Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa I Hồ Quốc Tuấn - Bác Sĩ Gây mê hồi sức - Khoa Ngoại tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang. Bác sĩ Quốc Tuấn đã có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Gây mê - hồi sức.
Gây tê, gây mê là những phương pháp vô cảm được sử dụng phổ biến trong phẫu thuật, giúp bệnh nhân không cảm thấy đau đớn trong suốt quá trình bác sĩ tiến hành các thủ thuật.
1. Gây mê là gì? Gây tê là gì?
Một trong những lo lắng phổ biến nhất ở bệnh nhân trước phẫu thuật đó là: Mổ có đau không và làm gì để không cảm thấy đau đớn trong quá trình phẫu thuật? Nếu bệnh nhân đau đớn và sợ hãi quá mức chịu đựng có thể dẫn đến phản xạ ngưng tim gây tử vong. Vì vậy, trong hầu hết các cuộc phẫu thuật, người ta thường sử dụng biện pháp gây tê hoặc gây mê giúp bệnh nhân không còn cảm giác đau và có thể nằm yên để bác sĩ thực hiện thủ thuật. Gây tê giúp làm mất cảm giác tại chỗ, làm tê một vùng nhỏ của cơ thể. Còn gây mê là làm cho bệnh nhân mất tri giác toàn thân do thuốc mê tác dụng lên não bộ. Tùy vào yêu cầu từng loại phẫu thuật, vùng mổ có kích thước lớn hay nhỏ, tình trạng sức khỏe của bệnh nhân mà các bác sĩ sẽ chọn những cách thức gây tê, gây mê khác nhau.
2. Các loại gây tê, gây mê thường được sử dụng
2.1 Gây tê
- Gây tê tại chỗ: Gây tê tại chỗ là làm tê một phần nhỏ của cơ thể người bệnh. Thuốc tê tại chỗ có thể là dạng thuốc nhỏ, thuốc xịt, thuốc mỡ hoặc thuốc tiêm, để có thể dễ dàng thấm vào dây thần kinh. Bệnh nhân ở trạng thái tỉnh, vẫn nhận thức được những hoạt động diễn ra trong quá trình phẫu thuật nhưng không cảm thấy đau. Gây tê tại chỗ áp dụng khi thực hiện những tiểu phẫu cho những vết thương nhỏ, ngoài da, nhổ răng, lấy cao răng ...
- Gây tê vùng: là làm tê ở vùng rộng hơn so với gây tê tại chỗ, gây tê vùng được thực hiện cho những phẫu thuật ở những phần lớn hơn hoặc sâu hơn của cơ thể. Theo đó, thuốc tê sẽ được chỉ định tiêm vào gần bộ dây thần kinh mang tín hiệu từ vùng cơ thể đó đến não bộ. Gây tê vùng giúp bệnh nhân tỉnh táo trong quá trình phẫu thuật nhưng không cảm thấy đau. Có 2 loại chính về gây tê vùng là tê trục thần kinh (gây tê tuỷ sống hoặc gây tê ngoài màng cứng/kiểm soát đau) và phong bế thần kinh ngoại vi (chặn sự dẫn truyền của 1 sợi thần kinh hoặc nhiều sợi thần kinh có liên quan với nhau). Gây tê tủy sống và gây tê ngoài màng cứng là hai loại gây tê vùng phổ biến nhất, thường được thực hiện trong những trường hợp phẫu thuật ở phần dưới của cơ thể như sinh mổ, mổ bàng quang, hoặc thay khớp háng.
2.2. Gây mê
Gây mê toàn thân là quá trình làm cho bệnh nhân không cảm giác được với các kích thích khi phẫu thuật, giúp người bệnh nằm yên khi thực hiện thủ thuật. Gây mê toàn thân gây tê liệt các cơ của cơ thể bao gồm cả các cơ hô hấp. Do đó, bệnh nhân được gây mê toàn thân cần có máy thở để thực hiện công việc của cơ hoành và các cơ hô hấp khác. Điều này giúp người bệnh trong quá trình phẫu thuật có thể hít vào thở ra bình thường.
Phương pháp gây mê toàn thân thường được sử dụng cho các ca phẫu thuật quan trọng, các thủ thuật kéo dài và thường rất đau đớn. Quá trình gây mê toàn thân bao gồm các bước:
- An thần nhẹ (anxiolysis): Quá trình gây mê toàn thân thường bắt đầu bằng thuốc an thần, để có thể đặt ống nội khí quản.
- Gây mất trí nhớ (Amnesia).
- Tạo giấc ngủ nhân tạo (hypnosis)
- Kiểm soát đau (analgesia).
- Sử dụng thuốc gây mất khả năng vận động (giãn cơ).
Người ta chia gây mê thành 3 loại tuỳ theo đường vào cơ thể của thuốc mê:
- Gây mê qua đường hô hấp: thuốc được đưa vào cơ thể qua đường hô hấp, người bệnh hít hơi thuốc mê, thuốc qua phế nang để vào máu.
- Gây mê qua các đường khác: tĩnh mạch, trực tràng, bắp thịt
- Gây mê phối hợp:
- Sử dụng nhiều loại thuốc mê khác nhau qua một đường hoặc nhiều đường vào cơ thể bệnh nhân.
- Sử dụng thuốc mê và phối hợp cùng với các thuốc giảm đau, thuốc giãn cơ.
- Gây mê phối hợp cùng gây tê vùng.
Trong suốt thời gian phẫu thuật có gây mê toàn thân, bệnh nhân được bác sĩ theo dõi chặt chẽ bằng các thiết bị điện tử theo dõi nhịp tim, lượng oxy trong máu, số lần thở và điện tâm đồ.
Nhiều người lo lắng liệu việc gây mê có ảnh hưởng đến tính mạng không? Tuy nhiên bệnh nhân không cần lo lắng, bởi mục tiêu quan trọng nhất của gây mê là bảo đảm an toàn cho bệnh nhân khi mổ. Nhờ các tiến bộ y học, nên hiện nay việc gây mê đã được thực hiện rộng rãi và tỷ lệ tai biến trong gây mê rất thấp nên chúng ta hoàn toàn yên tâm khi thực hiện thủ thuật gây mê trước mổ.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.