Kích trứng IVF là một bước quan trọng giúp việc thụ tinh trong ống nghiệm đạt được thành công. Điều này đảm bảo rằng chị em phụ nữ có đủ nang noãn chất lượng tốt, thuận lợi cho quá trình tạo phôi trong ống nghiệm. Bài viết này sẽ giải đáp chi tiết hơn về quá trình này.
Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi ThS.BS Nguyễn Thị Xuyến - Bác sĩ lâm sàng - Trung tâm Hỗ trợ sinh sản - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.
1. Tổng quan về thuốc kích trứng IVF
Thông thường, trong mỗi chu kỳ kinh nguyệt chỉ có một nang noãn trong buồng trứng phát triển và rụng. Nếu gặp được tinh trùng, nang noãn sẽ kết hợp với tinh trùng để hình thành phôi thai. Tuy nhiên, khả năng một phôi thai thực sự có thể làm tổ và tiếp tục phát triển chỉ từ 5% đến 20%, phụ thuộc vào độ tuổi của phụ nữ.
Các nang noãn khác sẽ dần thoái hóa, chỉ nang trưởng thành được phóng thích vào vòi trứng. Do đó, thu hoạch được nhiều nang noãn hơn là cần thiết để tăng cơ hội thành công trong điều trị vô sinh hiếm muộn.
Thuốc kích trứng là loại thuốc nội tiết giúp trứng phát triển đến giai đoạn trưởng thành, sau đó chín và rụng xuống. Thuốc này tăng cường nội tiết tố trong cơ thể phụ nữ, thúc đẩy sự phát triển của nang noãn và tăng khả năng thụ tinh.
Hiện nay thuốc kích trứng IVF có hai dạng bao gồm dạng uống và dạng tiêm, việc người bệnh sử dụng loại thuốc nào sẽ phụ thuộc vào tình trạng sức khỏe cụ thể và phác đồ điều trị do bác sĩ chỉ định.
2. Thực hiện tiêm kích trứng là gì?
Tiêm kích trứng là một phương pháp sử dụng thuốc nội tiết thông qua đường tiêm để thúc đẩy quá trình phát triển của trứng đến giai đoạn trưởng thành. Khi nang trứng đạt tiêu chuẩn kích thước và nội tiết, bác sĩ sẽ chỉ định tiêmhCG (human Chorionic Gonadotropin - Hormone Gonadotropin) còn được gọi là mũi tiêm rụng trứng để kích thích trứng rụng.
Phương pháp kích trứng thường được sử dụng trong các trường hợp sau:
- Người nữ đang điều trị theo các phương pháp bơm tinh trùng vào buồng tử cung (IUI), thụ tinh trong ống nghiệm (IVF).
- Một số trường hợp bác sĩ có thể chỉ định người vợ tiêm kích trứng ở liều thấp nhằm tăng khả năng có thai tự nhiên.
- Khi sử dụng tiêm kích trứng IVF, người thực hiện cần được chỉ định và giám sát chặt chẽ bởi các bác sĩ chuyên khoa để đảm bảo hiệu quả và an toàn.
3. Vì sao cần tiêm thuốc kích trứng?
Tại Việt Nam, tình trạng vô sinh hiếm muộn thường xuất phát từ các rối loạn nội tiết dẫn đến vấn đề về trứng, tắc nghẽn ống dẫn trứng (ở phụ nữ) hoặc các vấn đề bất thường liên quan đến tinh trùng (ở nam giới).
Do đó, việc sử dụng phương pháp tiêm kích trứng và thực hiện IVF được coi là một trong những cách tăng cơ hội thụ thai thành công cho các cặp vợ chồng gặp vấn đề về vô sinh hiếm muộn.
4. Tiêm kích trứng IVF vào thời điểm nào là tốt nhất?
Sau khi thăm khám và thực hiện các xét nghiệm cần thiết ban đầu, bác sĩ điều trị sẽ đánh giá tình trạng sức khỏe và bệnh lý hiện tại của bệnh nhân để đưa ra tư vấn và hướng dẫn phác đồ điều trị cụ thể.
Thông thường bác sĩ sẽ bắt đầu thực hiện phác đồ điều trị vào ngày thứ 2 hoặc thứ 3 của chu kỳ kinh nguyệt, miễn là tình trạng sức khỏe của bệnh nhân cho phép.
5. Tiêm thuốc kích trứng khi làm IVF - Những điều cần biết
Kích trứng IVF là một bước quan trọng trong quá trình điều trị vô sinh. Đây được coi là một bước làm nền tảng cho các phương pháp hỗ trợ sinh sản sau này nhằm giúp phụ nữ có đủ trứng/nang noãn để tạo phôi hoặc sẵn sàng nhận tinh trùng trong IUI.
Để đạt tỷ lệ thành công cao trong quá trình điều trị, cần tuân thủ một số nguyên tắc cơ bản sau:
- Sinh hoạt điều độ, tránh căng thẳng và duy trì một lối sống lành mạnh.
- Sử dụng thuốc đúng cách và đúng liều theo phác đồ điều trị được bác sĩ chỉ định.
- Tuân thủ các chỉ dẫn và lịch trình tái khám của bác sĩ.
- Tuân thủ tốt những nguyên tắc này sẽ giúp tăng cơ hội thành công trong quá trình kích trứng IVF.
Thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) là một quy trình phức tạp và đòi hỏi nhiều chi phí để thực hiện. Để tăng cơ hội thành công, bệnh nhân thường được tiêm kích trứng IVF để thu được khoảng 8 - 10 trứng có chất lượng tốt.
IVF thường được bác sĩ chỉ định cho các trường hợp sau:
- Cặp vợ chồng hiếm muộn do nguyên nhân đến từ người chồng: Tình trạng tinh trùng yếu nặng, trong đó tinh trùng có chất lượng hoặc số lượng không đủ để thực hiện quá trình tự nhiên; Bất thường ống dẫn tinh, khi ống dẫn tinh bị tắc nghẽn hoặc tổn thương;
- Sử dụng tinh trùng từ người khác do người chồng không sản xuất ra tinh trùng;
- Cặp vợ chồng hiếm muộn do nguyên nhân đến từ người vợ: các tắc nghẽn của vòi tử cung;
- Phụ nữ lớn tuổi;
- Giảm dự trữ trứng trong buồng trứng của người phụ nữ;
- Sử dụng trứng từ nguồn khác do người vợ có sự suy giảm sớm của chức năng buồng trứng;
- Hoặc các cặp vợ chồng đã thất bại trong các lần bơm tinh trùng trước đó.
6. Quy trình kích trứng IVF diễn ra như thế nào?
6.1 Khám sức khỏe
Khám sức khỏe là một bước quan trọng để đánh giá tổng quát sức khỏe sinh sản của cả hai vợ chồng, quy trình này bao gồm:
- Kiểm tra phụ khoa để đánh giá sức khỏe tổng quát của phụ nữ.
- Sử dụng siêu âm để kiểm tra tử cung và phần phụ, đồng thời kiểm tra số lượng nang noãn.
- Tiến hành các xét nghiệm máu cơ bản và sinh hóa máu để phát hiện các vấn đề sức khỏe có thể ảnh hưởng đến sinh sản.
- Thực hiện xét nghiệm các bệnh lây qua đường tình dục như HIV, giang mai, viêm gan B và tiến hành lấy dịch âm đạo để xét nghiệm Chlamydia.
- Xét nghiệm tinh dịch đồ.
- Kiểm tra nồng độ các nội tiết tố liên quan đến sinh sản.
6.2 Kích thích buồng trứng
Vào ngày thứ 2 hoặc 3 của chu kỳ kinh, nếu sức khỏe của người vợ cho phép thì quá trình kích trứng IVF sẽ được thực hiện theo phác đồ thích hợp.
Trong quá trình điều trị, loại thuốc kích trứng IVF có thể thay đổi tùy thuộc vào phác đồ điều trị cụ thể. Người vợ có thể được kê đơn thuốc kích trứng IVF qua đường uống, tiêm hoặc cả hai phương pháp này.
Nếu người vợ không đáp ứng tốt với thuốc kích trứng IVF dạng uống, bác sĩ sẽ chỉ định tiêm thuốc kích trứng.
Khi quá trình kích thích buồng trứng diễn ra, bác sĩ sẽ theo dõi sự phát triển của nang trứng thông qua việc thực hiện siêu âm nang noãn và xét nghiệm máu. Dựa vào kết quả này, bác sĩ sẽ điều chỉnh liều lượng thuốc theo từng trường hợp cụ thể của mỗi bệnh nhân.
Bên cạnh đó, thời gian kích trứng có thể thay đổi tùy thuộc vào từng trường hợp nhưng thường kéo dài từ 08 -12 ngày.
6.3 Chọc hút trứng
Khi các nang trứng đã đạt đủ điều kiện, bác sĩ sẽ thực hiện tiêm HCG để chuẩn bị cho quá trình chọc hút trứng. Sau khoảng từ 36 đến 40 giờ sau tiêm, người vợ sẽ đến bệnh viện để thực hiện quá trình chọc hút trứng.
Quá trình chọc hút trứng được thực hiện để lấy các nang trứng đạt yêu cầu từ cơ thể của người phụ nữ, nhằm chuẩn bị cho quá trình thụ tinh với tinh trùng của chồng trong một môi trường ống nghiệm.
7. Những lưu ý trong quá trình kích trứng
7.1 Tuân thủ sử dụng thuốc
Cho dù là thuốc uống hay tiêm, người vợ cần tuân thủ đúng hướng dẫn của bác sĩ. Người nữ không được tự ý dừng thuốc, thay đổi hoặc điều chỉnh liều lượng, điều này là vô cùng quan trọng để đảm bảo hiệu quả của quá trình điều trị kích trứng IVF.
7.2 Chế độ ăn uống
Để duy trì sức khỏe tốt trong giai đoạn kích trứng IVF, người thực hiện cần tuân thủ chế độ ăn uống đa dạng và khoa học. Dưới đây là một số lưu ý:
- Uống đủ lượng nước mỗi ngày, ít nhất là 1,5 lít nước/ngày.
- Tăng cường khẩu phần ăn và bổ sung đa dạng các loại rau, trái cây vào chế độ ăn hàng ngày.
- Tiêu thụ nhiều cá, dầu thực vật và các loại hạt; hạn chế đồ ăn giàu chất béo động vật và chất béo chuyển hóa (như đồ ăn nhanh, thực phẩm chiên rán...).
- Tránh hút thuốc, uống rượu, trà, cà phê và các loại nước có ga vì việc sử dụng các loại thực phẩm này có thể ảnh hưởng xấu đến chất lượng của trứng.
- Hạn chế tiêu thụ thức ăn chế biến sẵn và thức ăn đóng hộp bởi các loại thực phẩm này thường chứa nhiều chất phụ gia và chất bảo quản không tốt cho sức khỏe.
7.3 Chế độ vận động
- Người vợ vẫn có thể sinh hoạt hàng ngày và đi làm bình thường. Tuy nhiên, cần hạn chế các hoạt động nặng để tránh nguy cơ xoắn buồng trứng và vỡ nang buồng trứng.
- Các cặp vợ chồng quan tâm đến việc tiêm thuốc kích trứng IVF không cần thiết phải kiêng cữ tuyệt đối trong quan hệ tình dục, nhưng cần hạn chế tần suất quan hệ, tránh quan hệ quá đà vì điều này có thể ảnh hưởng đến sức khỏe và tăng nguy cơ vỡ nang buồng trứng.
- Duy trì tinh thần thoải mái, tránh căng thẳng không cần thiết.
- Thực hiện các bài tập thể dục nhẹ nhàng như yoga, đi bộ để nâng cao sức khỏe và tinh thần.
7.4 Những điều cần lưu ý khác
- Kích trứng IVF có thể gây ra tăng sản xuất nội tiết tố estrogen dẫn đến việc làm căng tức ở 2 vú và có thể gây buồn nôn nhẹ. Thường thì những cảm giác này chỉ xuất hiện trong 2 - 3 ngày cuối cùng của quá trình kích thích buồng trứng và sẽ nhanh chóng biến mất sau khi chọc hút trứng.
- Đảm bảo vệ sinh cơ thể và vùng kín luôn được giữ sạch sẽ.
- Đều đặn tái khám theo lịch hẹn đã được đặt trước với bác sĩ.
8. Những dấu hiệu bất thường khi tiêm thuốc kích trứng
Nếu phát hiện bất kỳ dấu hiệu bất thường nào sau khi tiêm thuốc kích trứng IVF, bệnh nhân nên liên hệ ngay với bác sĩ để được theo dõi và cân nhắc điều trị. Các dấu hiệu bất thường sau khi tiêm thuốc kích trứng IVF bao gồm:
- Đau bụng lâm râm hoặc đau quặn ở vùng bụng dưới.
- Cảm giác căng bụng vượt quá mức bình thường.
- Buồn nôn hoặc nôn nhiều, tiêu chảy.
- Khó thở, tụt huyết áp, nhịp tim đập nhanh.
- Tăng cân nhẹ hoặc tăng cân nhanh chóng trong khoảng một vài ngày sau khi tiêm thuốc.
Trong quá trình kích trứng IVF, có những điều quan trọng cần lưu ý như tuân thủ sử dụng thuốc theo đúng chỉ định, đa dạng hóa chế độ ăn uống, vận động nhẹ nhàng và tái khám theo đúng lịch hẹn. Ngoài ra, cần chú ý đến những dấu hiệu bất thường để báo cho bác sĩ kịp thời, tránh gây ra biến chứng không mong muốn.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.