Nội dung video được tư vấn chuyên môn bởi Ths, Bs Đào Đức Dũng - Chuyên khoa Tiêu hóa - Gan mật - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Time city
Trong cơ thể gan chịu trách nhiệm đào thải độc tố ra bên ngoài, tất cả các loại thực phẩm, nước uống sau khi đưa vào cơ thể đều chuyển hóa qua gan. Vì thế nếu chế độ ăn không lành mạnh sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe lá gan rất nhiều.
1. Thực phẩm bị nấm mốc
Những thực phẩm như lạc, đậu tương, ngô... khi bị nấm mốc sẽ sản xuất ra chất aflatoxin có độc tính mạnh. Chất này có khả năng gây hại nhiều đến gan, về lâu dài chất này có nguy cơ gây thoái hóa các tế bào gan. Thậm chí là ung thư gan. Vì thế trước khi ăn cần kiểm tra những thực phẩm này xem có nấm mốc hay hư hỏng gì không.
2. Trái cây sấy khô
Trái cây khô mặc dù rất ngon nhưng lại có chứa hàm lượng đường cao. Loại đường này thường không phân hủy trong cơ thể dẫn đến tình trạng viêm gan và gan nhiễm mỡ. Vì thế để bảo vệ sức khỏe lá gan hãy hạn chế ăn những loại trái cây sấy khô.
3. Thức ăn nhiều dầu mỡ
Các thực phẩm chiên rán nhiều dầu mỡ không chỉ làm tăng lượng cholesterol trong cơ thể, tăng nguy cơ gây thừa cân, béo phì mà còn gây tác động trực tiếp lên gan, tích lũy axit béo và chất bão hòa làm gan bị nhiễm mỡ, lâu dần sẽ gây tăng nguy cơ mắc các bệnh về gan. Vì thế chỉ nên ăn những thực phẩm chiên rán ở mức độ vừa phải.
4. Thực phẩm nhiều muối
Ăn muối nhiều không chỉ có hại cho tim mà còn cho cả lá gan. Bởi khi muối trong cơ thể tăng lên kéo theo tình trạng tăng huyết áp, mặt khác muối còn làm thay đổi các tế bào gan liên quan đến xơ hóa gan. Do đó, bạn hãy cân nhắc lượng muối trong khẩu phần ăn của mình.
5. Dưa chua muối
Dưa là món ăn khoái khẩu của nhiều người, tuy nhiên trong dưa có lượng lớn nitrite và lượng muối tương đối cao. Nếu trong một thời gian dài ăn dưa muối cơ thể sẽ hấp thu 2 chất này điều này gây gánh nặng cho gan, dễ khiến gan bị bệnh và lâu dần có thể gây ra ung thư gan.
6. Thịt nướng
Trong quá trình chế biến, thịt nướng rất dễ bị biến đổi các thành phần, sinh ra các chất không tốt cho gan, thậm chí gây ung thư. Ngoài ra thực phẩm này còn chứa nhiều chất béo, các loại gia vị, chất phụ gia và lượng muối khá lớn nên làm tăng gánh nặng chuyển hóa cho gan, thận. Do đó, dù thịt nướng khá hấp dẫn tuy nhiên chúng ta chỉ nên ăn với tần suất ít.
7. Măng tươi
Măng tươi tuy ngon và chế biến được nhiều món ăn, tuy nhiên lại khá độc vì măng tươi chứa hàm lượng cyanide rất cao. Vì thế trước khi ăn, măng bắt buộc phải ngâm và luộc qua để loại bỏ các chất không có lợi.
Gan là bộ phận quan trọng của cơ thể, vì thế để bảo vệ lá gan hãy cố gắng duy trì một chế độ ăn lành mạnh và tránh xa những thực phẩm kể trên.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.