Viêm tai xương chũm là bệnh có thể gặp ở mọi đối tượng, phương pháp điều trị gồm nội khoa và ngoại khoa. Các loại thuốc điều trị viêm tai xương chũm được sử dụng trong trường hợp chưa cần thiết phải phẫu thuật hoặc giúp hạn chế nguy cơ phải phẫu thuật điều trị.
1. Viêm tai xương chũm là gì?
Viêm xương chũm là tình trạng viêm các thông bào của xương chũm, thường do viêm tai giữa cấp tính hoặc viêm tai giữa mạn tính gây ra. Viêm tai xương chũm có thể gặp ở mọi đối tượng, tuy nhiên đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh viêm tai xương chũm là những người có sức đề kháng kém, trẻ nhỏ, viêm tai giữa do sau mắc các bệnh như sởi, bạch hầu...
Viêm tai xương chũm được chia thành viêm tai xương chũm cấp tính và viêm tai xương chũm mạn. Việc điều trị tùy thuộc vào từng thể mà có các biện pháp điều trị phù hợp.
2. Những điều cần biết về thuốc trị viêm tai xương chũm
Với quan điểm điều trị trước đây cho rằng bệnh viêm tai xương chũm cần được điều trị bằng phẫu thuật. Tuy nhiên hiện nay, không phải trường hợp nào cũng có chỉ định phẫu thuật, việc điều trị nội khoa được ưu tiên lựa chọn, chỉ khi không cải thiện bằng điều trị nội khoa hoặc nguy cơ biến chứng thì mới có chỉ định phẫu thuật.
Các thuốc điều trị được chỉ định theo từng thể cấp tính hay mạn tính.
2.1 Thuốc điều trị viêm tai xương chũm cấp tính
- Kháng sinh
Kháng sinh trong điều trị viêm tai xương chũm cấp được dùng kháng sinh phổ rộng hoặc tốt nhất là dùng kháng sinh theo kháng sinh đồ. Nhóm thường được dụng là cephalosporin thế hệ 2 và 3, vì có thể diệt được nhiều loại vi khuẩn gram âm và gram dương. Liều điều trị thường được chỉ định với liều cao, tuy nhiên liều còn thay đổi và phụ thuộc vào tình trạng bệnh cụ thể. Đường dùng thường là đường tĩnh mạch.
Tác dụng không mong muốn có thể gặp của thuốc: Buồn nôn, nôn, rối loạn tiêu hóa, đầy bụng, khó tiêu...Những triệu chứng này thường chỉ thoảng qua, hoặc hết sau khi ngừng thuốc.
Ngoài ra, thuốc kháng sinh này có thể xảy ra một số các tác dụng phụ nguy hiểm hiếm gặp như: Hoại tử da, viêm da tróc vảy, mụn mủ ngoài da toàn thân cấp tính... những người bệnh cần chú ý theo dõi để phát hiện triệu chứng và gặp bác sĩ điều trị ngay.
Một số người có tiền sử dị ứng với loại kháng sinh này hoặc với bất kỳ loại thuốc khác cần thông báo với bác sĩ để được sử dụng thuốc phù hợp.
Khi dùng thuốc không được tự ý ngưng sử dụng thuốc khi chưa hết liệu trình bác sĩ kê để có tác dụng điều trị tốt nhất.
- Thuốc chống viêm
Chống viêm được sử dụng thường là thuốc chống viêm steroid. Các thuốc này được dùng đường tĩnh mạch trong vòng 3-5 ngày, sau đó được dùng được uống với liều thấp và giảm dần. Đường tiêm thường dùng methylprednisolon liều cho trẻ em là từ 1-2mg/kg cân nặng, uống medrol, prednisolon. Các thuốc này có nhiều tác dụng phụ nhưng thường là với trường hợp dùng liều cao, dài ngày. Các tác dụng phụ có thể gặp như viêm loét dạ dày-tá tràng, rối loạn tiêu hóa, tăng đường huyết...
Ngoài ra các một số trường hợp chỉ định các thuốc chống viêm không steroid như ibuprofen, meloxicam, diclofenac...Chú ý không dùng các thuốc này cho người bị loét dạ dày - tá tràng, người bị hen, bệnh chảy máu không được kiểm soát, trẻ em dưới 6 tháng tuổi, phụ nữ có thai ba tháng đầu hoặc ba tháng cuối, phụ nữ đang cho con bú...
- Thuốc giảm đau, hạ sốt
Thuốc thường được dùng là paracetamol là loại thường dùng có tác dụng hạ sốt, giảm đau.
- Thuốc nhỏ tai tại chỗ
Loại thuốc này thành phần là kháng sinh, mục đích diệt khuẩn tại chỗ, tăng tác dụng điều trị. Được dùng những thuốc nhỏ tai được bào chế bằng những kháng sinh có tính an toàn cao cho ốc tai như rifamycin
- Thuốc nhỏ mũi
Để giúp làm sạch hốc mũi, làm thông thoáng tai giữa và mũi họng giúp cho việc phục hồi niêm mạc viêm trong tai giữa dễ dàng hơn và dẫn lưu dịch mủ từ tai giữa ra ngoài qua đường vòi eustache. Người mắc bệnh viêm tai xương chũm được chỉ định dùng thuốc nhỏ mũi với tác dụng chính là chống sung huyết, co mạch, giảm phù nề, chống viêm. Thuốc hay sử dụng là sunfarin, naphazoline, xylometazoline...
2.2 Thuốc chữa viêm tai xương chũm mạn tính
Viêm tai xương chũm mạn tính có 2 loại là viêm tai xương chũm nguy hiểm và viêm tai xương chũm không nguy hiểm.
- Loại viêm tai xương chũm mạn tính nguy hiểm điển hình là viêm tai giữa có sự xuất hiện của cholesteatoma đây là chất ăn mòn xương và có thể vào não gây viêm màng não, áp xe não. Với trường hợp này bắt buộc phải phẫu thuật loại bỏ cholesteatoma.
- Với viêm tai xương chũm mạn tính không nguy hiểm có thể điều trị nội khoa và sử dụng thuốc giống như viêm tai xương chũm cấp nếu ở đợt viêm cấp. Còn nếu ở giai đoạn mạn chỉ sử dụng thuốc nhỏ tai đơn thuần theo hướng dẫn của nhân viên y tế.
3. Theo dõi khi dùng thuốc điều trị viêm tai xương chũm
- Các trường hợp viêm tai xương chũm cấp được điều trị tại các bệnh viện, không tự ý sử dụng thuốc tại nhà khi chưa được thăm khám và chỉ định dùng thuốc của bác sĩ.
- Khi điều trị bằng thuốc sau 2 ngày nếu các triệu chứng lâm sàng và cận lâm sàng tiến triển tốt, chúng tỏ đáp ứng tốt với điều trị nội khoa. Tiếp tục sử dụng thuốc đến khi hết bệnh theo chỉ định.
- Nếu không đáp ứng với điều trị nội khoa cần phải chuyển sang phương pháp phẫu thuật. Phẫu thuật được chỉ định để nhằm hạn chế nguy cơ biến chứng.
- Sau khi điều trị ổn định cần dùng thuốc và tái khám theo hướng dẫn của bác sĩ.
Thuốc điều trị bệnh viêm tai xương chũm được bác sĩ chỉ định khi điều trị bệnh còn tùy thuộc vào tình trạng cụ thể của bệnh. Nên không tự ý dùng thuốc khi chưa có chỉ định hay chưa xác định chính xác tình trạng bệnh.
Video đề xuất:
Rạch chích mủ màng nhĩ chữa viêm tai giữa
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
XEM THÊM