Vỡ sàn sọ là một trong những loại chấn thương thuộc chấn thương sọ não, gây mất liên tục xương ở vùng nền sọ. Nếu như không được xử trí đúng cách, vỡ sàn sọ có thể gây tử vong.
1. Vỡ sàn sọ trong chấn thương sọ não là gì?
Vỡ sàn sọ là một loại tổn thương nguyên phát, xảy ra khi các đường nứt sọ tại vòm sọ lan đến nền sọ. Hầu hết các trường hợp bị nứt sọ đều ở vùng tầng giữa, liên quan đến xương đá và các dây thần kinh sọ não như dây số III, dây số IV, dây số V, đây số VI, dây số VII và dây số VIII. Đôi khi, dịch não tủy hoặc máu cũng sẽ chảy ra lỗ tai ngoài.
Khi tình trạng vỡ sàn sọ xảy ra tại tầng trước, hiện tượng tụ não quanh hốc mắt sẽ xảy ra và cùng với đó là biểu hiện dịch não tủy hoặc máu sẽ chảy ra ngoài qua đường mũi, đồng thời gây tổn thương đến dây thần kinh sọ não số I và số II.
2. Các biến chứng nguy hiểm từ tình trạng vỡ sàn sọ
2.1 Máu tụ ngoài màng cứng
Đây là biến chứng thường gặp nhất của vỡ sàn sọ, đặc biệt là ở đối tượng người trẻ, ít gặp ở người cao tuổi vì màng não ở độ tuổi này đã dính chặt với phần xương sọ.
Nguyên nhân gây ra máu tụ ngoài màng cứng là sự chảy máu từ lớp xương xốp, các tổn thương ở mạch màng não, đặc biệt là ở động mạch màng não giữa, và rách xoang tĩnh mạch.
Khi bị máu tụ ngoài màng cứng, bệnh nhân có thể gặp một số dấu hiệu điển hình như:
- Rối loạn tri giác.
- Giãn đồng tử ở bên khối máu tụ.
- Có dấu hiệu thần kinh khu trú.
- Liệt một nửa người phía đối diện.
2.2. Tổn thương não
Tổn thương thường gặp nhất là tình trạng giập não trên nền sọ hoặc các vùng tiếp xúc nhiều với xương sọ như thùy trán, thùy thái dương...
Các biểu hiện lâm sàng khi bị dập não có thể khác nhau tùy theo vị trí, tính chất và mức độ tổn thương. Trong đó, bệnh nhân có thể:
- Bị kích động, vật vã dữ dội.
- Hôn mê.
- Có thể bị liệt và chứng rối loạn ngôn ngữ.
2.3. Tổn thương các dây thần kinh sọ
- Dây thần kinh số I: ảnh hưởng đến khứu giác, dẫn đến một số biểu hiện như mất cảm giác hoặc giảm cảm giác khi ngửi (thường chỉ ở 1 bên). Về lâu dài, bệnh nhân sẽ vào tình trạng kém tỉnh táo, chảy máu mũi...
- Dây thần kinh số II: thường xảy ra khi bệnh nhân bị vỡ sàn sọ tầng trước, dẫn đến tình trạng vỡ ống thị giác và gây chèn ép lên dây thần kinh số II. Các biểu hiện lâm sàng thường là suy giảm thị lực, giãn đồng tử, mất phản xạ với ánh sáng...
- Dây thần kinh số III và VI: có nguyên nhân từ vỡ xương vùng khe bướm với các triệu chứng như sụp mi, giãn đồng tử, liệt vận nhãn và mất khả năng điều tiết.
- Dây thần kinh số VII: do vỡ xương đá, gây suy giảm thính lực hay thậm chí là điếc hoàn toàn.
- Dây thần kinh số VIII: cũng do vỡ xương đá là chủ yếu, có thể gây liệt mặt ngoại biên.
2.4. Tổn thương mạch máu
- Tổn thương động mạch cảnh ngoài
Do vỡ xương lỗ tròn bé, thường gây chảy máu liên tục và hình thành máu tụ ở vùng hố thái dương. Vùng máu tụ này tiến triển rất nhanh, gây ra các dấu hiệu liên quan đến rối loạn tri giác. Đặc biệt, biến chứng có thể gây tử vong rất nhanh chóng.
- Tổn thương động mạch cảnh trong
Thường xảy ra do màng cứng ở đoạn động mạch này bị xé rách, gây chảy máu ồ ạt và dẫn đến thiếu máu nửa bán cầu. Bệnh nhân sẽ nhanh chóng hôn mê và thậm chí tử vong.
- Tổn thương động mạch cảnh trong xoang hang
Bệnh nhân sẽ cảm thấy ù tai liên tục và lồi một bên mắt. Đặc biệt, các tĩnh mạch ở mắt sẽ có hiện tượng cương tụ và nghe thấy tiếng thổi liên tục.
- Tổn thương động mạch đốt sống
Hậu quả rõ nét nhất của biến chứng này là hiện tượng rò dịch não tủy và chảy qua đường mũi, họng, lỗ tai... gây ra viêm màng não.
3. Hướng dẫn xử trí – cấp cứu chấn thương vỡ sàn sọ
Sơ cấp cứu ban đầu
- Bệnh nhân cần đặt nằm, đầu ngang hoặc cao hơn 30 độ so với thân, tránh để gập cổ.
- Nhanh chóng đặt đường truyền tĩnh mạch để truyền dịch và kháng sinh.
- Thông thoáng đường thở của bệnh nhân.
- Sử dụng một số loại thuốc chống phù não và thuốc chống trụy mạch khi cần thiết.
- Đặt sonde tiểu để theo dõi lượng nước tiểu của bệnh nhân.
Điều trị cụ thể
Đối với các trường hợp bị chảy máu theo đường mũi và có tổn thương ở dây thần kinh sọ não I và dây số II, cần được xử trí khẩn cấp ngoại khoa, ví dụ như thắt động mạch cảnh ngoài (1 hoặc cả 2 bên).
Đối với trường hợp rò rỉ dịch não tủy ra đường mũi hoặc ngoài lỗ tai, cần mổ khẩn cấp để lấp lỗ rò trên sàn sọ, hạn chế nguy cơ tử vong của bệnh nhân do viêm màng não mủ.
Một số loại tổn thương thần kinh khác:
- Dây thần kinh I: không nên phẫu thuật vì sẽ có ít hiệu quả điều trị, nên điều trị nội khoa.
- Dây thần kinh VII: điều trị bằng thuốc chống phù nề nếu có hiện tượng phù nề, liệt muộn... Đối với trường hợp bệnh nhân liệt sớm từ ban đầu, bác sĩ cần mổ để nối dây thần kinh bằng vi phẫu.
- Tổn thương mạch máu: có thể can thiệp ngoại khoa.
Nhìn chung, vỡ sàn sọ là một chấn thương nghiêm trọng gây ra nhiều hệ quả đối với sức khỏe, cuộc sống và có khả năng cao đe dọa đến tính mạng. Vì vậy, bệnh nhân cần phải được theo dõi cẩn thận, điều trị sớm để giảm thiểu nguy cơ xảy ra các biến chứng từ vỡ sàn sọ.
Xem thêm: Hướng dẫn chẩn đoán chấn thương sọ não
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.