Bài viết bởi Bác sĩ Nguyễn Thị Hoài Nam - Khoa Gây mê phẫu thuật, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park
Mặc dù giảm đau ngoài màng cứng nói chung được cho là an toàn, tuy nhiên vẫn còn nghi ngờ có một số nguy cơ liên quan. Phần lớn các tác dụng phụ liên quan đến thuốc sử dụng, ví dụ hạ huyết áp và phong bế vận động do thuốc tê và buồn nôn, ngứa do opioid...
1. Những nguy cơ của gây tê ngoài màng cứng
Nguy hiểm đáng kể của gây tê ngoài màng cứng như tụ máu hay áp xe tủy sống hiếm gặp nhưng đã được thống kê. Một nghiên cứu trên 1,260,000 trường hợp tê tủy sống và 450,000 tê ngoài màng cứng, ghi nhận 127 trường hợp biến chứng thần kinh nghiêm trọng trong đó 85 trường hợp tổn thương thần kinh vĩnh viễn. Các tác giả tuyên bố các nguy cơ nhiều hơn trước đây đã nghĩ. Một báo cáo gần đây của một nghiên cứu dựa trên điều tra dân số quốc gia 2 tuần tại Vương quốc Anh sử dụng dữ liệu trên 707.455 trường hợp phong bế thần kinh trung ương đã kết luận rằng '' dữ liệu đang được trấn an và cho rằng phong bế trục thần kinh trung ương có tỷ lệ biến chứng nặng thấp, nhiều trong số đó hồi phục trong vòng 6 tháng”. Tuy nhiên tử vong (trong 3-6 năm) và số lớn các biến chứng thần kinh nghiêm trọng hàng năm ở Anh liên quan đến tê trục phải được cân nhắc với các lợi ích có mức độ của giảm đau ngoài màng cứng.
Cuộc tranh luận về mức độ rủi ro '' thấp chấp nhận được'' có lẽ vẫn còn tiếp diễn với đánh giá lợi ích - rủi ro tổng thể dường như chuyển sang ủng hộ các kỹ thuật không tê ngoài màng cứng. Kỹ thuật gây tê và giảm đau ngoài màng cứng không phải không có những rắc rối. Các nhà gây mê phải theo hướng dẫn của Hội gây tê vùng quốc gia như Hội gây tê vùng và Điều trị đau Hoa Kỳ khi điều trị bệnh nhân đang dùng thuốc kháng đông. Thời gian gây tê và luồn hay rút catheter phải phù hợp với dược động học của thuốc kháng đông hay kết hợp với thuốc kháng đông. Các thuốc mới hơn như fondaparinux có thời gian bán hủy dài hơn, cả Hội gây tê vùng và Điều trị đau Hoa kỳ và Bác sĩ Lồng ngực của Đại học Hoa kỳ khuyến cáo không dùng thuốc khi liên quan đến phong bế trục và thần kinh ngoại biên.
Đối với bệnh nhân gây tê tủy sống hay ngoài màng cứng, cần theo dõi sát và cảnh báo cao nghi ngờ về tụ máu tủy sống tiến triển vì nếu phát hiện sớm và mổ giải áp có thể cải thiện kết quả đáng kể. Một phân tích hồ sơ bảo hiểm đóng các trường hợp y tế liên quan đến gây tê vùng ở Anh cho thấy chi phí bảo hiểm liên quan đến tê ngoài màng cứng cao hơn nhiều so với gây tê vùng. Khảo sát của các chuyên gia gây mê Úc cho thấy 82% thực hiện gây tê ngoài màng cứng ít hơn trong thực hành trong những năm gần đây. Hai nguyên nhân phổ biến nhất là e ngại về luật pháp và thiếu bằng chứng về ưu điểm. Mặc dù các tai biến nghiêm trọng không thường gặp, bệnh nhân nên được thông tin về các tai biến thường gặp như bí tiểu và ngứa và nên được trao đổi về nguy cơ tai biến thần kinh nặng như liệt. Nguy cơ và lợi ích nên được đánh giá dựa trên từng cá thể.
2. Tỉ lệ thất bại của giảm đau ngoài màng cứng
Thời gian giảm đau ngoài màng cứng sau mổ có thể ảnh hưởng đến kết quả. Thông thường tê ngoài màng cứng thực hiện ngay trước mổ và truyền liên tục 2-4 ngày sau mổ. Tê ngoài màng cứng thành công khi giảm đau tốt và làm vận động và hồi phục sau mổ dễ dàng trong thời gian lưu catheter. Không có dữ liệu đáng tin cậy về tỷ lệ thất bại của giảm đau ngoài màng cứng trong suốt thời gian hậu phẫu này.
Một bài báo ghi nhận “đến 50% tê ngoài màng cứng thất bại hay giảm đau không đủ” và “tê ngoài màng cứng hiếm khi là vấn đề - vấn đề là làm gì với nó khi có vấn đề bắt đầu xảy ra”. Tỉ lệ thất bại là đáng kể, 32% trong 25,000 bệnh nhân. Chỉ có kiểm tra của các tổ chức cụ thể mới có thể cung cấp các dữ liệu về chi phí-lợi ích và đưa ra quyết định tiếp tục hay ngừng giảm đau ngoài màng cứng ở các tổ chức này. Có vẻ như rất ít tổ chức thực hiện kiểm tra thường xuyên như vậy, do đó hầu hết các bác sĩ gây mê không biết thực sự tê ngoài màng cứng của họ thành công (hoặc không thành công) như thế nào. Có rất ít tài liệu được báo cáo về vấn đề quan trọng này.
Được dịch theo Narinder Rawal, MD, PhD, Epidural Technique for Postoperative Pain Gold Standard No More?, (Reg Anesth Pain Med 2012;37: 310 - 317)