Việc chăm sóc sau thủ thuật y khoa rất quan trọng, do đó, những vấn đề cần lưu ý sau khi đặt ống thông tim cũng được các bệnh nhân và người nhà quan tâm. Bởi vì, việc này không chỉ giúp ngăn ngừa các rủi ro và biến chứng mà còn đóng vai trò quan trọng trong quá trình hồi phục của bệnh nhân.
Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của các bác sĩ, chuyên ngành Tim mạch, tại Vinmec Times City.
1. Những điều cần lưu ý sau khi đặt ống thông tim
Sau khi bệnh nhân trải qua quá trình đặt ống thông tim sau thực hiện các thủ thuật chẩn đoán hay can thiệp tim mạch, người bệnh phải tuân theo các hướng dẫn cụ thể bác sĩ và nắm rõ các lưu ý sau khi đặt ống thông tim để đảm bảo quá trình hồi phục diễn ra nhanh chóng. Dưới đây là một số hướng dẫn chi tiết:
- Chăm sóc vị trí đặt ống thông: Đảm bảo rằng vị trí vết thương được giữ sạch sẽ và khô ráo để ngăn ngừa nhiễm trùng và hỗ trợ quá trình liền vết thương. Không tắm, bơi hoặc ngâm mình trong bồn nước nóng cho đến khi bác sĩ cho phép. Nếu bạn cần ho, hãy dùng tay đỡ vị trí đặt ống thông.
- Nghỉ ngơi: Hãy nghỉ ngơi trong 1 - 2 ngày sau khi làm thủ thuật và mức độ hoạt động nên tăng dần mỗi ngày sau đó, bắt đầu từ những việc nhẹ nhàng nhất như đi bộ trong nhà.
- Kiểm soát hoạt động sau khi băng ép cổ tay (sau thực hiện thủ thuật chụp động mạch vành qua đường động mạch quay): Hãy giới hạn các hoạt động để giúp giảm áp lực lên vị trí đặt ống thông và ngăn ngừa chảy máu. Trong vòng 1 tuần sau khi phẫu thuật, bạn không nâng các vật dụng nặng hơn 1kg, không đẩy hoặc kéo bằng cánh tay được sử dụng để thực hiện thủ thuật. Bên cạnh đó, tránh các hoạt động sử dụng cánh tay hoặc cổ tay của bạn, chẳng hạn như quần vợt, bowling và chơi gôn.
- Kiểm soát hoạt động sau khi băng ép động mạch đùi (sau thực hiện thủ thuật chẩn đoán/can thiệp tim mạch có đường vào là động mạch đùi): Bệnh nhân không quan hệ tình dục trong 2 ngày sau phẫu thuật, không nâng bất cứ vật gì nặng hơn 2kg trong 1 tuần, hạn chế leo cầu thang trong 1 tuần và tránh tập thể dục cường độ cao trong 2 đến 4 tuần.
- Bổ sung chất lỏng: Uống thêm nhiều nước nếu trong quá trình thực hiện thủ thuật của bạn có sử dụng chất tương phản ( thuốc cản quang). Chất lỏng sẽ giúp loại bỏ chất tương phản ra khỏi cơ thể bạn. Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ của bạn về việc bạn nên uống bao nhiêu chất lỏng mỗi ngày và loại chất lỏng nào tốt nhất cho bạn. Đặc biệt, không uống rượu trong ít nhất 24 giờ sau khi làm thủ thuật.
2. Những trường hợp khẩn cấp cần sự trợ giúp từ bác sĩ
Sau khi về nhà, nếu bạn gặp các trường hợp sau, hãy đến bệnh viện hoặc gọi ngay bác sĩ của bạn để được hướng dẫn khẩn cấp.
- Xảy ra bất kỳ dấu hiệu nào sau đây của cơn đau tim như bị ép, áp lực hoặc đau ở ngực. Ngoài ra, bạn cũng có thể cũng gặp bất kỳ điều nào sau đây: Khó chịu hoặc đau ở lưng, cổ, hàm, dạ dày hoặc cánh tay, buồn nôn, hụt hơi, chóng mặt hoặc đổ mồ hôi lạnh đột ngột.
- Bạn có bất kỳ dấu hiệu nào sau đây của đột quỵ như tê hoặc xệ một bên mặt, yếu ở cánh tay hoặc chân, nhầm lẫn hoặc khó nói, chóng mặt, nhức đầu dữ dội hoặc giảm thị lực
- Ho ra máu
- Khó thở
- Không thể cầm máu ở vị trí đặt ống thông ngay cả khi bạn đã giữ chặt trong 10 phút.
Ngoài những bệnh lý trên, tại vị trí vết thương của bạn, nếu xảy ra các vấn đề sau, bạn cũng cần nhanh chóng tìm kiếm sự chăm sóc y tế để tránh bị nhiễm trùng vết thương:
- Máu thấm qua băng của bạn.
- Các mũi khâu của bạn bị bung ra.
- Cánh tay hoặc chân của bạn cảm thấy tê, mát hoặc trông nhợt nhạt.
- Vị trí ống thông của bạn bị sưng nhanh hơn.
- Vị trí đặt ống thông của bạn bị đỏ, sưng tấy hoặc chảy mủ.
- Vị trí đặt ống thông của bạn trông bầm tím hơn hoặc bạn có vết bầm tím mới ở một bên chân hoặc cánh tay.
Những loại thuốc bác sĩ thường kê đơn cho bạn để hỗ trợ quá trình chăm sóc này như:
- Thuốc hay chất làm loãng máu giúp ngăn ngừa cục máu đông nhằm tránh đột quỵ, đau tim và tử vong.
- Acetaminophen giảm đau và hạ sốt. Đây là thuốc không kê đơn nhưng bạn cần tham khảo thông tin về hàm lượng và tần suất sử dụng để tránh ảnh hưởng đến gan.
- Dùng thuốc theo chỉ dẫn. Nếu thuốc của bạn không có tác dụng hoặc nếu bạn gặp tác dụng phụ hãy thông báo cho bác sĩ của bạn.
3. Các chỉ dẫn chăm sóc sức khỏe tim mạch
Sau đây là những hướng dẫn chung về sức khỏe. Nếu cơn đau ngực của bạn là do vấn đề về tim, bác sĩ sẽ cung cấp cho bạn những hướng dẫn cụ thể để bạn tuân theo.
- Quản lý các tình trạng sức khỏe khác. Bệnh tiểu đường và cholesterol cao làm tăng nguy cơ mắc các cơn đau tim và đột quỵ khác.
- Không hút thuốc. Nicotine và các hóa chất khác trong thuốc lá và xì gà có thể gây tổn thương tim, phổi và mạch máu. Thuốc lá điện tử hoặc thuốc lá không khói vẫn chứa nicotin.
- Ăn nhiều loại thực phẩm lành mạnh, ít béo, ít muối. Thực phẩm lành mạnh bao gồm trái cây, rau, bánh mì nguyên hạt, các sản phẩm từ sữa ít béo, đậu, thịt nạc thịt, cá. Tham khảo chế độ ăn có lợi cho tim, chẳng hạn như Kế hoạch ăn uống DASH.
- Duy trì cân nặng khỏe mạnh. Hãy hỏi bác sĩ chăm sóc sức khỏe của bạn xem cân nặng khỏe mạnh dành cho bạn là bao nhiêu và lập kế hoạch để có một cơ thể khỏe mạnh.
- Hỏi về các loại vắc-xin bạn có thể cần. Một số bệnh nhiễm trùng có thể gây nguy hiểm cho người mắc bệnh tim.
Chăm sóc sau đặt ống thông tim yêu cầu sự chú ý và tuân thủ nghiêm ngặt các hướng dẫn y tế. Điều quan trọng là bệnh nhân cần phải thường xuyên với bác sĩ và thông báo cho họ về bất kỳ vấn đề nào xuất hiện.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.