Bài viết được viết bởi Bác sĩ Nguyễn Lê Thảo Trâm - Khoa Chẩn đoán hình ảnh, Khoa Chẩn đoán hình ảnh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang
Ngực của người phụ nữ sẽ thay đổi trong suốt quá trình mang thai để chuẩn bị cho em bé bú. Những thay đổi này được gây ra bởi sự gia tăng hormone và có thể gây ra những tổn thương lành tính. Dưới đây là những tổn thương thường gặp mà sản phụ cần lưu ý.
1. Bướu sợi tuyến (fibroadenoma)
Cũng như ở phụ nữ trẻ không mang thai, tổn thương lành tính phổ biến nhất liên quan đến thai kỳ là bướu sợi tuyến (u xơ tuyến vú). Phần lớn bướu sợi tuyến xuất hiện trước khi mang thai nhưng phát triển hơn khi nồng độ hormone tăng lên.
Về mặt lâm sàng, những khối này không đau, sờ được, thường xuất hiện nhiều và hai bên. Đặc điểm hình ảnh tương tự như ở bệnh nhân không mang thai: một khối giảm âm hình bầu dục, bờ rõ. Khi mang thai hoặc cho con bú, nếu khối có dấu hiệu phát triển hoặc xuất hiện khối đặc mới dù với hình thái bình thường, cũng nên tiến hành sinh thiết và đánh giá bệnh học. (Hình 1).
2. Bướu sợi tuyến nhồi máu (infarcted fibroadenoma)
Một tổn thương lành tính khác không phổ biến chủ yếu xảy ra trong thai kỳ, chủ yếu trong ba tháng cuối, là một khối bướu sợi tuyến nhồi máu. Nguyên nhân do khối u xơ phát triển nhanh chóng thứ phát do tăng hormone, nhanh hơn nguồn cung cấp máu. Các hình ảnh thay đổi tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của nhồi máu: phản âm không đồng nhất, có dịch bên trong, bờ không xác định hoặc không đều, giống tổn thương ác và cần chẩn đoán bệnh học.
Một dạng khác của bướu sợi tuyến giống bệnh ác tính là bướu sợi tuyến có tăng sản tiết hoặc thay đổi tiết sữa. Điều này được cho là do các tế bào biểu mô nhạy cảm với hormone trong tế bào bướu được kích thích và phát triển của các phần tử ống như mô tuyến vú bình thường. Về mặt siêu âm, những cấu trúc này thường có vùng tăng âm, giãn ống tuyến và có thành phần dịch. Chất tiết giống như vôi hóa có thể được nhìn thấy trên nhũ ảnh.
3. U tuyến sữa (Lactating adenoma)
U tuyến sữa là loại u lành tính thứ tư và chỉ gặp trong thời kỳ mang thai đặc biệt trong tam cá nguyệt thứ 3 và cho con bú, thường không thể phân biệt được với bướu sợi tuyến trên hình ảnh và bệnh lý. Chúng thường biểu hiện dưới dạng khối đặc di động, sờ thấy được, có thể nhiều và hai bên.
Hình dạng siêu âm điển hình của chúng là một khối đặc giảm âm hình bầu dục hoặc đa cung nhỏ, có tưới máu bên trong. Tăng cường âm sau có thể có nếu bên trong dịch hóa. Giống như bướu sợi tuyến, u tuyến có thể nhồi máu và đau, khiến tổn thương có hồi âm không đồng nhất, giống tổn thương ác tính.
4. Nang bọc sữa (galactocele)
Phụ nữ cho con bú cũng có thể gặp nang bọc sữa, là khối lành tính phổ biến nhất trong giai đoạn này. Nang bọc sữa xảy ra chủ yếu sau khi ngừng cho bú, nhưng đôi khi chúng gặp ngay trong thời kỳ đang cho bú và hiếm khi xảy ra trong tam cá nguyệt thứ 3. Nguyên nhân là do sữa gây tắc nghẽn ống tuyến, làm giãn phần bị tắc nghẽn và hình thành tổn thương nang phức tạp.
Sự thoái hóa thành phần sữa bên trong và những thay đổi viêm xung quanh tạo ra các hình ảnh khác nhau. Thông thường, chúng có hình bầu dục, với độ hồi âm thay đổi tùy thuộc vào hàm lượng chất béo và tuổi của tổn thương: từ trống âm đến tăng âm, không thấy tín hiệu mạch máu bên trong, nhưng tăng tưới máu xung quanh, thỉnh thoảng có thể thấy mức mỡ-dịch. Đa số nang bọc sữa sẽ tự thoái hóa (hình 3).
5. Viêm vú hậu sản (puerperal mastitis)
Tổn thương lành tính thứ năm thường thấy trong thời kỳ cho con bú nhưng hiếm khi mang thai là viêm vú hậu sản. Cơ chế nhiễm trùng là do rối loạn biểu mô núm và ứ đọng sữa, dẫn đến nhiễm khuẩn ngược dòng, điển hình là tụ cầu vàng và liên cầu. Biểu hiện lâm sàng với đau, phù nề, ban đỏ. Chẩn đoán có thể vào lâm sàng khi không có biến chứng, mặc dù chẩn đoán hình ảnh là cần thiết nếu kém đáp ứng với kháng sinh hoặc nghi ngờ tiến triển thành áp xe.
Siêu âm là phương tiện được lựa chọn, với các đặc điểm dày da, giảm phản âm lan tỏa và tăng tưới máu. Áp xe thường biểu hiện là một khối nang giảm âm phức tạp với tăng tưới máu ngoại vi và tăng cường âm sau (Hình 4).
Điều trị viêm vú hậu sản bao gồm dùng kháng sinh và cho trẻ bú thường xuyên hoặc nặn vú để hạn chế tình trạng ứ sữa. Có thể cân nhắc chọc hút áp xe dưới hướng dẫn siêu âm để giảm đau và rút ngắn thời gian bệnh. Nếu áp xe vẫn tồn tại hoặc tái phát, nên lặp lại dẫn lưu.
Trong trường hợp không điển hình hoặc khó trị, nên chụp nhũ ảnh và siêu âm vú, vì có sự trùng lặp giữa hình ảnh và lâm sàng của viêm vú và ung thư vú dạng viêm. Sinh thiết kim lõi dưới hướng dẫn hình ảnh hoặc sinh thiết qua da có thể cần thiết nếu hình ảnh hoặc lâm sàng nghi ngờ.
Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec đang áp dụng kỹ thuật sinh thiết vú dưới hướng dẫn siêu âm nhằm chẩn đoán, đánh giá, phát hiện sớm ung thư vú. Hệ thống dụng cụ, máy móc siêu âm tại Vinmec được đầu tư hiện đại, đồng bộ, sử dụng các thiết bị tiên tiến hàng đầu, giúp quá trình sinh thiết được thực hiện dễ dàng và chính xác hơn, giảm tối đa nguy cơ xảy ra các biến chứng sau sinh thiết.
Kỹ thuật sinh thiết vú dưới hướng dẫn siêu âm tại Vinmec được thực hiện bởi đội ngũ y bác sĩ chẩn đoán hình ảnh chuyên môn cao, được đào tạo bài bản trong và ngoài nước. Kinh nghiệm và chuyên môn là hai yếu tố hàng đầu giúp kỹ thuật sinh thiết vú dưới hướng dẫn siêu âm đạt kết quả cao. Do đó, bệnh nhân có thể hoàn toàn yên tâm khi thực hiện kỹ thuật này tại Vinmec.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Bài viết trên dựa theo “Pregnancy-associated Breast Cancer and Other Breast Disease: A Radiologic Review” của các tác giả Andrew Ong, MD; Lisa A Mullen, MD; Susan C. Harvey, MD, cập nhật ngày 01/09/2020, trên tạp chí Applied Radiology.
Bài viết tham khảo nguồn: appliedradiology.com