Chúng ta đang trải qua những ngày đầy lo lắng về căn bệnh viêm phổi cấp do virus corona chủng mới gây ra (Covid-19) khi số lượng người nhiễm bệnh không ngừng tăng lên, đặc biệt là tâm dịch ở thành phố Vũ Hán, Trung Quốc. Căn bệnh đa lây lan ra nhiều nước trên thế giới, mọi người đang lo sợ căn bệnh này sẽ trở thành một đại dịch mới của nhân loại. Trên thực tế là con người chúng ta đã trải qua nhiều đại dịch bệnh lớn trên toàn thế giới, với mức độ tàn phá rất nguy hiểm.
1. Các dịch bệnh nguy hiểm nhất thế giới
Đại dịch là một dịch bệnh đã lan rộng ra khắp các biên giới quốc tế, nhưng khác với một bệnh lưu hành phổ biến ảnh hưởng đến ít người. Trong suốt chiều dài lịch sử, đã có nhiều đại dịch như đậu mùa, bệnh lao,... Nhưng có lẽ đại dịch tàn khốc nhất chính là Cái chết đen đã cướp đi sinh mạng của khoảng 100 triệu người trong thế kỷ XIV.
1.1. Dịch hạch
Từ năm 430 đến năm 426 Trước Công Nguyên, bệnh dịch hạch ở Athens đã làm suy yếu sự thống trị của thành phố trong Chiến tranh Peloponnesian khi bệnh thương hàn đã giết chết một phần tư quân đội Athen và một phần tư dân số khác trong bốn năm trước đó. Nhưng trong dịch bệnh này, độc lực của mầm bệnh đã giết chết vật chủ với tốc độ nhanh hơn khả năng nhân lên của nó, chính điều ngày đã ngăn cản sự lây lan rộng lớn của mầm bệnh.
Nguồn gốc của bệnh dịch hạch này vẫn còn là điều bí ẩn cho đến tháng 1 năm 2006 khi Tạp chí Khoa học Mỹ công bố rằng các nhà nghiên cứu đến từ Đại học Athens đã phân tích mẫu răng phục hồi từ một ngôi mộ tập thể ở Athens và xác nhận sự hiện diện của vi khuẩn gây ra bệnh thương hàn.
Từ năm 165 đến năm 180 sau Công Nguyên, khoảng 5.000 người La Mã mất đi mỗi ngày vì bệnh dịch hạch Antonine, nguồn gốc của căn bệnh này được cho là do một loại virus đậu mùa được mang tới từ bán đảo Ý bởi những người lính trở về từ Cận Đông.
Một ổ dịch khác được gọi là bệnh dịch hạch Cyprian xảy ra vào năm 251 đến năm 266 sau Công Nguyên. Đây là ổ dịch đầu tiên được ghi nhận của bệnh dịch hạch đã bắt đầu ở Ai Cập, và trong chưa đầy một năm nó đã lan đến Constantinople và gây ra cái chết của 10.000 người dân của thành phố. Theo cuốn sách “Bệnh dịch hạch và sự kết thúc của thời cổ đại” của tác giả Lester K.Little, đại dịch này đã làm giảm tới 50% dân số châu Âu trong khoảng thời gian từ năm 550-700 sau Công Nguyên và giảm từ một phần tư cho đến một nửa dân số thế giới.
Cái Chết Đen là tên gọi của một đại dịch hạch xảy ra ở châu Á và châu Âu trong thế kỷ XIV, đỉnh điểm là năm 1346-1351 với số lượng người chết ở châu Á và châu Âu là khoảng 75 - 200 triệu người. Đây được coi là một trong những đại dịch chết chóc nhất trong lịch sử nhân loại.
Dịch hạch là căn bệnh gây ra bởi loại vi khuẩn Yersinia pestis và lây lan qua loài bọ chét sống trên chuột đen. Một khi bị nhiễm bệnh, bệnh nhân chỉ có thể sống khoảng 60 - 180 giờ.
1.2. Dịch tả
Kể từ khi phổ biến vào thế kỷ 19, dịch tả đã giết chết hàng chục triệu người:
- Đại dịch tả lần thứ nhất (1817-1824): căn bệnh này trước đây chỉ tập trung ở tiểu lục địa Ấn Độ, bắt đầu ở Bengal sau đó lan rộng khắp Ấn Độ vào năm 1820. Nó khiến cho 10.000 binh lính Anh và vô số người Ấn Độ chết trong đại dịch đó. Căn bệnh này lan rộng đến tận Trung Quốc, Indonesia và Biển Caspi trước khi kết thúc. Số ca tử vong trong đại dịch này lục địa Ấn Độ từ năm 1817 - 1860 ướng tính trên 15 triệu người. Và khoảng 23 triệu người khác đã chết trong khoảng thời gian từ năm 1865- 1917. Số ca tử vong tương tự ở Nga trong khoảng thời gian này là trên 2 triệu trường hợp.
- Đại dịch tả lần thứ hai (1826-1837): dịch bệnh xảy ra ở Nga, Hungary (khiến khoảng 100.000 người chết), ở Đức năm 1831, ở London năm 1832 (hơn 55.000 người tử vong ở Anh), Pháp, Canada, Hoa Kỳ trong năm đó, ở bờ biển Thái Bình Dương và Bắc Mỹ vào năm 1834. Có nguồn tin cho rằng đã có khoảng 150.000 người Mỹ chết vì dịch tả trong khoảng thời gian từ năm 1832 đến 1849.
- Đại dịch tả lần thứ ba (1846-1860): Nga là nước chịu ảnh hưởng nặng nề, với hơn một triệu người chết. Một đợt bùng phát kéo dài trong hai năm bắt đầu ở Anh và xứ Wales vào năm 1848 đã cướp đi sinh mạng của 52.000 người. Dịch tả đã gây ra hơn 236.000 ca tử vong trên khắp Tây Ban Nha vào năm 1854. Nó còn cướp đi sinh mang của 200.000 người ở Mexico.
- Đại dịch tả lần thứ tư (1863-75): lần này bệnh tả chủ yếu ở Châu Âu và Châu Phi. Ít nhất có khoảng 30.000 trong số 90.000 người hành hương Mecca đã trở thành nạn nhân của căn bệnh này. Dịch bệnh đã cướp đi sinh mạng của 90.000 người ở Nga vào năm 1866. Cũng trong năm 1866 đã đã có một vụ dịch ở Bắc Mỹ, nó khiến cho khoảng 50.000 người Mỹ tử vong.
- Đại dịch tả lần thứ năm (1881-96): Dịch bệnh năm 1883-1887 đã khiến 250.000 người ở châu Âu và ít nhất 50.000 người ở Châu Mỹ thiệt mạng. Dịch tả đã cướp đi sự sống của 267.890 người ở Nga, 120.000 người Tây Ban Nha, 90.000 người Nhật Bản và 60.000 người Ba Tư. Năm 1892, dịch tả đã làm ô nhiễm nguồn cung cấp nước của Hamburg và khiến 8.606 người thiệt mạng.
- Đại dịch tả lần thứ sáu (1899-1923): dịch tả lần này ít gây ảnh hưởng ở châu Âu vì đã có những tiến bộ về sức khỏe cộng đồng ở đây. Nhưng ở Nga lại chịu ảnh hưởng nặng nề với hơn 500.000 ca tử vong trong 1/4 đầu tiên của thế kỷ 20. Đại dịch lần thứ sáu đã cướp đi sinh mạng của hơn 800.000 người Ấn Độ. Dịch bệnh năm 1902-1904 đã khiến hơn 200.000 người Philippines tử vong.
- Đại dịch tả lần thứ bảy (1961-1975): dịch bệnh bắt đầu ở Indonesia, và được gọi là El Tor theo virus mới chịu trách nhiệm về đại dịch và đến Bangladesh năm 1963, Ấn Độ năm 1964 và Liên Xô năm 1966. Kể từ đố đại dịch lan rộng sang Châu Phi, Nam Mỹ và Trung Mỹ.
1.3. Đại dịch cúm
Bệnh cúm đã được Bác sĩ Hippocrates mô tả lần đầu tiên vào năm 412 trước Công Nguyên.
- Đại dịch cúm đầu tiên được ghi nhận vào năm 1580 và kể từ đó cứ sau 10-30 năm lại xảy ra một đại dịch cúm.
- Đại dịch cúm năm 1889 - 1890: còn được gọi là cúm Nga, được báo cáo lần đầu tiên vào tháng 5 năm 1889 tại Bukhara, Uzbekistan. Đến tháng 10, dịch bệnh đã lan đến Tomsk và Kavkaz. Dịch bệnh nhanh chóng lan ra phái tây và tấn công Bắc Mỹ vào tháng 12 năm 1889, đến Nam Mỹ vào tháng 2 đến tháng 4 năm 1890, đến Ấn Độ vào khoảng tháng 2 - tháng 3 năm 1890 và đến Úc vào tháng 3 năm 1890. Các phân nhóm H3N8 và H2N2 của virus cúm A từng được xác định có thể là nguyên nhân gây ra dịch bệnh này. Nó có tỷ lệ tấn công và gây tử vong rất cao, ước tính có khoảng 1 triệu ca tử vong.
- Cúm Tây Ban Nha (1918-1919): dịch bệnh được xác định lần đầu tiên vào đầu tháng 3 năm 1918 trong khóa huấn luyện của quân đội Hoa Kỳ tại Camp Funston, Kansas. Đến tháng 10 năm 1918, căn bệnh này đã lan rộng và trở thành đại dịch trên toàn cầu ở tất cả các châu lục và cuối cùng đã lây nhiễm cho khoảng một phần ba dân số thế giới, tương đương khoảng 500 triệu người. Nó xảy ra một cách bất thường và kết thúc nhanh chóng, biến mất hoàn toàn trong vòng 18 tháng. Chỉ trong sáu tháng, nó đã có khoảng 50 triệu người chết vì nó, theo một số ước tính khác, thì tổng số người thiệt mạng trên toàn thế giới còn lên gấp đôi con số trên. Khoảng 17 triệu người Ấn Độ tử vong, 675.000 người Hoa kỲ, 200.000 người Anh. Virus gây dịch cúm Tây Ban Nha cũng được coi là nguyên nhân gây viêm não Lethargica ở trẻ em. Gần đây, loại virus này đã được các nhà khoa học tại CDC tái tạo lại vẫn được bảo tồn bởi lớp băng vĩnh cửu Alaska. Virus cúm H1N1 có cấu trúc nhỏ nhưng quan trọng tương tự như cúm Tây Ban NHa.
- Cúm châu Á (1957-1958): loại virus H2N2 được xác định lần đầu tiên ở Trung Quốc vào cuối tháng 2 năm 1957. Nó đã gây ra khoảng 2 triệu ca tử vong trên toàn cầu. Cúm châu Á lan sang Hoa Kỳ vào tháng 6 năm 1957 và khiến 70.000 người tử vong ở Hoa Kỳ.
- Cúm Hồng Kông ( 1968-1969): một loại virus cúm H3N2 được phát hiện lần đầu tiên tại Hồng Kông vào đầu năm 1968 và lan sang Hoa Kỳ vào cuối năm đó. Đại dịch này đã giết chết khoảng một triệu người trên toàn cầu. Riêng ở Hoa Kỳ ước tính có khoảng 34.000 ca tử vong vì căn bệnh này. Virus cúm A H3N2 vẫn còn lưu hành cho đến ngày nay.
1.4. Sốt phát ban
Sốt phát ban đôi khi còn được gọi là “cơn sốt trại” vì mô hình bùng phát lên trong thời kỳ xung đột. Ngoài ra nó còn được gọi là “sốt gaol” và “sốt tàu” vì nó lây lan dữ đội trong các khu vực chật chội như nhà tù và tàu. Trong cuộc chiến giữa người Kitô giáo Tây Ban Nha và người Hồi giáo ở Granada, số người Tây Ban Nha thiệt mạng vì chiến tranh là 3.000 người, còn số người thiệt mạng vì bệnh sốt phát ban lên đến 20.000 người.
Năm 1528, Pháp mất 18.000 binh sĩ ở Y và mất quyền tối cao ở Y đối với người Tây Ban Nha cũng vì căn bệnh này. Năm 1524, khoảng 30.000 binh sĩ đã thiệt mạng vì bệnh sốt phát ban khi chiến đấu với người Ottoman ở Balkan.
Trong 30 năm chiến tranh (1618 - 1648) đã có khoảng 8 triệu người Đức chết bởi bệnh dịch hạch và bệnh sốt phát ban. Bệnh sốt phát ban đóng vai trò quan trọng trong việc tiêu diệt Napoleon’s Grande Armée ở Nga năm 1812. Trong cuộc rút lui khỏi Moscow, có nhiều binh lính Pháp chết vì bệnh sốt phát ban hơn là bị người Nga giết chết. Trong số 450.000 binh sĩ đã vượt qua Neman vào ngày 25 tháng 6 năm 1812 thì có ít hơn 40.000 người trở về.
Đầu năm 1813, Napoleon đã huy động một đội quân mới gồm 500.000 người để thay thế cho những tổn thất của Nga. Trong chiến dịch năm đó có hơn 219.000 binh sĩ của Napoleon đã chết vì bệnh sốt phát ban. Trong thế chiến thứ nhất, dịch bệnh sốt phát ban đã giết chết hơn 150.000 người ở Serbia. Có khoảng 25 triệu ca nhiễm bệnh và 3 triệu ca tử vong vì sốt phát ban ở Nga trong những năm 1918-1922. Sốt phát ban cũng là nguyên nhân tử vong của tù nhân chiến tranh Liên Xô trong Thế chiến II, ước tính khoảng hơn 3,5 triệu tù binh Liên Xô đã chết trong tổng số 5,7 triệu tù nhân bị Đức Quốc xã giam giữ.
1.5. Bệnh đậu mùa
Bệnh đậu mùa là một căn bệnh truyền nhiễm do virus Variola gây ra. Căn bệnh này gây ra cái chết cho khoảng 400.000 người châu Âu mỗi năm vào cuối thế kỷ 18. Trong thế kỷ 20, ước tính bệnh đậu mùa là nguyên nhân khiến cho 300 đến 500 triệu người chết. Vào đầu những năm 1950, ước tính mỗi năm có khoảng 50 triệu ca mắc bệnh đậu mùa trên thế giới. Sau các chiến dịch tiêm phòng thành công trong suốt thế kỷ 19 và 20, vào tháng 12 năm 1979 Tổ chức Y tế thế giới đã chứng nhận loại trừ bệnh đậu mùa.
Cho đến ngày nay, bệnh đầu mùa là bệnh truyền nhiễm duy nhất ở người đã bị loại bỏ hoàn toàn. Và là một trong hai loại virus truyền nhiễm bị tiêu diệt.
1.6. Bệnh sởi
Trong lịch sử, bệnh sởi là căn bệnh phổ biến trên toàn thế giới, bởi nó rất dễ lây lân. Tại Hoa Kỳ có đến 90% người bị nhiễm sởi ở tuổi 15. Trước khi vắc xin sởi được giới thiệu vào năm 1963, mỗi năm có khoảng 3 - 4 triệu ca mắc bệnh sởi ở Mỹ. Ước tính sởi đã giết chết khoảng 200 triệu người trên toàn thế giới trong 150 năm qua. Chỉ riêng năm 2000, đại dịch sởi đã cướp đi mạng sống của khoảng 777.000 người trong tổng số 40 triệu ca mắc bệnh trên toàn thế giới.
Sởi là một căn bệnh lưu hành, có nghĩa là nó đã và đang liên tục hiện diện trong một cộng đồng. Năm 1529 một vụ dịch sởi ở Cuba đã giết chết 2/3 người dân bản địa. Bệnh sởi cũng chính là căn bệnh đã tàn phá Mexico, Trung Mỹ và nền văn minh Inca.
1.7. Bệnh lao
Khoảng một phần ba dân số thế giới hiện tại đã bị nhiễm vi khuẩn Mycobacterium tuberculosis gây bệnh lao. Khoảng 5 - 10% trong số các ca nhiễm virus tiềm ẩn này sẽ tiến triển thành bệnh, nếu không được điều trị kịp thời, nó sẽ cướp đi mạng sống của một nửa số bệnh nhân này.
Hàng năm, trên toàn thế giới có khoảng 8 triệu người mắc bệnh lao và 2 triệu người chết vì căn bệnh này. Vào thế kỷ 19, bệnh lao đã giết chết khoảng một phần người trưởng thành ở châu Âu. Năm 1918, một phần sáu tổng số ca tử vong ở Pháp là do bệnh lao gây ra. Trong thế kỷ 20, ước tính bệnh lao đã giết chết khoảng 100 triệu người.
Cho đến hiện nay, bệnh lao vẫn là một trong những vấn đề sức khỏe quan trọng ở các nước đang phát triển như Việt Nam.
1.8. Bệnh phong
Bệnh phong hay còn được gọi là bệnh Hansen, gây ra bởi trực khuẩn Mycobacterium leprae. Đây là một căn bệnh mãn tính với thời gian ủ bệnh kéo dài lên tới năm năm.
Trong lịch sử, bệnh phong đã gây ảnh hưởng đến mọi người từ những năm 600 trước Công Nguyên. Dịch bệnh bùng phát bắt đầu xảy ra ở Tây Âu vào khoảng năm 1000 sau Công Nguyên. Vô số bệnh viện phong đã được xây dựng trong thời trung cổ.
1.9. Bệnh sốt rét
Bệnh sốt rét lan rộng ở các vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới, bao gồm các vùng của Châu Mỹ, Châu Á và Châu Phi. Mỗi năm có khoảng 350 - 500 triệu ca sốt rét. Tình trạng kháng thuốc đang xảy ra với các nhóm thuốc chống sốt rét hiện nay, ngoại trừ Artemisinin.
Bệnh sốt rét đã từng phổ biến ở hầu hết châu Âu và Bắc Mỹ, nơi mà hiện nay đã kiểm soát được căn bệnh này. Sốt rét được cho có thể là nguyên nhân góp phần vào sự suy tàn của Đế chế La Mã. Năm 1830, sốt rét đã lây lan đến Tây Bắc Thái Bình Dương. Trong thời kỳ nội chiến Hoa Kỳ, đã có hơn 1,2 triệu người mắc bệnh sốt rét trong số các binh lính của cả hai bên.
1.10. Sốt vàng
Bệnh sốt vàng chính là nguồn gốc của một số đợt dịch bệnh tàn phá. Các thành phố ở phía bắc như New York, Philadelphia, Boston đã bị dịch bệnh này tấn công. Năm 1793 đã có một trận dịch sốt vàng lớn nhất trong lịch sử Hoa Kỳ, khiến cho khoảng 5.000 người tử vong ở Philadelphia. Khoảng một nửa số cư dân ở đây đã chạy trốn khỏi thành phố bao gồm cả tổng thống George Washington.
2. Bệnh viêm phổi cấp do virus corona chủng mới có phải là đại dịch?
Virus corona chủng mới (Covid-19) còn được gọi là SARS-COV2, được cho là bắt nguồn từ chợ hải sản Huanan ở trung tâm thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc. Tính đến ngày 21/2/2020 đã có hơn 76.000 người mắc bệnh và có hơn 2.000 người tử vong vì căn bệnh này. Loại virus này có thể lây truyền trực tiếp từ người sang người.
Căn bệnh này đã lan sang 31 quốc gia và vùng lãnh thổ khác, tuy nhiên Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vẫn chưa tuyên bố đây là đại dịch. Ủy ban khẩn cấp về dịch bệnh Coronavirus đã được thành lập theo Quy định Y tế Quốc tế vào ngày 30 tháng 1 năm 2020. Tổ chức Y tế Thế giới chỉ tuyên bố ổ dịch là một trường hợp khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng đang được quốc tế quan tâm.
Khách hàng có thể trực tiếp đến hệ thống Y tế Vinmec trên toàn quốc để thăm khám hoặc liên hệ hotline tại đây để được hỗ trợ.
Bài viết tham khảo nguồn: ancient-origins.net