Những lưu ý khi dùng thuốc hạ sốt cho trẻ

Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Thạc sĩ, Bác sĩ Vũ Quốc Ánh - Bác sĩ Nhi khoa - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Sốt là biểu hiện khi hệ miễn dịch phản ứng với các tác nhân nhiễm khuẩn như vi khuẩn hay virus. Sử dụng thuốc hạ sốt cho trẻ kịp thời giúp tránh được những biến chứng nguy hiểm như co giật, mê sảng,...

1. Sốt ở trẻ là gì? Khi nào cần điều trị sốt?

Sốt là tình trạng thân nhiệt cơ thể trẻ tăng cao hơn so với mức bình thường. Nhiễm khuẩn là nguyên nhân gây sốt phổ biến nhất. Các bệnh lý do vi khuẩn và virus như tiêu chảy, cảm cúm, nhiễm khuẩn tai, viêm thanh quản cấp, viêm tiểu phế quản,... là những nguyên nhân gây sốt. Một vài loại vắc xin cũng có thể gây sốt. Thời gian sốt ngắn hay dài tùy thuộc vào loại vắc xin được sử dụng.

Trong đa số trường hợp, sốt có thể được theo dõi và điều trị tại nhà. Cha mẹ cần xem xét hành vi của trẻ để biết được khi nào cần cho trẻ uống thuốc hạ sốt và khi nào nên đi khám bệnh. Thông thường, phụ huynh nên cho trẻ đi khám trong những trường hợp sau:


Cho bé đi khám bác sĩ khi bị sốt cao
Cho bé đi khám bác sĩ khi bị sốt cao
  • Trẻ dưới 3 tháng tuổi sốt 38oC.
  • Trẻ trên 3 tháng tuổi sốt 38oC hơn 3 ngày, trẻ bứt rứt khó chịu, không chịu bú,...
  • Trẻ sốt 40oC.
  • Trẻ bị sốt cao, co giật.
  • Trẻ bị sốt tái đi tái lại.
  • Trẻ sốt kèm phát ban.
  • Trẻ có bệnh nền: ung thư, lupus, tim mạch hay hồng cầu liềm,...

Trắc nghiệm: Nhận biết sớm dấu hiệu chậm phát triển thể chất và trí tuệ ở trẻ

Nếu 6 tuổi không biết đếm số, 7 tuổi vẫn chưa phân biệt được giữa thực tế và tưởng tượng thì có thể bé chậm phát triển thể chất và trí tuệ hơn so với bạn bè cùng lứa. Bạn đã nhận biết được các dấu hiệu bất thường sớm này chưa? Cùng làm nhanh bài trắc nghiệm sau để trang bị thêm kiến thức cho mình nhé!

Nội dung trắc nghiệm được tham vấn chuyên môn cùng Thạc sĩ, Bác sĩ y khoa, Ma Văn Thấm , chuyên khoa Nhi , Phòng khám Đa khoa Quốc tế Vinmec Dương Đông(Phú Quốc)

Ma Văn Thấm
Ma Văn Thấm
Thạc sĩ, Bác sĩ y khoa,
Nhi
Phòng khám Đa khoa Quốc tế Vinmec Dương Đông(Phú Quốc)

2. Nên làm gì khi trẻ bị sốt?

Phụ huynh nên thực hiện theo hướng dẫn dưới đây khi trẻ bị sốt:

2.1 Khi trẻ bị sốt nhẹ

Cho trẻ mặc quần áo thoáng mát, cởi bớt quần áo, theo dõi thân nhiệt trẻ mỗi 4 giờ và cho bé uống nhiều nước.

2.2 Khi trẻ bị sốt vừa

  • Cởi bớt quần áo, cho trẻ mặc đồ mỏng, rộng rãi để dễ thoát nhiệt.
  • Cho trẻ nằm nghỉ ở nơi thoáng mát, giảm nhiệt độ phòng ở.
  • Cho bé uống nhiều nước.
  • Cho bé dùng thuốc trị hạ sốt.
  • Lau mát cho bé bằng nước ấm: sử dụng 5 khăn ướt nhỏ, đặt 4 khăn ở 2 bên nách, 2 bên bẹn và 1 khăn dùng để lau nước khắp người. Phụ huynh nên thay khăn sau 2 - 3 phút. Người chăm sóc ngưng lau người khi nhiệt độ cơ thể bé xuống dưới 38,5oC hoặc sau khi đã lau 30 phút. Cuối cùng, lau khô người và cho bé mặc đồ mỏng. Cha mẹ có thể tắm cho trẻ bằng nước ấm, nhiệt độ thấp hơn 2oC so với thân nhiệt của trẻ.

Lau mát cho bé để hạ sốt
Lau mát cho bé để hạ sốt

2.3 Khi trẻ bị sốt cao hay sốt rất cao

Cha mẹ sử dụng các biện pháp trên để hạ sốt tạm thời và ngay lập tức đưa trẻ đi khám tại các cơ sở y tế.

3. Lưu ý khi dùng thuốc hạ sốt cho trẻ

Do sốt là một phản ứng có lợi có lợi cho cơ thể nên các bác sĩ khuyên cha mẹ chỉ nên sử dụng thuốc hạ sốt cho bé khi trẻ sốt trên 38oC. Trên thị trường có nhiều loại thuốc có thể sử dụng cho trẻ, trong đó Acetaminophen và Ibuprofen là thông dụng, an toàn nhất, giúp bé dễ chịu hơn và giảm thân nhiệt khoảng 1 - 1,5oC.

Một số lưu ý quan trọng khi sử dụng thuốc hạ sốt cho trẻ:

  • Không sử dụng Aspirin cho bé vì có thể gây ra nhiều bệnh lý nghiêm trọng như hội chứng Reye (gây sưng phù ở gan và não).
  • Liều lượng của Acetaminophen và Ibuprofen nên tính theo cân nặng của trẻ, không nên tính theo tuổi.
  • Acetaminophen có thể dùng liều 10 - 15mg/kg/lần, cách 4 - 6 giờ. Nếu thân nhiệt trẻ vẫn cao và trẻ đã trên 6 tháng tuổi, phụ huynh có thể dùng thay thế hoặc kết hợp Ibuprofen với liều 5 - 10mg/kg/lần, uống mỗi 6 - 8 giờ.
  • Không nên phối hợp nhiều loại thuốc hạ sốt cho trẻ vì sẽ làm tăng nguy cơ kích ứng dạ dày, xuất huyết tiêu hoá,...
  • Thuốc hạ sốt chỉ được sử dụng khi cần thiết và ngưng khi không còn triệu chứng.

Dùng thuốc hạ sốt cho trẻ
Dùng thuốc hạ sốt cho trẻ

4. Một số lưu ý khi chăm sóc trẻ bị sốt tại nhà

  • Phòng tránh mất nước và bổ sung dinh dưỡng: khi trẻ bị sốt, nước và muối bị mất đi thông qua việc toát mồ hôi. Ngoài ra, cơ thể bé cũng bị mất năng lượng và các vitamin tan trong nước. Vì vậy, nên bù lại các chất bị mất đi bằng cách cho trẻ uống nhiều nước, sữa, các loại nước ép trái cây giàu dinh dưỡng, đặc biệt là vitamin nhóm B và vitamin C. Bên cạnh đó, cha mẹ nên cho trẻ bú và ăn nhiều lần trong ngày để trẻ không bị mất nước và sụt cân.
  • Nghỉ ngơi: phụ huynh nên khuyến khích trẻ nghỉ ngơi nếu còn mệt. Nếu trẻ đã khỏe hơn, cha mẹ có thể cho trẻ ra chơi bên ngoài nhưng cần tránh thời điểm nắng gắt hoặc thời tiết xấu.
  • Khi trẻ bị sốt cao, co giật: phụ huynh cần nắm được cách xử lý để tránh nguy cơ trẻ bị ngạt thở hoặc thiếu oxy não, tổn thương não. Các bước xử lý là: làm thông thường thở (cho trẻ nằm nghiêng, hút đàm nhớt để tránh tắc đường thở), nhét hậu môn thuốc hạ nhiệt (Paracetamol liều 10mg/kg/lần), lau mát hạ sốt. Tất cả trẻ co giật sau khi sơ cứu phải đưa tới cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
  • Không nên: ủ ấm trẻ; lau người bằng nước đá lạnh, cồn, dấm; vắt chanh, đổ thuốc vào miệng trẻ khi đang co giật vì dễ gây ngạt thở.

Khi sử dụng thuốc hạ sốt cho trẻ, phụ huynh cần tuân thủ đúng chỉ định của bác sĩ để tránh gặp phải những biến chứng nguy hiểm. Nếu trẻ có bất kỳ biểu hiện bất thường nào, cha mẹ nên đưa bé tới cơ sở y tế để được thăm khám, điều trị kịp thời.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe