Sa sút trí tuệ (Dementia) còn được gọi là chứng mất trí nhớ, đây là tình trạng mà người bệnh đồng thời bị suy giảm trí nhớ, suy nghĩ cũng như khả năng xã hội. Bệnh không chỉ gây ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe mà còn tác động không nhỏ tới cuộc sống của bệnh nhân.
Thực chất, sa sút trí tuệ hay còn gọi là chứng mất trí không phải là một bệnh cụ thể mà đây là tập hợp một nhóm các triệu chứng suy giảm trí nhớ, suy nghĩ và khả năng xã hội, gây ra những tác động tới chất lượng cuộc sống cũng như các hoạt động sinh hoạt hàng ngày của người bệnh.
Sa sút trí tuệ tuy có bao gồm cả mất trí nhớ song mất trí nhớ đơn độc lại có thể do nhiều nguyên nhân khác gây ra. Do đó, chứng sa sút trí tuệ không đồng nghĩa với mất trí nhớ. Chẳng hạn như nguyên nhân thường gặp nhất gây ra chứng sa sút trí tuệ tiến triển ở người lớn tuổi là bệnh Alzheimer và nhiều nguyên nhân khác.
Tùy vào từng nguyên nhân cụ thể, một số trường hợp mắc chứng mất trí nhớ vẫn có thể được chữa khỏi.
Dưới đây là một số điều làm tăng khả năng mắc chứng sa sút trí tuệ.
1. Tuổi tác làm tăng khả năng sa sút trí tuệ
Bệnh Alzheimer là nguyên nhân phổ biến nhất gây ra chứng sa sút trí tuệ ở người già. Hiện nay, khoảng 1⁄3 số người từ 85 tuổi trở lên có dấu hiệu của bệnh. Gen di truyền cũng là yếu tố gây nên căn bệnh này khi bạn già đi, ngoài ra, còn một số yếu tố khác như chế độ ăn uống, luyện tập thể dục, cuộc sống xã hội và các căn bệnh khác.
2. Bệnh tim
Những người mắc bệnh tim có thể có nguy cơ cao bị đau tim hoặc đột quỵ, điều này cũng làm cho chứng sa sút trí tuệ dễ xảy ra hơn.
Bệnh tim thường là do tích tụ mảng bám trong các động mạch xung quanh tim (xơ vữa động mạch), gây ra tình trạng chậm lưu lượng máu lên não và khiến bạn có nguy cơ bị đột quỵ, khó suy nghĩ hay ghi nhớ mọi thứ.
Có rất nhiều yếu tố là nguyên nhân khiến bạn mắc bệnh tim, bao gồm sử dụng thuốc lá, tiểu đường, huyết áp cao và cholesterol cao - cũng có thể dẫn đến chứng sa sút trí tuệ.
3. Bệnh tiểu đường làm tăng khả năng sa sút trí tuệ
Hiện nay, các nhà nghiên cứu vẫn chưa xác định được chính xác lý do tại sao những người mắc bệnh tiểu đường bị sa sút trí tuệ thường xuyên hơn. Tuy nhiên, theo nhiều kết quả đã được nghiên cứu, những người mắc bệnh tiểu đường có nhiều khả năng bị tổn thương các mạch máu. Điều này có thể làm chậm hoặc ngăn chặn lưu lượng máu đến não và làm tổn thương các vùng não, dẫn đến chứng mất trí nhớ mạch máu. Một số người có thể làm chậm quá trình suy giảm não nếu họ kiểm soát tốt bệnh tiểu đường bằng thuốc, tập thể dục và chế độ ăn uống lành mạnh.
4. Cholesterol cao
Nồng độ cholesterol cao, đặc biệt là ở tuổi trung niên có liên quan đến béo phì, huyết áp cao và tiểu đường. Tất cả những yếu tố này đều có thể làm tăng nguy cơ mất trí nhớ, tuy nhiên các chuyên gia vẫn chưa xác định được rõ liệu bản thân cholesterol có thể gây ra thêm vấn đề gì hay không. Một số nghiên cứu cho thấy nồng độ cholesterol cao ở tuổi trung niên có thể là nguy cơ mắc bệnh Alzheimer sau này trong cuộc sống, nhưng mối liên hệ này vẫn chưa được xác định rõ.
5. Huyết áp cao
Ngay cả khi bạn không có vấn đề sức khỏe nào khác, huyết áp cao cũng sẽ khiến bạn dễ bị sa sút trí tuệ và bệnh Alzheimer. Đó có thể là do huyết áp cao khiến cho các mạch máu trong não bị tổn thương. Điều này cũng có thể dẫn đến các tình trạng khác gây ra chứng mất sa sút trí tuệ như đột quỵ. Kiểm soát huyết áp bằng việc áp dụng chế độ ăn uống hợp lý, luyện tập thể dục và sử dụng thuốc nếu cần nhằm mục đích làm chậm hoặc ngăn chặn tình trạng này xảy ra.
6. Phiền muộn
Nếu bạn thường xuyên cảm thấy phiền muộn, bạn có nhiều khả năng bị sa sút trí tuệ. Các nhà khoa học vẫn chưa xác định được chắc chắn rằng đó là một nguyên nhân. Bởi nó có thể đơn giản là một triệu chứng ban đầu hoặc dấu hiệu của các nguyên nhân khác như bệnh Parkinson và Huntington. Tham khảo ý kiến với bác sĩ hoặc chuyên gia trị liệu nếu bạn luôn cảm thấy chán nản trong hơn 2 tuần và phải liên hệ ngay lập tức nếu bạn nghĩ đến việc làm hại hay tổn thương bản thân. Các liệu pháp và thuốc có thể giúp điều trị trầm cảm.
