Chẩn đoán, điều trị, phục hồi chức năng chấn thương sọ não

Chấn thương sọ não là tình trạng não bộ bị tổn thương với nhiều nguyên nhân khác nhau. Bên cạnh việc chẩn đoán và điều trị thì phục hồi chức năng chấn thương sọ não vô cùng quan trọng.

1. Di chứng chấn thương sọ não

Chấn thương sọ não là tình trạng tổn thương não do nguyên nhân chấn thương, dẫn đến những rối loạn về tri giác, nhận thức, vận động, cảm giác giác quan và ngôn ngữ.

Chấn thương sọ não được chia thành 2 nhóm chính dựa trên sinh lý bệnh học là tổn thương nguyên phát và tổn thương thứ phát:

Các dạng tổn thương nguyên phát thường gặp: tụ máu ngoài màng cứng, tụ máu dưới màng cứng, xuất huyết dưới nhện, xuất huyết não thất, xuất huyết trong não.

Các dạng tổn thương thứ phát thường gặp: thoát vị não, phù não, nhồi máu não hoặc thiếu máu não sau chấn thương.

2. Dấu hiệu của chấn thương sọ não là gì?

Triệu chứng của chấn thương não tùy thuộc vào loại chấn thương cũng như mức độ nghiêm trọng của chấn thương. Triệu chứng có thể xuất hiện ngay lập tức hoặc phát triển chậm. Những người bị chấn thương sọ não nhẹ có thể còn hoặc mất ý thức trong một thời gian ngắn.

Các triệu chứng liên quan khác có thể bao gồm đau đầu, rối loạn hành vi, cảm giác choáng váng, chóng mặt, hoa mắt, ù tai và mệt mỏi. Bệnh nhân còn có thể bị rối loạn giấc ngủ và cảm xúc, gặp rắc rối với trí nhớ, sự tập trung, chú ý, hay suy nghĩ.

Chấn thương sọ não vừa hoặc nặng đều có thể gây ra những cơn nhức đầu dữ dội, nôn mửa, buồn nôn, co giật, không có khả năng thức dậy, giãn đồng tử, và nói lắp. Bên cạnh đó, suy nhược nặng hay tê liệt, mất phối hợp, tăng sự nhầm lẫn hay cảm giác bồn chồn, kích động cũng có thể xảy ra.


Đau đầu là triệu chứng liên quan đến chấn thương sọ não
Đau đầu là triệu chứng liên quan đến chấn thương sọ não

3. Chẩn đoán chấn thương sọ não

Để chẩn đoán chấn thương sọ não, bác sĩ sẽ tiến hành khám lâm sàng (đặc biệt là thông qua chuyển động mắt và đồng tử) kết hợp với kiểm tra cơ bản để đưa ra chẩn đoán chính xác.

Bên cạnh đó, bác sĩ sẽ sử dụng thang điểm Glasgow (phạm vi là từ 3-15) sử dụng để quyết định mức độ nghiêm trọng của chấn thương sọ não. Chụp cắt lớp vi tính (chụp CT não) được áp dụng nhằm đưa đánh giá ban đầu cho chấn thương sọ não vừa và nặng.

4. Điều trị chấn thương sọ não như thế nào?

Với những chấn thương nhẹ, có thể chỉ cần quan sát và điều trị làm mất triệu chứng (ví dụ, uống thuốc giảm đau nếu nhức đầu).

Trong 24 giờ đầu khi bị chấn thương, nên đánh thức bệnh nhân mỗi 2 giờ để kiểm tra các dấu hiệu của chấn thương thứ cấp. Nâng cao đầu và dùng thuốc an thần có thể giúp kiểm soát các triệu chứng bệnh.

Khi áp lực trong sọ não tăng và sưng não, người bệnh sẽ được theo dõi các chức năng và truyền mannitol tĩnh mạch. Nếu bị chảy máu nhiều hoặc nặng có thể cần phải nhờ đến phẫu thuật chấn thương sọ não can thiệp (ví dụ, thủ thuật mở hộp sọ để loại bỏ các cục máu đông).

Tiến trình làm sạch vết thương mở và rửa các tổn thương bên trong là cần thiết để giúp giảm khả năng nhiễm trùng.


Phẫu thuật chấn thương sọ não can thiệp loại bỏ cục máu đông
Phẫu thuật chấn thương sọ não can thiệp loại bỏ cục máu đông

5. Hồi phục sau phẫu thuật chấn thương sọ não

Khi đã bị tổn thương não thì chế độ sinh hoạt hàng ngày cũng bị ảnh hưởng rất nhiều. Để phục hồi sau chấn thương sọ não, người bệnh và gia đình cần tuân thủ theo đúng chỉ dẫn của các bác sĩ. Đối với những bệnh nhân chấn thương nặng, quá trình hội phục chậm, phải luôn thận trọng để tránh xuất hiện các vấn đề như vận động khớp, loét da, nhiễm trùng và các chức năng sinh lý khác.

Các chuyên gia của ngành phục hồi chức năng nghiên cứu, đã chứng minh việc cho bệnh nhân vận động sớm không chỉ giúp hạn chế được các thương tật thứ cấp mà còn giúp bệnh nhân cải thiện chức năng vận động cũng như nhận thức nhanh hơn.

  • Tập vận động theo tầm vận động khớp
  • Hướng dẫn bệnh nhân tự xoay trở hoặc giúp họ thay đổi tư thế nếu tri giác còn kém.
  • Cho bệnh nhân ngồi dậy sớm, chuyển sang ghế tựa cạnh giường, tập đứng và đi càng sớm càng tốt nếu tình trạng huyết động, tri giác và chức năng vận động cho phép.
  • Hướng dẫn bệnh nhân các bài tập thở, tập ho nhằm dự phòng biến chứng về hô hấp.
  • Tăng cường tiếp xúc, nói chuyện với bệnh nhân nhằm cải thiện tình trạng tri giác, nhận thức và ngôn ngữ.
  • Hướng dẫn, hỗ trợ bệnh nhân thực hiện các bài tập vận động chức năng trên giường, bên cạnh giường và chức năng đi lại.
  • Kiểm soát trương lực cơ, khả năng thăng bằng và điều hợp, chỉnh dáng đi.

Phục hồi cho bệnh nhân bị chấn thương não phải mất một thời gian dài, đồng thời đòi hỏi cần cung cấp cho bệnh nhân những dưỡng chất thiết yếu để não phục hồi một cách tối ưu và tích cực nhất

Đối với người bị chấn thương sọ não, nguyên tắc chung cho chế độ ăn uống trong quá trình phục hồi sau chấn thương sọ não là: ăn nhiều thực phẩm có hàm lượng protein cao. Nguồn thực phẩm dồi dào protein bao gồm: thịt gà nạc, cá, các loại đậu que, đậu đũa, đậu Hà Lan...

Bên cạnh đó, bệnh nhân cũng cần ăn những loại thức ăn giàu vitamin và khoáng tố, một vài loại dưỡng chất vô cùng quan trọng cho chức năng của não như choline vốn rất quan trọng cho việc hình thành các chất dẫn truyền thần kinh.

Khi bệnh nhân đã được điều trị qua khỏi tình trạng cấp tính có thể được hướng dẫn bằng một chương trình phục hồi chức năng qua các giai đoạn.

Trong giai đoạn cuối cùng, phục hồi chức năng sẽ giúp bệnh nhân đạt được mức độ độc lập tối đa khi trở về gia đình, có thể trở lại với công việc phù hợp với thể trạng của bản thân.

Trong tháng 4 & 5/2021, khi có nhu cầu khám và điều trị Chấn thương sọ não tại Bệnh viện Đa khoa quốc tế Vinmec Phú Quốc, quý khách hàng sẽ được hưởng ưu đãi kép:

- Miễn phí khám chuyên khoa và được tặng Gói Phục hồi chức năng

- Giảm 50% chi phí đối với khách hàng có chỉ định điều trị sau khám. Chương trình áp dụng giới hạn cho kỹ thuật tương ứng từng bệnh viện và cho khách hàng lần đầu thực hiện kỹ thuật điều trị này tại Vinmec.

Xem thêm: Hướng dẫn chẩn đoán chấn thương sọ não

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số 02973985588 hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe