Những điều cần biết về ung thư dạ dày

Ung thư dạ dày là loại tổn thương ác tính phát triển từ các lớp của thành dạ dày, trong đó lớp niêm mạc thường là nơi dễ xảy ra tổn thương ác tính nhất. Tại Việt Nam, ung thư dạ dày chiếm 10,6% tổng số ca ung thư mắc mới, đứng thứ ba sau ung thư gan và ung thư phổi. Vì thế, việc hiểu rõ về bệnh lý này là một điều rất quan trọng.

Bài viết được viết bởi ThS.BS Nguyễn Hùng Cường - Bác sĩ Ngoại Tiêu hóa, Khoa Ngoại tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.

1. Thực trạng bệnh lý ung thư dạ dày tại Việt Nam 

Số ca mắc mới ung thư tại Việt Nam năm 2018.
Số ca mắc mới ung thư tại Việt Nam năm 2018.

Trong số ca ung thư, có khoảng 11.161 ca ung thư dạ dày được ghi nhận ở nam giới, đứng thứ 3 sau ung thư gan và ung thư phổi, chiếm 12,3%. Ở nữ giới, ung thư dạ dày có 6.366 ca, chiếm 8,6% tổng số ca mắc mới, đứng thứ 4 sau ung thư vú, ung thư đại trực tràng và ung thư phổi. 

Số ca mắc mới ung thư dạ dày của nam giới và nữ giới.
Số ca mắc mới ung thư dạ dày của nam giới và nữ giới.

Theo thống kê dân số năm 2018 với tổng số 96.491.142 người (nữ: 48.735.730 và nam: 47.755.412), tỷ lệ ung thư dạ dày là 13 ca/100.000 dân ở nữ giới và 23,3 ca/100.000 dân ở nam giới.

2. Nguyên nhân gây bệnh ung thư dạ dày

Mặc dù nguyên nhân cụ thể gây ung thư dạ dày vẫn chưa được hiểu rõ, nhưng các nghiên cứu và quan sát cộng đồng cho thấy rằng bệnh gây ra bởi sự kết hợp của nhiều yếu tố, bao gồm biến đổi môi trường trong dạ dày, thói quen ăn uống và yếu tố di truyền.

Các yếu tố dễ dẫn đến ung thư dạ dày:

2.1. Chế độ ăn chứa nhiều hợp chất nitrate

Các thực phẩm giàu nitrate bao gồm đồ ăn đóng hộp, thịt và cá xông khói, thực phẩm muối, lên men, dưa và cà muối…

Giải pháp:

  • Hạn chế thực phẩm chứa nhiều nitrate như thịt muối, dưa cà muối và đồ ăn xông khói.
  • Tăng cường ăn rau củ và trái cây giàu vitamin C, E, beta carotene giúp ngăn ngừa quá trình chuyển hóa tạo nitrate và các sản phẩm chuyển hóa của ni-tơ.

2.2. Hút thuốc lá

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng hút thuốc lá làm tăng nguy cơ mắc ung thư ở dạ dày, với mức tăng 60% ở nam giới và 20% ở nữ giới. Giải pháp để loại bỏ nguy cơ này là từ bỏ thuốc lá.

2.3. Lạm dụng rượu bia, đồ uống có cồn

Rượu bia không chỉ là tác nhân gây ung thư gan mà còn là yếu tố nguy cơ dẫn đến tình trạng viêm dạ dày tái phát, từ đó có thể gây ung thư ở dạ dày, đặc biệt là ung thư vùng tâm vị. Giải pháp để loại bỏ nguy cơ này là từ bỏ rượu bia và đồ uống có cồn

2.4. Vi khuẩn H.P (helicobacter pylori)

Vai trò của vi khuẩn H.P đã được Marshall và Warren chứng minh vào năm 1982. Đến năm 1984, Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế đã công nhận vi khuẩn này là nguyên nhân gây ung thư dạ dày. Điều này cũng giải thích vì sao ung thư dạ dày ngày càng trở nên phổ biến hơn ở người trẻ, đặc biệt là những người dưới 40 tuổi.

Giải pháp:

  • Điều trị vi khuẩn H.P được khuyến cáo nên kết hợp với điều trị viêm dạ dày. Phác đồ điều trị bao gồm thuốc ức chế bơm proton H+ kết hợp với 2 trong 3 loại kháng sinh (Amoxicillin, Clarithromycin và Metronidazole). Nếu phương pháp này không hiệu quả, bác sĩ sẽ chuyển sang sử dụng thuốc ức chế bơm proton H+, Metronidazole, Tetracycline kết hợp với thuốc Bismuth.
  • Ngoài ra, mọi người cần tránh việc sử dụng thuốc giảm đau, thuốc chống viêm một cách thường xuyên và không kiểm soát. 
Vi khuẩn H.P là một trong các nguyên nhân gây bệnh ung thư dạ dày.
Vi khuẩn H.P là một trong các nguyên nhân gây bệnh ung thư dạ dày.

2.5. Yếu tố gia đình

Các nghiên cứu và quan sát cho thấy dạ dày xuất hiện ung thư có liên quan đến đột biến gen và yếu tố gia đình, với tỷ lệ mắc bệnh tăng từ 1,5 đến 3 lần ở những gia đình có người thân cấp 1 (bố, mẹ, anh chị em ruột) bị ung thư ở dạ dày. Một ví dụ điển hình cho trường hợp này là gia đình Napoleon Bonaparte.

Ngoài ra, các yếu tố nguy cơ khác cũng góp phần hình thành ung thư ở dạ dày, bao gồm béo phì, viêm miệng nối sau khi cắt dạ dày, nghề nghiệp phơi nhiễm, tiếp xúc với khói bụi, khí chứa ni-tơ, bức xạ,…

Việc phát hiện sớm các yếu tố rủi ro có thể thay đổi hoặc không thể thay đổi là rất quan trọng trong việc phòng ngừa ung thư ở dạ dày tiên phát.

Các yếu tố nguy cơ có thể góp phần thay đổi tỷ lệ mắc ung thư dạ dày như sau:

Phụ thuộc vào người bệnh:

  • Duy trì chế độ ăn uống cân bằng.
  • Bỏ thuốc lá và đồ ăn uống có nguy cơ.
  • Giữ cân nặng bình thường.

Phụ thuộc vào bác sĩ:

  • Chẩn đoán và điều trị viêm dạ dày và H.P.
  • Xem xét sử dụng các loại thuốc giảm đau và chống viêm một cách có kiểm soát.

Các yếu tố nguy cơ không thể thay đổi: Phơi nhiễm nghề nghiệp và yếu tố di truyền trong gia đình.

3. Phân loại ung thư dạ dày

3.1. Phân loại theo giải phẫu bệnh (là loại tế bào ung thư)

  • Ung thư biểu mô tuyến: Chiếm 85%-90% tổng số ca ung thư dạ dày.
  • Ung thư tổ chức liên kết: Chiếm 5-10%.
  • Các loại ung thư khác: U lympho 2%-5%, u cơ 0,5%-1%, và u carcinoides 3%.

3.2. Phân loại theo tổn thương

Ung thư dạ dày sớm: Là loại ung thư mà mức độ tổn thương chỉ khu trú ở lớp niêm mạc và dưới niêm mạc của dạ dày. Ung thư dạ dày sớm có thể được điều trị triệt để và có tiên lượng tốt hơn.

Ung thư dạ dày tiến triển: Là loại ung thư đã gây tổn thương sâu xuống các lớp cơ của dạ dày, có khả năng di căn vào các hạch lympho và các cơ quan khác.

Tại Việt Nam, ung thư thường được phát hiện ở giai đoạn tiến triển.

  • Nhiều triệu chứng ở giai đoạn sớm tương tự với viêm dạ dày. Do bệnh viêm dạ dày thường tái phát nên người bệnh thường chủ quan, tự ý mua thuốc mà không đi khám hoặc thực hiện nội soi dạ dày để chẩn đoán.
  • Người dân vẫn chưa có thói quen kiểm tra sức khỏe định kỳ và tầm soát các bệnh lý ung thư, đặc biệt là ung thư ở dạ dày.

3.3. Phân loại theo giai đoạn

Giống như các loại ung thư khác, ung thư ở dạ dày thường được đánh giá dựa trên ba yếu tố:

  • T (u nguyên phát - Primary Tumor): Mức độ xâm lấn của khối u ban đầu.
  • N (hạch bạch huyết vùng - Regional Lymph Nodes): Tế bào ung thư đã di căn đến hạch bạch huyết vùng hay không, số lượng hạch.
  • M (di căn xa - Distant Metastasis): Tình trạng di căn đến các cơ quan khác.

Một cách phân loại khác phổ biến hơn và có yếu tố tiên lượng cụ thể, hỗ trợ cho việc điều trị, đó là phân loại theo giai đoạn. Phân loại này dựa vào các yếu tố sau:

T - Khối u nguyên phát:

  • Tx: Khối u nguyên phát không thể đánh giá.
  • To: Khối u nguyên phát không được chứng minh.
  • Tis: Ung thư tại chỗ hay ung thư bề mặt, với khối u trong biểu mô chưa xâm lấn lớp niêm mạc.
  • T1: Khối u đã xâm lấn lớp niêm mạc và lớp dưới niêm mạc.
  • T2: Khối u đã xâm lấn lớp cơ hoặc lớp dưới thanh mạc.
  • T3: Khối u đã xâm lấn vào lớp thanh mạc nhưng chưa xâm lấn vào tổ chức xung quanh.
  • T4: Khối u đã xâm lấn ra tổ chức xung quanh.

T càng nhỏ, tiên lượng càng tốt và khả năng chữa khỏi bệnh càng cao. 

Tiến triển của ung thư dạ dày theo từng giai đoạn.
Tiến triển của ung thư dạ dày theo từng giai đoạn.

N - Hạch bạch huyết vùng:

  • Nx: Không xác định được tổn thương ở các hạch vùng.
  • No: Không có di căn vào hạch vùng.
  • N1: Có di căn vào từ 1 đến 6 hạch vùng.
  • N2: Có di căn vào từ 7 đến 15 hạch vùng.
  • N3: Có di căn vào hơn 15 hạch vùng.

N càng nhỏ, tiên lượng càng tốt và khả năng chữa khỏi bệnh càng cao.

M - Di căn xa:

  • Mx: Không thể xác định được di căn xa.
  • Mo: Không có di căn xa.
  • M1: Có di căn xa.

Mo có tiên lượng tốt hơn so với M1.

4. Phương pháp chẩn đoán

Chẩn đoán ung thư dạ dày sau phẫu thuật tối thiểu:

  • Loại ung thư tế bào gì?
  • Các chỉ số TNM là bao nhiêu?

Các triệu chứng sau đây có thể là dấu hiệu của ung thư ở dạ dày:

  • Ăn uống kém, chán ăn.
  • Cảm giác đau bụng, ậm ạch khó chịu.
  • Buồn nôn, nôn khan
  • Mệt mỏi, giảm khả năng lao động, hoa mắt chóng mặt.
  • Gầy sút cân không rõ lý do
  • Tự sờ thấy khối, cục ở vùng bụng
  • Đi ngoài phân có máu hoặc phân có màu đen.

Khi xuất hiện một trong các dấu hiệu trên, người bệnh cần đến bệnh viện để khám hoặc tham vấn ý kiến bác sĩ, không tự ý mua thuốc.

Các phương pháp khám nào được sử dụng để chẩn đoán ung thư dạ dày? Khi có nghi ngờ về dạ dày bị ung thư, bệnh nhân sẽ được khám và thực hiện các xét nghiệm sau:

  • Nội soi dạ dày: Thực hiện sinh thiết khối u nếu có nghi ngờ về tổn thương ác tính. 
Hình ảnh khối u ác tính ở dạ dày trên nội soi.
Hình ảnh khối u ác tính ở dạ dày trên nội soi.
Hình ảnh tăng chuyển hóa trên phim chụp PET ở vùng dạ dày do ung thư.
Hình ảnh tăng chuyển hóa trên phim chụp PET ở vùng dạ dày do ung thư.
  • Xét nghiệm máu: Để đánh giá mức độ thiếu máu và các dấu ấn ung thư có trong máu.

Sau khi khám và có kết quả xét nghiệm, bác sĩ sẽ chẩn đoán giai đoạn bệnh cho bệnh nhân.

5. Phương pháp điều trị  

Sau khi được chẩn đoán ung thư dạ dày cùng với các yếu tố liên quan như thể trạng, các yếu tố khối u, hạch và đánh giá di căn xa, bác sĩ sẽ quyết định phương pháp điều trị: 

Bác sĩ sẽ dựa trên các yếu tố liên quan bác sĩ sẽ quyết định phương pháp điều trị phù hợp.
Bác sĩ sẽ dựa trên các yếu tố liên quan bác sĩ sẽ quyết định phương pháp điều trị phù hợp.

Một hội đồng bao gồm bác sĩ phẫu thuật, bác sĩ điều trị hóa chất, bác sĩ điều trị xạ trị, bác sĩ giải phẫu bệnh và bác sĩ chẩn đoán hình ảnh sẽ thảo luận và thống nhất phương thức điều trị, đồng thời đưa ra lời khuyên cho từng trường hợp cụ thể.

5.1 Hóa trị

Điều trị hóa chất có thể được áp dụng trước và sau phẫu thuật hoặc có thể kết hợp với xạ trị sau khi phẫu thuật.

Các thuốc hay được sử dụng là:

  • 5-FU và Cisplatin
  • ECF (Epirubicin, Cisplatin và Fluorouracil)
  • Epirubicin, Oxaliplatin và Fluorouracil
  • Epirubicin, Cisplatin và Capecitabine
  • Epirubicin, Oxaliplatin và Capecitabine

5.2 Xạ trị

Xạ trị sau phẫu thuật đóng vai trò bổ trợ và đã được chứng minh là giảm nguy cơ tái phát tại chỗ đối với ung thư ở dạ dày. Phương pháp này giúp nâng cao hiệu quả điều trị trong trường hợp phẫu thuật không thể loại bỏ bệnh một cách triệt để.

5.3 Phẫu thuật

Phẫu thuật luôn là ưu tiên hàng đầu trong điều trị ung thư dạ dày. Tùy thuộc vào tình trạng bệnh và điều kiện sức khỏe, phẫu thuật có thể được thực hiện trước hoặc sau khi điều trị hóa trị. Phẫu thuật không chỉ có thể giúp chữa khỏi bệnh mà còn có thể mang lại tác dụng điều trị triệu chứng và giảm nhẹ tình trạng cho bệnh nhân.

Phẫu thuật triệt căn là phương pháp cắt bỏ phần dạ dày bị tổn thương chứa khối u ban đầu, đồng thời loại bỏ các hạch lympho xung quanh.  

Tùy thuộc vào vị trí của khối u trong dạ dày, bác sĩ sẽ quyết định cắt bỏ một phần hoặc toàn bộ dạ dày bị tổn thương.  

  • Cắt hớt niêm mạc dạ dày: Chỉ áp dụng cho các tổn thương sớm, còn khu trú ở bề mặt niêm mạc dạ dày mà chưa xâm lấn vào các lớp phía dưới.
  • Phẫu thuật cắt dạ dày toàn bộ: Được thực hiện khi tổn thương ở cao, gần vùng tâm vị hoặc khi khối u lan rộng, cần cắt bỏ cả các cơ quan bị khối u xâm lấn. 
Khối dạ dày kèm lách và một phần đuôi tụy bị cắt bỏ.
Khối dạ dày kèm lách và một phần đuôi tụy bị cắt bỏ.
  • Cắt dạ dày bán phần (hay còn gọi là cắt đoạn dạ dày): Một phần dạ dày có khối u sẽ được cắt bỏ, đảm bảo rằng diện cắt gần nhất của khối u lớn hơn 4cm và phải lấy bỏ hơn 15 hạch lympho theo các vị trí tương ứng. 
Khối u mặt sau dạ dày xâm lấn ra lớp thanh mạc.
Khối u mặt sau dạ dày xâm lấn ra lớp thanh mạc.
Khối u mặt sau dạ dày được lấy bỏ kèm các hạch lân cận.
Khối u mặt sau dạ dày được lấy bỏ kèm các hạch lân cận.

Sau khi đoạn dạ dày được cắt bỏ, phần dạ dày còn lại sẽ được nối với ruột để khôi phục lưu thông tiêu hóa.

Phẫu thuật dạ dày có thể được thực hiện qua các phương pháp như phẫu thuật mở (mổ phanh), phẫu thuật nội soi hoặc phẫu thuật robot. 

Hình ảnh khối u ở dạ dày qua phẫu thuật robot (các tổn thương đã xâm lấn ra ngoài thanh mạc).
Hình ảnh khối u ở dạ dày qua phẫu thuật robot (các tổn thương đã xâm lấn ra ngoài thanh mạc).

Phẫu thuật điều trị giảm nhẹ: Mở thông ruột non để cung cấp dinh dưỡng trong trường hợp không thể thực hiện phẫu thuật triệt căn. Khi thức ăn không thể đi qua dạ dày, bác sĩ sẽ đưa một ống nhỏ vào trong ruột, ống này sẽ đi ra ngoài qua thành bụng để bơm thức ăn nuôi dưỡng.

6. Các biện pháp phòng ngừa

Dưới đây là các biện pháp phòng tránh ung thư ở dạ dày hiệu quả mà bất kỳ ai cũng nên biết:

  • Duy trì cân nặng ở mức phù hợp, giảm cân nếu cần thiết.
  • Thường xuyên luyện tập thể dục thể thao.
  • Xây dựng và tuân thủ chế độ ăn khoa học, bổ sung nhiều chất xơ, vitamin và khoáng chất.
  • Khi ăn uống chú ý đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
  • Hạn chế tiêu thụ thực phẩm đóng hộp, thức ăn chế biến sẵn và các món nhiều dầu mỡ cũng như muối.
  • Từ bỏ thói quen hút thuốc lá, hạn chế tiêu thụ bia rượu và tuyệt đối không sử dụng chất kích thích.
  • Thăm khám sớm và điều trị kịp thời các bệnh lý liên quan đến dạ dày. 
Bổ sung nhiều rau xanh để phòng ngừa ung thư ở dạ dày.
Bổ sung nhiều rau xanh để phòng ngừa ung thư ở dạ dày.

Để phòng ngừa và điều trị ung thư ở dạ dày hiệu quả, việc hiểu rõ về bệnh lý này là vô cùng quan trọng. Việc nhận biết các triệu chứng, yếu tố nguy cơ và phương pháp chẩn đoán sớm sẽ giúp người bệnh có cơ hội điều trị kịp thời, đồng thời nâng cao khả năng chữa khỏi. Hãy trang bị cho bản thân những kiến thức cần thiết để bảo vệ sức khỏe cho chính mình.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng. 

Bài viết tham khảo nguồn: nccn.org, gco.iarc.fr

 

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe