Có con hẳn là một bước ngoặt lớn trong cuộc đời của mỗi người, bạn sẽ không còn nhiều thời gian rảnh rỗi, thậm chí những bữa tiệc tùng trước kia đã quá xa vời để dành thời gian chăm sóc con cái. Thực tế đã có nhiều người ước rằng, giá như mình có thể tìm hiểu những kỹ năng làm cha mẹ thật tốt trước khi có con thì cuộc hành trình nuôi con sẽ bớt khó khăn hơn.
1. Nhận trợ giúp sau khi sinh
Khi đã trở thành cha mẹ, bạn cần xác định rõ thời gian sau sinh có thể rất bận rộn. Do đó, việc này có thể ảnh hưởng đến các công việc khác hằng ngày mà trước đó bạn vẫn thường làm, vì vậy, bạn cần sự trợ giúp từ rất nhiều phía như gia đình và nhân viên y tế. Khi ở trong bệnh viện, bạn hãy nói chuyện với các nhân viên y tế trực tiếp chăm sóc bạn về cách nuôi dưỡng hoặc tư vấn về cách cho con bú, đây là nguồn thông tin chính xác nhất có thể hướng dẫn bạn từ những việc nhỏ nhất như cho con bú hoặc cho con bú bình, cách bế trẻ, giúp trẻ ợ hơi sau bú, những dấu hiệu bất thường và cách chăm sóc em bé của bạn.
Sau khi về nhà, bạn có thể muốn thuê dịch vụ chăm sóc trẻ tại nhà của các cơ sở y tế hoặc thuê người giúp việc có kinh nghiệm chăm sóc trẻ sơ sinh để giúp bạn trong một thời gian ngắn sau khi sinh. Bên cạnh đó, nguồn lực từ người thân và bạn bè bạn cũng không nên bỏ qua.
2. Chăm sóc trẻ sơ sinh
Do trẻ sơ sinh có hệ miễn dịch yếu nên bạn cần dành nhiều thời gian chăm sóc trẻ từ những điều nhỏ nhặt nhất để phòng tránh bệnh tật. Dưới đây là một vài điều cơ bản bạn cần nhớ:
- Rửa tay (hoặc sử dụng chất khử trùng tay) trước khi chăm sóc bé: Trẻ sơ sinh chưa có hệ thống miễn dịch mạnh, vì vậy thời điểm này trẻ có nguy cơ bị nhiễm trùng. Do đó, bố mẹ hoặc bất kỳ ai chăm sóc bé cần đảm bảo rửa tay bàn tay sạch sẽ trước khi thực hiện chăm sóc.
- Đỡ đầu và cổ của bé: Do thời điểm này, cổ trẻ vô cùng yếu nên bố mẹ cần đỡ cả đầu vào cổ khi bế bé lên hoặc khi đặt bé nằm xuống.
- Không bao giờ rung lắc trẻ sơ sinh trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Lắc có thể gây chảy máu trong não và thậm chí tử vong. Không được lắc để đánh thức trẻ sơ sinh, mà thay vào đó, bố mẹ hãy gõ nhẹ vào chân bé hoặc thổi nhẹ vào má.
- Đảm bảo các thiết bị dùng hỗ trợ bế trẻ hoặc cho trẻ ngồi trên xe đẩy, ghế ngồi phải chắc chắn và không gây hại cho trẻ. Hạn chế bất kỳ hoạt động nào quá mạnh và quá nhanh.
- Hãy nhớ rằng trẻ sơ sinh của bạn chưa sẵn sàng để chơi có trò chơi hơi thô bạo, chẳng hạn như ngồi trên đầu gối của người lớn hoặc tung trẻ lên không trung.
3. Ôm ấp vỗ về trẻ
Tạo sợi dây liên kết giữa bố mẹ và trẻ có lẽ là một trong những phần thú vị nhất của chăm sóc trẻ sơ sinh, xảy ra khi lần đầu tiên bố mẹ gặp trẻ trong những giờ đầu tiên và những ngày sau khi sinh, khi cha mẹ có mối liên hệ sâu sắc với trẻ sơ sinh. Sự gần gũi khi bố mẹ ôm trẻ có thể thúc đẩy mối liên kết này bền chặt hơn.
Đối với trẻ sơ sinh, sự gắn bó góp phần vào sự phát triển cảm xúc của chúng, điều này cũng ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ trong các lĩnh vực khác, chẳng hạn như tăng trưởng về mặt thể chất. Một cách khác để nói về sự gắn kết đó là bố mẹ "yêu thương" trẻ nhiều hơn. Trẻ em sẽ phát triển nhanh dựa trên sự chăm sóc và tình yêu thương chúng vô điều kiện từ việc có cha mẹ hoặc người lớn khác trong cuộc đời.
Sự gắn kết được hình thành bắt đầu từ những hành động như bố mẹ bế ẵm bé và nhẹ nhàng vuốt ve bé theo những kiểu khác nhau. Cả bạn và đối tác của bạn cũng có thể thực hiện kỹ thuật "da kề da" bằng cách bế trẻ sơ sinh để da của bé chạm trực tiếp vào da của bạn trong khi cho ăn hoặc ẵm trẻ.
Trẻ sơ sinh, đặc biệt là trẻ sinh non là những đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh, do đó để phòng bệnh bố mẹ có thể thực hiện kỹ thuật massage trẻ sơ sinh. Một số loại massage có thể tăng cường mối liên kết mẫu tử và giúp trẻ sơ sinh tăng trưởng và phát triển khoẻ mạnh. Hiện nay, có rất nhiều tài liệu về mát xa cho trẻ dưới dạng sách, báo chí hoặc video hướng dẫn về mát xa cho trẻ sơ sinh, tuy nhiên, trước khi thực hiện bạn cần xin ý kiến của bác sĩ, do tùy từng trường hợp tình hình sức khoẻ của trẻ sơ sinh và lực mát xa cho trẻ không mạnh như người lớn, vì vậy nếu được thực hiện, bố mẹ hãy mát xa nhẹ nhàng cho bé.
Các bé thường thích những âm thanh như giọng nói của người khác, tiếng nhạc và được bố mẹ dỗ dành. Một số đồ chơi phát ra tiếng nhạc và thiết bị điện tử như điện thoại di động là những cách tốt khác để kích thích thính giác của trẻ. Nếu trẻ đang quấy khóc, bạn hãy thử hát, đọc thơ và đọc các câu ca dao tục ngữ hoặc đọc to khi bạn đang bồng bế hoặc trẻ nằm trên giường.
Một số em bé có thể nhạy cảm bất thường khi chạm, ánh sáng hoặc âm thanh, và có thể giật mình và dễ bị khóc, ngủ ít hơn hoặc quay mặt đi khi ai đó nói hoặc hát với trẻ. Nếu đó là trường hợp của em bé của bạn, hãy hạn chế tiếng ồn và mức độ ánh sáng từ thấp đến trung bình.
Quấn tã là một kỹ thuật cần thiết mà bố mẹ nào cũng cần nên học. Việc quấn tã đúng cách sẽ giúp hai tay bé ôm sát cơ thể đồng thời cho phép chân di chuyển nhẹ nhàng. Quấn tã không chỉ giữ ấm cho bé mà còn giúp trẻ sơ sinh cảm giác an toàn và thoải mái. Việc quấn tã cũng có thể giúp hạn chế phản xạ giật mình, có thể đánh thức em bé.
Dưới đây là cách quấn tã cho em bé:
- Bố mẹ trải phẳng tấm chăn mỏng định quấn cho trẻ và gấp một góc của tấm chăn lại.
- Đặt em bé nằm ngửa lên tấm chăn sao cho đầu của trẻ nằm phía trên góc gấp.
- Quấn góc trái của chăn đi qua cơ thể trẻ sang dưới cánh tay phải và nhét dưới lưng của trẻ.
- Quấn góc dưới của chăn lên phía trên và kéo về phía đầu, gấp vải xuống dưới phần vai phải của bé, để lộ phần cổ và đầu. Bố mẹ không nên quấn góc dưới của chăn ở bên hông và đầu gối do dễ bị bật ra và quấn quá chặt có thể làm tăng nguy cơ loạn sản xương hông. Sau đó, bố mẹ đưa góc bên phải của chăn quấn sang bên trái và đặt mép chăn dưới lưng của trẻ.
- Để đảm bảo em bé của bạn không được quấn quá chặt, bố mẹ có thể đút bàn tay của mình vào giữa chăn và ngực của em bé, nếu đút vào được thì chứng tỏ trẻ sẽ được thở thoải mái khi mặc tã. Tuy nhiên, không được lỏng đến mức có thể bị tháo ra.
- Trẻ trên 2 tháng tuổi không nên quấn tã, vì ở độ tuổi này, một số em bé có thể lăn lộn trong khi quấn tã, điều này làm tăng nguy cơ mắc hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh (SIDS).
Video đề xuất:
Hướng dẫn cuốn ổ cho trẻ sơ sinh, giúp trẻ có cảm giác như nằm trong bụng mẹ
4. Cho trẻ mặc bỉm
Khi sử dụng bỉm, trẻ sẽ cần thay bỉm khoảng 10 lần một ngày hoặc khoảng 70 lần một tuần.
Trước khi đóng bỉm cho bé, hãy đảm bảo bạn có tất cả đồ dùng trong tầm với để bạn không phải để trẻ sơ sinh một mình trên bàn thay đồ. Các đồ dùng cần thiết như:
- Một cái tã sạch
- Dụng cụ kẹp vải (nếu tã vải được tái sử dụng)
- Kem dưỡng da trị hăm
- Khăn lau tã (hoặc nước ấm và khăn lau sạch)
Nếu tã ướt do đại tiểu tiện, hãy đặt bé nằm ngửa và tháo tã bẩn ra. Sử dụng nước và khăn lau nhẹ nhàng lau sạch bộ phận sinh dục của bé. Khi tháo tã của bé trai, hãy cẩn thận vì tiếp xúc với không khí có thể khiến bé đi tiểu bất ngờ. Nếu đối với bé gái, hãy lau từ dưới lên trước để tránh nhiễm trùng đường tiết niệu (UTI). Để ngăn ngừa hoặc điều trị hăm, bố mẹ có thể thoa hoặc bôi kem trị hăm cho trẻ. Sau khi thay bỉm xong, bố mẹ nhớ rửa tay sạch với nước và xà bông.
Để ngăn ngừa hoặc chữa lành chứng hăm tã, hãy thử những lời khuyên sau:
- Thay tã cho bé thường xuyên và càng sớm càng tốt sau khi tã bị bẩn.
- Nhẹ nhàng làm sạch vùng kín của bé bằng xà phòng nhẹ và nước, sau đó thoa một lớp kem có oxit kẽm, do chất này tạo thành một hàng rào chống ẩm.
- Nếu bạn sử dụng tã vải, hãy giặt chúng với các chất tẩy rửa được sử dụng cho trẻ sơ sinh, không có mùi và tã vải khô hoàn toàn trước khi sử dụng.
- Bố mẹ cần lưu ý không nên quấn tã hoặc mặc bỉm suốt cả ngày, trong một ngày nên có khoảng thời gian trẻ không mặc tã hoặc đóng bỉm, điều này cho phép cho da được thông thoáng.
Nếu hăm tã kéo dài hơn 3 ngày hoặc tình trạng trở nên nặng hơn, hãy đến cơ sở Y tế để được bác sĩ khám, chẩn đoán và điều trị kịp thời.
5. Chăm sóc bao quy đầu và dây rốn
Ngay sau khi cắt bao quy đầu, đầu dương vật thường được phủ gạc bằng sáp dầu petroleum jelly để giữ vết thương không dính vào tã. Nhẹ nhàng lau sạch đầu dương vật bằng nước ấm sau khi thay tã, sau đó thoa sáp dầu petroleum jelly vào đầu dướng vật để đầu dương vật không bị dính vào tã. Đầu dương vật có triệu chứng đỏ hoặc bị kích thích dương vật sẽ lành trong vài ngày, nhưng nếu đỏ hoặc sưng tăng lên hoặc nếu mụn nước hình thành mủ, nhiễm trùng có thể xuất hiện và bạn nên đưa bé đến cơ sở Y tế ngay lập tức.
Chăm sóc rốn ở trẻ sơ sinh cũng rất quan trọng. Một số bác sĩ đề nghị chấm vùng rốn bằng cồn cho đến khi cuống rốn khô lại và rụng, thường trong 10 ngày đến 3 tuần, nhưng những chuyên gia khác có thể khuyên bạn để nguyên và không làm gì.
Bố mẹ lưu ý không được để vùng rốn của trẻ sơ sinh chìm trong nước cho đến khi cuống rốn rơi ra và khô ráo hoàn toàn. Cho đến khi rốn rơi ra, gốc dây sẽ đổi màu từ vàng sang nâu hoặc đen, điều này là bình thường. Gọi cho bác sĩ nếu vùng rốn có màu đỏ hoặc nếu có mùi hôi hoặc dịch tiết ra.
Việc chăm sóc trẻ sơ sinh sẽ rất bỡ ngỡ đối với những gia đình lần đầu tiên chào đón em bé. Tuy nhiên cha mẹ và người thân khác của bé nên cố gắng học cách chăm sóc trẻ đúng cách, bởi sự chăm sóc trong những ngày đầu đời sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển của bé sau này. Nếu có thể, cha mẹ nên tham gia các lớp học tiền sản để trang bị cho mình thật nhiều kiến thức làm cha mẹ.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: kidshealth.org, babycenter.com
XEM THÊM:
- Lớp tiền sản ở Vinmec có gì đặc biệt?
- Các dịch vụ thai sản trọn gói được đánh giá cao tại Vinmec
- Cách chăm sóc rốn cho trẻ sơ sinh