Bài viết bởi Tiến sĩ, Bác sĩ Đỗ Minh Hùng - Trưởng khoa Ngoại tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.
Ung thư đại trực tràng là ung thư phổ đứng hàng thứ ba ở nam và nữ tại Mỹ. Đây là nguyên nhân đứng thứ hai gây tử vong do ung thư. Tuy nhiên, ung thư đại trực tràng có tỉ lệ chữa khỏi bệnh khá cao khi nó được phát hiện sớm.
1. Ung thư đại trực tràng là gì?
Ung thư đại trực tràng là kết quả của các tế bào ung thư hình thành trong niêm mạc đại tràng hoặc trực tràng. Những dạng ung thư này có nhiều điểm chung và thường được nhắc đến cùng nhau dưới dạng ung thư đại trực tràng.
Ung thư đại trực tràng thường bắt đầu như một u lành được biết như một polyp (93% từ polyp tuyến). U tuyến là một loại polyp và là những khối u lành tính của niêm mạc đại tràng hoặc trực tràng. Hầu hết các polyp vẫn lành tính, nhưng về lâu dài một số u tuyến có khả năng chuyển thành ung thư (3-5 năm). Vì vậy, tất cả các trường hợp polyp phải được kiểm tra sự hiện diện của các tế bào ung thư. Nếu được cắt bỏ sớm sẽ ngăn được diễn tiến thành ung thư của các polyp này.
2. Tỉ lệ mắc bệnh ung thư đại trực tràng?
Ung thư đại tràng là nguyên nhân tử vong thứ 3 ở Việt Nam. Ở những người có nguy cơ cao, cứ 20 người lại có 1 người mắc bệnh. 90% trường hợp mới xuất hiện ở người trên 50 tuổi. Nguy cơ mắc ung thư cao nhất là ở những người có người thân mắc bệnh. Số trường hợp mắc ung thư đại trực tràng mới ngày càng nhiều ở Việt Nam.
3. Triệu chứng của ung thư đại tràng là gì?
Hầu hết những người bị ung thư đại trực tràng sẽ không biết cho đến khi họ được tầm soát bệnh ung thư đại trực tràng. Đó là bởi vì hầu hết các trường hợp không có triệu chứng. Tuy nhiên, những người có triệu chứng có thể bị:
- Táo bón
- Tiêu máu
- Phân lỏng hoặc tiêu chảy
- Máu trong phân
- Khó chịu ở bụng
- Mệt mỏi không rõ nguyên nhân
- Chán ăn
- Sụt cân
- Đau ở bụng dưới
4. Nguyên nhân gây ra ung thư là gì?
Nguyên nhân chính xác gây ra ung thư vẫn không được biết rõ. Tuy nhiên, có những yếu tố làm tăng nguy cơ ung thư đại trực tràng. Một số yếu tố nguy cơ mắc bệnh ung thư đại trực tràng là ngoài tầm kiểm soát của bạn.
Các yếu tố nguy cơ không thể kiểm soát bao gồm:
- Bệnh viêm đường ruột (IBD bao gồm viêm loét đại trực tràng và bệnh Crohn)
- Polyp đại tràng
- Tuổi trên 50
- Tiền sử gia đình mắc bệnh ung thư đại trực tràng
- Tiền sử ung thư vú hoặc ung thư buồng trứng
Tuy nhiên, có những yếu tố nguy cơ khác mà bạn có thể kiểm soát. Các yếu tố nguy cơ sau đây có thể được điều chỉnh:
- Ăn chế độ ăn nhiều thịt đỏ hoặc chế biến, hoặc ăn thịt nấu chín ở nhiệt độ cao
- Thừa cân hoặc béo phì
- Tập thể dục không đầy đủ
- Hút thuốc lá
- Uống rượu
5. Làm thế nào để chẩn đoán ung thư đại trực tràng?
Các triệu chứng của ung thư đại trực tràng có thể nhầm lẫn với các bệnh lý khác vì vậy bạn nên gặp bác sĩ nếu có bất kỳ triệu chứng nào nghi ngờ.
Nếu nghi ngờ ung thư đại trực tràng, bác sĩ sẽ thăm khám trực tràng và chỉ định một số xét nghiệm:
- Chụp X-quang đại tràng cản quang
- Nội soi đại trực tràng qua đó có thể xử trí những sang thương polyp hoặc sinh thiết.
- CT scan hoặc MSCT bụng
6. Các giai đoạn của ung thư đại tràng là gì?
Giai đoạn là tiến trình xác định cách một khối u đã lan rộng ra khỏi vị trí ban đầu của nó. Giai đoạn có thể không liên quan đến kích thước của khối u. Quyết định điều trị cũng phụ thuộc vào giai đoạn của khối u.
Ung thư đại trực tràng được chia thành 5 giai đoạn từ giai đoạn 0 đến 1, 2, 3, 4.
7. Ung thư đại trực tràng được điều trị như thế nào?
Có những phương pháp điều trị chính cho những người bị ung thư đại trực tràng:
Phẫu thuật: Tùy theo u ở giai đoạn nào mà có thể được cắt tại chỗ qua nội soi ống mềm, hay cắt đoạn đại tràng, trực tràng kèm nạo vét hạch qua mổ mở hay phẫu thuật nội soi. Khi ung thư tiến triển, phẫu thuật chủ yếu là cắt giảm khối ung thư, có thể phải mở thông đại tràng ra da hoặc nối tắc trong những trường hợp không cắt được
Hóa trị: Dùng thuốc để tiêu diệt tế bào ung thư. Hóa trị thường được tiến hành sau phẫu thuật nếu ung thư đã lan đến các hạch bạch huyết. Bằng cách này, hóa trị liệu có thể giúp giảm nguy cơ tái phát ung thư. Hóa trị có thể được sử dụng trước khi phẫu thuật để thu nhỏ khối u. Hóa trị cũng có thể được chỉ định để làm giảm triệu chứng của ung thư đại trực tràng đã lan rộng đến các cơ quan khác. Ngày nay, điều trị nhắm trúng đích là một “vũ khí” tốt trong điều trị ung thư.
Xạ trị: Dùng tia xạ để tiêu diệt tế bào ung thư có thể còn lại sau khi phẫu thuật, để thu nhỏ khối u lớn trước khi phẫu thuật để có thể cắt u một cách dễ dàng hơn, hoặc để làm giảm triệu chứng của bệnh.
Điều trị hỗ trợ (giảm nhẹ): Mục đích giảm đau và các triệu chứng khác nhằm cải thiện chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân
Liệu pháp thay thế: Những người ung thư thường buồn bã, tức giận, khó tập trung, khó ngủ và chán ăn. Phương pháp điều trị thay thế có thể giúp chuyển hướng suy nghĩ của bệnh nhân, ít nhất là tạm thời. Phương pháp điều trị thay thế có thể bằng nghệ thuật trị liệu, chuyển động trị liệu, tập thể dục, thiền, âm nhạc trị liệu, các bài tập thư giãn
8. Tầm soát ung thư đại trực tràng bằng cách nào?
Chế độ ăn uống nhiều chất xơ, ngủ đủ, tập thể dục và kiểm soát chất béo cơ thể có thể ngăn chặn 45% ung thư đại trực tràng. Ngoài ra, tầm soát ung thư định kỳ 6 tháng/lần là cách để phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm.
Tầm soát rất quan trọng vì ung thư đại trực tràng ở giai đoạn đầu thường không có bất kỳ triệu chứng nào. Tầm soát có thể phát hiện bệnh ung thư trước khi nó gây ra các triệu chứng, khi cơ hội có thể chữa khỏi được nhiều nhất. .
Khuyến cáo hầu hết mọi người ≥ 50 tuổi nên nội soi đại tràng để phát hiện ung thư ở giai đoạn sớm.
9. Tiên lượng của ung thư đại tràng là gì?
Giai đoạn cao hơn có nghĩa là ung thư nghiêm trọng hơn và tiên lượng xấu hơn. Bệnh nhân ung thư ở giai đoạn I có tỷ lệ sống 5 năm 74%, trong khi tỉ lệ này giảm còn 6% cho các khối u giai đoạn IV.
Tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park (TP. HCM) áp dụng kỹ thuật mới – Phẫu thuật ít xâm lấn bằng robot (robotic surgery) với robot cầm tay điều trị ung thư đại trực tràng.
Phương pháp này đang có nhiều ưu thế so với cả phẫu thuật nội soi kinh điển và mổ robot như: Dụng cụ có đầu phẫu thuật hoạt động linh hoạt như khớp cổ tay giúp tiếp cận được những góc hẹp, tăng khả năng bóc tách và ít gây tổn thương cho các vùng lân cận so với phẫu thuật nội soi cổ điển; Đèn nội soi tự động hóa qua giọng nói, laser, theo dõi bằng mắt,... giúp bác sĩ chủ động điều khiển và có tầm nhìn và sự kiểm soát tốt hơn, tăng sự chính xác và an toàn trong thực hiện phẫu thuật; Với ưu điểm nhỏ gọn, phẫu thuật bằng cánh tay robot ít xâm lấn và có nhiều lợi điểm như đường mổ nhỏ, ít đau, nguy cơ nhiễm trùng thấp, từ đó giúp khách hàng ít mất máu trong phẫu thuật, phục hồi nhanh; Chi phí thực hiện thấp hơn nhiều phẫu thuật bằng robot.
>>> Khách hàng có thể tham khảo thông tin: Phẫu thuật về trong ngày (Day surgery, outpatient surgery)
Người bệnh sẽ được tư vấn và điều trị cùng các bác sĩ nội soi giàu kinh nghiệm và được trực tiếp phẫu thuật bởi bác sĩ Đỗ Minh Hùng – Trưởng khoa Ngoại Tổng hợp – Bệnh viện ĐKQT Vinmec Central Park. Bác sĩ Hùng đã có hơn 25 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Ngoại Tổng quát và thực hiện hàng chục công trình nghiên cứu khoa học có giá trị, công bố nhiều kỹ thuật phẫu thuật độc đáo, mang lại hiệu quả điều trị tích cực.
Để đăng ký khám và điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park, Quý Khách vui lòng liên hệ Hotline: 0283 6221 166 hoặc đăng ký trực tuyến TẠI ĐÂY.