Những lưu ý khi đọc điện tâm đồ ECG

Bài viết được viết bởi Bác sĩ Chẩn đoán hình ảnh, Khoa Chẩn đoán hình ảnh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.

Điện tâm đồ ECG ghi lại các tín hiệu điện trong tim. Đây là kỹ thuật chẩn đoán phổ biến và không gây đau cho người bệnh được sử dụng để nhanh chóng phát hiện các vấn đề về tim và theo dõi sức khỏe của tim.

1. Điện tâm đồ là gì?

Điện tâm đồ (tên tiếng Anh electrocardiogram là và viết tắt là ECG hoặc EKG), Đây là kỹ thuật chẩn đoán không xâm lấn được sử dụng để đánh giá hệ thống điện của tim.

Kỹ thuật sử dụng các điện cực kim loại đặt trên thành ngực vị trí tim để phát hiện các tín hiệu điện do tim tạo ra khi tim đập, sau đó máy điện tâm đồ sẽ vẽ biểu đồ hoạt động điện của tim.

Bác sĩ có thể phân tích các mô hình của biểu đồ để hiểu rõ hơn về nhịp tim và nhịp điệu của tim, từ đó xác định một số loại bệnh về cấu trúc của tim và đánh giá hiệu quả hoạt động của tim.

2. Điện tâm đồ được thực hiện khi nào?

Điện tâm đồ không gây đau, không xâm lấn nhằm giúp chẩn đoán nhiều vấn đề về tim phổ biến ở mọi lứa tuổi. Bác sĩ có thể sử dụng điện tâm đồ để xác định hoặc phát hiện:

  • Nhịp tim bất thường (rối loạn nhịp tim)
  • Liệu có phải các động mạch cấp máu cho tim (động mạch vành) bị hẹp hoặc tắc đang gây đau ngực hoặc cơn đau tim (nhồi máu cơ tim cấp)
  • Bạn đã có một cơn đau tim trước đó (nhồi máu cơ tim cũ)
  • Đánh giá một số phương pháp điều trị bệnh tim như máy tạo nhịp tim có đang hoạt động tốt không.

Bạn có thể cần ECG nếu bạn có bất kỳ dấu hiệu và triệu chứng nào sau đây:

  • Đau ngực
  • Chóng mặt hoặc lú lẫn
  • Đánh trống ngực
  • Mạch nhanh
  • Hụt hơi
  • Yếu, mệt mỏi hoặc suy giảm khả năng tập thể dục.

Có một số loại ECG khác nhau như:

  • Điện tâm đồ Holter (Holter monitor). Một thiết bị có tên là Holter có kích thước nhỏ, có thể đeo, sẽ ghi lại ECG liên tục trong 24 đến 48 giờ.
  • Máy theo dõi tim (Event monitor). Thiết bị cầm tay này tương tự như máy Holter, nhưng nó chỉ ghi lại ở một số thời điểm nhất định trong vài phút mỗi lần. Bạn có thể đeo nó lâu hơn máy Holter, thường là 30 ngày. Một số thiết bị tự động ghi lại khi phát hiện thấy nhịp bất thường.

3. Một số lưu ý khi thực hiện điện tâm đồ ECG


Hãy cho bác sĩ biết nếu bạn đang dùng thuốc vì có thể nó sẽ ảnh hưởng đến kết quả kiểm tra của bạn
Hãy cho bác sĩ biết nếu bạn đang dùng thuốc vì có thể nó sẽ ảnh hưởng đến kết quả kiểm tra của bạn

Điện tâm đồ có thể được thực hiện tại phòng khám hoặc bệnh viện và thường được thực hiện bởi điều dưỡng hoặc kỹ thuật viên.

3.1 Trước khi thực hiện

  • Hãy cho bác sĩ biết về bất kỳ loại thuốc và chất bổ sung nào mà bạn đang dùng do một số loại thuốc có thể ảnh hưởng đến kết quả kiểm tra của bạn.
  • Bạn có thể được yêu cầu thay quần áo của bạn bằng áo choàng bệnh viện. Nếu bạn có nhiều lông ở thành ngực tại vị trí đặt các điện cực, điều dưỡng có thể hướng dẫn bạn cạo lông ở những vị trí đó để các miếng dán điện cực dính vào da tốt hơn.
  • Khi đã sẵn sàng, bạn sẽ được yêu cầu nằm trên bàn khám hoặc giường.

3.2 Trong quá trình thực hiện

  • Trong ECG, tối đa 12 cảm biến (điện cực) sẽ được gắn vào da thành ngực và tay chân của bạn. Các điện cực có dây kết nối tới máy đo điện tim. Chúng ghi lại các tín hiệu điện trong tim, đây là các tín hiệu điện làm cho trái tim của bạn đập. Máy đo điện tim sẽ ghi lại thông tin và hiển thị dưới dạng sóng trên màn hình hoặc in ra trên giấy.
  • Bạn có thể thở bình thường trong quá trình kiểm tra, nhưng bạn sẽ cần nằm yên. Di chuyển, nói chuyện hoặc run rẩy có thể làm sai lệch kết quả kiểm tra. Thời gian đo cho một ECG tiêu chuẩn có thể mất vài phút.

Điện tâm đồ ECG
Điện tâm đồ ECG

3.3 Sau khi đo xong

Bạn có thể tiếp tục các hoạt động bình thường sau khi đo điện tâm đồ.

3.4 Lưu ý khi đọc điện tâm đồ ECG

Bác sĩ có thể thảo luận về kết quả với bạn cùng ngày sau khi thực hiện đo điện tâm đồ hoặc tại cuộc hẹn tiếp theo.

Nếu điện tâm đồ bình thường, bạn có thể không cần bất kỳ xét nghiệm hay kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh nào khác. Nếu kết quả cho thấy sự bất thường, bạn có thể cần thêm một lần ECG khác hoặc các xét nghiệm hay kỹ thuật chẩn đoán khác, chẳng hạn như siêu âm tim.

Bác sĩ sẽ xem xét thông tin được ghi lại bởi máy ECG và tìm kiếm bất kỳ vấn đề nào với trái tim của bạn, bao gồm:

  • Tần số tim: Thông thường, nhịp tim có thể được đo bằng cách kiểm tra mạch của bạn. ECG có thể hữu ích nếu mạch của bạn khó bắt hoặc quá nhanh hoặc quá bất thường làm cho nhân viên Y tế khó có thể đếm chính xác. Điện tâm đồ có thể giúp bác sĩ xác định nhịp tim nhanh bất thường hoặc nhịp tim chậm bất thường.
  • Nhịp tim: Điện tâm đồ có thể cho thấy nhịp tim không đều (rối loạn nhịp tim). Những bệnh lý này có thể xảy ra khi bất kỳ phần nào của hệ thống điện của tim khi bị trục trặc. Trong các trường hợp khác, các loại thuốc, chẳng hạn như thuốc chẹn beta, cocaine, amphetamine và thuốc chống dị ứng và cảm lạnh không kê đơn, có thể kích hoạt chứng loạn nhịp tim này.
  • Cơn đau tim (nhồi máu cơ tim cấp): ECG có thể cho thấy bằng chứng của một cơn đau tim trước đó hoặc cơn đau tim đang tiến triển. Các hình thái trên ECG có thể chỉ ra phần nào của trái tim bạn đã bị tổn thương, cũng như độ lớn của tổn thương.
  • Cung cấp máu và oxy không đủ cho tim: Điện tâm đồ được thực hiện khi bạn có các triệu chứng có thể giúp bác sĩ xác định liệu đau ngực có phải do giảm lưu lượng máu đến cơ tim hay không, chẳng hạn như đau ngực trong đau thắt ngực không ổn định (unstable angina).
  • Thay đổi cấu trúc tim: ECG có thể cho thấy dấu hiệu của tim to, khiếm khuyết tim và các vấn đề về tim khác.

Nếu tìm thấy bất kỳ vấn đề nào trên ECG của bạn, bác sĩ có thể yêu cầu thêm các xét nghiệm và kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh bổ sung khác để xem liệu có cần điều trị không, từ đó đưa ra phác đồ điều trị phù hợp.

Điện tâm đồ là kỹ thuật chẩn đoán an toàn với người bệnh. Người bệnh không có nguy cơ bị điện giật trong quá trình thực hiện vì các điện cực được sử dụng không tạo ra điện. Các điện cực chỉ ghi lại hoạt động điện của tim.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe