Những thắc mắc thường gặp về “Đẻ không đau”

Đau trong chuyển dạ đẻ ở mỗi sản phụ được cảm nhận khác nhau tùy thuộc vào sinh lý, tâm lý, ngưỡng đau của họ. Dù vậy 70% sản phụ đều cảm thấy đau dữ dội hoặc không thể chịu đựng nổi. Phương pháp Gây tê ngoài màng cứng là kỹ thuật giảm đau hiệu quả nhất và phù hợp nhất cho sản phụ và thai nhi.

1. Gây tê ngoài màng cứng là gì?

Sinh con luôn được xem là thiên chức của người phụ nữ. Tuy nhiên, cơn đau đẻ luôn là nỗi sợ hãi, ám ảnh của các sản phụ. Kỹ thuật Gây tê ngoài màng cứng được thực hiện thường xuyên tại bệnh viện Vinmec, giúp các bà mẹ giảm đau 70-80%, vì thế mà quá trình sinh nở trở nên dễ dàng. Tuy nhiên, không ít các bà mẹ đang băn khoăn không biết có nên sử dụng phương pháp này hay không. Hãy cùng giải đáp những thắc mắc thường gặp về “Đẻ không đau” để có được lựa chọn chính xác.

Kỹ thuật Gây tê ngoài màng cứng sẽ được thực hiện bởi một bác sĩ chuyên khoa Gây mê hồi sức. Bác sĩ sẽ đặt một ống thông rất nhỏ vào một khoang bao bọc xung quanh tủy sống, gọi là ngoài màng cứng ở cột sống lưng. Khi làm thủ thuật này sản phụ hầu như không bị đau. Ống thông được dán cố định sau lưng của sản phụ. Thuốc tê sẽ được một xi lanh điện tự động bơm liên tục qua ống thông này với một tốc độ rất nhỏ và ổn định cho tới khi em bé ra đời. Sản phụ sẽ ít bị đau, giảm 70-80% đau đớn so với bình thường.


Kỹ thuật Gây tê ngoài màng cứng giúp các bà mẹ giảm đau 70-80%
Kỹ thuật Gây tê ngoài màng cứng giúp các bà mẹ giảm đau 70-80%

2. Khi nào có thể thực hiện Gây tê ngoài màng cứng?

Bác sĩ sản khoa hoặc Nữ hộ sinh là người quyết định thời điểm tốt nhất để thực hiện Gây tê ngoài màng cứng. Thông thường, Gây tê ngoài màng cứng được thực hiện khi cổ tử cung mở từ 3cm đến 8cm, nhưng có thể được thực hiện sớm hơn nếu đau nhiều, hay trong một số trường hợp bệnh lý của mẹ.

3. Gây tê ngoài màng cứng được thực hiện như thế nào?

Bác sĩ Gây mê hồi sức sẽ thăm khám trước khi thực hiện thủ thuật. Khám tiền mê được thực hiện trước thủ thuật nhằm xác định những chống chỉ định thực hiện kỹ thuật. Công việc này nên được thực hiện khi thai phụ bước vào tháng cuối thai kỳ để chuẩn bị trước cho cuộc đẻ, không gây bất tiện trong quá trình thăm khám khi sản phụ đang có cơn đau đẻ. Khám tiền mê được thực hiện thường quy khi thai phụ thăm khám định kỳ tại Bệnh viện Vinmec cũng như sử dụng gói thai sản.

Khi gây tê, sản phụ được hướng dẫn ngồi cúi đầu – cong lưng hoặc nằm nghiêng trái đầu cúi – co hai gối ép sát bụng. Bác sĩ tìm khoang ngoài màng cứng (giữa hai đốt sống), sản phụ được gây tê tại vị trí chọc kim, động tác này có thể gây đau tại vị trí ngoài da lưng giống như một mũi tiêm thông thường. Sau đó bác sĩ sẽ luồng một ống thông bằng chất dẻo rất nhỏ gọi là catheter vào trong khoang ngoài màng cứng, catheter không gây khó chịu gì cho sản phụ và được cố định dọc theo lưng. Khi luồn catheter, sản phụ sẽ có cảm giác tức ở mông hay chân nhưng chỉ thoáng qua.

Thuốc tê sẽ được bơm qua ống thông vào khoang ngoài màng cứng, sản phụ có thể cảm nhận được một dòng mát chảy dưới lưng và cơn đau sẽ giảm hẳn sau 10 phút.

Nếu phải mổ lấy thai cấp cứu thì sử dụng chính catheter ngoài màng cứng có sẵn để vô cảm khi mổ và làm giảm đau sau mổ.

4. Sản phụ nào không làm được Gây tê ngoài màng cứng?

Gây tê ngoài màng cứng không thực hiện ở các trường hợp đang sốt cao, có nhiễm trùng da tại vị trí cần tiêm gây tê như mụn mủ ở lưng, nhiễm trùng da ...

Sản phụ có xét nghiệm rối loạn đông máu cũng chống chỉ định sử dụng kỹ thuật này.

Một số bệnh lý của sản phụ là chống chỉ định tương đối Gây tê ngoài màng cứng như thoát vị đĩa đệm, đau thần kinh tọa, vẹo cột sống.

Chống chỉ định tuyệt đối khi sản phụ có bệnh lý về thần kinh hoặc đang chảy máu hoặc trong trường hợp cấp cứu.


Sản phụ có xét nghiệm rối loạn đông máu có chống chỉ định sử dụng kỹ thuật này
Sản phụ có xét nghiệm rối loạn đông máu có chống chỉ định sử dụng kỹ thuật này

5. Những cảm giác có thể gặp khi Gây tê ngoài màng cứng

Sản phụ có thể cảm thấy một chút khó chịu tạm thời do giảm huyết áp, đôi khi lạnh run hoặc ngứa.

Sản phụ sau khi giảm cảm giác đau có thể có cảm giác tê chân đi kèm, hai chân hơi nặng hoặc khó khăn khi nhấc lên. Ngoài ra sản phụ có thể cảm thấy hơi khó đi tiểu, cần phải đặt thông tiểu.

Những bất lợi hay tác dụng phụ như trên có thể xảy ra sau khi làm Gây tê ngoài màng cứng, bác sĩ gây mê sẽ điều trị cụ thể để giảm thiểu những tác dụng này.

6. Nguy cơ gì khi gây tê ngoài màng cứng?

Nhức đầu sau gây tê ngoài màng cứng: rất hiếm.

Triệu chứng này xảy ra thường là do thủng màng cứng, có thể gặp phải ở các trường hợp có khó khăn trong quá trình thực hiện thủ thuật. Nguy cơ này sẽ giảm thiểu khi sản phụ giữ yên tư thế và phối hợp tốt với bác sĩ trong quá trình thực hiện Gây tê ngoài màng cứng.

Nếu nhức đầu xảy ra, mẹ bầu cũng hoàn toàn yên tâm vì có rất nhiều phương pháp hiệu quả để điều trị như truyền dịch, dùng thuốc giảm đau hoặc tiêm máu của sản phụ vào khoang ngoài màng cứng để vá lỗ thủng.

Đau lưng

Là điều thường hay được các sản phụ và người thân quan tâm lo lắng khi được tư vấn về Gây tê ngoài màng cứng. Hiện nay chưa có nghiên cứu nào chỉ ra rằng đau lưng sau sinh là do Gây tê ngoài màng cứng. Thực tế, 50% sản phụ sau sinh tự nhiên không dùng Gây tê ngoài màng cứng vẫn gặp đau lưng sau sinh. Nguyên nhân thường do: sự biến đổi của cột sống khi mang thai, giãn dây chằng vùng cột sống lưng, tư thế không phù hợp trên bàn sinh do đau ... Gây tê ngoài màng cứng thường chỉ gây đau tại vị trí tiêm, và nó tự biến mất trong 48h.

Biến chứng nhiễm trùng cực kỳ hiếm (1/145.000)

Nhất là trong môi trường vô khuẩn và công tác chống nhiễm khuẩn tốt tại hệ thống bệnh viện Vinmec

7. Gây tê ngoài màng cứng có gây nguy hiểm cho bé không?

Gây tê ngoài màng cứng hoàn toàn không gây ảnh hưởng đến bé. Thuốc tê sử dụng để gây tê không có tác dụng lên bé, Gây tê ngoài màng cứng chỉ ngăn chặn dẫn truyền thần kinh (cảm giác đau) ở bà mẹ, không gây độc cho bé.


Gây tê ngoài màng cứng hoàn toàn không gây ảnh hưởng đến thai nhi
Gây tê ngoài màng cứng hoàn toàn không gây ảnh hưởng đến thai nhi

8. Gây tê ngoài màng cứng có ảnh hưởng đến chuyển dạ không?

Gây tê ngoài màng cứng có thể làm kéo dài chuyển dạ hơn bình thường và có thể gia tăng nguy cơ sinh giúp, nhưng Gây tê ngoài màng cứng không tăng tỉ lệ mổ lấy thai. Ngược lại, Gây tê ngoài màng cứng giúp cho sản phụ giảm được đau đớn trong chuyển dạ. Cuộc chuyển dạ và sinh nở trở nên dễ dàng, sản phụ được nghỉ ngơi và không bị mất sức, tâm lý thoải mái không lo lắng và sợ hãi giúp cho quá trình rặn sinh được tốt nhất.

9. Có thất bại khi Gây tê ngoài màng cứng?

Thỉnh thoảng, có một số trường hợp thực hiện Gây tê ngoài màng cứng không thành công cho dù bác sĩ Gây mê hồi sức được huấn luyện tốt và nhiều kinh nghiệm thì tỉ lệ thất bại vẫn có. Có trường hợp do yếu tố cơ địa, cấu trúc cột sống lưng, ngay cả khi ống thông ngoài màng cứng đã được đặt, tiêm đủ liều, giảm đau cũng có thể không hoàn toàn (có thể chỉ giảm đau một bên hoặc không có tác dụng giảm đau). Tuy nhiên tỉ lệ này rất thấp.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết tham khảo nguồn: Protocoles en Anesthie et Analgésie Obstétricales – CARO 2018

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe