Trĩ vòng là tình trạng các búi trĩ chiếm phần lớn chu vi của hậu môn. Hiện nay có nhiều phương pháp phẫu thuật lấy toàn bộ trĩ vòng, trong đó phẫu thuật Longo là kỹ thuật được đánh giá cao với nhiều ưu điểm như an toàn, hiệu quả, bệnh nhân ít đau sau mổ.
1. Trĩ vòng là gì?
Trĩ là các tĩnh mạch ở trực tràng dưới và hậu môn của bạn bị sưng lên. Chúng có thể phát triển ở vùng da xung quanh hậu môn (trĩ ngoại) hoặc bên trong trực tràng (trĩ nội). Đây là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất của bệnh lý hậu môn và được cho là nguyên nhân gây ra hầu như bất kỳ phàn nàn nào về hậu môn trực tràng của bệnh nhân. Sự nhầm lẫn thường nảy sinh bởi vì thuật ngữ "trĩ" đã được sử dụng để chỉ cả cấu trúc giải phẫu bình thường và cấu trúc bệnh lý. Trong khuôn khổ bài viết này, "trĩ" đề cập đến biểu hiện bệnh lý của đệm tĩnh mạch trĩ.
Bệnh trĩ được phân loại thành:
- Trĩ nội: là tình trạng các búi trĩ nằm phía trên đường lược.
- Trĩ ngoại: Các búi trĩ ở dưới đường lược và thường được che phủ bởi niêm mạc hoặc da ở rìa hậu môn.
- Trĩ hỗn hợp: phần trĩ nội hợp lại với phần trĩ ngoại tạo thành trĩ hỗn hợp.
- Trĩ vòng: là tình trạng búi trĩ hỗn hợp liên kết với nhau và chiếm gần hết chu vi hậu môn
Đa số người lớn thỉnh thoảng sẽ bị trĩ. Nguyên nhân thường là do áp lực căng thẳng tăng lên khi đi tiêu, mang thai hoặc thừa cân.
2. Điều trị trĩ vòng như thế nào?
Hầu hết mọi người sẽ thấy bệnh trĩ thuyên giảm với các biện pháp khắc phục tại nhà hoặc các thủ thuật xâm lấn tối thiểu. Tuy nhiên, một số người sẽ tiếp tục cảm thấy khó chịu vì các búi trĩ lớn hoặc nặng, và bác sĩ có thể khuyên bạn nên phẫu thuật cắt bỏ chúng.
Hiện nay có nhiều phương pháp phẫu thuật cắt toàn bộ trĩ vòng chủ yếu là phẫu thuật Whitehead, phẫu thuật Toupet, phẫu thuật Longo, phẫu thuật Milligan- Morgan, phẫu thuật Ferguson hoặc triệt mạch treo trĩ.
3. Chuẩn bị trước phẫu thuật cắt trĩ vòng
Người bệnh và gia đình được giải thích biết rõ tình trạng bệnh và tình trạng chung của người bệnh, về khả năng phẫu thuật sẽ thực hiện, về các tai biến, có thể gặp do phẫu thuật, do gây mê hoặc do cơ địa của người bệnh.
Tối hôm trước ngày phẫu thuật, bệnh nhân sẽ được thụt tháo sạch phân, có thể thụt thuốc tẩy như Fleet,...không cần phải tẩy sạch như phẫu thuật đại trực tràng và dùng thuốc an thần.
Cạo lông quanh hậu môn: thực hiện sau khi gây tê vùng hoặc gây mê.
Vào ngày thực hiện phẫu thuật, bệnh nhân nhịn ăn, uống, đi tiểu trước khi lên bàn mổ.
4. Cách tiến hành của các phương pháp phẫu thuật cắt trĩ vòng hiện nay
4.1. Phẫu thuật Whitehead ( Anh– 1882)
Lấy toàn bộ búi trĩ và niêm mạc ống hậu môn bằng bốn đường rạch dọc theo trục hậu môn, khâu nối niêm mạc trực tràng với phần da rìa hậu môn. Hiện nay phương pháp này ít sử dụng do có nhiều biến chứng như đại tiện không tự chủ, sẹo chít hẹp hậu môn, sa niêm mạc trực tràng...
4.2. Phẫu thuật Toupet (Pháp – 1965)
Tương tự như phẫu thuật Whitehead nhưng khác ở điểm là phẫu tích bắt đầu từ đường lược để bảo tồn niêm mạc ống hậu môn.
4.3. Phẫu thuật Longo (Ý – 1983)
Tháng 8/ 1998, tại hội nghị phẫu thuật nội soi quốc tế lần thứ 6 ở Rome, Antonio Longo đã trình bày phương pháp phẫu thuật để điều trị trĩ vòng bằng cách cắt một vòng niêm mạc, dưới niêm mạc trực tràng trên đường lược nhằm kéo búi trĩ và niêm mạc trực tràng sa trở về vị trí cũ đồng thời loại bỏ nguồn máu đi từ dưới niêm mạc tới cho các búi trĩ. Phương pháp này được đánh giá có nhiều ưu điểm như an toàn, hiệu quả, kỹ thuật dễ thực hiện, bệnh nhân ít đau sau mổ và nhanh chóng trở về sinh hoạt bình thường.
4.4. Một số phương pháp khác
- Triệt mạch trĩ: thường chỉ định cho trĩ vòng nhỏ.
- Phẫu thuật Milligan-Morgan hoặc phẫu thuật Ferguson
5. Theo dõi và xử lý tai biến sau phẫu thuật cắt trĩ vòng
5.1. Theo dõi sau phẫu thuật
- Bệnh nhân thường được cho dùng kháng sinh toàn thân 5 ngày, dùng giảm đau loại Paracetamol và morphin nếu cần thiết. Ngoài ra, có thể uống thêm thuốc nhuận tràng, tránh táo bón đọng phân trong trực tràng gây kích thích đại tiện, gây đau kéo dài. Người bệnh có thể bắt đầu ăn trở lại sau mổ 12 giờ. Với một số trường hợp đặc biệt, để tránh nguy cơ nhiễm trùng, có thể cho người bệnh nhịn ăn và nuôi dưỡng tĩnh mạch, gây táo bón bằng thuốc Imodium trong 2 đến 5 ngày.
- Săn sóc tại chỗ: giữ vệ sinh vết mổ (sau đại tiện cần rửa sạch hậu môn, thấm khô) Thay băng vết mổ hàng ngày.
5.2. Xử trí tai biến sau phẫu thuật
- Đau: Dùng thuốc giảm đau Paracetamol.
- Chảy máu: ít gặp. Nếu chảy máu nhiều không thể tự cầm, cần báo bác sĩ kiểm tra lại vết mổ để cầm máu
- Bí tiểu: Thường gặp sau khi gây tê tủy sống, hoặc do bệnh nhân đau nhiều gây khó tiểu tiện. Nếu cần có thể đặt sonde bàng quang
- Mất tự chủ hậu môn: Ít gặp.
- Nhiễm trùng, tụ dịch vết mổ: Thay băng vết mổ thường xuyên
- Hẹp ống hậu môn: Ít gặp
6. Các biện pháp phòng ngừa trĩ vòng
Giữ phân mềm và tránh rặn khi đi tiêu là cách tốt nhất để ngăn ngừa bệnh trĩ. Dưới đây là một số mẹo để phòng ngừa bệnh trĩ:
- Ăn thực phẩm giàu chất xơ: Thêm nhiều ngũ cốc nguyên hạt, trái cây và rau vào chế độ ăn uống của bạn sẽ làm mềm phân và tăng khối lượng. Điều này có thể giúp giảm căng thẳng khi đại tiện, nguyên nhân gây ra bệnh trĩ. Tuy nhiên, bạn nên bổ sung chất xơ vào chế độ ăn uống của mình một cách từ từ để giảm khả năng bị dư thừa khí.
- Giữ đủ nước: Uống nhiều nước và các chất lỏng khác (trừ rượu) suốt cả ngày sẽ giúp phân mềm. Sáu đến tám ly nước mỗi ngày là đủ đối với hầu hết mọi người.
- Cân nhắc bổ sung chất xơ: Hầu hết mọi người không có đủ chất xơ thông qua chế độ ăn uống của họ. Lượng chất xơ được khuyến nghị là 20 đến 30 gam mỗi ngày. Nếu bạn không cung cấp đủ chất xơ trong chế độ ăn uống của mình, hãy cân nhắc việc bổ sung chất xơ không kê đơn. Uống nhiều nước là điều quan trọng khi bổ sung chất xơ. Uống bổ sung chất xơ mà không cung cấp đủ nước có thể gây táo bón hoặc làm bệnh trầm trọng hơn.
- Nín thở hoặc rặn khi cố gắng đi đại tiện có thể khiến hình thành bệnh trĩ.
- Vận động: Ngay cả tập thể dục vừa phải như đi bộ cũng có thể giúp ngăn ngừa táo bón dẫn đến bệnh trĩ. Duy trì hoạt động cũng có thể giúp giảm cân thừa, điều này có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của trĩ.
- Tránh ngồi lâu: Ngồi quá lâu, đặc biệt là trên bồn cầu, làm tăng áp lực xung quanh hậu môn và góp phần gây ra bệnh trĩ.
Hiện nay, tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec đã áp dụng thành công các phương pháp điều trị trĩ áp dụng cho các loại trĩ khác nhau với phân độ khác nhau đặc biệt là phương pháp phẫu thuật longo để điều trị các ca trĩ vòng khó xử lý. Điều trị trĩ bằng phương pháp Longo được chỉ định trong trường hợp bị trĩ độ 2-3, thích hợp với người mắc trĩ vòng với những ưu điểm vượt trội:
- Giảm đau hơn nhiều so với phương pháp cắt trĩ kinh điển do vùng phẫu thuật nằm trên đường lược của ống hậu môn, nơi ít thần kinh cảm giác
- Không có vết thương hở ở hậu môn, dễ dàng chăm sóc hậu phẫu
- Rút ngắn thời gian nằm viện (trung bình nằm viện 1-2 ngày) và đảm bảo tính thẩm mỹ, không có biến chứng hẹp hậu môn do sẹo, xơ.
Tại Vinmec, máy EEA thế hệ mới của hãng Medronic - Covidien (Mỹ) với công nghệ DST được sử dụng giúp cầm máu tốt, đảm bảo đường khâu cắt vững chắc với khoang chứa dung tích lớn cho phép cắt triệt để khoanh niêm mạc kèm trĩ nội.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.