7. Chấn thương đầu
Chấn thương sọ não nhẹ có thể không khiến bạn dễ bị sa sút trí tuệ về sau. Tuy nhiên, những cú đánh hoặc ngã nghiêm trọng hơn hoặc lặp đi lặp lại nhiều lần, có thể tăng gấp đôi hoặc gấp bốn lần nguy cơ mắc bệnh, thậm chí nhiều năm sau lần đầu tiên. Hãy đến bệnh viện nếu bạn bị đập đầu và bất tỉnh hoặc mờ mắt, hay cảm thấy chóng mặt, lú lẫn, buồn nôn hoặc trở nên quá nhạy cảm với ánh sáng.
8. Béo phì
Tăng cân nhiều ở tuổi trung niên có thể khiến bạn gặp nguy hiểm. Béo phì cũng làm tăng tỷ lệ mắc bệnh tim và tiểu đường, có liên quan đến chứng sa sút trí tuệ. Bạn có thể kiểm tra chỉ số BMI (chỉ số khối cơ thể) trực tuyến để xem liệu các chỉ số của bạn có nằm trong phạm vi “béo phì” hay không. Bác sĩ có thể giúp bạn đặt mục tiêu giảm cân phù hợp. Một chế độ ăn uống lành mạnh và tập thể dục thường xuyên có thể giúp bạn xoay chuyển tình thế.
9. Gen
Gen cũng là một trong những nguyên nhân gây nên chứng sa sút trí tuệ. Tuy nhiên, chứng sa sút trí tuệ không phải lúc nào cũng xảy ra trong gia đình. Và ngay cả khi mắc phải những gen rủi ro không có nghĩa là bạn sẽ mắc phải chứng bệnh này. Nếu bạn đang suy nghĩ về việc xét nghiệm gen cho bệnh Alzheimer, hãy hỏi bác sĩ về những ưu và khuyết điểm - và về tư vấn di truyền. Thường thì các bác sĩ không thường xuyên đề nghị thực hiện các xét nghiệm đó.
10. Đột quỵ
Bệnh nhân bị đột quỵ khiến các mạch máu bị tổn thương. Điều này làm cho bạn khó suy nghĩ, nói, ghi nhớ hoặc chú ý (sa sút trí tuệ do mạch máu). Những yếu tố khiến bạn có nguy cơ mắc đột quỵ cao hơn, chẳng hạn như huyết áp cao bệnh tim, hút thuốc...cũng làm tăng nguy cơ mắc chứng sa sút trí tuệ.
11. Mất ngủ
Nếu bạn thường xuyên bị mất ngủ hoặc ngủ không đủ giấc, bạn có thể dễ bị sa sút trí tuệ, bao gồm cả bệnh Alzheimer. Bạn nên thiết lập và tuân thủ thói quen ngủ hợp lý, đều đặn, tránh sử dụng rượu bia, cafein và sử dụng đồ điện tử vào buổi tối.
12. Hút thuốc
Thuốc lá gây tổn thương cho mạch máu và khiến bị có nguy cơ bị đột quỵ, đồng thời là nguyên nhân gây ra chứng sa sút trí tuệ do mạch máu. Điều này có thể dẫn đến các vấn đề về suy nghĩ hoặc ghi nhớ. Nói chuyện với bác sĩ hoặc chuyên gia sức khỏe tâm thần nếu bạn hút thuốc và muốn được hỗ trợ để bỏ thuốc.
13. Chứng mất trí nhớ với thể Lewy
Trong trường hợp này và các dạng mất trí nhớ khác, các protein được gọi là thể Lewy tích tụ và làm tổn thương các tế bào não. Chứng sa sút trí tuệ với thể Lewy có thể dẫn đến các vấn đề về trí nhớ và vận động. Người mắc chứng này có thể mơ hoặc nhìn thấy những thứ không có ở đó (ảo giác). Mặc dù không có cách chữa trị nhưng bác sĩ có thể giúp bạn điều trị các triệu chứng.
14. Nên áp dụng chế độ ăn kiêng
Chế độ ăn kiêng kiểu Địa Trung Hải truyền thống tốt cho tim cũng tốt cho não bộ của bạn. Chế độ ăn này bao gồm ngũ cốc nguyên hạt, trái cây, rau, cá, các loại hạt, dầu ô liu và các chất béo lành mạnh khác như bơ (ở mức độ vừa phải) và tiêu thụ thịt đỏ ở mức tối thiểu.
15. Luyện tập thể dục
Những người thường xuyên hoạt động thể chất thường có tinh thần nhạy bén hơn và ít có nguy cơ mắc bệnh Alzheimer và các loại sa sút trí tuệ khác. Nếu bạn đang ở giai đoạn đầu của những tình trạng này, hoạt động thể dục thường xuyên, tích cực có thể giúp bạn suy nghĩ rõ ràng hơn và ghi nhớ mọi thứ. Bạn không cần phải đi đến những suy nghĩ hay hành động cực đoan. Chỉ cần ra ngoài để đi bộ nhanh, khiêu vũ, làm vườn hoặc một số hoạt động tương tự. Nên luyện tập tối đa 30 phút trở lên vào hầu hết các ngày trong tuần.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: webmd.com