Những điều cần biết khi chụp nhũ ảnh

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Thị Mai Anh - Bác sĩ Chẩn đoán hình ảnh - Khoa Chẩn đoán hình ảnh và Y học hạt nhân - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.

Chụp nhũ ảnh (Mammography) là một phương pháp sàng lọc ung thư vú ở phụ nữ. Những hình chụp này có thể cho thấy những bất thường ở vú không được tìm thấy trong quá trình khám lâm sàng.

1. Mục đích của việc chụp nhũ ảnh

  • Chụp nhũ ảnh để sàng lọc ung thư

Chụp nhũ ảnh (Mammography) là phương pháp chẩn đoán hình ảnh tuyến vú đặc biệt với việc sử dụng tia X liều thấp để ghi lại hình ảnh chi tiết của tuyến vú nhằm phát hiện sớm ung thư vú, ngay cả khi chưa biểu hiện triệu chứng trên lâm sàng, từ đó giúp người bệnh được điều trị bệnh ở giai đoạn sớm.

  • Chụp nhũ ảnh để chẩn đoán bệnh

Bác sĩ có thể chỉ định chụp nhũ ảnh để tìm nguyên nhân lý giải các triệu chứng và xác định bệnh. Chụp nhũ ảnh chẩn đoán có thể được thực hiện trong các trường hợp sau:

  1. Sờ thấy khối bất thường trong quá trình khám lâm sàng
  2. Xuất hiện các triệu chứng khác: chảy dịch núm vú, tụt núm vú mới xuất hiện, đau vú, hạch nách, vú to nam giới...
  3. Sinh thiết, định vị kim dây

Chụp nhũ ảnh chẩn đoán thường chụp nhiều hình ảnh vú hơn chụp nhũ ảnh sàng lọc.

2. Ai sẽ là người thực hiện chụp nhũ ảnh cho bệnh nhân?

Việc chụp nhũ ảnh được thực hiện bởi kỹ thuật viên và việc bác sỹ chẩn đoán hình ảnh sẽ là người đọc kết quả.

3. Người bệnh cần chuẩn bị những điều gì trước khi chụp nhũ ảnh?

  • Bệnh nhân cần phải trao đổi với bác sĩ hoặc nhân viên y tế - hãy trao đổi về bất kỳ triệu chứng nào bạn đang có. Nếu đang mang thai hoặc đang cho con bú, bác sĩ có thể sẽ hoãn việc chụp nhũ ảnh.
  • Thời gian thích hợp để chụp nhũ ảnh là một tuần sau khi kỳ kinh của bạn kết thúc. Đây là thời gian vú ít nhạy cảm nhất.

Những lưu ý cần thông báo cho bác sĩ

  1. Implant vú
  2. Đã từng thực hiện phẫu thuật vú
  3. Bạn đang có thai hoặc đang cho con bú

Hãy trao đổi đầy đủ thông tin để kỹ thuật viên có thể chụp nhũ ảnh một cách chính xác và bác sĩ chẩn đoán hình ảnh đọc kết quả rõ ràng hơn.

4. Chụp nhũ ảnh được thực hiện như thế nào?


Chụp nhũ ảnh
Chụp nhũ ảnh

Việc chụp nhũ ảnh thường kéo dài từ 10 đến 15 phút. Bệnh nhân sẽ thay đồ và mặc áo choàng đã được chuẩn bị sẵn. Kỹ thuật viên sẽ yêu cầu hít vào sâu khi bắt đầu chụp.

  1. Người bệnh sẽ đặt vú lên một mặt phẳng.
  2. Một tấm plastic sẽ được dùng để đè lên bên trên. Việc ép làm giảm chiều dày vú nên giảm được liều tia, giữ chặt vú giảm nhòe hình và dàn mỏng tuyến vú để tách các cấu trúc ra giúp quan sát tốt hơn.

Thông thường đối với chụp nhũ ảnh sàng lọc, kỹ thuật viên sẽ thường chụp vú với hai tư thế thẳng trên dưới (CC – Craniocaudal)) và chếch giữa bên (MLO – Mediolateral oplique). Khi chụp nhũ ảnh chẩn đoán người bệnh sẽ chụp hai tư thế CC và MLO, nếu có nghi ngờ tổn thương sẽ có thể được chụp bổ sung thêm một số tư thế khác để có thêm thông tin.

Áp lực từ việc ép vú có thể sẽ cảm thấy bạn khó chịu, nhưng cảm giác chỉ là thoáng qua và sẽ giúp bác sĩ chẩn đoán hình ảnh có thể phát hiện các bất thường nhỏ và đọc kết quả tốt hơn.

Tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec toàn bộ dữ liệu hình ảnh của chụp nhũ ảnh cũng như các chẩn đoán hình ảnh tuyến vú khác được lưu trữ lâu dài trên hệ thống PACS. Hệ thống này như là một phần của bệnh án điện tử, thuận tiện cho việc theo dõi, so sánh tổn thương ở những lần thăm khám kế tiếp giúp nâng cao giá trị chẩn đoán.

Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Thị Mai Anh đã có gần 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Chẩn đoán hình ảnh đặc biệt trong chẩn đoán hình ảnh ung thư vú, giáp. Được đào tạo chính quy tại trường Đại học Y Thái Bình và đào tạo chuyên khoa sau đại học tại trường Đại Học Y Hà Nội. Hiện bác sĩ đang là bác sĩ Chẩn đoán hình ảnh tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe