Bệnh động mạch vành (CAD) rất thường gặp, thậm chí là loại bệnh tim phổ biến nhất. Mặc dù nó là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên thế giới, nhưng có rất nhiều điều bạn có thể làm để ngăn chặn hoặc điều trị bệnh này.
1. Nguyên nhân gây ra bệnh động mạch vành
Bắt đầu từ khi ta còn nhỏ, mảng bám - sự kết hợp của cholesterol, chất béo và các chất khác - bắt đầu dính vào thành các mạch máu của bạn. Nó tích tụ theo thời gian, làm cho các động mạch trở nên cứng hơn và hẹp hơn, mà các bác sĩ gọi là xơ vữa động mạch.
Trong một số trường hợp, mảng bám có thể nứt hoặc vỡ. Ở đó, các tế bào máu được gọi là tiểu cầu sẽ kéo đến, cố gắng “sửa chữa” động mạch và hình thành cục máu đông. Giống như các mảng bám gây tắc ống nước, sự tích tụ này ngăn chặn dòng máu chảy tự do qua các động mạch. Máu mang oxy và chất dinh dưỡng đến tim. Nếu tim không nhận được đủ, nó có thể dẫn đến khó thở và đau ngực (đau thắt ngực).
Không có đủ oxy, tim có thể trở nên yếu hơn. Điều này có thể dẫn đến nhịp tim không đều (loạn nhịp tim). Nó cũng có thể gây ra suy tim, có nghĩa là tim không thể bơm đủ máu đi khắp để đáp ứng nhu cầu của cơ thể.
Nếu một mảng bám phát triển lớn đến mức làm ngừng lưu lượng máu đến cơ tim, bạn có thể bị nhồi máu cơ tim. Tuy nhiên, hầu hết thời gian, các cơn đau tim xảy ra từ các mảng nhỏ bị vỡ.
2. Các triệu chứng bệnh động mạch vành
Trong giai đoạn đầu, bạn có thể không có bất kỳ triệu chứng nào. Nhưng khi các mảng bám tiếp tục tích tụ và hạn chế lưu lượng máu đến cơ tim, bạn có thể nhận thấy rằng bạn khó thở hoặc mệt mỏi, đặc biệt là trong khi gắng sức.
Triệu chứng phổ biến nhất của BMV là đau thắt ngực. Một số người nhầm nó với chứng ợ nóng hoặc khó tiêu.
Với đau thắt ngực, ngực của bạn cảm thấy khó chịu. Bạn cũng có thể thấy đau ở vai, cánh tay, lưng hoặc hàm. Bạn có thể cảm thấy: Tức ngực, Không thoải mái, Nặng ngực, Bóp nghẹt, Cháy rát, Ngực bị đè ép, Cảm giác đầy bụng, Đau nhức....
Nếu bạn có bất kỳ triệu chứng nào sau đây, hãy gọi cấp cứu ngay lập tức:
- Đau ngực, đặc biệt là ở giữa ngực hoặc bên ngực trái, kéo dài trong vài phút, hoặc biến mất và quay trở lại. Bạn có thể cảm thấy như áp lực, ép, đầy, hoặc đau. Một số người nhầm nó với chứng khó tiêu hoặc ợ nóng.
- Khó chịu ở bất kỳ phần nào ở nửa trên cơ thể của bạn. Nó có thể ở một hoặc cả hai cánh tay, vai, cổ, hàm hoặc phần trên của dạ dày.
- Khó thở, có hoặc không có khó chịu ở ngực
- Buồn nôn hoặc nôn, chóng mặt hoặc ra mồ hôi lạnh
- Phụ nữ thường có các triệu chứng đau tim khác với nam giới. Trong khi đau ngực vẫn là chủ yếu, phụ nữ có nhiều khả năng mắc các triệu chứng khác, như khó thở, mệt mỏi cực độ, buồn nôn, nôn và đau lưng hoặc quai hàm.
3. Những đối tượng nguy cơ cao mắc bệnh động mạch vành
Bệnh động mạch vành (BMV) hay gặp khi bạn lớn tuổi hoặc nếu có tiền sử thành viên gia đình bị bệnh này . Ngoài ra bạn có thể có nhiều yếu tố nguy cơ khác gây bệnh mạch vành, bao gồm:
- Cholesterol và triglyceride tăng cao
- Huyết áp cao
- Hút thuốc
- Ít tập thể dục
- Căng thẳng, trầm cảm và tức giận
- Chế độ ăn uống không lành mạnh
- Uống quá nhiều rượu
- Hội chứng chuyển hóa
- Bệnh tiểu đường
4. Chẩn đoán bệnh động mạch vành như thế nào ?
Bác sĩ sẽ kiểm tra và nói chuyện với bạn về các triệu chứng, rủi ro và tiền sử gia đình. Bạn cũng có thể được chỉ định các thăm dò như:
- Điện tâm đồ (ĐTĐ): Đo hoạt động điện tim và có thể đánh giá tổn thương tim
- Nghiệm pháp gắng sức, bao gồm đi bộ trên máy chạy bộ hoặc đạp xe đạp tại chỗ trong phòng khám đồng thời theo dõi ĐTĐ, nhịp tim và huyết áp của bạn. Có thể bác sĩ sẽ đồng thời làm siêu âm tim trong quá trình gắng sức để đánh giá chính xác hơn tình trạng thiếu máu cơ tim
- X-quang ngực
- Xét nghiệm máu để kiểm tra mức độ glucose trong máu, cholesterol và triglycerid
- Chụp mạch vành: Bác sĩ luồn một ống rất mảnh nhỏ, mềm (gọi là ống thông) qua mạch máu ở cánh tay hoặc đùi vào tim bạn. Bác sĩ tiêm thuốc cản quang qua ống thông và sau đó sử dụng video X-quang để xem các mạch máu và các buồng tim của bạn.
5. Điều trị bệnh động mạch vành
Tùy thuộc vào tình trạng bệnh lý của bạn, kế hoạch điều trị của bạn có thể bao gồm:
Thay đổi lối sống: Biện pháp này đã được chứng minh là có hiệu quả tốt
- Ưu tiên thực phẩm ít chất béo, ít ngọt đường và natri.
- Nếu bạn hút thuốc, hãy bỏ thuốc lá.
- Vân động hàng ngày, lý tưởng trong 30 phút trở lên mỗi ngày (trước tiên, hãy hỏi bác sĩ liệu có bất kỳ hạn chế nào trong việc tập luyện).
- Cố gắng phấn đấu để có trọng lượng cơ thể hợp lý, khỏe mạnh.
- Tìm hiểu những cách hiệu quả để kiểm soát căng thẳng của bạn.
Điều trị bằng thuốc:
- Nếu những thay đổi lối sống nói trên không đủ, bạn cũng có thể cần dùng thuốc để giúp tim khỏe mạnh hơn. Chúng có thể bao gồm chất làm loãng máu (thuốc chống đông máu – aspirin) và các loại thuốc chống đông máu khác, thuốc ức chế men chuyển, thuốc chẹn beta, nitroglycerin, thuốc chẹn kênh canxi, statin hoặc PCSK9.
Tái thông mạch máu:
- Thủ thuật này có thể tái thông các động mạch bị tắc hoặc hẹp mà không cần mổ ngực của bạn. Để nong mạch vành, bác sĩ luồn một ống nhỏ, mềm với quả bóng nhỏ ở đầu ống, xuyên qua các mạch máu của bạn cho đến khi nó đến được động mạch bị tắc. Sau đó, bác sĩ bơm phồng quả bóng, ép động mạch mở ra để máu có thể chảy nhiều hơn. Trong nhiều trường hợp, một ống nhỏ gọi là stent cũng được đưa vào để giữ cho mạch máu không xẹp lại. Bạn sẽ ở lại bệnh viện trong vài ngày hoặc ít hơn.
Mổ bắc cầu động mạch vành:
- Mổ bắc cầu động mạch vành là một loại phẫu thuật trong đó các bác sĩ sử dụng các mạch máu từ các bộ phận khác của cơ thể để tạo đường vòng qua chỗ tắc động mạch vành của bạn. Đó là một thủ thuật lớn và bạn có thể cần phải ở trong bệnh viện ít nhất 5 ngày.
6. Phòng ngừa bệnh động mạch vành
Luôn cảnh giác trước các yếu tố nguy cơ bệnh mạch vành của bạn. Nói chuyện với bác sĩ của bạn về việc kiểm soát cholesterol, huyết áp và lượng đường trong máu. Nếu bạn bị cholesterol cao, huyết áp cao hoặc bệnh tiểu đường, điều quan trọng là phải kiểm soát các tình trạng đó.
Đặt mục tiêu điều chỉnh cân nặng hợp lý. Nếu bạn không chắc chắn trọng lượng mục tiêu của bạn là bao nhiêu, hãy hỏi bác sĩ của bạn. Và kể cả về lý thuyết bạn phải giảm nhiều cân, hãy nhớ rằng nếu chỉ giảm được ít cân thì cũng đã có lợi cho sức khỏe.
Tránh khói thuốc lá: nếu bạn hút thuốc, hãy bỏ thuốc lá. Tránh xa khói thuốc.
Hạn chế rượu bia: một chút rượu bia có thể có một số lợi ích cho tim, nhưng quá nhiều sẽ là nguy cơ cao. Đàn ông không nên uống nhiều hơn hai ly rượu và phụ nữ không nên uống nhiều hơn một ly mỗi ngày.
Ăn uống thông minh. Tránh chất béo (có trong nhiều món nướng và thực phẩm chiên và chế biến sẵn). Ăn nhiều thực phẩm giàu chất xơ, chẳng hạn như trái cây và rau, ngũ cốc nguyên hạt và đậu. Hạn chế mặn. Ăn thêm cá béo, chẳng hạn như cá hồi, cá ngừ hoặc cá thu .... Do chúng có hàm lượng chất béo omega-3 tốt cho tim.
Luyện tập thể dục đều đặn. Bạn cần có ít nhất 30 phút tập thể dục cường độ vừa phải (như làm vườn hoặc đi xe đạp khiến tim bạn đập nhanh hơn nhưng không quá gắng sức) trong 5 ngày trở lên mỗi tuần. Nói chuyện với bác sĩ của bạn trước khi bạn bắt đầu một đợt tập thể dục mới.
Quản lý mức độ căng thẳng của bạn. Sử dụng các biện pháp như tập thể dục, thiền và các hoạt động lành mạnh khác để giúp bạn thư giãn.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.