Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa I Trần Công Trình - Bác sĩ Chẩn đoán hình ảnh - Khoa Chẩn đoán hình ảnh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park. Bác sĩ đã có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực chẩn đoán hình ảnh.
Chụp cắt lớp vi tính hay còn gọi tắt là chụp CT ngày nay đã trở thành phương pháp được ứng dụng rộng rãi để phát hiện bệnh lý từ sọ não, đầu mặt cổ, tim, ngực, bụng, chậu, xương, mô mềm cho đến bệnh lý mạch máu não, cổ, mạch máu chi và các mạch máu tạng khác.
Phương pháp chụp cắt lớp vi tính cho phép đánh giá chính xác vị trí tổn thương trong không gian 3 chiều, từ đó định hướng tốt cho phẫu thuật cũng như xạ trị. Bài viết sẽ giải đáp những câu hỏi thường gặp khi chụp cắt lớp vi tính.
1. Chụp cắt lớp là gì?
Chụp cắt lớp (chụp CT) là kỹ thuật sử dụng tia X - một loại bức xạ để chiếu lên khu vực cơ thể cần được kiểm tra, có thể là não, ổ bụng, tim, phổi,... Sau khi tia X được chiếu vào cơ thể sẽ thu được hình ảnh 2 chiều hoặc 3 chiều theo lớp cắt ngang và chiếu lên màn hình máy tính chuyên dụng. Các bác sĩ có thể nhìn vào hình ảnh thu được để phát hiện và chẩn đoán bệnh lý của bệnh nhân một cách chính xác.
2. Ưu và nhược điểm của chụp cắt lớp vi tính so với các phương pháp khác
Ưu điểm:
Chụp cắt lớp vi tính có những ưu điểm:
- Hình ảnh rõ nét do không bị nhiều hình ảnh chồng lên nhau
- Độ phân giải hình ảnh cao hơn nhiều so với X quang.
- Thời gian chụp nhanh, cần thiết trong khảo sát, đánh giá các bệnh cấp cứu và khảo sát các bộ phận di động trong cơ thể (phổi, tim, gan, ruột...).
- Độ phân giải không gian đối với xương cao nên rất tốt để khảo sát các bệnh lý xương.
- Kỹ thuật dùng tia X, nên có thể dùng để chụp cho những bệnh nhân có chống chỉ định chụp cộng hưởng từ (Đặt máy tạo nhịp, van tim kim loại, máy trợ thính cố định, di vật kim loại...).
Kỹ thuật chụp cắt lớp vi tính có thể áp dụng được với nhiều đối tượng bệnh nhân, từ người đeo máy trợ thính, máy tạo nhịp tim,... cho đến người có dị vật trong cơ thể. Ngoài ra chụp CT còn được khuyến khích áp dụng đối với bệnh nhân mắc các vấn đề nghiêm trọng liên quan đến xương khớp.
So với phương pháp chụp X - quang thì kỹ thuật chụp cắt lớp vi tính hiện đại và cho kết quả rõ nét hơn bởi vì có thể chụp được hình ảnh của những mô mềm, bác sĩ có thể nhìn được rõ tổn thương bên trong. Thông thường thời gian thực hiện kỹ thuật này rất nhanh, chỉ mất từ 5 - 30 phút tùy thuộc vào từng vị trí.
Nhược điểm của phương pháp chụp cắt lớp vi tính:
Phương pháp chụp cắt lớp vi tính bác sỹ không áp dụng với trẻ nhỏ và phụ nữ đang có thai, nghi ngờ có thai. Bởi đối với phụ nữ có thai tia X chiếu vào cơ thể sẽ làm ảnh hưởng tới sự phát triển của thai nhi. Còn trẻ em, các chuyên gia cũng cảnh báo không thực hiện kỹ thuật này bởi vì tia X có thể khiến trẻ bị mắc các bệnh ung thư, mặc dù tỷ lệ là rất nhỏ.
Trên thực tế, so với phương pháp MRI thì chụp cắt lớp có độ phân giải hình ảnh về cấu trúc mô mềm kém sắc nét hơn. Do vậy khả năng phát hiện tổn thương nhỏ cũng kém hơn.
Đối với các tổn thương ở dây chằng, sụn khớp, tủy sống,... phương pháp này sẽ khó có thể phát hiện.
Chụp cắt CT khó phát hiện và phân biệt đối với những cơ quan, khu vực tổn thương có cùng độ đậm.
3. Khi nào bác sỹ chỉ định sử dụng phương pháp chụp cắt lớp?
Chụp cắt lớp được chỉ định áp dụng trong một số trường hợp:
- Để bác sỹ chẩn đoán các rối loạn ở cơ và xương, ví dụ như khối u xương hoặc gãy xương.
- Xác định vị trí của khối u, cục máu đông hoặc nhiễm trùng.
- Hỗ trợ phẫu thuật, sinh thiết và xạ trị.
- Giúp phát hiện và theo dõi tình trạng bệnh lý nặng của người bệnh như bệnh tim, bệnh ung thư,...
- Giám sát quá trình điều trị hiệu quả, chẳng hạn như điều trị bệnh tim, bệnh ung thư,...
- Nghi ngờ, chụp để phát hiện nội thương và tình trạng chảy máu trong.
4. Những lưu ý trước khi chụp cắt lớp:
Trước khi đi chụp cắt lớp nên lưu ý một số những điều sau đây:
- Thông báo rõ những vấn đề sức khỏe đang gặp
- Nếu đang trong giai đoạn mang thai hoặc nghi ngờ có thai phải báo cho bác sĩ để xem xét trước khi chỉ định thực hiện kỹ thuật này.
- Tùy thuộc vào bộ phận kiểm tra trên cơ thể mà bác sĩ sẽ yêu cầu bệnh nhân nhịn ăn uống trước khi chụp; tháo bỏ các vật dụng, đồ trang sức bằng kim loại; thay quần áo và mặc quần áo bệnh viện, phòng khám cung cấp.
- Nếu đối tượng khám bệnh là trẻ em cần có cha mẹ hoặc người thân đi kèm để hỗ trợ khi cần thiết.
5. Chụp cắt lớp có phải sử dụng thuốc cản quang không? Khi nào chụp cắt lớp vi tính có thêm chỉ định sử dụng thuốc cản quang?
Thuốc cản quang là loại thuốc được sử dụng trong chụp cắt lớp nhằm mục đích làm rõ các mô bị tổn thương để từ đó bác sĩ có thể phát hiện và chẩn đoán chính xác. Đây là loại thuốc có độ dung nạp tốt. Có một vài trường hợp người bệnh bị tác dụng phụ do thuốc như nôn, buồn nôn, ngứa, nổi mề đay, mặt đỏ phừng, sốt,... Vì vậy nếu từng có tiền sử dị ứng với loại thuốc này bạn nên báo với bác sĩ trước khi thực hiện.
Tuy nhiên không phải trường hợp nào cũng chỉ định sử dụng thuốc cản quang. Bác sĩ sẽ căn cứ vào từng tình trạng của bệnh nhân để đưa ra chỉ định có sử dụng hay không. Lưu ý rằng các trường hợp sử dụng thuốc cản quang sẽ có chi phí chụp CT đắt hơn so với không sử dụng.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.