Khi phải tiêm insulin, bệnh nhân tiểu đường cần được trang bị một số kiến thức liên quan để có thể khai thác tối đa hiệu quả của thuốc. Sau đây là một số vấn đề bệnh nhân cần trao đổi kỹ với bác sĩ trước khi dùng insulin.
1. Có các dạng insulin nào?
Có 4 dạng insulin cơ bản gồm:
- Insulin tác dụng tức thì: Bắt đầu tác dụng trong một vài phút sau khi dùng và chỉ kéo dài tác dụng trong khoảng vài giờ;
- Insulin thông thường hay tác dụng ngắn: Cần 30 - 60 phút để có tác dụng đầy đủ và tác dụng có thể kéo dài 3 - 6 tiếng;
- Insulin tác dụng trung bình: Cần 2 - 4 giờ để có tác dụng đầy đủ và tác dụng kéo dài được 18 tiếng;
- Insulin tác dụng kéo dài: Cần 6 - 10 tiếng để đạt nồng độ tối đa trong máu và có thể kéo dài tác dụng trong cả ngày.
Tùy từng trường hợp bệnh nhân, bác sĩ sẽ tư vấn dạng insulin phù hợp để đảm bảo hiệu quả trị liệu tốt.
2. Các con đường sử dụng insulin
Insulin có thể sử dụng qua đường tiêm hoặc đường hít.
Đường tiêm
Để tiêm insulin có thể dùng kim tiêm, bút tiêm hoặc bơm tiêm.
Tiêm bắp giúp insulin được hấp thu và có tác dụng nhanh hơn. Tuy nhiên, tiêm bắp không phải là đường dùng phổ biến vì nó có những nguy cơ riêng. Không nên tiêm bắp vào những vùng có lớp mỡ dày và để tiêm bắp cần sử dụng loại kim dài hơn để kim có thể đi tới bắp thịt. Những người gầy có thể sử dụng loại kim tiêm dưới da thông thường để tiêm bắp.
Vị trí tiêm hấp thu insulin nhanh nhất là bụng (vị trí tiêm cách xa rốn tối thiểu 5cm), tiếp theo là cánh tay, đùi và mông. Sự khác biệt về thời gian hấp thụ được áp dụng để kéo dài hoặc rút ngắn thời gian tác dụng của insulin. Bên cạnh đó, một số người bị loạn dưỡng mỡ tại chỗ tiêm kiểu phì đại (lipohypertrophy) sẽ bị chậm hấp thu insulin hơn.
Đường hít
Có loại insulin hít có tác dụng tức thì. Tuy nhiên, loại insulin này chỉ có thể sử dụng trước bữa ăn. Với các bệnh nhân mắc tiểu đường loại 1 thì cần sử dụng insulin tác dụng kéo dài.
Bệnh nhân tiểu đường nên trao đổi với bác sĩ về lợi ích của mỗi phương pháp sử dụng insulin để có được lựa chọn điều trị tốt.
3. Cách tính liều tiêm insulin
Bệnh nhân cần hỏi bác sĩ về việc sử dụng insulin bao nhiêu lần trong ngày và liều lượng của mỗi liều. Nếu sử dụng bơm insulin, người bệnh nên hỏi bác sĩ khi nào phải sử dụng liều tăng cường (liều bolus). Thông thường, bệnh nhân mắc tiểu đường tuýp 1 sẽ cần tiêm insulin 3 - 4 lần/ngày. Bệnh nhân tiểu đường tuýp 2 cần tiêm 1 liều insulin/ngày. Tuy nhiên, có trường hợp có thể tiêm 3 - 4 lần/ngày tùy theo chỉ định của bác sĩ.
Tốc độ hấp thu insulin của mỗi người không giống nhau. Ví dụ khi tiêm insulin bán chậm (NPH, lente), thuốc có tác dụng trong 16 - 20 giờ nhưng ở một số người thì chỉ là 8 - 10 giờ. So sánh giữa các ngày khác nhau, ở cùng một người được tiêm một loại insulin và cùng liều insulin, cùng vị trí thì thời gian tác dụng cũng có thể thay đổi tới 50% và thời gian đạt tác dụng đỉnh cũng có thể thay đổi 25 - 50%.
Với liều tiêm nhỏ 5 - 10 đơn vị thì không có sự khác biệt về khả năng hấp thụ. Với các liều cao hơn, ví dụ tiêm 20 đơn vị thì insulin sẽ được hấp thu chậm hơn so với tiêm 10 đơn vị. Sự khác biệt rõ nhất là tiêm liều cao trên 100 đơn vị insulin.
Một số bệnh nhân tiểu đường có thể tự điều chỉnh liều các mũi tiêm insulin hằng ngày (tăng hoặc giảm) tùy theo lượng thức ăn từng bữa. Lưu ý: nếu không được bác sĩ hướng dẫn cẩn thận thì bệnh nhân không nên tự ý điều chỉnh liều lượng tiêm insulin để tránh nguy cơ bị hạ đường máu.
4. Thời điểm tiêm insulin
Thời điểm tiêm insulin phụ thuộc vào nhiều yếu tố như:
- Dạng insulin bệnh nhân sử dụng: Tác dụng nhanh, tác dụng kéo dài, dạng hỗn hợp,...;
- Số lượng và thành phần thực phẩm bệnh nhân tiêu thụ;
- Tần suất vận động của người bệnh;
- Các bệnh lý mắc phải khác;
- Công cụ tiêm insulin: Kim tiêm, bút tiêm, bơm tiêm,...
Tiêm insulin trước hay sau ăn? Thông thường, bệnh nhân nên tiêm insulin trước bữa ăn. Thời gian từ khi tiêm đến khi ăn là khác nhau tùy theo loại insulin để thuốc sẵn sàng phát huy tác dụng khi đường từ thức ăn bắt đầu vào máu. Ví dụ, với insulin thường là 20 - 30 phút, insulin hỗn hợp là 30 phút, insulin bán chậm là 60 phút,... Nếu ăn muộn hơn sau thời điểm tiêm phù hợp thì người bệnh có nguy cơ cao bị hạ đường huyết.
5. Tiêm insulin như thế nào?
Bệnh nhân đái tháo đường nên hỏi bác sĩ về cách tiêm đúng, vùng da tiêm để tránh nhiễm khuẩn. Đồng thời, người bệnh cần học cách luân chuyển mũi tiêm để vùng da không bị cứng hay lắng đọng mỡ dưới da do mũi tiêm lặp lại.
- Lăn lọ insulin trước khi tiêm: Lăn lọ thuốc hoặc bút tiêm có tác dụng làm ấm và trộn đều insulin. Chỉ khuyến cáo lăn lọ insulin bán chậm hoặc insulin hỗn hợp, còn insulin thường thì không cần. Bệnh nhân không nên lắc mạnh lọ insulin vì dễ tạo ra các bọt khí và khi rút insulin vào bơm tiêm thì khí có thể lọt vào bơm tiêm;
- Tiêm insulin theo đúng hướng dẫn về vị trí tiêm, liều lượng tiêm;
- Sau khi tiêm insulin sẽ có một phần insulin bị mất tác dụng do bị giáng hóa (phá hủy) bởi các enzyme có mặt ở các mô dưới da. Ở đa số bệnh nhân, lượng insulin bị giáng hóa là rất nhỏ, không ảnh hưởng tới tác dụng chung và không phải tăng liều. Tuy nhiên, số ít bệnh nhân có sự giáng hóa insulin ở mô dưới da rất lớn nên để đạt mục tiêu kiểm soát đường huyết thì họ phải tiêm insulin với liều rất lớn,có thể lên tới trên 200 đơn vị. Hiện tượng này không xảy ra nếu tiêm insulin qua đường tĩnh mạch. Để khắc phục có thể tiêm insulin cùng với chất ức chế enzyme có tên là trasylol nhưng thuốc này có giá thành khá cao. Vì vậy, cách đơn giản và hiệu quả nhất là tiêm thêm insulin;
- Tập thể dục, massage có vận động các cơ vùng tiêm insulin sẽ làm tăng hấp thu insulin. Vì vậy, nếu muốn tăng hấp thu insulin bệnh nhân có thể thực hiện tập luyện nhẹ nhàng;
- Bảo quản insulin: Các lọ insulin chưa tiêm nên được bảo quản trong tủ lạnh. Các lọ insulin đang sử dụng có thể để trong ngăn mát tủ lạnh hoặc để ở nơi thoáng mát. Không nên để insulin ở ngoài trời nóng hoặc tiếp xúc trực tiếp với ánh sáng mặt trời. Bệnh nhân cũng nên hỏi bác sĩ về tác dụng của insulin là bao lâu, như thế nào là insulin bị hỏng và không sử dụng được nữa,...;
- Về việc sử dụng lại bơm kim tiêm: Bệnh nên nên hỏi bác sĩ xem liệu làm như vậy có an toàn không, làm sao để giữ kim tiêm sạch để không bị nhiễm khuẩn. Và nếu vứt bỏ kim tiêm sau khi sử dụng thì cần làm thế nào để loại bỏ nó một cách an toàn,...
6. Tiêm insulin có hại không?
- Tác dụng phụ phổ biến: Hạ đường huyết và tăng cân;
- Gây loạn dưỡng mỡ tại chỗ tiêm (teo đét hoặc phì đại). Nếu sử dụng insulin tinh khiết hoặc insulin người thì nguy cơ loạn dưỡng mỡ tại chỗ tiêm rất thấp, trừ khi tiêm cho trẻ em.
7. Một số vấn đề khác
- Tương tác thuốc: Một vài loại thuốc có thể làm tăng tác dụng hạ đường huyết của insulin nên bệnh nhân cần trao đổi kỹ với bác sĩ về những loại thuốc mình đang sử dụng;
- Ăn uống: Bệnh nhân đái tháo đường nên hỏi bác sĩ về những loại thực phẩm nên dùng để insulin có thể phát huy hiệu quả tốt;
- Mức đường máu mục tiêu: Bệnh nhân phải thường xuyên kiểm tra đường máu bằng máy đo đường máu. Người bệnh nên theo dõi lượng đường máu trước, sau ăn và trước khi đi ngủ. Với hầu hết bệnh nhân tiểu đường, mục tiêu điều trị thường là: 70 - 130 mg/dL trước ăn và dưới 180 mg/dL từ 1 - 2h sau khi bắt đầu bữa ăn. Nếu đường máu không nằm trong mức giới hạn, bệnh nhân nên hỏi ý kiến bác sĩ và hỏi thời gian kiểm tra test A1c.
Nếu có bất kỳ câu hỏi nào về việc sử dụng insulin, bệnh nhân nên ghi lại để hỏi bác sĩ trong lần thăm khám tiếp theo. Khi thăm khám, bác sĩ có thể kiểm tra diễn tiến bệnh, đưa ra lời khuyên để bệnh nhân kiểm soát tốt bệnh tiểu đường của mình.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.