Chụp mạch vành qua da là cách tốt nhất để chẩn đoán tình trạng động mạch vành. Đây là một trong những căn bệnh có tỷ lệ tử vong cao nhất trong số các bệnh về tim mạch. Nếu không phát hiện bệnh sớm và kịp thời điều trị có thể dẫn đến các tình trạng nguy hiểm như nhồi máu cơ tim cấp, suy tim hay một số biến chứng tim mạch khác,...
Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ Nguyễn Văn Dương - Bác sĩ Tim mạch can thiệp - Trung tâm Tim mạch - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.
1. Chụp mạch vành qua da là gì?
Trước hết, bệnh mạch vành là tình trạng thoái hóa thành mạch hoặc sự tích tụ dần các mảng bám chứa lipid gây nghẽn sự lưu thông máu. Đối với các bệnh nhân bị tiểu đường, cao huyết áp, máu nhiễm mỡ hay thường xuyên căng thẳng và hút thuốc lá quá nhiều sẽ dễ bị bệnh mạch vành hơn. Căn bệnh này cũng là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở người.
Hiện nay, với công nghệ hiện đại, các nguy cơ về bệnh mạch vành hoàn toàn có thể phát hiện được. Có rất nhiều phương pháp giúp các bác sĩ nhanh chóng chẩn đoán được bệnh mạch vành, tuy nhiên chụp động mạch vành xâm lấn vẫn là phương pháp vàng cho kết quả chính xác nhất.
Chụp mạch vành qua da là phương pháp chụp cản quang dưới màn hình tăng sáng, giúp các bác sĩ chuyên khoa nắm được giải phẫu của động mạch vành, để xem động mạch vành có bị hẹp hay không và mức độ hẹp có nghiêm trọng không.
Cách tiếp cận này được coi là tiêu chuẩn vàng trong việc xác định tình trạng tắc nghẽn mạch vành và đem lại kết quả chẩn đoán chính xác nhất. Kỹ thuật này có ưu điểm là có thể thực hiện điều trị luôn bằng cách đặt ống thông nong bóng hoặc can thiệp mạch vành qua da ngay trong khi thực hiện chụp mạch vành. Tuy nhiên, kỹ thuật này cũng có tỉ lệ có thể gây ra một số rủi ro và biến chứng, chẳng hạn như hiện tượng bóc tách mạch vành, bởi vậy bác sĩ phải thận trọng luồn ống thông qua động mạch đùi hoặc động mạch quay vào mạch vành. Vì vậy chụp động mạch vành qua da cần được thực hiện bởi các bác sĩ có tay nghề và được đào tạo bài bản.
2. Trường hợp được chỉ định chụp mạch vành qua da
Trắc nghiệm: Bạn có hiểu đúng về huyết áp cao không?
Huyết áp cao còn được gọi là kẻ giết người thầm lặng vì bệnh thường không có triệu chứng. Thiếu hụt kiến thức về huyết áp cao có thể làm cho tình trạng bệnh trở nên trầm trọng hơn. Dưới đây là những câu hỏi trắc nghiệm vui giúp bạn hiểu đúng về bệnh cao huyết áp.Những bệnh nhân trường hợp sau đây sẽ được chỉ định chụp động mạch vành:
- Bệnh động mạch vành: Giúp xác định vị trí, mức độ tổn thương của các động mạch vành và đánh giá tình trạng hẹp hoặc tắc nghẽn ở trong lòng mạch. Chụp động mạch vành cũng có thể được dùng kết hợp với các phương pháp điều trị bệnh mạch vành, như nong mạch vành và đặt stent, hay phẫu thuật bắc cầu động mạch vành.
- Nhồi máu cơ tim cấp: Bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim cấp hoặc đã ổn định sau nhồi máu cơ tim, mà xuất hiện đau ngực lại thì chụp mạch vành là chỉ định bắt buộc.
- Đau thắt ngực: Được áp dụng trong trường hợp đáp ứng kém với điều trị nội khoa.
- Một số bệnh lý tim mạch khác như rối loạn nhịp thất, rối loạn chức năng thất trái, bệnh van tim,... cũng có thể được chỉ định chụp động mạch vành.
3. Những lý do nên chụp mạch vành qua da
Chụp động mạch vành là một quá trình chẩn đoán được thực hiện để kiểm tra tình trạng của các động mạch cung cấp máu đến tim. Quá trình này thường được tiến hành khi có các dấu hiệu và triệu chứng gợi ra sự nghi ngờ về vấn đề tim mạch, bao gồm:
- Đau ngực (đau thắt ngực): Nếu người bệnh trải qua đau thắt ngực, quá trình chụp mạch vành có thể giúp xác định nguyên nhân của triệu chứng này.
- Triệu chứng giống với cơn đau tim: Nếu người bệnh trải qua các triệu chứng giống với cơn đau tim, chẳng hạn như khó chịu ở ngực, khó thở, đau thượng vị, vã mồ hôi, nôn ói, quá trình chụp có thể làm rõ liệu cơn đau có phải là do vấn đề tim mạch hay không.
- Kết quả không bình thường của điện tâm đồ (ECG): Nếu kết quả của ECG không ổn định và nghi ngờ thiếu máu cơ tim, chụp động mạch vành có thể được thực hiện để đánh giá tình trạng tim mạch.
- Kết quả không bình thường của siêu âm tim: Siêu âm tim không bình thường có thể là dấu hiệu của thiếu máu cơ tim, và chụp mạch vành giúp xác định nguyên nhân.
- Kết quả xét nghiệm máu (men tim) không bình thường: Nếu kết quả xét nghiệm máu cho thấy bất thường và nghi ngờ về nhồi máu cơ tim, chụp động mạch vành có thể cần thiết để xác định tình trạng sức khỏe của tim.
Ngoài ra, quá trình chụp động mạch vành cũng có thể được sử dụng trong các trường hợp điều trị cụ thể như nong mạch vành, phẫu thuật bắc cầu động mạch vành, phẫu thuật van tim hoặc phẫu thuật ngoài tim để điều chỉnh lưu lượng máu đến tim hoặc xem xét nguy cơ và tình trạng của bệnh nhân trong quá trình điều trị.
4. Các đối tượng không nên chụp mạch vành qua da
Do quá trình chụp động mạch vành, người bệnh sẽ tiếp xúc với tia X-quang. Do đó, những bệnh nhân sau không nên chụp động mạch vành:
- Phụ nữ có thai.
- Suy thận nặng.
- Dị ứng thuốc cản quang.
- Nhiễm trùng đang tiến triển.
- Có rối loạn sinh hoá, điện giải, thiếu máu,...chưa kiểm soát
- Suy tim mất bù.
- Phình động mạch chủ ngực - bụng.
- Huyết áp cao, không kiểm soát được
5. Phân loại các kỹ thuật chụp mạch vành qua da (CT, DSA, Chụp mạch vành tiêu chuẩn (Coronary Angiogram))
5.1 Chụp mạch cắt lớp vi tính (CT)
Phương pháp chụp mạch vành qua da bằng Multislice Computer Tomography (viết tắt là MSCT) là một phương pháp ít xâm lấn hơn so với chụp mạch vành tiêu chuẩn. Kỹ thuật này sử dụng máy cắt lớp vi tính tiên tiến để kiểm tra các động mạch cung cấp máu cho tim, từ đó, các tình trạng bệnh động mạch vành (CAD) có thể được chẩn đoán. Nhờ khả năng hiển thị hình ảnh chi tiết của tim và mạch máu, chụp MSCT mạch vành có thể xác định rõ các mạch máu bị thu hẹp hoặc tắc nghẽn.
Sự khác biệt giữa chụp động mạch vành tiêu chuẩn và chụp MSCT mạch vành nằm ở cách thức thực hiện. Đối với chụp mạch tiêu chuẩn, bác sĩ cần sử dụng ống thông luồng để tiếp cận động mạch và thực hiện chụp chọn lọc; trong khi đó, chụp MSCT mạch vành không đòi hỏi việc sử dụng ống thông.
Một lợi ích đáng kể của chụp MSCT mạch vành so với phương pháp tiêu chuẩn là tính không xâm lấn. Tuy nhiên, đối với các kết quả chụp MSCT mạch vành có biểu hiện không bình thường - ví dụ, một hoặc một số mạch máu bị tắc nghẽn hoặc thu hẹp, bác sĩ có thể quyết định yêu cầu chụp mạch vành tiêu chuẩn để tiến hành đánh giá chi tiết hơn.
Việc này thường cần thiết để đảm bảo việc khảo sát mức độ tắc nghẽn một cách chính xác, thực hiện can thiệp nong đặt stent tại vị trí bị tắc nghẽn hoặc xem xét kế hoạch phẫu thuật để điều trị tình trạng này. Do đó, trong một số tình huống, chụp mạch vành tiêu chuẩn có thể được ưa chuộng hơn so với chụp MSCT mạch vành, để bác sĩ có thể tiến hành can thiệp nong mạch ngay lập tức.
5.2 Kỹ thuật chụp mạch máu số hóa xóa nền (DSA)
Chụp mạch vành tiêu chuẩn dùng tia X để tạo ra hình ảnh về các mạch máu của tim, nhằm kiểm tra tình trạng dòng máu tới tim có bị tắc nghẽn hay không. Ngoài ra, phương pháp này cũng có thể được sử dụng để chẩn đoán và điều trị các vấn đề liên quan đến tim và mạch máu.
Quá trình chụp mạch vành tiêu chuẩn bắt đầu bằng cách đưa một ống thông nhỏ vào động mạch gần cổ tay hoặc bẹn sau đó đưa đến động mạch vành một cách cụ thể để tiêm thuốc cản quang vào mạch vành, nhằm tạo sự nổi bật cho các mạch máu cung cấp máu cho tim.
Khi thuốc cản quang được tiêm vào động mạch vành, máy X-quang sẽ chiếu và ghi lại hình ảnh của vùng tim trong ngực ở nhiều góc độ khác nhau. Điều này giúp chẩn đoán và phát hiện các vấn đề bất thường liên quan đến mạch máu cung cấp máu cho tim, ví dụ như xơ vữa động mạch vành gây hẹp hoặc tắc nghẽn.
5.3 Chụp mạch vành tiêu chuẩn (Coronary Angiogram)
Chụp mạch vành tiêu chuẩn dùng tia X để tạo ra hình ảnh về các mạch máu của tim, nhằm kiểm tra tình trạng dòng máu tới tim có bị tắc nghẽn hay không. Ngoài ra, phương pháp này cũng có thể được sử dụng để chẩn đoán và điều trị các vấn đề liên quan đến tim và mạch máu.
Quá trình chụp mạch vành tiêu chuẩn bắt đầu bằng cách đưa một ống thông nhỏ vào động mạch gần cổ tay hoặc bẹn sau đó đưa đến động mạch vành một cách cụ thể để tiêm thuốc cản quang vào mạch vành, nhằm tạo sự nổi bật cho các mạch máu cung cấp máu cho tim.
Việc đưa ống thông vào thường được thực hiện thông qua việc châm ngôn dưới tình trạng tê tại chỗ. Khi thuốc cản quang được tiêm vào động mạch vành, máy X-quang sẽ chiếu và ghi lại hình ảnh của vùng tim trong ngực ở nhiều góc độ khác nhau. Điều này giúp chẩn đoán và phát hiện các vấn đề bất thường liên quan đến mạch máu cung cấp máu cho tim, ví dụ như xơ vữa động mạch vành gây hẹp hoặc tắc nghẽn.
6. Chụp mạch vành qua da có nguy hiểm không?
Tương tự như các thủ thuật y tế khác, chụp mạch vành qua da cũng đi kèm với các yếu tố rủi ro. Người bệnh cần thực hiện một cuộc trao đổi kỹ lưỡng với bác sĩ về tình trạng sức khỏe của mình để có thông tin cụ thể về mức độ rủi ro (biến chứng) khi quyết định tiến hành chụp mạch vành.
Các biến chứng nhỏ có thể gặp:
- Chảy máu dưới da tại vết thương: Tình trạng này thường sẽ cải thiện sau vài giờ.
- Vết bầm tím: Thường có một vết bầm tím từ ống thông trong vài ngày.
- Dị ứng với thuốc cản quang: Gây ra các triệu chứng như phát ban. Người bệnh nên thảo luận với bác sĩ tim mạch về bất kỳ trường hợp dị ứng nào trước khi tiến hành thủ thuật.
Các biến chứng nghiêm trọng hiếm gặp bao gồm:
- Tổn thương động mạch ở cánh tay hoặc bẹn do ống thông có thể làm giảm cung cấp máu đến các chi.
- Nhồi máu cơ tim.
- Đột quỵ.
- Suy thận do thuốc cản quang gây ra.
- Tổn thương da,mô do tia X nếu thủ thuật kéo dài.
- Chảy máu nghiêm trọng.
- Tử vong.
Các biến chứng có thể phát triển ở người bệnh do:
- Tuổi tác: Tuổi càng lớn, nguy cơ càng cao
- Điều trị khẩn cấp: Luôn có rủi ro cao hơn vì có ít thời gian để lập kế hoạch điều trị.
- Bệnh nhân có bệnh thận: Thận có thể bị tổn thương do sử dụng thuốc cản quang trong quá trình chụp, nong mạch vành.
- Có một hoặc nhiều động mạch vành bị tắc nghẽn.
- Có bệnh tim nghiêm trọng trước đó.
7. Lưu ý trước khi chụp mạch vành qua da
Trước khi chụp mạch vành qua da, bệnh nhân cần nhập viện trước một ngày để tiến hành các xét nghiệm như xét nghiệm máu, siêu âm tim, X-quang phổi,... để đảm bảo rằng thủ thuật này có thể thực hiện.
Ngoài ra, để giúp việc chụp mạch vành qua da đạt được kết quả, trước khi chụp, bệnh nhân cần nhịn ăn ít nhất 4 giờ trước.
Chụp mạch vành qua da là phương pháp chính xác nhất để có thể xác định được bệnh nhân có bị bệnh mạch vành hay không? Qua bài viết này hy vọng các bạn có thể biết rõ hơn về phương pháp chụp động mạch vành. Vinmec chúc bạn có một sức khỏe thật tốt.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.