Nhiều người hay thắc mắc tình trạng nói bị hụt hơi là bệnh gì? Đây là một biểu hiện của nhiều vấn đề gây ra, có thể là biểu hiện sinh lý hoặc bệnh lý từ nhẹ tới nặng. Đặc biệt bị hụt hơi khó thở trong thời gian dài có thể là một vấn đề bệnh cần phải điều trị.
1. Bị hụt hơi là bệnh gì?
Thở hụt hơi là cảm giác khó khăn khi thở, cảm giác như thở không kịp hoặc như mất nhịp thở. Thở hay bị hụt hơi không phải là một bệnh lý mà nó là một triệu chứng có thể gặp trong nhiều vấn đề khác nhau. Có thể là một dấu hiệu sinh lý bình thường hoặc nó cũng có thể là dấu hiệu bệnh lý.
2. Nguyên nhân khiến bạn hay bị hụt hơi
Thở hay bị hụt hơi là tình trạng diễn ra thường xuyên và nó có thể do một số nguyên nhân dưới đây:
- Bệnh hen suyễn
Bệnh hen suyễn là tình trạng niêm mạc đường hô hấp bị phù nề, khiến cho đường hô hấp bị thu hẹp xảy ra đột ngột. Điều đó khiến khó thở, cần cố gắng để lấy không khí, ho ra chất nhầy, khi hít thở có thể gây ra tiếng thở rít.
Bệnh hen phế quản thường liên quan tới dị ứng, tuy không rõ tại sao bệnh này lại xảy ra với một số người, nhưng có rất nhiều thứ có thể kích hoạt một cơn hen, bao gồm phấn hoa, bụi, khói, tập thể dục, cảm lạnh và căng thẳng.
Để điều trị tình trạng này tốt nhất là tìm được ra nguyên nhân kích hoạt cơn hen phế quản, tuy nhiên điều này không dễ dàng vì có thể một người cùng lúc dị ứng với rất nhiều dị nguyên. Ngoài ra, các phương pháp điều trị triệu chứng trong cơn và kiểm soát ngoài cơn giúp người bệnh thở dễ dàng hơn, kiểm soát được số lượng cơn hen.
- Dị ứng
Dị ứng là tình trạng mà một người có cơ địa mẫn cảm tiếp xúc với một số chất kích thích và gây ra các biểu hiện dị ứng. Những dị nguyên đó có thể là phấn hoa, bụi, lông thú và những thứ khác mà bạn hít phải cũng có thể gây dị ứng hoặc thậm chí là đồ ăn, thuốc, nước uống.
Dị ứng có thể khiến bạn xuất hiện tình trạng phù mạch, phù mạch có thể nổi ở đường thở làm tắc nghẽn đường thở và gây ra biểu hiện bị hụt hơi khó thở. Đôi khi phản ứng dị ứng gây ra bệnh hen suyễn.
Khi xuất hiện các biểu hiện của dị ứng như nổi mẩn trên da và kèm theo bị hụt hơi khó thở cần nói chuyện với bác sĩ để tìm kiếm nguyên nhân và kiểm soát tốt các triệu chứng.
- Lo lắng và sợ hãi
Thở hay bị hụt hơi cũng gặp phải khi bạn cảm thấy thực sự sợ hãi hoặc lo lắng. Đây không phải là một vấn đề lớn, vì nó thường hết ngay khi cảm xúc của bạn trở nên ổn định hơn. Nhưng điều này có thể nghiêm trọng nếu như bạn đã có các vấn đề về phổi như COPD (bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính). Căng thẳng lo lắng xảy ra đột ngột, có thể kích hoạt một cơn hen nếu như bạn có tiền sử bị hen suyễn. Ở những người khoẻ mạnh thì lo lắng và sợ hãi quá mức cũng khiến bạn thở nhanh đến mức choáng váng và bất tỉnh.
Nếu có thể nên tránh những điều kích thích quá mạnh gây ra thay đổi cảm xúc mạnh. Nó có thể gây nguy hiểm cho một số người.
- Carbon Monoxide(CO)
CO là một loại khí không màu, không mùi, có thể sinh ra từ các nguồn như lò nung, lò sưởi, máy nước nóng, máy sấy và khói xe hơi. Nếu sau khi được sinh ra qua nhiều quá trình mà không thể thoát ra ngoài đúng cách như đóng kín cửa thì nó có thể tích tụ trong không khí và có thể bạn sẽ hít thở quá nhiều vào trong cơ thể, loại khí này có ái lực cao với hemoglobin của hồng cầu cao hơn so với oxi rất nhiều lần. Từ đó làm cho các tế bào hồng cầu khó vận chuyển oxy đi khắp cơ thể.
Khi hít quá nhiều bạn có thể bị hụt hơi khó thở, chóng mặt, yếu ớt và buồn nôn, tầm nhìn giảm và có thể ngất đi. Nếu không được đưa ra khỏi môi trường có chứa nhiều CO thì có thể bị tử vong do ngạt loại khí này, đây là nguyên nhân gây tử vong chính trong các đám cháy.
- Cảm lạnh
Cảm lạnh xảy ra nhờ một loại vi-rút và người ta thấy có hàng trăm virus có thể gây ra bệnh cảm lạnh. Triệu chứng chính của cảm lạnh đó là chảy nước mũi, hắt hơi và đôi khi sốt nhẹ. Đôi khi virus có thể xâm nhập vào đường hô hấp và gây ra triệu chứng ho, đôi khi là khó thở. Không có cách chữa trị đặc hiệu, nhưng nó thường tự khỏi sau một tuần hoặc lâu hơn bằng các biện pháp chăm sóc đúng cách. Tuy nhiên trong các trường hợp bị sốt cao hơn 39 độ C, thở khò khè hoặc khó thở cần được thăm khám và điều trị.
- COVID-19
Căn bệnh này do một loại vi rút có tên là coronavirus gây ra. Bệnh có thể lây lan qua những giọt nhỏ còn sót lại khi họ ho, hắt hơi hoặc nói chuyện với người mắc bệnh. Đầu tiên, vi rút tấn công các tế bào trong đường thở gây ra các triệu chứng viêm long đường hô hấp trên. Nhưng đối với một số người thì sau đó có thể lây lan nhanh chóng đến phổi làm cho bạn bị hụt hơi khó thở.
Cho đến nay, vẫn chưa có cách chữa bệnh đặc hiệu với COVID-19. Hầu hết mọi người có các triệu chứng nhẹ và có thể tự khỏi bệnh tại nhà. Nhưng hãy liên hệ với bác sĩ ngay lập tức nếu thực sự khó thở, mệt hoặc đau ngực.
- Thuyên tắc phổi
Thuyên tắc phổi gây ra do sự di chuyển của cục máu đông thường ở chân và gây ngăn chặn lưu lượng máu trong phổi. Đây là một bệnh lý nguy hiểm và có thể khiến bạn cảm thấy khó thở, đau tức vùng ngực, mệt mỏi, tim đập nhanh, một số người bị ho ra máu. Nếu bạn thấy bất kỳ triệu chứng nào trong số này xảy ra với bạn, đặc biệt nếu bạn có tiền sử bệnh tĩnh mạch sâu, ngồi bất động trong thời gian dài... hãy đến bệnh viện, vì thuyên tắc phổi có thể đe dọa tính mạng.
- Chứng ngưng thở lúc ngủ
Đó là một tình trạng khi hơi thở ngừng lại liên tục trong khi ngủ, vì vậy một người có thể không nhận ra bất cứ điều gì đang xảy ra. Nhưng tình trạng này có thể gây mệt mỏi, thở hay bị hụt hơi, loạng choạng và ủ rũ vào ngày hôm sau. Nó có thể dẫn đến bệnh huyết áp cao, tăng nguy cơ mắc bệnh tim và đột quỵ.
Nguy cơ mắc chứng này ở những người thừa cân béo phì cao hơn và triệu chứng bệnh có thể giảm khi giảm cân. Tuy nhiên không phải tất cả những người bị chứng ngưng thở khi ngủ đều thừa cân.
- Viêm phổi
Vi rút, vi khuẩn hoặc nấm có thể qua đường hô hấp và lây nhiễm đến các phế nang. Sau đó khiến cho các phế nang bị chứa đầy chất lỏng, giảm sự trao đổi khi và gây ra khó thở. Ngoài ra cũng gây ra các triệu chứng như ớn lạnh và sốt, có thể ho ra đờm có màu vàng, xanh và đặc.
Khi bị viêm phổi cần được điều trị bằng các loại thuốc kê đơn như kháng sinh nếu tác nhân là vi khuẩn, kèm thêm các phương pháp điều trị triệu chứng như nghỉ ngơi, dùng thuốc hạ sốt, long đờm, thở oxy nếu cần...
- Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD)
Hút thuốc là nguyên nhân thường xuyên nhất gây ra COPD. Khi mắc bệnh này nó làm giãn các phế nang trong phổi, khiến phổi khó trao đổi không khí để cung cấp oxy cho máu. Từ đó gây ra triệu chứng bị hụt hơi khó thở, cảm thấy tức ngực và ho, đôi khi kèm theo thở khò khè. Để kiểm soát tình trạng nghiêm trọng của bạn cần ngừng hút thuốc, sử dụng thuốc giúp giãn đường thở, chống viêm...
- Suy tim
Suy tim là tình trạng tim hoạt động kém hiệu quả hơn bình thường. Điều đó làm cho việc cung cấp oxy đến nơi cần thiết trở nên khó khăn hơn. Máu bị ứ lại tâm thất và trào ngược lên phổi. Điều đó có thể khiến bạn bị hụt hơi khó thở. Các triệu chứng có thể xuất hiện tùy từng mức độ suy tim, nặng thì ngay cả khi nghỉ ngơi, nhẹ thì khi lao động nhẹ hoặc quá sức mới xuất hiện khó thở. Bác sĩ tim mạch có thể kê các loại thuốc có thể giúp bạn kiểm soát các triệu chứng.
- Thiếu máu
Khi cơ thể không có đủ tế bào hồng cầu khỏe mạnh, các mô sẽ không thể được nhận đủ oxy. Điều đó có thể khiến bạn yếu và mệt mỏi, đôi khi hay bị hụt hơi, có thể gây ra chóng mặt và xanh xao, tay chân lạnh và tim đập nhanh.
Có nhiều nguyên nhân dẫn tới thiếu máu như chế độ ăn, mắc bệnh mạn tính, mất máu... tùy vào từng nguyên nhân mà có thể được điều trị bằng các biện pháp khác nhau.
- Tràn dịch, tràn khí màng phổi
Tràn dịch, tràn khí màng phổi có thể xảy ra sau một chấn thương hoặc bệnh tật làm cho không khí hoặc dịch rò rỉ từ phổi đến không gian giữa phổi và thành ngực (khoang màng phổi). Không khí hoặc dịch đè đẩy vào phổi, làm cho phổi bị thu hẹp. Khiến bạn có thể bị đau ngực và khó thở. Bác sĩ có thể đưa kim hoặc ống nhỏ vào khu vực này để loại bỏ không khí hay dịch hoặc có thể cần phẫu thuật.
- Khóc hoặc sợ hãi
Trẻ từ 6 tháng đến 6 tuổi đôi khi có thể có những lúc ngừng thở khi khóc thét hoặc bị giật mình. Điều này đôi khi gây ra một phản ứng không kiểm soát được khiến trẻ bị ngất xỉu. Sau đó khoảng 1 phút trẻ tỉnh lại và có thể có hơi loạng choạng. Mặc dù ban đầu nó có thể đáng sợ nhưng điều đó không có gì phải lo ngại và nó có thể xảy ra lặp đi lặp lại.
- Bệnh nhược cơ
Đây là một bệnh thần kinh cơ khiến các cơ và dây thần kinh không phối hợp hoạt động một cách bình thường. Bạn có thể nhận thấy yếu khi cử động tay và chân, cũng có thể ảnh hưởng đến các chuyển động tự động như thở, gây khó thở. Các triệu chứng thường tồi tệ hơn nếu gắng sức và tốt hơn sau khi bạn nghỉ ngơi. Bác sĩ có thể giúp kê một số loại thuốc giúp kiểm soát các triệu chứng, nhưng chưa có biện pháp trị triệt để. Trong một số trường hợp, người bệnh có thể tự thuyên giảm.
- Thất tình
Nghe có vẻ không thật lắm nhưng nó lại thực sự xảy ra và gây ra thở hay bị hụt hơi. Thậm chí có một cái tên cho thất tình gọi là hội chứng trái tim tan vỡ. Do sự thay đổi cảm xúc đột ngột, mãnh liệt chẳng hạn như người thân đã mất hoặc chuyện tình cảm đã kết thúc và ảnh hưởng đến tim, gây ra triệu chứng đau ngực và khó thở, tim của bạn có thể hoạt động không tốt trong một thời gian. Các xét nghiệm cho thấy những thay đổi trong nhịp đập của tim và các chất trong máu như cơn đau tim.
Tuy nhiên, không giống như một cơn đau tim, hội chứng trái tim tan vỡ không xảy ra bởi vì các động mạch bị tắc nghẽn. Mặc dù nó có thể dẫn đến suy cơ tim trong thời gian ngắn, nhưng hầu hết mọi người sẽ khỏe hơn trong vòng vài ngày hoặc vài tuần.
Trên đây là một số những lý do hay gặp gây ra triệu chứng thở hay bị hụt hơi. Nếu nó xảy ra ngắn và có yếu tố gây ra như sau cảm xúc mãnh liệt, sau vận động quá sức thì không đáng ngại. Nhưng nếu nó xảy ra một cách rất thường xuyên thì bạn cần được thăm khám để tìm nguyên nhân.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: webmd.com