Bài viết bởi Bác sĩ Phùng Tuyết Lan - Trung tâm Nhi, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City
Ho là một phản xạ có điều kiện xuất hiện đột ngột và thường lặp đi lặp lại, nó có tác dụng giúp loại bỏ các chất bài tiết, chất có thể gây kích thích, các hạt ở môi trường bên ngoài và các vi khuẩn bám vào đường hô hấp. Bình thường trẻ em có thể ho vài tiếng trong thời gian ngắn mà không có biểu hiện bệnh lý. Ngoài ra, ho là biểu hiện triệu chứng của một tình trạng bệnh lý.
1. Nguyên nhân gây ho ở trẻ em
Tiếng ho ở trẻ em có thể ho khan hoặc ho có đờm. Trẻ có thể ho nhẹ hoặc nặng tiếng làm trẻ thấy khó thở.
Những nguyên nhân thường gặp gây ho ở trẻ em bao gồm:
- Nhiễm trùng đường thở hoặc ở phổi (bao gồm cảm cúm)
- Khi có vật làm tắc nghẽn đường thở
- Hen phế quản
- Các vấn đề khác của phổi, bao gồm dị tật bẩm sinh tại phổi
- Ho theo thói quen là kiểu ho thường biến mất khi trẻ đi ngủ
2. Khi nào cần đưa trẻ đi khám bệnh?
Cần đưa trẻ đến cơ sở y tế khi trẻ có các biểu hiện sau:
- Trẻ dưới 4 tháng tuổi
- Khi trẻ thở có vấn đề như thở tạo ra âm thanh bất thường hoặc thở nhanh
- Trẻ bị ho sau khi hóc thức ăn hoặc đồ vật
- Trẻ ho ra máu, dịch đờm có màu vàng xanh
- Trẻ có sốt
- Trẻ ho quá mạnh đến mức nôn trớ
- Trẻ ho kéo dài hơn 2 tuần và không có tiến triển tốt lên.
3. Trẻ cần làm những xét nghiệm gì?
Trẻ có thể cần làm một số xét nghiệm. Nhân viên y tế sẽ hỏi các dấu hiệu bất thường của trẻ và thăm khám tìm các triệu chứng lâm sàng kèm theo. Dựa vào độ tuổi và triệu chứng, bác sĩ chỉ định làm các xét nghiệm cận lâm sàng để tìm nguyên nhân gây ho, có thể bao gồm:
- Chụp Xquang phổi
- Công thức máu, Protein C phản ứng : xét nghiệm đánh giá phản ứng viêm
- Xét nghiệm tìm nguyên nhân gây viêm nhiễm đường hô hấp: ví dụ như nuôi cấy dịch tỵ hầu
- Test thở đánh giá chức năng hô hấp: thường áp dụng trẻ trên 6 tuổi
- Nội soi phế quản: là thủ thuật bác sĩ đưa ống nội soi có gắn camera vào đường hô hấp để tìm dị vật trong đường thở và lấy ra, hoặc đánh giá mức độ tổn thương của đường thở hoặc phát hiện các dị tật đường thở.
4. Một số biện pháp giúp trẻ giảm ho?
Nếu trẻ ho do nhiễm lạnh, viêm thanh quản hoặc một số nhiễm trùng khác, bố mẹ có thể:
- Cho trẻ uống nhiều nước hơn
- Sử dụng máy làm ẩm không khí trong phòng ngủ nếu có
- Bố mẹ đưa trẻ vào phòng tắm và xả nước dưới vòi hoa sen tạo hơi ẩm. Bố mẹ cần giám sát trong lúc trẻ ở phòng tắm
Bố mẹ không nên làm những điều sau:
- Không nên tự mua những thuốc ho không cần kê toa hoặc thuốc trị cảm cúm cho trẻ, đặc biệt trẻ dưới 6 tuổi.
- Không dùng Aspirin cho trẻ dưới 18 tháng tuổi. Vì thuốc này có thể gây hội chứng Reye ở trẻ nhỏ
5. Điều trị ho như thế nào?
Điều trị dựa vào nguyên nhân gây ho.
- Nếu trẻ bị nhiễm trùng đường hô hấp do nguyên nhân vi khuẩn có thể dùng kháng sinh
- Trẻ bị dị vật đường thở, bác sĩ có thể nội soi phế quản gắp dị vật.
Ngoài ra, để phòng tránh các bệnh lý mà trẻ nhỏ hay mắc phải, cha mẹ nên chú ý đến chế độ dinh dưỡng nâng cao sức đề kháng cho trẻ. Đồng thời bổ sung thêm thực phẩm hỗ trợ có chứa lysine, các vi khoáng chất và vitamin thiết yếu như kẽm, crom, selen, vitamin nhóm B,... giúp hỗ trợ hệ miễn dịch, tăng cường đề kháng để trẻ ít ốm vặt và ít gặp các vấn đề tiêu hóa.
Cha mẹ có thể tìm hiểu thêm:
Vì sao cần bổ sung Lysine cho bé?
Vai trò của kẽm - Hướng dẫn bổ sung kẽm hợp lý
Hãy thường xuyên truy cập website Vinmec.com và cập nhật những thông tin hữu ích để chăm sóc cho bé và cả gia đình nhé.
Nguồn tham khảo: uptodate.com