Hiểu về rủi ro phóng xạ từ các xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh

Bài viết được tham vấn chuyên môn bởi Tiến sĩ, Bác sĩ Trần Như Tú - Trưởng Khoa Chẩn đoán hình ảnh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Mặc dù phóng xạ chỉ gây tổn thương mô và làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư khi tiếp xúc với liều lượng lớn, song rủi ro phóng xạ từ các thăm khám chẩn đoán hình ảnh như chụp X quang hoặc chụp CT scanner vẫn nên được quan tâm đề phòng.

1. Rủi ro phóng xạ trong cuộc sống hàng ngày

Trước tiên, cần hiểu đúng bản chất của phóng xạ chính là bức xạ nhân tạo, do đó hai thuật ngữ này được xem như cùng định nghĩa về một loại chất có tính tương đồng. Dù là người bình thường khỏe mạnh thì hàng ngày vẫn liên tục tiếp xúc với bức xạ từ một số nguồn, bao gồm các chất phóng xạ trong môi trường, khí radon trong nhà và các tia bức xạ từ ngoài vũ trụ. Đây được gọi là bức xạ nền và có mức độ khác nhau tùy theo vị trí địa lý. Trong đó, 1 microsievert (mSv) là đơn vị đo phơi nhiễm phóng xạ.

Theo một nghiên cứu tại Hoa Kỳ, trung bình mỗi năm người Mỹ tiếp xúc với khoảng 3 mSv bức xạ từ các nguồn tự nhiên. Tuy nhiên mức độ phơi nhiễm bức xạ nền là khác nhau ở các bang trên toàn quốc cũng như trên thế giới.

Radon, tên gọi của một loại khí tự nhiên được tìm thấy trong nhà, chính là nguồn bức xạ nền lớn nhất, cơ thể người nhận khoảng 2 mSv mỗi năm. Nồng độ radon không giống nhau ở các địa điểm trong cùng một đất nước.

Do bầu khí quyển của trái đất có thể chặn một số tia vũ trụ, vị trí địa lý cũng đóng một vai trò đáng kể trong bản đồ bức xạ nền. Điều này đồng nghĩa với việc người dân sinh sống ở nơi cao hơn tăng khả năng tiếp xúc với bức xạ. Mức độ tiếp xúc với bức xạ của dân cư tại các bang nằm trên cao như New Mexico và Colorado (Hoa Kỳ) nhiều hơn khoảng 1,5 mSv/năm so với những người sống gần mực nước biển là một trường hợp ví dụ. Một chuyến bay trong vòng 10 giờ cũng làm hành khách tăng hàm lượng tiếp xúc với tia vũ trụ lên khoảng 0,03 mSv.


Tìm hiểu và trao đổi với bác sĩ trước khi thực hiện phóng xạ
Tìm hiểu và trao đổi với bác sĩ trước khi thực hiện phóng xạ

2. Nguồn phóng xạ từ các thăm khám chẩn đoán hình ảnh

Lượng phóng xạ nhận được từ các thăm khám chẩn đoán hình ảnh còn phụ thuộc vào hình thức thăm khám, cũng như bộ phận nào trên cơ thể con người cần được chẩn đoán. Cụ thể:

  • Chụp X quang ngực bệnh nhân nhận khoảng 0,1 mSv, bằng với một lượng phóng xạ mà con người tiếp xúc từ môi trường tự nhiên trong 10 ngày.
  • Chụp X quang tuyến vú người được chụp nhận 0,4 mSv, tương đương mức độ ảnh hưởng từ lượng bức xạ nền tự nhiên trong vòng 7 tuần lễ.

Một số xét nghiệm hình ảnh khác có mức phóng xạ cao hơn bao gồm:

  • Chụp X quang đại tràng có baryte: bệnh nhân nhận 8 mSv phóng xạ , bằng một khoảng con người phơi nhiễm tự nhiên dự kiến trong 3 năm.
  • Chụp CT scanner (chụp cắt lớp vi tính) bụng và xương chậu: người được chụp nhận khoảng 10 mSv.
  • Chụp PET/CT: bệnh nhân nhận khoảng 25 mSv phóng xạ, tương đương với khoảng 8 năm tiếp xúc với bức xạ nền trung bình.

Tuy nhiên, trên đây chỉ là những con số ước tính chung cho một người trưởng thành với kích thước cơ thể trung bình. Các nghiên cứu đã phát hiện ra rằng lượng phóng xạ thực tế mỗi người nhận được có thể thay đổi so với mức minh họa trên.


Chụp X quang ngực giúp chẩn đoán ung thư phổi và các bệnh quan trọng khác với lượng phóng xạ rất thấp.
Chụp X quang ngực giúp chẩn đoán ung thư phổi và các bệnh quan trọng khác với lượng phóng xạ rất thấp.

3. Cần làm gì khi được yêu cầu tiến hành các thăm khám chẩn đoán hình ảnh?

Nếu bạn lo lắng về lượng phóng xạ từ các máy chụp CT scanner, PET/CT, hoặc bất kỳ thăm khám chẩn đoán hình ảnh nào khác có sử dụng phóng xạ, hãy trình bày rõ với bác sĩ tại bệnh viện về mối quan tâm của mình. Cần đảm bảo liệu việc thăm khám có thực sự cần thiết và là cách tốt nhất phải sử dụng trong trường hợp của bạn không. Ngoài ra, cũng nên hỏi bác sĩ về tác dụng của kết quả kiểm tra sau đó sẽ đem lại lợi ích như thế nào.

Nhiều chuyên gia y tế khuyến cáo bạn chỉ nên thực hiện các xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh khi cần thiết, cố gắng hạn chế tiếp xúc với tất cả các dạng phóng xạ ít nhất có thể. Bạn phải báo ngay cho nhân viên y tế nếu bạn đang mang thai. Trong trường hợp bắt buộc phải chụp hình có tiếp xúc với một số bức xạ, nên yêu cầu nhân viên y tế che chắn cho bạn những bộ phận khác trên cơ thể không cần xét nghiệm. Tạp dề chì có thể được sử dụng để bảo vệ các bộ phận của bạn như ngực hoặc bụng tránh khỏi tia phóng xạ, cổ áo chì là lá chắn bảo hộ cho tuyến giáp.

Nên lưu lại kết quả chụp hình để theo dõi lịch sử kiểm tra và cung cấp cho các bác sĩ khác trong tương lai nếu có. Điều này sẽ giúp bạn không phải làm lại các xét nghiệm tương tự. Lưu ý là bạn có thể yên tâm khi chụp cộng hưởng từ MRI và siêu âm vì bạn không tiếp xúc với bức xạ.


Chụp cộng hưởng từ MRI người bệnh sẽ không tiếp xúc được với bức xạ
Chụp cộng hưởng từ MRI người bệnh sẽ không tiếp xúc được với bức xạ

4. Trẻ em và phóng xạ từ thăm khám chẩn đoán hình ảnh

Những người làm chuyên môn đều biết rằng trẻ em là đối tượng nhạy cảm với bức xạ hơn so với người lớn và cần được bảo vệ tránh khỏi phóng xạ đến mức tối đa. Chính vì vậy, các bác sĩ thường chú trọng công tác giảm phơi nhiễm bức xạ cho bệnh nhi nếu phải bắt buộc thăm khám chẩn đoán hình ảnh có dùng bức xạ. Tuy nhiên, phụ huynh nên đặt ra một số câu hỏi sau đây trước khi tiến hành xét nghiệm để được nhân viên y tế giải thích rõ ràng:

  • Vì sao trẻ cần thăm khám chẩn đoán hình ảnh?
  • Loại xét nghiệm hình ảnh nào thích hợp với trẻ?
  • Hình thức kiểm tra đó có sử dụng bức xạ hay không?
  • Có những cách nào khác để lựa chọn mà không cần sử dụng bức xạ?
  • Có thể điều chỉnh lượng phóng xạ sử dụng nhằm an toàn hơn cho trẻ nhỏ không?

Nếu lợi ích của việc thăm khám lớn hơn các rủi ro phơi nhiễm phóng xạ thì phụ huynh nên yên tâm cho trẻ tiến hành kiểm tra. Cha mẹ cũng chú ý lưu giữ kết quả chẩn đoán hình ảnh của trẻ để theo dõi và cung cấp cho các bác sĩ trong những lần thăm khám khác sau này.


Phụ huynh nên làm rõ các thông tin với bác sĩ trước khi để trẻ xét nghiệm có dùng phóng xạ
Phụ huynh nên làm rõ các thông tin với bác sĩ trước khi để trẻ xét nghiệm có dùng phóng xạ

5. Nguy cơ ung thư từ phơi nhiễm phóng xạ

Phóng xạ ảnh hưởng đến con người như thế nào phụ thuộc vào các yếu tố sau đây:

  • Loại thăm khám được thực hiện
  • Phần diện tích cơ thể bị phơi nhiễm
  • Chiều cao và cân nặng của người bệnh
  • Tuổi tác và giới tính
  • Một số yếu tố khác.

Theo các chuyên gia y tế, nguy cơ gia tăng ung thư bởi bức xạ từ các thăm khám chẩn đoán hình ảnh là rất nhỏ. Mặt khác, rất khó để xác định mức độ phơi nhiễm phóng xạ từ các thăm khám này có liên quan đến việc tăng nguy cơ ung thư của một người. Hầu hết các nghiên cứu về nguy cơ phóng xạ và ung thư chỉ xem xét trên những người tiếp xúc với liều phóng xạ rất cao, chẳng hạn như công nhân khai thác uranium và người bị ảnh hưởng bởi bom nguyên tử. Nếu tiếp xúc với phóng xạ ở mức độ thấp thì rất khó để nghiên cứu tính toán và đưa ra kết luận.

Một người bình thường khỏe mạnh vẫn đang bị phơi nhiễm phóng xạ từ tất cả các nguồn trong tự nhiên với mức độ ngày càng tăng lên đến cuối cuộc đời. Hơn nữa vì bức xạ có thể làm tăng nguy cơ ung thư nên các thăm khám chẩn đoán hình ảnh sử dụng bức xạ chỉ thực hiện khi thực sự cần thiết với lý do chính đáng. Nếu có thể, nên lựa chọn các thăm khám hình ảnh không dùng bức xạ như siêu âm hoặc MRI. Tuy nhiên, khi chụp X quang, chụp CT scanner hoặc PET/CT là cách tốt nhất để tìm ra căn bệnh thì rủi ro ảnh hưởng từ phóng xạ là không đáng kể so với lợi ích của kết quả thăm khám mang lại.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: Cancer.org

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe