớm ở trẻ em, đôi khi khó khăn cho việc khám và đánh giá. Trong trường hợp bị chấn thương đầu, nếu thấy trẻ có một trong những dấu hiệu kể sau, các bậc cha mẹ cần đưa trẻ đến bệnh viện ngay.
- Ngay sau ngã, trẻ bất tỉnh hơn 01 phút.
- Ngay sau ngã, trẻ vẫn tỉnh táo nhưng sau đó một thời gian lại xuất hiện những dấu hiệu tri giác bất thường (kích động khó dỗ, ngủ nhiều, lơ mơ, tiếp xúc kém hoặc bất tỉnh hoàn toàn).
- Sau chấn thương đầu, trẻ nôn trên 5 lần trong một thời gian ngắn hoặc nôn kéo dài hơn 6 giờ (mà trước đó trẻ bình thường).
- Thóp của trẻ sau một thời gian chấn thương bị phồng, căng lên, kèm theo vẻ mặt xanh xao.
- Trẻ bị chấn thương nhiều nơi, có máu chảy nhiều.
2. Tụ máu bên trong hộp sọ và ngoài màng cứng
Tụ máu ngoài màng cứng đơn thuần chỉ chiếm dưới 1% trong Chấn thương sọ não và dưới 10% các bệnh nhân hôn mê. Để phát hiện vấn đề này người bệnh phải được chụp cắt lớp vi tính sọ não, và tụ máu ngoài màng cứng điển hình có dạng thấu kính hai mặt lồi, thường ở vùng thái dương hoặc thái dương đỉnh. Tổn thương có thể làm đứt động mạch màng não giữa.
Bệnh cảnh lâm sàng thường gặp là ngay sau chấn thương bệnh nhân vẫn tỉnh sau đó đi dần vào trạng thái hôn mê, vì nguồn gốc của chảy máu là động mạch màng não giữa nên thường cấp tính, và hôn mê và suy giảm ý thức nhanh do khối máu tụ to dần lên, yêu cầu bắt buộc phải phẫu thuật để lấy khối máu tụ đi, nếu nhanh chóng được giải phóng khối máu tụ thường sẽ cải thiện tốt về lâm sàng và tiên lượng. và thông thường là bệnh nhân sẽ được các bác sĩ phẫu thuật để lấy khối máu tụ và giảm áp lực nội sọ gây ra do khối máu tụ. Tiên lượng thường khá tốt nếu người bệnh được can thiệp sớm, đầy đủ, và đúng giai đoạn.
3. Tụ máu dưới màng cứng
Tụ máu dưới màng cứng chiếm khoảng 30% trong số chấn thương sọ não nặng. Tổn thương thường xé đứt cầu tĩnh mạch giữa vỏ não và tĩnh mạch dẫn lưu xoang, đụng dập tổ chức não. Thể này thường diễn biến từ từ, chậm, vì nguồn gốc chảy máu là rách các tĩnh mạch vỏ não.
Vì vậy ít khi xuất hiện ngay từ đầu, mặc dù vậy trên thực tế vẫn có những trường hợp người bệnh có tụ máu dưới màng cứng ngay sau chấn thương sọ não.
Trên phim chụp cắt lớp vi tính CT sọ não có hình ảnh khối máu tụ hình liềm, có thể kết hợp thêm với các dấu hiệu của dập não và chảy máu dưới nhện, phù não khác, tụ máu dưới màng cứng quyết định đến 80% xu hướng tiến triển và tiên lượng của chấn thương sọ não nặng.
4. Máu tụ nội sọ
Máu tụ nội sọ thường gặp ở chấn thương sọ não mức độ trung bình và nặng, tổn thương thường ở vùng thùy trán và thùy thái dương, ổ máu tụ có thể xuất hiện sớm ngay từ đầu hoặc có muộn hơn trên phim cắt lớp vi tính sọ não sau 24 giờ từ lúc chấn thương, vì vậy khi lâm sàng xấu đi cần chụp lại phim cắt lớp vi tính sọ não nếu còn nghi ngờ có chấn thương sọ não. Càng dập não nhiều ổ thì tiên lượng càng nặng.
5. Tổn thương sợi trục lan tỏa
Tổn thương sợi trục lan tỏa thường do những chấn thương tạo ra lực cắt mạnh vào hộp sọ làm tổn thương sợi trục, tổn thương có thể lan tới thân não làm mất chức năng của hệ thống lưới hoạt hóa.
Tổn thương sợi trục lan tỏa xảy ra rất sớm ngay khi chấn thương thường do tác động làm cắt đứt sợi trục, gây phù nề tổ chức não làm tắc nghẽn dẫn truyền và làm các xung động bị chặn lại. Tổn thương do chấn thương gây phù nề sợi trục làm calci tràn vào gây tổn thương màng tế bào và ty thể của tế bào sợi trục, mặt khác do sự tổn thương trong sợi trục thúc đẩy sự chết tế bào theo chương trình.
Quá trình này có tới 50% vai trò của các yếu tố làm tổn thương sợi trục.
Tổn thương sợi trục lan tỏa có thể gây rối loạn ý thức ngay sau chấn thương, tỷ lệ tử vong rất cao hoặc tình trạng sống thực vật kéo dài. Đây là một trong những tổn thương nặng nhất của chấn thương sọ não, nếu có tổn thương sợi trục thì hầu như không thể hồi phục được và tỷ lệ tử vong rất lớn.
Việc phát hiện tổn thương sợi trục trên phim chụp cắt lớp vi tính sọ não rất khó khăn, có thể gặp các hình ảnh tổn thương trên phim cắt lớp vi tính và cộng hưởng từ não sọ như là các chấm - đốm xuất huyết ở ranh giới giữa chất trắng và chất xám mà bản chất là các điểm chảy máu do xoắn vặn sợi trục, tổn thương đứt và dập các sợi trục thần kinh trung ương.
6. Dập não
Có thể ở ngay dưới vị trí chấn thương hay đối diện với vị trí bị va đập, thường gặp ở vùng trán và thái dương. Dập não thường có nhiều ổ, bản thân dập não làm xấu tri giác xấu đi nếu tình trạng chèn ép và phù não tăng lên.
7. Phù não
Xuất hiện sau tai nạn do tổ chức não bị tổn thương gây phù nề hoặc do khối máu tụ gây đè ép. Càng phù não nhiều ngay từ đầu thì tiên lượng bệnh nhân sẽ càng nặng. Theo thời gian tình trạng phù não sẽ tăng lên tùy mức độ chấn thương.
Để được chẩn đoán và theo dõi diễn biến và can thiệp kịp thời, chúng tôi đề nghị các bệnh nhân bị chấn thương do các hoàn cảnh như tai nạn giao thông, tai nạn lao động, tai nạn sinh hoạt, do xô xát, các bệnh nhân có các nguy cơ của chấn thương sọ não và các chấn thương khác phải được theo dõi và điều trị tại các cơ sở y tế để kịp thời phát hiện và điều trị an toàn các chấn thương có thể xảy ra.
Xem thêm: Hướng dẫn chẩn đoán chấn thương sọ não
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.