Những điều cần biết về sinh thiết phổi

Sinh thiết phổi có thể tiến hành bằng phương pháp kín hoặc phương pháp mở. Phương pháp kín là thực hiện kĩ thuật qua da hoặc qua khí quản. Sinh thiết mở được thực hiện trong phòng phẫu thuật, sau khi bệnh nhân đã được gây mê.

1. Sinh thiết phổi là gì?

Sinh thiết là một quá trình lấy mẫu mô hoặc tế bào khỏi cơ thể để kiểm tra dưới kính hiển vi. Sinh thiết phổi là quá trình lấy mẫu từ mô phổi (bằng kim sinh thiết đặc biệt hoặc trong quá trình phẫu thuật) để kiểm tra xem phổi bị bệnh lý gì, và có sự tồn tại của ung thư hay không.

Sinh thiết phổi có thể tiến hành bằng phương pháp kín hoặc phương pháp mở. Phương pháp kín là thực hiện kĩ thuật qua da hoặc qua khí quản. Sinh thiết mở được thực hiện trong phòng phẫu thuật, sau khi bệnh nhân đã được gây mê.

2. Các xét nghiệm sinh thiết phổi

Sinh thiết phổi có nhiều kĩ thuật khác nhau, bao gồm:

  • Sinh thiết bằng kim: Sau khi gây tê tại chỗ, bác sĩ sẽ tiến hành đâm kim sinh thiết qua thành ngực dưới sự dẫn đường của chụp cắt lớp vi tính hoặc X- quang tăng sáng truyền hình, vào khu vực nghi ngờ tổn thương để lấy mẫu mô. Kỹ thuật sinh thiết này cũng được gọi là sinh thiết kín qua thành ngực.
  • Sinh thiết xuyên phế quản: Kĩ thuật sinh thiết này được thực hiện trong quá trình nội soi phế quản (qua ống nội soi phế quản).
  • Sinh thiết qua nội soi lồng ngực: sau khi gây mê bệnh nhân, một ống nội soi sẽ được đưa xuyên qua thành ngực vào trung thất, các dụng cụ sinh thiết khác nhau sẽ được sử dụng để lấy mẫu mô phổi qua ống nội soi này.
  • Sinh thiết mở: Sau khi gây mê, bác sĩ sẽ tiến hành phẫu thuật mở ngực bệnh nhân để lấy mẫu mô phổi. Dựa vào kết quả sinh thiết mà bác sĩ có thể quyết định tiến hành những bước can thiệp sâu hơn, chẳng hạn như cắt bỏ thùy phổi. Sinh thiết phổi mở về thực chất là một quá trình phẫu thuật, và do đó bệnh nhân cần nằm viện.

Sinh thiết phổi mở về thực chất là một quá trình phẫu thuật, và do đó bệnh nhân cần nằm viện
Sinh thiết phổi mở về thực chất là một quá trình phẫu thuật, và do đó bệnh nhân cần nằm viện

3. Tại sao lại phải tiến hành sinh thiết phổi?

Sinh thiết phổi có thể được tiến hành bởi một số lí do sau:

  • Để đánh giá hình ảnh bất thường xuất hiện trên kết quả chụp X- quang hoặc chụp cắt lớp vi tính.
  • Để chẩn đoán viêm nhiễm ở phổi và các bệnh lý phổi khác.
  • Để tìm ra lý do tràn dịch màng phổi chưa rõ nguyên nhân.
  • Để xác định khối bất thường ở phổi là ác tính hay lành tính.
  • Để xác định giai đoạn của khối u ác tính.

Sinh thiết phổi được thực hiện bằng phương pháp nào sẽ dựa trên nhiều yếu tố, chẳng hạn như loại bệnh lý nghi ngờ, vị trí của tổn thương, toàn trạng của bệnh nhân,...

4. Những rủi ro có thể gặp phải trong quá trình sinh thiết phổi

Sinh thiết phổi mở hoặc sinh thiết qua nội soi lồng ngực về thực chất là một quá trình phẫu thuật thực hiện dưới gây mê. Giống như bất kì một phẫu thuật nào khác, các biến chứng có thể xảy ra. Một số biến chứng có thể gặp (nhưng không chỉ giới hạn ở những biến chứng này) bao gồm:

  • Mất máu
  • Huyết khối
  • Đau hoặc khó chịu
  • Nhiễm trùng
  • Viêm phổi

Sinh thiết phổi bằng kim hoặc sinh thiết xuyên phế quản được thực hiện sau khi an thần nhẹ cho bệnh nhân hoặc gây tê tại chỗ. Một số biến chứng có thể xảy ra (nhưng không chỉ giới hạn ở những biến chứng này) bao gồm:

  • Tràn khí màng phổi: Là khi không khí lọt vào và bị kẹt trong khoang màng phổi, đè ép nhu mô phổi, gây xẹp phổi.
  • Chảy máu trong phổi
  • Nhiễm trùng

Nếu bệnh nhân có thai, hoặc nghi ngờ bản thân có thai, hãy thông báo trước cho bác sĩ biết.

5. Trước khi tiến hành sinh thiết phổi

  • Bác sĩ sẽ giải thích cho bệnh nhân về quá trình kĩ thuật sẽ thực hiện (sinh thiết phổi là gì, tại sao cần sinh thiết phổi, rủi ro có thể gặp phải khi thực hiện sinh thiết phổi, những chuẩn bị trước khi sinh thiết, quá trình sinh thiết và chăm sóc sau khi sinh thiết).
  • Bác sĩ sẽ giải đáp, tư vấn mọi thắc mắc, lo lắng của bệnh nhân.
  • Bệnh nhân cần ký cam kết đồng ý thực hiện quy trình kỹ thuật.
  • Bác sĩ có thể thăm khám lại bệnh nhân, chỉ định các xét nghiệm và các kĩ thuật cận lâm sàng để đảm bảo tình trạng bệnh nhân đáp ứng được yêu cầu trước khi thực hiện sinh thiết.
  • Nếu bệnh nhân đang mang thai hoặc nghi ngờ có thai, hãy thông báo cho bác sĩ biết.
  • Thông báo cho bác sĩ biết nếu bản thân có mẫn cảm hoặc dị ứng với thuốc, latex, iodine, băng dính, hoặc các yếu tố sử dụng để vô cảm (tại chỗ hoặc toàn thân).
  • Thông báo cho bác sĩ biết các thuốc, thực phẩm chức năng đang sử dụng.
  • Thông báo cho bác sĩ biết nếu bản thân có tiền sử rối loạn đông máu hoặc đang sử dụng thuốc chống đông, để bác sĩ có quyết định về những loại thuốc này.
  • Tùy tình trạng từng bệnh nhân cụ thể, bác sĩ có thể đưa ra những yêu cầu riêng khác.

6. Sau khi đã tiến hành sinh thiết phổi


Sau khi tiến hành sinh thiết phổi, nếu bệnh nhân cảm thấy khó thở hãy liên hệ ngay với bác sĩ
Sau khi tiến hành sinh thiết phổi, nếu bệnh nhân cảm thấy khó thở hãy liên hệ ngay với bác sĩ

Sau khi sinh thiết, vấn đề bệnh nhân hay gặp nhất là đau. Hãy sử dụng thuốc giảm đau theo chỉ dẫn của bác sĩ.

Bác sĩ cũng có thể yêu cầu bệnh nhân tránh các hoạt động mạnh vài ngày sau khi sinh thiết.

Nếu xuất hiện một trong các dấu hiệu sau đây, hãy thông báo ngay cho bác sĩ:

  • Khó thở
  • Đau ngực
  • Đau khi thở
  • Ho ra máu
  • Sốt và/hoặc rét run
  • Vị trí sinh thiết sưng, đỏ, hoặc chảy máu, chảy dịch bất thường.

Nên chọn sinh thiết phổi tốt nên chọn các cơ sở y tế lớn, có uy tín không chỉ trong hệ thống các bệnh viện nói chung mà còn phải nổi bật, đi đầu trong lĩnh vực chẩn đoán, điều trị ung thư phổi.

Để được tư vấn chi tiết về kỹ thuật sinh thiết phổi tại Vinmec, quý khách có thể đến trực tiếp hệ thống y tế Vinmec trên toàn quốc hoặc liên hệ đặt khám trực tuyến TẠI ĐÂY.

XEM THÊM:

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe