Những thực phẩm cần chú ý ở bệnh nhân rung nhĩ

Bài viết được viết bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Văn Phong - Bác sĩ Nội và Can thiệp Tim mạch - Trung Tâm Tim Mạch, Bệnh viện Đa khoa quốc tế Vinmec Times City

Khi bạn bị rung nhĩ, nhịp tim sẽ không đều, bạn cần chú ý xem những thực phẩm mình sử dụng là gì? Thức ăn chứa quá nhiều muối sẽ làm tăng huyết áp và huyết áp cao có thể khiến bạn dễ bị rung nhĩ. Thức ăn mặn cũng có thể làm cho các triệu chứng nặng hơn, khó kiểm soát hơn do đó khả năng bị đột quỵ của bạn tăng lên đáng kể.

Ví dụ: 1 phần thịt gà tây nguội có thể chứa hơn 1000 mg Natri và mức đó là đủ cho 50% tổng lượng Natri của 1 ngày

Các loại thực phẩm siêu mặn khác như: Pizza, đồ đóng hộp, bánh mì, các loại nước chấm...

Bạn nên kiểm tra thông tin sản phẩm của các loại thực phẩm sử dụng hàng ngày để lựa chọn loại có hàm lượng muối phù hợp.

1.Một số loại thực phẩm ăn liền.

Ngoài lượng muối, bạn cũng nên kiểm tra hàm lượng đường trước khi mua thực phẩm, đặc biệt là một số thực phẩm chế biến sẵn dành cho bữa sáng.

Chế độ ăn nhiều đường có thể dẫn đến béo phìtăng huyết áp, điều đó có thể dẫn đến rung nhĩ.

Các loại đồ ăn chứa nhiều đường đáng ngạc nhiên khác gồm: Nước sốt mì ống, tương cà...

2. Cà phê

Những bằng chứng khoa học về cà phê như một chất kích thích gây ra rối loạn nhịp đặc biệt là rung nhĩ chưa thực sự rõ ràng. Những nghiên cứu trước đây cho thấy có sự liên hệ giữa cà phê và rung nhĩ, tuy nhiên những nghiên cứu mới gần đây lại không thấy mối liên hệ nào giữa việc sử dụng cà phê với tần suất xuất hiện các cơn rung nhĩ.

Tuy nhiên dù thế nào đi nữa bạn cũng không nên uống cà phê quá mức. Uống quá nhiều cà phê có thể làm tăng huyết áp và làm tăng nhịp tim, điều này có thể gây ra các cơn rung nhĩ.

Bạn không nên uống quá hai hoặc ba cốc mỗi ngày hoặc chuyển sang uống loại không có caffeine.

3. Rau xanh

Trong rung nhĩ, việc dùng thuốc làm loãng máu (thuốc chống đông) có thể giúp ngăn chặn hình thành các cục máu đông, giảm nguy cơ đột quỵ.

Tuy nhiên có một loại thuốc chống đông sẽ giảm tác dụng (chống đông loại kháng vitamin K: Simtrom; Waffarin; Coumadine...) khi bạn ăn thực phẩm giàu vitamin K như rau diếp, rau bina và các loại rau cải.

Bạn nên trao đổi với bác sĩ tim mạch để tìm hiểu xem những loại rau xanh bạn đang dung có thay đổi tác dụng của thuốc chống đông hay không. Khi đó tùy vào xét nghiệm đông máu của bạn (ví dụ như chỉ số INR) bác sĩ có thể điều chỉnh liều thuốc cho phù hợp với thói quen ăn uống của bạn.

4. Bưởi

Nếu bạn đang dùng thuốc để kiểm soát nhịp tim, hãy bỏ qua loại trái cây họ cam quýt này cho đến khi bạn trao đổi với bác sĩ.

Bưởi và nước ép bưởi có các chất hóa học có thể thay đổi mức độ hấp thu các loại thuốc tại đường tiêu hóa. Điều đó làm cho các tác dụng phụ của thuốc này dễ xảy ra hơn.

Bạn nên trao đổi với bác sĩ xem bưởi có phù hợp với bạn không.


Bệnh nhân rung nhĩ cần thận trọng khi sử dụng bưởi
Bệnh nhân rung nhĩ cần thận trọng khi sử dụng bưởi

5. Các loại thịt đỏ

Chất béo bão hòa trong mỡ bò, cừu và lợn là những loại làm tăng cholesterol xấu (LDL – Cho) trong máu của bạn. Mức LDL-Cho tăng cao có thể dẫn đến bệnh tim và rung nhĩ, đồng thời làm gia tăng nguy cơ bị đột quỵ.

Thay vào đó bạn nên đưa phần thịt nạc (phần thịt đỏ) như thịt thăn, thịt bắp...vào thực đơn. Hạn chế sử dụng mỡ động vật giúp giảm lượng Cholesterol xấu

6. Bơ

Những sản phẩm làm từ sữa, kem và pho mát đều chứa nhiều acid béo bão hòa. Nếu khẩu phần ăn của bạn chứa nhiều acid béo bão hòa thì cơ thể sẽ tăng tổng hợp các cholesterol xấu.

Lựa chọn tốt hơn cho trái tim bạn là sữa tách béo hoặc những sản phẩm từ sữa nhưng ít béo hoặc không có chất béo.

Sử dụng các loại dầu thực vật tốt cho tim như dầu oliu, dầu gạo thay thế mỡ động vật để chế biến thức ăn hàng ngày sẽ giúp giảm cholesterol xấu trong máu.

7. Các loại đồ chiên rán

Bánh rán, khoai tây chiên có thể chứa loại chất béo tồi tệ nhất: chất béo chuyển hóa ( trans fat). Không giống những loại chất béo khác, chúng có thể gây ra tác động kép không có lợi là làm tăng cholesterol xấu đồng thời làm giảm cholesterol tốt ( HDL-Cholesterol).

Các loại đồ nướng như bánh quy, bánh ngọt, bánh xốp cũng có thể chứa trans fat.

8. Nước uống tăng lực

Nhiều thương hiệu nước uống tăng lực thường thêm các thành phần khác nhau vào một cốc caffeine siêu cỡ để giúp bạn tăng cường năng lượng. Sự kết hợp đó có thể gây hại cho tim của bạn hơn là chỉ dùng caffeine đơn thuần.

Một nghiên cứu cho thấy: Nước tăng lực gây ra nhiều thay đổi nhịp tim hơn các loại đồ uống khác chỉ chứa caffeine.

Một nghiên cứu khác chỉ ra mối liên kết giữa việc sử dụng nhiều nước tăng lực và sự xuất hiện của rung nhĩ.

9. Muối biển

Thông thường các tinh thể muối biển thường lớn hơn và có vị mặn hơn muối ăn nhưng muối biển vẫn có lượng natri tương đương với muối ăn.

Một thìa cà phê muối biển tương đương khoảng 2300mg Na – giới hạn khuyến cáo mỗi ngày.

Để giúp loại bỏ thói quen ăn mặn của bạn, hãy thử các loại gia vị và thảo mộc khác nhau để nêm vào thức ăn của bạn như gừng, ớt, tiêu...

10. Gạo trắng

Gạo trắng thường đã xát vỏ kĩ do đó làm mất đi các chất dinh dưỡng và chất xơ tốt cho trái tim bạn. Chất xơ có thể giúp cải thiện cholesterol trong máu, giảm nguy cơ mắc bệnh tim, béo phì và tiểu đường type II – các bệnh lý liên quan đến rung nhĩ.

Bạn nên bổ sung gạo lứt hoặc gạo chưa xát vỏ vào bữa ăn của mình. Ngũ cốc nguyên hạt giúp cảm giác no lâu hơn, giảm cảm giác thèm ăn và có thể giảm nguy cơ đột quỵ.


Gạo trắng là một trong các thực phẩm cần chú ý ở bệnh nhân rung nhĩ
Gạo trắng là một trong các thực phẩm cần chú ý ở bệnh nhân rung nhĩ

11. Đồ uống lạnh

Những loại đồ uống lạnh giúp bạn giải nhiệt mùa hè nhưng có thể khởi phát cơn rung nhĩ.

Mặc dù các nghiên cứu vẫn đang ở giai đoạn đầu tuy nhiên một nghiên cứu được công bố gần đây cho thấy có mối liên hệ giữa việc hạ nhiệt độ đồ uống lạnh và nhịp tim không đều.

Nếu bạn cảm thấy cảm giác hồi hộp đánh trống ngực thường xuất hiện sau khi uống các loại đồ uống lạnh, bạn nên đến gặp bác sĩ để được tư vấn kỹ hơn.

12. Quá nhiều cho một đồ ăn bất kỳ

Ăn quá nhiều ngay cả những thực phẩm lành mạnh cũng có thể làm bạn tăng cân. Khi bạn bị béo phì bạn có nguy cơ cao hơn bị rung nhĩ hay làm tăng nguy cơ tái phát rung nhĩ sau khi đã điều trị ổn định (kể cả sau khi điều trị triệt đốt bằng RF).

Nếu bạn bị béo phì (BMI >25 đối với người châu á) hãy cố gắng giảm ít nhất 10% trọng lượng cơ thể.

Bạn nên bắt đầu bằng việc kiểm soát khẩu phần ăn: giảm khẩu phần ăn, hạn chế thực phẩm chứa nhiều acid béo bão hòa, trans fat và tăng cường vận động.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe